Phá Kén - Chương 3
Tôi quay đầu lại, thấy hiệu phó đang tươi cười bắt tay, chào hỏi đám học sinh ngoài sân.
Không nghĩ ngợi gì, tôi xông đến trước mặt ông ta, quên luôn chuyện lễ phép, hét lớn:
“Vì bà ngoại tôi chưa đủ nghèo, hay vì tôi học chưa đủ giỏi?”
Hiệu phó giật mình hoảng hốt.
Một lúc sau mới đẩy lại kính mắt, từ tốn nói:
“Chu Kiển à, có gì em cứ đến gặp giáo viên phụ trách để trao đổi riêng.”
“Không.” – tôi đáp dứt khoát –
“Trong trường này còn nhiều bạn cần giúp đỡ hơn em, vậy sao các bạn ấy không có tên?”
Hiệu phó còn chưa kịp trả lời,
Lý Tiểu Minh đã ôm quả bóng rổ mới tinh, cười ngoác miệng:
“Chu Kiển, cả làng ai mà chẳng biết ba mẹ mày ở thành phố, sống nhà to, lái BMW. Danh sách này vốn dĩ không nên có mày!”
Nhưng có ai không biết… tôi là “đứa bé bị bỏ rơi” mà ba mẹ đem quăng ở quê?
“Cái này là bất công! Chương trình Xuân Lôi là dành cho nữ sinh vùng núi!”
Cậu ta cười nhạo một tiếng thật to:
“Cả làng này, có mấy đứa con gái học lên đại học chứ?”
“Cho mấy người học cũng phí, mà tại sao lại chỉ tài trợ con gái, chẳng công bằng gì hết cho tụi con trai tụi tôi!”
Lý Tiểu Minh nói xong, mấy nam sinh đứng cạnh liền bắt chước giọng tôi, nói móc:
“Không công bằng! Sao lại chỉ tài trợ con gái mà không tài trợ con trai?”
“Đúng đó! Con trai tụi tôi cũng là hoa của Tổ quốc mà!
Tại sao người ta phát băng vệ sinh cho con gái, mà không ai phát thuốc lá cho tụi tôi?”
Mấy lời đó, nghe đến đau nhói tai.
Tôi trừng mắt nhìn bọn họ, hai tay run lẩy bẩy vì tức giận.
Có những bông hoa…Chưa kịp nảy chồi, chưa kịp kết trái.
Vì từ đầu…chúng đã là thứ thối rữa.
6
“Tại sao?”
Hiệu phó giữ vẻ đạo mạo:
“Chúng tôi đồng thuận rằng, những học sinh được chọn lần này phù hợp hơn với tiêu chí nhận hỗ trợ. Tôi tin tương lai các em ấy sẽ trở thành trụ cột của làng, của thị trấn.”
Nhưng sự thật là, dù con gái có giỏi đến đâu, thì trong mắt bọn họ… cũng chẳng bằng cái thân phận con trai.
Đàn ông là trời, là đất, là cột trụ.
Còn con gái? Không đáng để nhắc đến.
Chỉ vì tôi là con gái.
“Tiêu chí là gì?!”
Máu trong đầu tôi như sôi lên, ập thẳng vào đỉnh đầu, tôi không thể kìm nén nổi nữa.
Hiệu phó cúi đầu, mặc nhiên thừa nhận.
Có lẽ ông ta nghĩ: người của tổ chức từ thiện đã đi rồi, tôi có làm gì cũng vô ích.
Tôi quay lại, thấy mấy nữ sinh đứng dọc hành lang nhìn tôi.
Các bạn ấy mím môi, không ai đứng ra bênh vực hay nói giúp tôi.
Tôi không trách họ, bởi họ cũng là nạn nhân trong cùng một xã hội áp bức. Nhưng tôi phải đứng lên, phải đòi lại thứ đáng lẽ thuộc về mình.
Vì bà ngoại tôi nói, phá vỡ truyền thống là hành trình cô độc và dũng cảm.
Nếu sợ, thì chẳng thể làm nên chuyện gì cả.
Bà ngoại tôi ngày xưa cũng chẳng sợ, nên mới có thể trở thành người phụ nữ đầu tiên trong làng ly hôn mà vẫn sống tốt.
“Đó là bởi vì, nếu con gái trong làng không lấy chồng sớm, không ra ngoài làm công nhân, thì sẽ bị đám đàn bà chỉ trỏ nói ra nói vào, bị cha mẹ đánh chửi.”
“Họ không có quyền lựa chọn. Chẳng ai hỏi họ có muốn đi học không, người ta chỉ quan tâm họ bao giờ kiếm được tiền để nuôi anh em trai, bao giờ lấy chồng, bao giờ sinh con.”
“Ngay từ khi lọt lòng, con gái đã bị đối xử bất công rồi!”
“Cái gọi là công bằng mà tôi muốn – chính là tôi muốn đi học! Tôi muốn đi học! Tôi muốn đi học!”
Tôi nghiến chặt răng, nước mắt trào lên cay xè, lòng sục sôi.
Trong giây lát, tôi có cảm giác như máu xộc lên não, tai vang ù ù một hồi chói tai.
Tôi mặc kệ nước mắt, mặc kệ nước mũi dính đầy mặt, xông tới bảng thông báo xé toạc danh sách hỗ trợ.
Tôi gào thét, chửi thẳng vào mặt mấy thằng con trai to cao hơn mình:
“Bọn mày ăn uống no nê, mập mạp trắng trẻo, ngày ngày ở nhà không chơi game thì ngủ nướng! Đến cái trường nghề còn không đủ sức vào, là một lũ vô tích sự, ăn hại, chỉ biết mơ mộng viển vông!”
“Cút mẹ mày đi mà học đại học chó má gì đó!”
“Bọn mày không xứng!”
Tôi kéo tay áo, quệt mũi, rồi gào thẳng vào mặt bọn chúng:
“Tôi sẽ đi tìm trưởng thôn báo cáo chuyện mấy người dựa quan hệ để được tài trợ! Nếu trưởng thôn không giải quyết, tôi lên thành phố, tìm báo chí, tìm phóng viên vạch trần chuyện các người lừa tiền tài trợ! Để xem các người còn dám đứng đây làm ‘hoa của Tổ quốc’ nữa không?!”
Nói xong, tôi trừng mắt nhìn hiệu phó đang toát mồ hôi, định mở miệng can ngăn:
“Có giỏi thì đuổi học tôi đi! Đuổi học sinh thủ khoa đầu vào mà trường đặc cách nhận vào đi!”
“Nơi này không giữ tôi được, thì sẽ có nơi khác giữ!”
Mặt ông ta tái mét, lập tức im bặt.
Hồi đó còn mấy trường cấp ba ở thị trấn bên cạnh ngỏ ý miễn học phí mời tôi nhập học.
Tôi vì không muốn rời xa bà ngoại nên mới không nhận lời.
Nếu để mất tôi, cũng có nghĩa là bỏ lỡ một cơ hội có sinh viên đại học từ nông thôn, chuyện này hiệu phó không dám gánh nổi.
Càng nói tôi càng khí thế, còn Lý Tiểu Minh thì sắc mặt càng lúc càng khó coi.
Cuối cùng hắn tức đến mất khống chế, gào lên:
“Con đ chết tiệt! Mày muốn chết à?”
Hắn ném mạnh quả bóng rổ trong tay về phía tôi.
Tôi là đứa ngày nào cũng cắm đầu vào học, còn yếu hơn mấy đứa con gái khác trong làng.
Chạy vài bước thôi cũng thở không ra hơi, thể lực thì yếu ớt đến đáng thương.
Còn Lý Tiểu Minh, học lưu ban hai năm, lớn hơn tôi đến bốn năm, cao hơn tôi hai cái đầu, nhìn như lưu manh thực thụ.
Thật ra, chân tôi đang run như cầy sấy, chỉ là… tôi không để lộ ra mặt.
Tôi chỉ biết quả bóng ấy bay như một quả bom, xé gió lao thẳng tới đầu tôi.
Tôi theo phản xạ nhắm mắt thật chặt.
Nhưng… cơn đau mà tôi chờ đợi lại không ập đến.
Mắt tối sầm lại, ánh sáng bị che khuất.
Tôi mở mắt ra, nhìn thấy một bóng người cao gầy như cây dương trắng, đang chắn trước mặt tôi.
Tôi sửng sốt nhìn người ấy, khẽ khàng gọi:
“Trương Vũ…”
7
Trương Vũ thay tôi lãnh trọn cú ném bóng, bị đưa thẳng đến phòng y tế của trường.
Sau đầu sưng lên một cục to bằng nắm đấm.
Tôi nhìn thiếu niên trước mặt – gương mặt trắng trẻo, đường nét thanh tú, giọng nói nhẹ nhàng an ủi tôi:
“Không sao đâu, Chu Kiển, không đau tí nào, đừng lo cho tớ.”
Lời cậu ấy vừa dứt, khóe mắt tôi lại đỏ lên.
Từ sau khi tôi từ chối lời tỏ tình của Trương Vũ, chúng tôi không còn nói chuyện với nhau nữa.
Không ngờ lần tái ngộ lại trong một hoàn cảnh tệ đến thế này.
Trương Vũ là đứa trẻ được bế về làng khi chưa đầy một tuổi.
Năm đó trong làng chết đuối hàng chục bé gái, chẳng ai sinh được con trai.
Bà ngoại từng kể, không chỉ khó sinh con trai mà muốn xin một đứa về nuôi cũng cực khó.
Nhà họ Trương ngày xưa làm ăn buôn bán, là hộ đầu tiên trong làng kiếm được cả chục vạn tệ, lúc nào cũng mong có con trai để nối dõi tông đường.
Nhưng bác Trương không sinh được, cuối cùng phải cắn răng móc ra gần hết tiền dành dụm cả đời, vào một sáng sớm mới bế được cậu bé này về.
Tôi quen Trương Vũ đã hơn mười năm.
Cậu ấy là người bạn trai duy nhất của tôi ở trong làng.
Cậu luôn thích đi theo sau tôi từng bước, dù bị người khác gọi là cái đuôi cũng chỉ cười hì hì nhìn tôi, chưa bao giờ phản bác.
Hồi tiểu học, tôi đọc bài văn, nói rằng ước mơ của tôi là thi đậu vào Đại học Thanh Hoa.
Cả lớp đều bật cười, vì mấy ai rời được khỏi cái làng này, mà từ trước tới giờ cũng chưa từng có nữ sinh nào đậu đại học.
Tôi còn chưa kịp phản ứng thì Trương Vũ đã lớn tiếng cãi lại:
“Nói bậy! Chu Kiển nhất định sẽ đậu! Tớ tin bạn ấy!”
Từ nhỏ đến lớn, tôi rất ghét những gã đàn ông ăn không ngồi rồi trong làng.
Miễn là con trai thì tôi đều khó thân, trừ Trương Vũ.
Cũng chính vì có mười mấy năm bên nhau như thế…
Mà dần dần… tôi đã thích cậu ấy.
Nhưng tôi phải học.
Phải đậu đại học.
Phải vào Thanh Hoa.
Chỉ có như vậy tôi mới thoát khỏi cuộc sống hiện tại.
Gánh nặng trên vai nặng đến thế, làm sao tôi dám bày tỏ tình cảm?
Thấy tôi im lặng, khóe môi Trương Vũ khẽ trầm xuống, trong mắt lấp lánh nét xao động.
Cậu mím môi, nói khẽ:
“Bạn về trước đi, tớ không sao đâu, đừng để chậm việc học của bạn.”
“Những lời tớ nói là thật, bạn đừng nghĩ nhiều.” – Trương Vũ vội vàng nói thêm –
“Tớ biết học hành rất quan trọng với bạn, tớ sẽ không ảnh hưởng đến bạn đâu, yên tâm.”
Giọng nói mang theo nỗi hụt hẫng khiến mũi tôi cay xè.
Tôi nhìn vào đôi mắt ươn ướt của cậu ấy, trong lòng dâng lên một cơn xúc động mãnh liệt.
“Tớ không về. Tớ ở lại chăm sóc cậu.”
Cậu ngẩn ra:
“Nhưng cậu còn phải thi đại học… tớ không vội, thật mà… tớ từng nói, tớ sẽ đợi cậu.”
Cái đêm Trương Vũ tỏ tình, cậu ấy đã nói sẽ đợi tôi cho đến khi tôi có thể dừng lại.
Đã ba năm rồi, cậu ấy vẫn chưa từng quên lời mình đã nói.
Ngoài bà ngoại, chưa từng có ai đối với tôi kiên nhẫn như vậy.
Mắt tôi ươn ướt, cuối cùng không thể kìm nén thứ tình cảm đã chôn giấu bấy lâu nữa – nó trào dâng từ sâu thẳm đáy lòng.
“Đợi tớ thi xong đại học… chúng ta sẽ bên nhau!”
Trương Vũ lặng lẽ nhìn tôi.
Cậu khẽ đưa tay, dùng đầu ngón tay móc lấy ngón út của tôi, thử thăm dò.
Mãi một lúc sau mới nặng nề gật đầu.
Khoảnh khắc đó, tôi có cảm giác như một tia sáng rực rỡ mới mẻ vừa chiếu vào đời mình.
Giống như ánh sáng năm xưa của bà ngoại…
…luôn luôn soi rọi tôi.
8
Từ hôm bị ném bóng hôm đó, bên cạnh tôi bắt đầu có thêm một người.
Tuy chưa chính thức ở bên nhau, nhưng trong lòng tôi… Trương Vũ đã chiếm một phần không nhỏ.
Cậu nói muốn học thật tốt, không để bị tôi bỏ lại quá xa.
Vì muốn Trương Vũ có thể thi vào đại học cùng thành phố với tôi, tôi bắt đầu chép thêm một bản ghi chú mỗi ngày cho cậu ấy, dành một tiếng giảng bài, giúp cậu học từ vựng.
Nhưng rồi…
Thành tích của tôi dần tụt dốc.
Từ hạng nhất kỳ thi thử đầu tiên, rơi xuống hạng 23 trong kỳ thi hàng tháng, rồi lại tụt tiếp xuống hạng 58…
Đỉnh cao thì chỉ có một vị trí.
Nhưng tụt dốc… không có giới hạn.
Trương Vũ an ủi tôi:
“Có nhiều người thi đại học còn cao hơn điểm thi thử hai, ba chục điểm. Cậu chỉ là tạm thời thất bại thôi, đừng để trong lòng.”
Tôi cũng cố tự nhủ phải thư giãn một chút.
Cho đến khi cô chủ nhiệm tìm tôi nói chuyện.
Tôi mới hiểu, thành tích của tôi không chỉ là vài con số tuột khỏi bảng xếp hạng.
Lần thi thử thứ ba, điểm của tôi rớt thẳng từ mức đỗ đại học trọng điểm xuống chỉ vừa chạm vạch đỗ nguyện vọng một.
Nhìn ánh mắt nghiêm khắc của giáo viên, tôi biết rõ… mình đang ngày một xa dần giấc mơ Thanh Hoa.
Trương Vũ vẫn tiếp tục an ủi tôi:
“Không sao cả. Dù cậu không thi đỗ, tớ cũng sẽ luôn ủng hộ cậu.
Cùng lắm sau này tớ đi làm kiếm tiền nuôi cậu cũng được mà.”
Nghe đến đây, tôi chẳng cảm thấy ngọt ngào gì hết – ngược lại, trong lòng dấy lên sự khó chịu.
Tôi quay đầu nhìn gương mặt mình phản chiếu mờ mịt trong tấm kính cửa sổ – xanh xao và rệu rã,
lặng lẽ nghiêng người né tránh cái chạm tay thân mật mà Trương Vũ định đưa tới.
“Tối nay tớ không dạy cậu nữa, mệt rồi. Tớ về phòng nghỉ trước đây.”
Trương Vũ ngẩn ra.
Một lúc sau mới miễn cưỡng đáp lại:
“Ừ… cũng được.”
Tôi như chạy trốn khỏi bên cạnh cậu.
Tôi không rõ từ bao giờ…
Trương Vũ bắt đầu khiến tôi nghẹt thở.
Xuống đến tầng một, tôi phát hiện quên mất cuốn sách để lại lớp Trương Vũ.
Do dự một chút, tôi quay lại lấy.
Khi tới gần cửa lớp, tôi bất chợt nghe thấy giọng Trương Vũ, rõ ràng vang lên trong không gian tĩnh mịch.
Cậu đang gác chân lên bàn, nghênh ngang gọi điện bằng máy di động mini.
“Chu Kiển càng lớn càng xinh ra, giống mẹ cô ta. Mẹ con nhà đó nhìn là biết loại quyến rũ, không lạ khi dụ được mấy gã thành phố.”
“Chỉ tiếc là chán lắm, cứng đơ như khúc gỗ, hôn một cái cũng không cho.”
“Mẹ kiếp, đợi thi đại học xong, kiểu gì tao cũng phải sướng một trận!”
…
Tôi đứng chết lặng trước cửa.
Toàn thân lạnh buốt.
Không phải vì gió… Mà vì lòng người.