Trọng Sinh Sau Thập Niên 70: Những Đứa Con Lang Sói - Chương 3
9
Tiểu Lệ xin nghỉ nửa tháng để về quê xem mắt.
Tôi ở nhà một mình, đành xoay xở ăn uống tạm bợ ở quán cơm nhỏ ngay đầu ngõ.
Hôm đó, tôi loáng thoáng thấy bóng thằng Lượng ngoài phố, còn tưởng mình hoa mắt.
Mãi đến khi về nhà, tôi mới nhận ra trong nhà có dấu hiệu bị lục lọi.
Thẻ ngân hàng tôi giấu kỹ trong tủ áo, cuộn trong đống chăn bông, đã biến mất.
Trong đó còn năm mươi vạn, là số tiền tôi để dành dưỡng già, bảo vệ mạng sống mấy năm cuối đời!
Tôi hoảng loạn cực độ.
Run rẩy gọi điện cho mấy đứa con, thằng cả, thằng hai, thằng ba đều nói không biết gì.
Chỉ có điện thoại của thằng tư thì luôn trong tình trạng bận, không sao gọi được.
Tôi nhờ thằng cả ghé qua một chuyến, muốn báo công an.
Không ngờ nó lại nói:
“Mẹ à, mẹ báo cảnh sát rồi nhỡ đâu bọn trộm nó trả thù thì sao? Đến lúc đó mẹ biết làm gì?”
“Tiền bạc cũng chỉ là vật ngoài thân, mất rồi thì coi như xui xẻo, tai qua nạn khỏi.”
Tôi hỏi nó: “Vậy sau này mẹ không còn tiền nữa, sống kiểu gì?”
Nó suy nghĩ một hồi, mới nói:
“Hay vầy đi, để con bàn với mấy đứa kia. Từ nay mẹ đừng thuê giúp việc nữa. Lấy tiền hưu đóng tiền thuê nhà, tụi con bốn nhà thay phiên nấu cơm mang qua.”
“Mẹ lớn tuổi rồi, giữ an toàn là trên hết. Mẹ cứ yên tâm, có tụi con ở đây, không để mẹ đói đâu.”
Tôi tin lời nó.
Nghĩ bụng, dẫu gì cũng là con mình đẻ ra, có ích kỷ đến mấy, cũng không nỡ để mẹ mình đói khát.
Thế mà, đúng một tháng sau, tôi bị cảm, sốt cao, không xuống giường nổi.
Thằng tư đưa cả nhà đi du lịch miền Nam, quên mất tuần đó là lượt nó đưa cơm.
Và tôi… bị đói đến chết ngay chính trong ngôi nhà thuê ấy.
10.
“Mẹ, mẹ nói gì đi chứ.”
Thằng cả khẽ vỗ vai tôi, khiến tôi bừng tỉnh khỏi chuỗi hồi ức của kiếp trước.
Tôi nhìn đám con đang đứng trước mặt.
Bọn chúng cũng đang chăm chú nhìn tôi, trong ánh mắt không giấu được sự tham lam.
Tôi hắng giọng, rồi chậm rãi lên tiếng:
“Các con nói đúng, nhà mình là nhà trong khu học, giá chắc chắn cao. Thằng cả với thằng ba đi tìm bên Liên Gia hỏi giá thị trường đi, giá thấp quá thì mẹ không bán đâu.”
“Còn thằng hai với thằng tư cũng đừng ngồi chơi, đi dò hỏi thêm, xem nhà nào ra giá cao hơn.”
“Và nhất định phải thanh toán một lần, đủ toàn bộ tiền.”
Mấy đứa hí hửng rời đi.
Tôi mang theo số tiền đã dành dụm trước đó, thuê một căn hộ hai phòng ở gần công viên Triều Dương.
Nhà quay hướng Nam, thông gió từ Bắc sang Nam.
Nắng chiếu qua cửa sổ lớn, rọi vào cả gian phòng vàng rực, ấm áp và dễ chịu.
Không giống như kiếp trước, tôi thuê căn nhà nhỏ lụp xụp, ẩm ướt, lạnh lẽo.
Điểm mấu chốt là chỗ này gần công viên, mỗi ngày tôi có thể đi dạo, tập thể dục.
Và còn cách rất xa nhà của mấy đứa con.
Tôi thu xếp lại toàn bộ đồ đạc quý giá của mình, gọi xe chuyển hết về nhà mới.
Sau đó tôi ghé qua văn phòng luật gần nhà để hỏi tư vấn về việc chia thừa kế của chồng.
Ngày căn nhà được bán đi.
Tôi gọi cả đám con tới họp.
Khi chúng bước vào, thấy trong nhà có một người phụ nữ lạ mặt, ai cũng có vẻ ngờ vực.
Tôi giới thiệu: “Đây là luật sư mà mẹ mời, đến để công bố cách chia tài sản của nhà mình.”
Thằng hai tỏ vẻ khó chịu: “Mẹ, chuyện trong nhà mình, mẹ gọi luật sư làm gì?”
Thằng tư lập tức phụ họa: “Đúng đấy, lại còn mất tiền thuê luật sư, phí chẳng rẻ đâu.”
Tôi chỉ mỉm cười, gật đầu với luật sư.
Trong lòng nghĩ, cứ chờ xem, rồi tụi bay sẽ hiểu vì sao mẹ mời luật sư đến.
Theo đúng thỏa thuận giữa tôi và luật sư:
Số tiền bán căn nhà là bốn trăm tám mươi vạn, theo luật thừa kế, trước tiên tôi được hưởng một nửa, hai trăm bốn mươi vạn. Số còn lại, hai trăm bốn mươi vạn, sẽ chia đều cho bốn người con, mỗi người bốn mươi tám vạn.
11.
Nhìn luật sư công bố phương án chia tài sản, mấy đứa con trợn tròn mắt.
Thằng cả là đứa đầu tiên đứng lên phản đối:
“Mẹ, vậy không công bằng. Mẹ giữ nhiều tiền như thế làm gì? Chia hết cho tụi con đi, tụi con sẽ lo cho mẹ, phụng dưỡng mẹ tới lúc nhắm mắt xuôi tay.”
Thằng hai cũng lập tức chen vào:
“Mẹ, tụi con đều là con ruột của mẹ, mẹ không để tiền lại cho tụi con thì cho ai? Ai mà hiếu thảo được như tụi con chứ?”
Trong lòng tôi chỉ muốn cười lạnh.
Chính mấy đứa vong ân phụ nghĩa này đã để tôi chết đói ở kiếp trước.
Kiếp này, tôi nhất định sẽ không mềm lòng nữa.
Thằng ba và thằng tư cũng lần lượt đứng lên phản đối.
Thằng tư thậm chí còn lớn tiếng, hùng hổ nói:
“Mẹ làm tới mức này, không sợ tụi con sau này không nuôi mẹ nữa à?”
Tôi quay sang luật sư:
“Được thôi, nhân lúc luật sư còn ở đây, bây giờ chúng ta có thể cắt đứt quan hệ mẹ con. Về sau già yếu, đau bệnh, sống chết thế nào cũng không liên quan đến các người.”
Thấy tôi không chịu nhượng bộ, thằng cả hét lớn:
“Triệu Chí Hồng, căn nhà này là của ba tôi! Nó mang họ Lương! Bà là người ngoài, chẳng liên quan gì hết! Ba tôi từng nói rõ ràng rồi, nhà này để lại cho mấy anh em tôi!”
Thấy chưa? Lộ nguyên hình rồi đó.
Luật sư hỏi:
“Anh có bằng chứng không? Nếu có di chúc hợp pháp, thì di chúc sẽ được ưu tiên.”
Thằng cả đáp:
“Không viết ra giấy, nhưng anh em tụi tôi đều có thể làm chứng!”
Cả đám gật đầu răm rắp như gà mổ thóc.
Luật sư điềm tĩnh giải thích:
“Căn nhà này là tài sản chung của vợ chồng. Dù có di chúc, cha các anh cũng không có quyền định đoạt phần tài sản không thuộc về mình, tức là phần tài sản của mẹ anh. Hơn nữa, di chúc miệng phải có ít nhất hai người làm chứng không thuộc hàng thừa kế. Các anh là con, không hợp lệ làm người làm chứng.”
Thằng ba mắt đỏ hoe, gào lên:
“Luật kiểu gì kỳ cục vậy? Cô chắc chắn là thông đồng với mẹ tôi lừa tiền rồi! Khai thật đi, mẹ tôi đã đút lót cô bao nhiêu?”
Luật sư không hề nao núng, đáp lại bình thản:
“Nếu anh nghi ngờ năng lực và đạo đức nghề nghiệp của tôi, có thể khiếu nại.”
Tôi đã lường trước tình huống hôm nay, càng chắc chắn rằng việc thuê luật sư là quyết định đúng đắn nhất.
Tôi nói:
“Nếu các con không đồng ý, cứ việc kiện mẹ ra tòa.”
Thấy tôi đã quyết tâm, mấy đứa tức tối chửi rủa vài câu rồi bỏ đi.
Luật sư thì chẳng lạ gì mấy chuyện kiểu này.
Cười nhẹ, dặn tôi:
“Dì à, sau này nhớ giữ vững lập trường, đừng có mềm lòng nữa. Mấy đứa nhà dì… không phải dạng vừa đâu.”
Tôi cũng mỉm cười đáp lại:
“Cô cứ yên tâm.”
Trong lòng thầm nghĩ: Dù có mềm lòng thế nào, tôi cũng không bao giờ quên được bài học kiếp trước.
Để tránh tụi nó lần ra được chỗ ở của tôi, tôi mua điện thoại mới, đổi luôn cả số.
Chủ nhật, khi đang đi dạo trong công viên Triều Dương, tôi thấy một người phụ nữ trung niên đang mắng một cô gái trẻ.
“Cô làm ăn kiểu gì vậy? Tôi đi vệ sinh tí thôi mà để thằng nhỏ té u đầu? Cô còn muốn làm nữa không? Trừ lương hai trăm, cho cô chừa!
Cô gái nước mắt lưng tròng:
“Không phải lỗi của cháu. Cháu đang rót nước thì nó tự chạy, với lại cũng đâu bị thương nặng. Cô không thể trừ lương cháu được, mẹ cháu còn đang chờ tiền chữa bệnh…”
Người đàn bà trung niên cười khẩy:
“Không trừ tiền thì cô đâu biết rút kinh nghiệm. Mẹ cô bệnh thì liên quan gì tôi? Nói cho cô biết, thiếu gì người làm bảo mẫu, cô nghỉ thì tôi tìm người khác.”
Cô gái mím môi, không nói gì nữa, lặng lẽ quay đi lau nước mắt.
Tôi nhận ra rồi, đó chính là Tiểu Lệ, người giúp việc mà kiếp trước tôi đã thuê.
12.
Tôi lặng lẽ theo sau Tiểu Lệ.
Tôi biết, cô ấy được một người bác ở quê dẫn lên đây làm thuê, không qua trung tâm môi giới lao động nào.
Thừa lúc chủ nhà đang bế con ra chỗ khác, tôi ghé lại hỏi nhỏ:
“Bọn họ trả cháu bao nhiêu mỗi tháng mà lại đối xử tệ như thế?”
Tiểu Lệ đáp: “Vừa trông con vừa nấu cơm, mà mỗi tháng chỉ cho cháu có ba nghìn năm trăm tệ.”
Nghe vậy, tôi mừng thầm trong lòng, lập tức ngỏ lời:
“Nếu bà trả cháu năm nghìn tệ một tháng, chỉ cần ở bên bà, nấu cơm, trò chuyện, cháu có đồng ý không?”
Mắt con bé sáng rỡ:
“Thật ạ? Bà không gạt cháu đấy chứ?”
Tôi gật đầu.
“Nếu cháu muốn, cuối tháng đến nhà bà. Ngày ba mươi, buổi sáng bà sẽ đợi ở đây.”
Tiểu Lệ vui sướng, đi mấy bước lại quay đầu nhìn tôi.
Tôi biết rõ con bé là người thế nào.
Kiếp trước, nó chăm tôi rất tận tâm. Từ nấu ăn, mua sắm, giặt giũ lau dọn đến dắt tôi đi dạo lúc trời đẹp.
Mỗi đồng chi tiêu đều ghi rõ ràng, tiết kiệm được gì là tiết kiệm.
Kiếp này, có Tiểu Lệ bên cạnh, rời xa được đám con tham lam kia, lòng tôi cũng nhẹ nhõm hẳn.
Tinh thần tốt lên, sức khỏe cũng hồi phục nhiều.
Ban ngày tôi đi dạo công viên, buổi tối ra nhảy quảng trường.
Cuộc sống nhẹ nhàng, dễ chịu.
Một lần, trong công viên, tôi gặp lại người hàng xóm cũ. Bà ấy ngạc nhiên nhìn tôi rồi hỏi:
“Sao dạo này trông chị hồng hào thế, uống thuốc bổ à?”
Tôi mỉm cười:
“Vui vẻ là liều thuốc bổ tốt nhất.”
Bà ấy kể cho tôi nghe:
Thằng cả bị ung thư phổi, mất trong vòng ba tháng.
Con dâu cả bán nhà, về quê sống.
Cháu trai lớn làm việc trong siêu thị, tối ngủ lại ở đó làm bảo vệ.
Thằng hai có cháu nội, nhưng con dâu mới đầy tháng đã theo người có tiền bỏ đi.
Thằng ba thì ly hôn, con rể cưới luôn cô học trò của mình.
Tôi nghe mà trong lòng hoàn toàn bình thản, không chút buồn thương.
Nếu thế gian này mà không có báo ứng, e rằng ông trời cũng không chịu nổi nữa.