Trọng Sinh Sau Thập Niên 70: Những Đứa Con Lang Sói - Chương 4
13.
Dạo này, tôi cứ có cảm giác có ai đó đang theo dõi mình, khiến lòng bất an.
Quay đầu mấy lần, đều không thấy gì.
Cho đến một ngày, tôi trở về nhà thì phát hiện đồ đạc bị lục lọi.
Linh cảm vụt đến, tôi mở ngăn tủ đầu giường, thẻ ngân hàng giấu dưới lớp báo không cánh mà bay.
Rút kinh nghiệm từ kiếp trước, lần này tôi chia số tiền mình có làm ba phần:
Một phần gửi vào tài khoản đầu tư sinh lời, ba tháng đáo hạn tự động quay vòng.
Một phần gửi ngân hàng theo kỳ hạn, lấy lãi cao.
Một phần gửi tiết kiệm không kỳ hạn – hai mươi vạn – để dùng khi khẩn cấp.
Và bây giờ, chính là thẻ hai mươi vạn đó đã mất.
Sợ lớn tuổi rồi dễ quên, nên tôi từng ghi mật khẩu thẻ lên tờ báo.
Tiểu Lệ hoảng hốt:
“Bà ơi, lúc đi cháu khóa cửa cẩn thận rồi mà?”
Tôi nói: “Không phải lỗi của cháu. Gọi công an đi.”
Cảnh sát nhanh chóng tra được kẻ đột nhập từ camera giám sát khu nhà.
Mặc dù hắn đội mũ, đeo khẩu trang và kính đen che kín người, nhưng tôi vẫn nhận ra hình dáng, chính là thằng Lượng, con trai thằng tư.
Chỉ có điều, lần này nó trộm trễ hơn kiếp trước nửa năm.
Kiếp trước, thằng cả bảo tôi đừng báo công an, hứa với tôi sẽ thay nhau mang cơm.
Nhưng thực tế là, nó kéo thằng hai và thằng ba đến ép thằng tư chia tiền, nếu không thì để thằng Lượng ngồi tù.
Thế là cả bọn chia nhau năm mươi vạn trong sổ tiết kiệm.
Tôi nghe lời thằng cả, không báo công an, và kết cục là… tự đẩy mình xuống địa ngục.
Kiếp này.
Thằng tư cùng Lý Hoa Anh đến đồn công an, cúi đầu khom lưng trước cảnh sát:
“Hiểu lầm thôi, chỉ là hiểu lầm. Mẹ tôi không có nhà, thằng nhỏ cần tiền gấp nên tự vào lấy.”
Tôi hỏi thằng Lượng:
“Sao cháu biết mật mã cửa?”
Nó tỉnh bơ: “Bà không nhớ à? Trước kia bà từng nói cho cháu mà.”
Chỉ một câu, nó phủi sạch tội danh đột nhập.
Nhưng cảnh sát đã tra camera kỹ lưỡng, nó bám theo tôi từ trước, nấp trên cầu thang, lén nhìn khi tôi nhập mật khẩu, nên mới dễ dàng vào nhà.
Cảnh sát hỏi tôi có muốn hòa giải không.
Tôi kiên quyết trả lời:
“Không. Tôi chưa bao giờ cho nó mật khẩu. Nó lợi dụng lúc tôi vắng nhà để đột nhập và trộm tiền. Tôi không chấp nhận hòa giải.”
Thằng út nhìn tôi sửng sốt:
“Mẹ, làm vậy là hại thằng Lượng đấy! Nó mới mười sáu tuổi, chẳng lẽ mẹ để nó bị hủy cả đời?”
Lý Hoa Anh thì trừng mắt, gằn giọng:
“Mẹ cũng bảy mươi rồi, không chừa cho mình đường lui à? Về già ai nuôi mẹ?”
“Số tiền đó là của nhà tôi. Con trai tôi lấy lại tiền nhà mình thì có gì sai?”
Nghe kìa, nói mà như thể mình là nạn nhân.
Tôi đáp:
“Hủy hoại nó chẳng phải chính là các người sao? Suốt ngày ở nhà bàn chuyện tiền nong, một đứa nhỏ như nó lấy đâu ra ý nghĩ trộm tiền nếu không nghe các người rỉ tai?”
“Nếu tôi bỏ qua, các người sẽ nuôi tôi ư? Hay lại cầm tiền rồi cấm cửa như kiếp trước?”
Một câu trúng tim đen.
Thấy tôi không nhượng bộ, cả hai lại đổi giọng:
“Mẹ, mình về nhà nói tiếp, mẹ muốn đánh muốn mắng gì cũng được, tụi con cũng không ngăn.”
“Sau này mẹ đi lại không tiện, cứ để cháu đích tôn bưng trà rót nước hầu hạ mẹ.”
Tôi chẳng mảy may động lòng.
Con trai còn tệ đến mức đó, cháu trai thì mong gì?
Thằng Lượng ban đầu còn ra vẻ cứng đầu, nhưng đến lúc bị cảnh sát dẫn đi thì khóc rống lên:
“Ba, mẹ, con không muốn vào đó đâu… Bà ơi, cứu con…!”
Tiếng khóc vang vọng mãi.
Nói không đau lòng là nói dối.
Dù gì nó cũng là đứa tôi nuôi nấng từ nhỏ.
Nhìn khuôn mặt non nớt, trắng bệch vì sợ, ánh mắt hoảng loạn, tôi cũng từng có chút do dự.
Nhưng nhớ lại kiếp trước – khi bọn chúng trộm tiền rồi bỏ mặc tôi chết đói trong căn nhà thuê lạnh lẽo…
Tôi chợt hiểu ra:
Mềm lòng với họ, chính là độc ác với bản thân mình.
Chẳng lẽ tôi còn muốn quay lại địa ngục kiếp trước hay sao?
14.
Lần nữa gặp lại vợ chồng thằng tư, là ở trong bệnh viện.
Tôi đến làm kiểm tra sức khỏe tổng quát, nghĩ nếu cơ thể còn cho phép, sẽ cùng Tiểu Lệ đi du lịch, ngắm nhìn non sông tươi đẹp của đất nước này.
Đó là điều tôi ao ước đã bao năm.
Trước kia, một lòng vùi đầu vào công việc, chăm lo gia đình, phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi nấng con cái, lại còn phải chăm sóc ông nhà tôi lúc ốm bệnh, chưa từng có thời gian nghĩ đến bản thân.
Còn bây giờ, quãng đời còn lại, tôi muốn sống cho chính mình, tận hưởng từng khoảnh khắc.
Trong hành lang bệnh viện, tôi trông thấy hai bóng dáng quen thuộc.
Thằng tư đang dìu Lý Hoa Anh, lững thững bước về phía khu nội trú.
Nhìn họ dần đi xa, tôi bước vào phòng khám, hỏi bác sĩ người vừa rồi mắc bệnh gì.
Sau khi biết tôi là người nhà, bác sĩ thở dài:
“Ung thư dạ dày giai đoạn cuối, đã di căn rồi.”
Chi phí điều trị rất cao, nghe nói thằng Lượng đã nói thẳng với ba mẹ mình:
“Đã giai đoạn cuối rồi thì thôi, đừng phí tiền cứu chữa làm gì, không khéo người mất mà tiền cũng sạch.”
Nhưng… chuyện đó giờ không còn liên quan gì đến tôi nữa.
Cuộc sống của tôi hiện giờ nhẹ nhàng, bình yên. Kết quả khám sức khỏe cũng không có gì đáng lo.
Lúc tôi vẫn còn phân vân không biết nên đi đâu du lịch.
Tiểu Lệ bảo:
“Bà ơi, hay bà đến quê cháu chơi nhé. Nơi ấy toàn cảnh thiên nhiên hoang sơ, chưa bị khai thác, đẹp lắm.”
Tôi suy nghĩ một lát, rồi đồng ý.
Sau hành trình vất vả, đến nơi thì trời đã gần hoàng hôn.
Núi non trùng điệp xanh rì, khói bếp vờn bay trên mái nhà, mặt trời đỏ rực đang từ từ lặn xuống sau núi.
Một bức tranh cuộc sống đẹp đẽ biết bao.
Tiểu Lệ dắt tôi đi dọc theo con suối uốn lượn giữa núi rừng, đến ngôi trường mà cô từng theo học.
Trên lưng chừng núi, có một khoảng đất bằng phẳng.
Một lá cờ đỏ năm sao tung bay trong gió.
Từ căn nhà thấp bé bằng đá vọng ra tiếng đọc bài vang vang.
Tiểu Lệ nhìn vào lớp học đầy ánh mắt ngưỡng mộ.
Dưới ánh đèn, từng gương mặt nhỏ say mê học tập hiện lên thật rõ ràng.
“Những nhà khá giả đều đã chuyển con xuống trường dưới núi rồi.”
Tôi gặp hiệu trưởng – một bà lão tóc bạc trắng, gương mặt đầy nếp nhăn, trạc tuổi tôi.
Chúng tôi trò chuyện rất vui vẻ.
Bà bảo vùng núi nghèo, không giữ được giáo viên, bàn ghế cũng cũ kỹ, điều kiện học tập vô cùng thiếu thốn.
Dù tôi không học hành cao, nhưng trong lòng luôn kính trọng người có chữ nghĩa.
Thế là, tôi nói với hiệu trưởng rằng mình muốn quyên góp năm mươi vạn cho trường tiểu học vùng núi, mong sẽ có thêm nhiều đứa trẻ được đi học.
Giờ đây…
Tôi đứng trên lưng chừng núi, phóng tầm mắt ra xa, bầu trời xanh ngắt lơ lửng vài áng mây trắng.
Không khí trong lành, vạn vật yên bình.
Thỉnh thoảng có tiếng chim hót líu lo vang vọng, vài chú chim nhỏ không biết tên sải cánh qua bầu trời, vẽ nên đường cong thật đẹp.
Cuộc sống, hóa ra lại tươi đẹp đến thế.
-HẾT-