Trung Trinh Khách - Chương 3
Lần này, ông không như trước kia bước tới, lau đi những giọt nước mắt yếu đuối trên gương mặt ta.
Ông đã hạ quyết tâm, bởi vì loạn thế sắp đến, nước mắt là thứ vô dụng nhất.
Khắp kinh thành nơi nơi đều có tai mắt giám sát, việc quay về Giang Nam không thể để lộ ra ngoài. Mọi thứ đều được chuẩn bị kỹ lưỡng trong những con sóng ngầm âm thầm.
Tiếng trống trận không lời, căng thẳng vang lên trong lòng.
Trước khi lên đường, ta xin một lá bùa bình an, cất vào túi gấm. Đồng thời, ta lấy thanh bảo kiếm của cha, vốn được treo trong nhà, mang đến tặng Triệu Ký Thành.
Người mở cửa là một lão bà, tuổi cao, tai lãng, nghe không rõ. Ta lặp lại vài lần, bà vẫn nghiêng tai hỏi với vẻ nghi hoặc: “Cô nương, cô là người nhà ai vậy?”
Ta lắc đầu, ngắn gọn nói nhờ bà giao những vật này cho Triệu Ký Thành, rồi quay người rời đi.
Lão bà nhìn thấy họa tiết tinh xảo trên vỏ kiếm, hiểu nhầm ý, liền vội vã nói với theo: “Ôi trời, đại nhân nhà chúng ta không lấy vợ, sợ là đã phụ lòng cô nương rồi!”
Ta cúi đầu bước vào xe ngựa, không đáp lời.
Bảo kiếm tặng anh hùng, chỉ là trả ơn mà thôi.
Năng lực của ta nhỏ bé, chỉ có thể gửi gắm hy vọng vào những người trung trinh như hắn để bảo vệ đất nước.
Đoàn xe “thăm thân” mang theo từng xe sách quý và tranh họa cổ đi về phía Nam. Khi xưa, nhiều kiệt tác đã bị hủy hoại trong chiến loạn, quả là đáng tiếc.
Binh sĩ ở cổng thành kiểm tra rất gắt gao. Ta vốn đam mê sưu tầm sách tranh, điều này ai ở kinh thành cũng biết, nên khi thấy những vật này, họ cũng không mảy may nghi ngờ.
Huống hồ Lục Giới vẫn ở lại kinh thành, còn ta chỉ là một nữ tử nhỏ bé, chẳng có gì đáng để cảnh giác.
Dẫu vậy, khi thấy binh sĩ cẩn thận soi xét từng món đồ, ánh mắt sắc bén, lòng ta vẫn không khỏi bồn chồn lo lắng.
Trong thành từ khi nào mà việc kiểm tra xe ngựa của các thế gia lại nghiêm ngặt đến vậy? Chẳng lẽ tai mắt của các Phiên vương đã nghe được chút phong thanh?
Cuối cùng, khi việc kiểm tra đã xong, ta vừa thở phào nhẹ nhõm thì đột nhiên có người ngăn lại, yêu cầu ta xuống xe để khám xét.
Lòng ta trĩu nặng. Trong ngực ta còn mang theo ngọc tỷ.
Lão quản gia lập tức tiến lên cản: “Tiểu thư nhà ta thân phận cao quý, sao có thể chịu nhục như vậy!”
“Trên có lệnh, không phân biệt công hầu.” Vị Vệ úy mặt không biểu cảm, bước lên một bước, tay đặt lên chuôi đao.
Một binh sĩ bên cạnh liếc nhìn về phía sau, kéo hắn lại, nhỏ giọng nói: “Hay là bỏ qua đi, đây là Chương gia tiểu thư, phía sau còn có Trung Thư lệnh đang nhìn.”
Cữu cữu ta không yên tâm, cưỡi ngựa theo sau, giữ một khoảng cách không xa không gần.
Không ngờ Vệ úy đó chẳng hề sợ hãi, hất tay, lạnh lùng lặp lại: “Đã nói rồi, trên có lệnh, không phân biệt công hầu!”
Không khí lập tức trở nên căng thẳng, như kiếm rời khỏi vỏ.
Ta ngồi cứng đờ trong xe ngựa, qua lớp rèm trúc, đầu óc quay cuồng suy tính.
Lấy ngọc tỷ ra giấu vào ngăn bí mật trên xe cũng không đảm bảo sẽ không bị tìm thấy. Nếu cữu cữu xuất hiện lúc này, tình hình có thể càng náo loạn, gây chú ý hơn.
Đang lúc bối rối, bên ngoài vang lên một giọng nói trong trẻo và rõ ràng: “Trên có lệnh? Không biết là lệnh của ai? Chúng ta, những binh sĩ giữ thành, lại chưa từng nghe qua.”
Ánh sáng mờ mờ lọt qua rèm trúc, ta nhìn thấy Triệu Ký Thành chậm rãi bước tới. Dáng người gầy cao như cây trúc xanh, thẳng tắp và nghiêm nghị.
Vệ úy Cấm quân mím chặt môi. Dẫu quan vị của hai người không tương đương, nhưng Cấm quân chủ yếu bảo vệ hoàng thành, về lý không thể can thiệp vào việc kiểm soát cổng thành của quân đội bên ngoài.
Chưa kịp để Vệ úy lên tiếng lấy danh Hoàng tử Lưu Thiệu ra dọa, Triệu Ký Thành đã mở lời trước: “Là lệnh của Hoàng thượng, hay của Thái tử? Tướng quân không màng thể diện của thế gia, ra lệnh phong tỏa cổng thành, kẻ không rõ nội tình sẽ nghĩ rằng cấp trên của tướng quân có dụng ý riêng.”
Câu này ám chỉ Lưu Thiệu có ý đồ tạo phản.
Sắc mặt Vệ úy khó coi, nghiến răng nhìn chằm chằm: “Triệu Ký Thành, ngươi vừa mới bước vào quan trường, đừng quá đắc tội với người khác.”
Triệu Ký Thành bình thản gật đầu: “Thật hổ thẹn, Triệu mỗ ngu muội, không biết làm quan. Chỉ biết tôn Hoàng thượng làm chủ, giữ lệnh của Hoàng thượng, để dân chúng không phải lo sợ.”
Nói xong, hắn mặc kệ ánh mắt sắc bén xung quanh, ra hiệu cho người thả lối.
Hàng trường thương lùi sang một bên, nhường một con đường hẹp. Xe ngựa lại tiếp tục lăn bánh. Qua lớp rèm trúc, ánh mắt ta trong thoáng chốc chạm phải ánh mắt của Triệu Ký Thành.
6
Rời khỏi thành, vượt qua vài trạm kiểm soát, người đi đường ngày càng thưa thớt.
Thủ lĩnh đội hộ vệ ngẩng đầu nhìn một đường trời nằm giữa hai ngọn núi cao vút, rồi quay ngựa lại trao đổi gì đó với lão quản sự.
Lão quản sự cau mày, chạy bước nhỏ đến trước xe ngựa, nói: “Tiểu thư, có lẽ chúng ta phải chia làm hai đường và đổi lộ trình.”
“Đổi lộ trình?”
Giờ đây chúng ta đã rời thành được bảy tám ngày, tiết khí cuối xuân, ánh nắng bắt đầu gay gắt, chiếu rọi khiến người ta mệt mỏi buồn ngủ. Ta vén rèm lên, nhìn về phía trước.
Ban đầu, hành trình này vốn là đi theo đường nhỏ, vượt qua Đại Yển Khẩu, rồi men theo sông Hoài ngồi thuyền đến Từ Châu. Đến khi bước vào địa phận Giang Nam, hành trình sẽ dễ dàng hơn.
Đột ngột phải đổi đường, chẳng lẽ phía trước đã xảy ra chuyện?
Lão quản sự gật đầu, giữa hàng lông mày hằn sâu nét lo âu. “Nguyên tướng quân nói từ khi chúng ta rời thành, mọi chuyện đã không bình thường. Có lẽ đã bị người khác theo dõi. Giờ đến Đại Yển Khẩu, đường vào dễ nhưng đường thoát lại khó, không một bóng chim. Chắc chắn phía trước có mai phục.
“Để đảm bảo an toàn cho tiểu thư, xin tiểu thư đổi trang phục với nha hoàn, chia làm hai đội để đánh lạc hướng. Sau đó sẽ hội hợp tại trạm dịch ở bến đò.”
Ta cúi đầu, ngập ngừng.
Nha hoàn Nga Nhi nắm lấy mu bàn tay ta, nói: “Tiểu thư, nô tỳ nguyện ý.”
Không đợi ta mở lời, nàng đã gật đầu với lão quản sự, hạ rèm xe, đưa tay nhanh chóng cởi nút áo của ta.
“Hành trình này khó khăn, phu nhân đã sớm dặn dò, nô tỳ tự xin tùy hành, chính vì không an tâm về tiểu thư.”
Thấy ta do dự, nàng nghiêm mặt, nói dứt khoát: “Tiểu thư chẳng lẽ đã quên lời phu nhân dặn sao? Huống hồ chia đường mà đi cũng là họa phúc chia đôi. Nô tỳ biết tiểu thư yêu quý nô tỳ, nhưng việc này cần theo lẽ mà làm, đừng vì thân phận thấp hèn của nô tỳ mà làm chậm trễ thời cơ, hỏng việc lớn.”
Ta sững người, nhìn chằm chằm Nga Nhi.
Kiếp trước, trong đám nha hoàn theo ta trốn về phía Nam, chỉ có nàng sống sót. Nhưng dù vậy, nàng vẫn bị liệt chân do đường đi gian nan, sau khi đến miền Nam không lâu thì vì bệnh mà qua đời.
Làm sao ta có thể lại để nàng rơi vào hiểm cảnh lần nữa?
“Tiểu thư! Đại sự là trên hết!” Nga Nhi vội vàng nói, giọng đầy lo lắng.
Lòng ta nặng trĩu, khẽ thở dài. Ta cắn răng, nén nước mắt, buông tay xuống.
Rất nhanh, Nga Nhi đã thay xong y phục của ta, còn đội mũ trùm đầu cho ta.
Ta dặn dò: “Nhất định phải cẩn thận.”
Nàng mỉm cười, qua lớp sa mỏng không rõ trong mắt nàng có sợ hãi hay không.
Tiếng giục giã vang lên bên ngoài, chúng ta đành vội vã chia tay. Nhân lúc trời tối, một đội đi thẳng Đại Yển Khẩu, đội còn lại lặng lẽ vòng qua núi.
7
Không biết đã đi bao lâu, trời đã khuya.
Ánh trăng nhợt nhạt chiếu lên những bóng dáng mệt mỏi, nặng nề của xe ngựa. Lão quản sự yêu cầu mọi người kiên nhẫn, đợi đến khi trời sáng xuống núi sẽ nghỉ ngơi.
Ta cũng hiểu rằng lúc này không thể lơ là cảnh giác. Nhưng xung quanh quá yên tĩnh, đến cả tiếng gió cũng không có.
Mấy ngày nay, vội vã lên đường, sức lực ta đã cạn kiệt. Ta dựa vào vách xe, mí mắt không ngừng sụp xuống.
Chỉ chợp mắt một chút, đột nhiên bên ngoài vang lên tiếng ngựa hí.
Lòng ta hoảng hốt, giật mình mở mắt.
Phía trước, dưới ánh trăng, một nhóm bóng đen bất ngờ xuất hiện, ánh đao lạnh lẽo vung lên, chém vào hàng ngựa mở đường phía trước.
Lão quản sự lập tức phản ứng, thúc ngựa lao đến, đá tung cửa xe, kéo ta lên ngựa, ghìm cương quát thấp: “Đi!”
Tên cướp dẫn đầu đôi mắt sắc như sói, nham hiểm nhìn sang, vung đao chỉ về phía này, hét lớn:
“Bên này! Đuổi theo vào rừng!”
Gió đêm lạnh thổi qua má, đau rát như dao cứa.
Một mũi tên bất ngờ bắn trúng vai lão quản sự, mồ hôi lạnh trên trán ông túa ra, nhưng vẫn ôm chặt lấy ta, ngã xuống ngựa.
“Dịch Bá!” Ta hoảng hốt gọi.
Không kịp nói thêm lời nào, ông lảo đảo đẩy ta xuống một sườn dốc thấp. Dưới đó, lá thông khô phủ đầy đất, ông vội vàng nhét ta vào một gốc cây rỗng, nơi có thể che giấu một cách tự nhiên.
Tiếng vó ngựa đuổi sát đến gần.
“Đừng lên tiếng.”
Ông thở dốc, nhắn nhủ lời cuối cùng, sau đó quay lên ngựa, dẫn dụ đám truy binh đi tiếp.
Tiếng chân dồn dập, tiếng hò hét truy đuổi như những đợt sóng ập đến, cuốn trôi mọi thứ.
Ta co rúm trong gốc cây, tay chân lạnh buốt, tê dại, nghe rõ tiếng la hét, chém giết trên đầu. Ta cắn chặt tay mình, không dám bật ra tiếng động nào.
Rất lâu sau, rừng cây mới trở lại yên tĩnh. Gió lướt qua những ngọn thông, xào xạc tựa tiếng mưa.
Từng giọt, từng giọt, thấm vào gốc cây.
Đó không phải mưa.
Toàn bộ là máu.
Ta bò ra khỏi gốc cây, tay đầy máu, siết chặt áo choàng, không dám quay đầu nhìn lại.
Tiếng khóc lóc vì sợ hãi không thể kéo người chết trở lại.
Chỉ có thể tiến lên, tiến về phía trước.