Trọng Sinh Sau Thập Niên 70: Những Đứa Con Lang Sói - Chương 1
1.
Đầu tôi choáng váng.
Trong nhà ồn ào hỗn loạn.
Tôi vừa mở mắt ra, phát hiện mình quay về đêm hôm đó, cái đêm các con ngồi bàn nhau bán nhà.
Dưới ánh đèn, tôi nhìn từng gương mặt tham lam đến đáng sợ, cuối cùng mới nhận ra… mình đã trọng sinh.
“Mẹ à, ba mất cũng nửa năm rồi, mẹ ngày càng lớn tuổi, sống một mình tụi con cũng không yên tâm. Có người bầu bạn vẫn tốt hơn.”
Người lên tiếng là con cả.
Trước đây tôi vẫn nghĩ các con rất hiếu thuận, không ngờ lại không nhận ra bọn chúng đã nhắm vào căn nhà duy nhất của tôi từ lâu.
“Anh cả nói đúng. Mẹ à, tụi con ai cũng khổ cực. Anh cả thì con trai sắp cưới, chưa có nhà ở. Mẹ bán căn này, rồi thay phiên ở với chúng con, vừa giúp bọn con nhẹ gánh, mẹ cũng không cô đơn.”
Đó là con gái út, đứa tôi thương nhất.
Con thứ hai – kẻ suy nghĩ sâu xa nhất – dập tắt điếu thuốc, chậm rãi nói:
“Mẹ ở một mình trong căn nhà to thế này, quét dọn cũng vất vả. Mẹ đi ở với con cái chẳng phải tốt hơn sao? Ai mà nỡ ngược đãi mẹ chứ?”
Tôi nhìn về phía con út, đứa con trai tôi yêu chiều nhất.
Nó không nói gì, cho đến khi chị nó thúc nhẹ một cái, mới lên tiếng:
“Mẹ yên tâm, bọn con nhất định sẽ không để mẹ chịu thiệt. Ở đây con cũng nói rõ, anh chị như thế nào, con cũng sẽ làm theo.”
Giây phút ấy, tôi nhìn nó như đang nhìn một người xa lạ.
Kiếp trước, tất cả yêu thương tôi đều dành cho thằng út.
Vậy mà đến lượt nó nuôi tôi, tôi mang hành lý đứng ngoài cửa cả nửa ngày, vợ nó nhất quyết không mở cửa.
Nó đứng sau cửa sắt, nói qua ô kính nhỏ:
“Hồi con sinh, mẹ không chăm. Bắt con về nhà mẹ đẻ ở cữ. Mẹ có biết ‘thù ở cữ sâu như biển’ không? Giờ mẹ già rồi, đừng mong con báo hiếu.”
Tôi tức đến run rẩy toàn thân.
“Khi đó là do con không muốn ở nhà chồng, chính miệng bảo về nhà mẹ đẻ. Giờ còn muốn đổi trắng thay đen? Gọi thằng út ra đây, mẹ muốn nói chuyện với nó.”
“Không có ở nhà.”
Rầm! – nó đóng sầm cửa sổ lại.
Rõ ràng tôi thấy có bóng người vụt qua sau lưng nó.
2.
Tôi lấy điện thoại cũ ra gọi cho thằng út.
Vừa đổ chuông một tiếng, nó cúp máy.
Gọi lại lần nữa thì… tắt máy.
Tôi bất đắc dĩ gọi cho thằng cả.
Thằng cả bực tức:
“Mẹ à, tụi con đã bàn xong xuôi hết rồi. Sao đến lượt nó lại phá lệ? Về sau mà ai cũng thế thì còn gì là quy củ nữa? Là do mẹ chiều nó quá đó! Mẹ đập cửa đi, để hàng xóm chê cười nó.”
Tôi lại thở dài, gọi sang cho con thứ hai.
“Mẹ, con cũng gọi nó không được. Mẹ đợi chút nha, con đang câu cá, không tiện nói chuyện.” – nói xong, nó cúp luôn máy.
Trời sập tối.
Từng nhà từng nhà lướt qua tôi ngoài hành lang, ai cũng nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu.
Tôi đành gọi cho con gái:
“Con à, mẹ vẫn không vào được nhà em con. Con giúp mẹ được không?”
Điện thoại im lặng một lúc rồi cũng bị cúp.
Nửa tiếng sau, con gái tôi đến.
Nó đập cửa mạnh:
“Thằng Tư, mở cửa ra! Đến lượt em rồi.”
“Muốn phá lệ à? Đừng hòng! Đến lượt ai thì người đó phải chịu.”
Con dâu út lại nói vọng ra sau ô kính.
“Phá lệ thì sao? Chị có quản nổi không? Mẹ ruột của chị chị không nuôi, dựa vào cái gì mà bắt người khác nuôi?”
“Tôi đã nói rồi, có tôi thì không có bà ấy. Cút về đi, đừng hòng bước chân vào đây.”
“Tôi không nói chuyện với cô. Gọi em trai tôi ra đây.”
“Anh ta cũng không nuôi đâu. Tôi đã nói rồi, nếu anh ta dám để bà ấy vào nhà, tôi đuổi cổ cả hai!”
Con gái tôi giận tím mặt, chỉ vào cửa, mắng như tát nước:
“Lý Hoa Anh, cô cũng có con, rồi cũng sẽ già. Không sợ báo ứng à?”
“Đó là chuyện của tôi. Cô mau đưa mẹ cô đi đi. Nói cho mà biết, một ngày tôi cũng không nuôi!”
Lúc đó, một nam sinh cấp ba bước tới. Tôi nhìn kỹ, là cháu trai tôi, Lương Lượng.
Tôi vội vàng nắm lấy tay nó: “Tiểu Lượng, con gọi ba ra đi, nói với ba cho bà vào nhà.”
Nó hất tay tôi ra, vẻ mặt đầy chán ghét:
“Bà đâu phải chỉ có ba cháu là con trai, sao cứ phải vào nhà cháu?”
“Cháu ủng hộ mẹ cháu. Bà đi đi.”
Nói xong, nó lách người nhanh chóng chui vào trong nhà.
Nhìn đứa cháu trai mà ngày nó chào đời, tôi đã một tay chăm bẵm từ bé, lòng tôi lạnh đến thấu tim.
3.
Cuối cùng, tôi theo con gái về nhà.
Con rể thấy tôi, mặt mới dịu đi đôi chút:
“Không phải chiều mới đưa đi sao?”
Con gái bận dọn đồ cho tôi, không ngẩng đầu:
“Thằng út không chịu nhận, đúng là đồ vong ân.”
“Thế là định ăn vạ ở nhà chúng ta? Còn hai ông anh nó kia mà?”
Anh ta liếc tôi, rồi đóng cửa phòng cái rầm.
Tối ăn cơm xong, tôi lấy 2 nghìn tệ đặt lên bàn.
“Con à, tiền cơm tháng này mẹ để đây. Cho mẹ ở lại ít hôm, để mẹ bàn lại với mấy anh con.”
Mặt con rể mới dịu lại.
Tối, lúc tôi đi vệ sinh, nghe thấy tiếng cãi nhau khe khẽ trong phòng ngủ:
“Anh đừng có khó chịu với mẹ em nữa. Nhà này là nhà em, anh đừng quên điều đó.”
“Thôi được! Mai anh dọn đi, có bà ta thì không có anh!”
Quả nhiên từ đó, con rể không về nhà nữa.
Một tháng trôi qua, tôi được chuyển sang nhà con cả.
Con dâu trưởng kinh ngạc:
“Sao mẹ đến sớm vậy? Chưa đến lượt mà?”
Tôi cúi đầu:
“Gọi cả nhà lại đi, tối nay mẹ có chuyện muốn nói.”
Tối, chúng tôi tổ chức một cuộc họp gia đình.
Chuyện chính là giải quyết vụ con út không nhận nuôi.
Con cả nói:
“Đã phân công rồi, không ai được nuốt lời. Thằng út, mày nói xem, hai tháng đến lượt mày mà không cho mẹ vào nhà, mày định giải quyết thế nào?”
Con út nhún vai, mặt mày rầu rĩ:
“Em làm gì được? Nhà đứng tên vợ, cô ấy không cho mẹ vô thì em cũng bó tay. Lỡ ngày nào cổ tức lên, đuổi luôn em đi thì sao?”
Con thứ hai bực bội:
“Mày đúng là vô dụng! Nhà ba cho, mày bán rồi mua nhà mới, giờ sổ đỏ đứng tên vợ, thế là biến thành nhà nó? Mày có chí khí tí đi, sợ vợ đến mức này à?!”
Thằng út câm lặng.
Nói kiểu gì nó cũng không mở miệng.
Cuối cùng không bàn ra được gì.
Con gái tôi đứng lên:
“Anh cả, để mẹ ở nhà anh tạm đã nhé, tuần sau em đi công tác.”
Nói xong chẳng chờ ai đồng ý, quay lưng bỏ đi.
Nhà thằng cả là căn hộ hai phòng, đang sửa sang lại.
Lần trước tôi đến, phải ngủ cùng cháu nội, nằm giường tầng. Tôi nằm tầng dưới.
Lần này, con dâu bảo cháu trai có bạn gái tới chơi, không tiện, bắt tôi… ngủ tầng trên.
Rất nhanh, tôi hiểu lý do “không tiện” là gì.
Hai đứa nhỏ trong phòng gào rú như cháy nhà.
Tiếng giường kêu, tiếng rên rỉ vang rõ mồn một.
Tôi là bà lão 70 tuổi, run rẩy leo lên giường mỗi đêm.
Buổi tối không dám ăn no, không dám uống nước, vì sợ nửa đêm xuống giường khó khăn.
Hôm đó tôi trượt chân, té xuống đất.
May mắn không gãy xương, nhưng cả tay và đùi đều bầm tím cả tháng.
4
Tôi lại ở thêm một tháng nữa bên nhà thằng cả.
Còn chưa kịp sang nhà con thứ hai, thì nó đã gọi điện trước.
“Mẹ à, nhà họ Lương mình có hậu rồi, cháu trai mẹ vừa sinh cho mẹ một đứa chắt bụ bẫm, tám cân hai lạng.”
“Bọn con đang bận chăm người ở cữ, không có thời gian lo cho mẹ đâu, mẹ qua nhà em gái con trước nhé.”
Mặt thằng cả sầm lại, vừa định nói gì đó thì đầu dây bên kia đã cúp máy.
Nó quay sang nhìn tôi, vẻ khó xử.
Con dâu trưởng thì đã gói ghém hành lý, đặt xuống cạnh chỗ tôi từ lúc nào.
Trên đường đi, thằng cả cứ nhìn tôi đầy áy náy.
“Mẹ à, không phải con không lo cho mẹ, mẹ cũng thấy rồi đấy, nhà con thế này… Để mẹ leo giường tầng mỗi ngày, lòng con cũng không yên. Nhỡ có chuyện gì thì không gánh nổi đâu.”
Tôi thở dài một hơi.
“Thằng cả à, mẹ hối hận rồi. Nếu lúc trước không bán căn nhà đó, mẹ cũng không đến mức làm khổ tụi con như bây giờ.”
Suốt quãng đường, nó im lặng không nói thêm câu nào.
Còn chưa bước chân vào cửa nhà con gái, đã nghe tiếng vợ chồng nó cãi nhau ầm ĩ.
“Sao em lại để mẹ em vừa đi rồi lại quay lại? Thằng tư không lo, anh hai có lý do, thế nhà ai mà chẳng có khó khăn? Em lại sắp đi công tác, lại bắt anh hầu hạ mẹ em? Đừng có mơ!”
“Chỉ cực mấy ngày thôi mà, mẹ em cũng dễ chăm, cho bà ba bữa cơm là xong. Chẳng lẽ để mẹ em ngủ ngoài đường?”
“Vậy thì đừng đi công tác nữa, ở nhà mà chăm mẹ em đi.”
“Cái đồ khốn nạn, Lúc mẹ tôi cho một trăm vạn, sao anh không bảo không cần? Không phải anh nói sẽ cùng tôi chăm mẹ tôi sao?”
“Mẹ cô chỉ cho tôi mỗi một trăm vạn chắc? Anh cô, em cô ai mà không nhận? Ít ra tôi còn nuôi bà hai lần đấy nhé! Còn thằng em tốt của cô thì sao, đến cửa cũng không cho bà vào chứ gì.”
Từ trong nhà vang ra tiếng đồ đạc bị đập vỡ loảng xoảng.
Ngay sau đó, là một cái bạt tai vang dội.
Thằng cả đẩy cửa bước vào.
Chỉ thấy thằng ba nằm nghiêng trên ghế sô pha, một bên má sưng đỏ.