Trọng Sinh Cuối Thập Niên 70, Tự Làm Giàu - Chương 3
12
Ban đầu mọi việc vẫn khá suôn sẻ, ai ngờ lúc sắp xuống tàu thì Phó cục trưởng Cục công an lâm nghiệp thành phố B – Khưu Xuân – lại chống nạnh, kê ghế ngồi ngay tại bến, nửa ngày cũng không chịu ký vào giấy thông hành để chúng tôi được xuống hàng.
Thời điểm này, tất cả các chuyến chở gỗ qua phà đều phải được người có thẩm quyền tại địa phương ký nhận mới được phép dỡ hàng. Nếu vượt tải trọng thì chắc chắn sẽ bị phạt.
Chúng tôi luôn làm ăn nghiêm chỉnh, nhưng cái gì cần hiểu về phép xã giao, chúng tôi cũng hiểu rõ cả.
“Anh Khưu, hút thuốc đi ạ.”
Tôi lễ phép đưa điếu thuốc cho ông ta, còn đám anh em phía sau mỗi người được tặng một bao Hồng Tháp Sơn – coi như là quà ra mắt.
Thế nhưng mấy người trước mặt lại không ai nhận lấy.
“Một con nhóc như cô, chúng tôi không làm khó. Muốn việc trôi, thì phải có quà. Năm trăm đồng, tôi không cần hơn.”
Nghe xong, Vương Mỹ Quyên lập tức nổi đóa!
“Đội cái vỏ này lên người mà không biết nhục! Năm trăm đồng! Ông cũng nói ra được à!”
Khưu Xuân liền vỗ vỗ ống quần, cười lạnh:
“Nói thế nhé, số hàng này của cô là giao cho nhà máy in phía Nam đúng không? Ít nhất cũng kiếm được chục ngàn, tôi đòi năm trăm ăn bữa tiệc, quá đáng à?”
Hắn vừa nói thế, tôi liền hiểu, hắn đang nhắm đúng vào tôi.
Không đưa tiền thì chẳng có đường thoát.
Vương Mỹ Quyên thấy tôi im lặng, sợ tôi hồ đồ, bèn vội vã nói nhỏ:
“Chị, toàn bộ vốn liếng của chúng ta đều nằm trong đó, còn vay mượn không ít. Đừng nói năm trăm, năm mươi bây giờ cũng chẳng lấy ra nổi!”
Tôi nào phải không hiểu.
Nhưng nếu không có giấy cho xuống hàng, thì hàng không thể dỡ, từng ấy công sức cũng chỉ đổ sông đổ biển.
“Anh Khưu, năm trăm đồng đó, bọn em có thể viết giấy nợ.”
Tôi liền lấy giấy bút ra, viết một tờ nợ.
Khưu Xuân chẳng buồn nhìn, xé toạc ngay tại chỗ.
Tôi nhếch mép, mềm không được thì chơi cứng.
Tôi ra hiệu bằng mắt cho Vương Mỹ Quyên, thấp giọng nói:
“Chút nữa nhìn động tác của chị, em chạy ngay ra sau, đừng để ai tóm được.”
Chân Vương Mỹ Quyên dù đã hồi phục, nhưng sức chạy vẫn kém người thường. Tôi không thể để cô ấy lại bị què.
Tôi lùi hai bước, nhấc ngay một cái xẻng sắt, dựng đứng trước mặt.
Vương Mỹ Quyên không nghe tôi, vẫn đứng cạnh, không hề sợ hãi.
Trong lòng tôi vô cùng xúc động — trước đây lúc nào cũng là tôi đơn độc chiến đấu, giờ cuối cùng cũng có người đứng về phía tôi.
“Tôi là con gái, đi lăn lộn thiên hạ, dựa vào đúng một chữ ‘gan’.
Giờ thứ đáng giá nhất trên người tôi, chính là cái mạng này.
Tờ nợ này, nếu anh muốn, cứ lấy, tôi nhất định sẽ trả đủ, thậm chí trả lãi.”
Tôi đổi giọng, lạnh lẽo như băng:
“Còn nếu không muốn, vậy thì… đánh một trận đi. Chờ cảnh sát hình sự đến điều tra, hàng của tôi vẫn sẽ được thông, nhưng cái mác cán bộ của mấy người, tôi lấy cái mạng này đổi!”
Tôi siết chặt xẻng sắt, tư thế sẵn sàng.
Kiếp trước, lúc đám chủ nợ kéo đến nhà, tôi từng dùng một ngón tay để trả.
Từ đó về sau, tôi đã không còn sợ chết nữa.
Giờ đây, tôi vẫn đứng vững, nhìn thẳng vào đám đàn ông đối diện, bắt đầu có người lộ vẻ hoang mang.
Chắc họ không ngờ một con bé như tôi mà lại có gan như thế!
Chỉ chừng một điếu thuốc sau, Khưu Xuân bất ngờ phá lên cười.
13.
“Tôi bảo ai gan to vậy dám nhận cái đơn hàng này, không ngờ đúng là cô!”
Khưu Xuân nói với tôi:
“Thôi, tờ nợ kia khỏi cần, tôi tin cô. Lúc nào rảnh, lại tới đây chơi với tôi.”
Tôi vội vàng đón lời:
“Nhất định rồi! Làm xong mối này, em mời anh Khưu ăn bữa đàng hoàng!”
Khưu Xuân theo lệ vẫn kiểm kê hàng trên thuyền, vừa điểm danh vừa trò chuyện với tôi.
Biết Vương Mỹ Quyên là nữ anh hùng từng cứu người, hắn càng hào hứng, cứ khen mãi rằng hiếm gặp con gái nào dám ra đời làm ăn, một lúc lại gặp hai nữ trung hào kiệt, nhất định phải mời đi uống vài ly.
Sau này, tôi còn phải làm ăn lâu dài với nhà máy in ở phía Nam, không thể thiếu được sự hỗ trợ của Khưu Xuân.
Lui tới dăm ba lần, vậy mà cũng thành anh em kết nghĩa.
Chuyến hàng lần này kiếm được khá đậm, kho chứa mà tôi thuê trước đó cũng được mua đứt với giá cực tốt.
Mảnh đất đó, chưa tới mười năm sau sẽ trở thành trung tâm của công trình biểu tượng đầu tiên trong khu.
Tôi còn xây một căn nhà ba tầng cạnh kho.
Hai tầng dưới làm văn phòng, tôi ở tầng trên cùng.
Khi nhà sửa xong, bạn bè cũ kéo nhau tới mừng, nói toàn những lời tốt đẹp, tôi cũng mỉm cười đáp lại.
Không biết ai báo tin, mẹ tôi và Đồng Nhã cũng tới.
Vừa bước vào cửa đã chỉ trỏ căn nhà:
“Nhà này sửa dở tệ! Sao lại để nhà vệ sinh đối diện phòng khách chứ? Chẳng khác nào vứt tiền qua cửa sổ!
Còn cái nền tường này, lòe loẹt đến khó chịu, lát nữa tao gọi thợ đến đập hết cho rồi.”
Mẹ tôi vừa mở miệng, bầu không khí đang vui vẻ liền chùng xuống.
Đồng Nhã giơ bàn tay cụt một ngón, ngồi thảnh thơi bóc quýt trên ghế sofa:
“Đồng Nhàn, em định mở tiệm bánh bao trong huyện, miếng đất bên cạnh chị nhường lại cho em đi.”
Tay nó xách một đống đồ, tôi vốn chẳng mong nó mang gì tặng tôi, quả nhiên nó đi thẳng vào phòng trong, mang vác toàn là quần áo giày dép của nó.
“Cô gái Đồng Nhã này vốn là xuống nông thôn, sau này bố chồng phạm tội, cô ta mới trốn về trong đêm, lúc về người bầm tím hết cả, chắc sống cũng chẳng dễ gì.”
“Hồi Đồng Nhàn bỏ nhà ra đi, có thấy họ giúp đỡ gì đâu, giờ lại mò tới hút máu.”
“Đất mới mua mà đã ngang nhiên cướp thế này, còn hơn cả thổ phỉ!”
…
Những tiếng thì thầm bàn tán vang lên, khiến Đồng Nhã lập tức bực bội:
“Cướp gì mà cướp! Đây là thứ mà Đồng Nhàn nợ tôi!
Thấy không, ngón tay này là chị tôi chém đấy!
Tôi thay chị xuống nông thôn, gả cho Trương Phồn Thịnh, hắn đánh tôi, mắng tôi, còn ra ngoài chơi gái! Tôi khổ thế rồi, chị ấy cho tôi mảnh đất thì sao?
Cả cổ phần công ty chị ấy, cũng phải có phần của tôi và mẹ tôi mới đúng!”
14.
Giọng của Đồng Nhã đầy tự tin, không hề mang dáng dấp của người đi xin.
Nó nghĩ nói vậy sẽ khiến mọi người thương cảm, rồi còn quay sang chỉ trích tôi.
Nhưng nó đã sai.
Tôi xưa nay tin vào hành động hơn lời nói.
Bạn bè xung quanh nghe nó nói, ánh mắt nhìn nó dần dần trở nên kỳ lạ.
Thấy tôi không nói gì, họ cho rằng tôi quá hiền lành, quá xui xẻo khi có gia đình như vậy, liền thay tôi lên tiếng bênh vực.
Dì Lưu ở đầu ngõ nói:
“Đồng Nhàn là đứa tôi trông từ nhỏ. Hồi xưa bà đã thiên vị lắm rồi. Mùa đông, con bé té ngoài ruộng, nằm đó không dậy nổi, suýt bị lạnh chết, cũng không thấy bà ra tìm…”
“Giờ con cái nên người rồi, bà làm mẹ hưởng phúc cũng chẳng có gì sai, nhưng mà làm cái kiểu cướp trắng trợn thế này, tôi lần đầu mới thấy đấy!”
Những người khác cũng nhao nhao đồng tình.
Mẹ tôi nghe vậy thì gào lên:
“Cút! Cút hết đi! Việc nhà tôi mà đến lượt các người xen vào à?”
Tôi nhìn đám bạn bè xung quanh — nếu hôm nay bọn họ đã tới, nhất định sẽ bênh vực tôi vài câu.
Nhưng hôm nay là ngày tốt, tôi không muốn họ mất vui, liền gọi Vương Mỹ Quyên đưa mọi người ra lâm trường đi dạo, cho thư giãn đầu óc.
Chờ khi mọi người đã đi hết, tôi ngồi xuống ghế sofa, cười nhìn Đồng Nhã:
“Mày muốn miếng đất của tao?
Mày có biết mảnh đất đó của tao là từ đâu mà có không?”
Đồng Nhã bĩu môi:
“Tất nhiên là do mày kiếm tiền mua.”
“Tốt, mày muốn bao nhiêu?”
Tôi dứt khoát hỏi thẳng:
“Đồng Nhã, đừng giở trò trước mặt tao. Mày biết rõ tính tao — mà tao điên lên thì chỉ có tao sống, mày chết.”
Mẹ tôi nghe vậy thì giãy nảy:
“Cái gì mà sống chết với em mày! Mày là chị thì phải lo cho nó cả đời chứ… mày…”
Tôi lườm bà một cái, nghiêm giọng:
“Muốn sống sung sướng thì câm mồm lại! Bà thích nó thế, nó có cho bà tiền tiêu chưa? Có mua áo lông cho bà chưa? Nhìn cái thứ bà đang mặc đi, còn chẳng bằng cái giẻ lau bếp nhà tôi!”
Mẹ tôi từ trước đến nay luôn khinh thường dân quê, nhưng nãy giờ bà thấy đầy người “quê” trong nhà tôi ai cũng ăn mặc sành điệu hơn mình, hẳn bà nuốt không trôi.
“Tôi ngu hay tôi khờ?
Mẹ tưởng với các mối quan hệ hiện giờ của tôi, chỉ cần hai người mấp máy môi là tiền tự chui vào tay à?”
Bị tôi quát một trận, mẹ tôi không dám hé răng nữa.
“Cùng là chị em ruột… con giúp được thì giúp đi…”
Chẳng nghi ngờ gì, bà chắc chắn vẫn muốn sống tốt. Biết rõ Đồng Nhã không đáng tin, nhưng lại không nỡ buông tay.
Thấy không trông mong gì ở mẹ, Đồng Nhã nói luôn:
“Tôi chỉ cần miếng đất đó thôi, coi như chúng ta xong nợ.”
Nợ?
Tôi tức quá hóa cười!
Bước lên, tát cho nó một cái bạt tai!
“Chát!”
Tôi sức lực vốn mạnh, cú tát khiến Đồng Nhã hoa cả mắt.
“Tao nói cho mày biết, Đồng Nhã! Cái nợ chó má gì chứ! Tao chưa từng nợ mày!
Hồi đó mày tự nguyện xuống nông thôn, gả cho ai cũng là do mày chọn! Nói tới nợ, là mày nợ tao thì có!”
“Tao vốn không định đòi, vì tao nghĩ dù có quay lại một lần nữa, tao cũng có thể tự mình xông ra máu lửa để đi lên. Tao không sợ — ít nhất là tao đã tự mình kiếm được. Nhưng mày… quá không biết điều!”
“Chát!”
Tôi lại tát thêm một cái!
Cảm xúc dâng lên, tôi liên tiếp tát mấy cái nữa!
Đến khi lấy lại bình tĩnh, mặt Đồng Nhã đã sưng đỏ, in đầy dấu tay.
Tôi đỡ nó ngồi thẳng, biết nó định giả vờ ngất, nên ép nó nhìn thẳng vào mắt tôi, từng chữ từng chữ nói:
“Mày muốn mở quán bánh bao thì cứ đi mà mở, đừng làm bẩn chỗ của tao.
Mày mà dám chọc tao nữa, tao sẽ khiến mày ở cái thời đại vàng này đến cả một cọng lông cũng không kiếm nổi!”
“Còn nữa, mày tưởng Trương Phồn Thịnh dễ bỏ qua cho mày vậy sao? Đừng ép tao phải điều tra.”
Tôi hiểu quá rõ con người Trương Phồn Thịnh — hắn như chó đánh hơi, chỉ cần ngửi được mùi là mò ra ngay.
Kiếp trước tôi từng trốn, nhưng lần nào cũng bị bắt lại giữa đường.
Đồng Nhã giờ còn dám công khai mở quán bánh bao, chắc chắn có điều bất thường.
“Không… không được đâu, chị… chị…”
“Em hết đường sống rồi… chị giúp em với…”
Tôi không buồn nghe nó than vãn, mang hết đống đồ nó vác tới, sạch sẽ gọn gàng, ném hết ra ngoài cửa.
Mẹ tôi lần này không đi theo, giọng nhỏ nhẹ dỗ dành tôi, còn chủ động xin lỗi.
Bà vốn nghĩ mình có thể ở lại, nhưng lại bị tôi từ chối thẳng thừng.
“Vài bữa nữa ba con sẽ về. Mỗi tháng con sẽ cho mẹ năm mươi đồng tiêu vặt.”
“Thế này… ít quá rồi đấy…”
Phản xạ gần như theo bản năng.
Phải biết rằng năm mươi đồng đã bằng hai tháng lương của ba tôi.
“Không cần thì thôi.”
“Cần! Cần! Cần chứ!”
15
Sau khi về, Đồng Nhã vẫn mở quán bánh bao.
Mô hình và món ăn tham khảo y chang quán của tôi ở kiếp trước.
Chỉ tiếc, vì lỡ thời cơ nên ở huyện đã có mấy quán bánh bao rồi, không còn là tiên phong nữa.
Đồng Nhã chỉ có thể dùng chiến lược phá giá.
Tiền ai cũng quý, thấy rẻ thì tất nhiên chọn chỗ rẻ.