Trọng Sinh Cuối Thập Niên 70, Tự Làm Giàu - Chương 1
1.
Cùng là con gái, mẹ tôi từ nhỏ đã thiên vị em gái hơn tôi.
Có lẽ bởi vì tôi từ nhỏ đã có thể vác rìu chẻ củi, còn em gái thì là “cục vàng” mẹ tôi ròng rã ba ngày ba đêm mới sinh ra.
Nó sinh vào mùa đông, thể chất yếu, chưa đầy tháng đã ốm lên ốm xuống.
Còn tôi thì chạy nhảy chơi tuyết, nặn người tuyết, đánh trận tuyết cùng tụi bạn, không ngán trời đất.
Lớn lên một chút, việc nặng nhọc trong nhà đều đến tay tôi.
Mới mười mấy tuổi đã theo chú Lưu hàng xóm đi mổ heo.
Mỗi lần ông ấy cho tôi phần m áu và nội tạng heo mang về, mẹ tôi lại mắng:
“Nhà có bao việc thì không làm, đi làm thuê lại xách về mấy cái đồ bẩn thỉu!”
Tôi bật lại:
“Con đem đống này qua nhà thím Vương, bà ấy còn đòi thơm con cả buổi! Mẹ đúng là khó chiều!”
Mẹ tôi bĩu môi:
“Bà Vương là đồ nhà quê, sao giống mẹ được!
Mày y chang ông nội mày, dân ruộng thứ thiệt! Không có chút dáng con gái nào!”
Mẹ là người thành phố, ăn uống kén chọn, chỉ ăn mỡ chứ không ăn thịt nạc.
Em tôi giống bà – hay bệnh, yếu đuối, mỗi lần ốm là tốn nửa tháng lương của ba tôi.
Thế nên mẹ thiên vị em tôi cũng chẳng có gì lạ.
Sau này, khi chính sách yêu cầu thanh niên lên đường về quê lao động, ba tôi đi tới tận Quý Châu, nhà chỉ được giữ lại một đứa con.
Mẹ tôi đã quyết sẵn từ lâu, người phải đi… là tôi.
Nhưng để tỏ vẻ “công bằng”, bà vẫn gọi cả hai chị em lên.
Trước mặt, bà dúi vào túi tôi một nắm kẹo mỡ lợn, nhìn tôi đầy ý nhị.
Tôi hiểu.
Kiếp trước tôi xuống nông thôn, vượt bao khổ cực, cuối cùng vẫn ngoi lên làm vợ chủ tịch tập đoàn.
Nay đã trọng sinh lại, thì làm “chủ tịch” luôn cũng chẳng có gì khó.
Tôi không sợ đi.
Mẹ nói:
“Cấp trên chỉ cho để lại một đứa con.
Ba tụi mày lại đi xa như vậy…
Em mày thì ốm yếu từ nhỏ, xinh xắn hơn, ở lại thành phố cũng an toàn hơn.”
Tôi biết bà đang ra quyết định, chứ không phải hỏi ý kiến.
Tôi chuẩn bị đáp “vâng”, thì em gái tôi đã đột ngột quỳ sụp xuống:
“Mẹ! Chị học giỏi, lại tháo vát, ở lại thành phố nhất định sẽ giúp được mẹ!
Con muốn về quê!
Mẹ, xin mẹ cho con đi!”
Tôi ngồi trên ghế tre, bình tĩnh quan sát em mình.
Kiếp trước, nó từng khóc lóc vật vã cả tuần, thậm chí giả bệnh để tránh phải xuống nông thôn.
Vậy mà giờ lại giành đi?
Tôi chỉ suy nghĩ thoáng qua, đã hiểu ra nó cũng đã trọng sinh rồi.
2
Mẹ tôi ban đầu không đồng ý cho em gái xuống nông thôn, mặc kệ nó khóc thế nào cũng không lay chuyển được.
Mãi cho đến khi nó cầm dao kề lên cổ, mẹ tôi mới sụp đổ mà đồng ý.
Em gái tôi từ nhỏ đã rất sợ đau, làm sao có gan thật sự tự làm mình bị thương?
Màn kịch này kéo dài đến tận tối, lý do kết thúc lại cực kỳ đơn giản — em tôi với mẹ khóc đến mệt nhoài, sau đó bụng kêu òng ọc mới phát hiện ra hôm nay chưa có cơm đưa tới miệng.
Mẹ tôi gọi tôi tới, mắng xối xả:
“Đồng Nhàn à Đồng Nhàn! Mày muốn chết hả! Không thấy trễ thế này rồi mà còn chưa nấu cơm?”
“Con thấy hai người khóc thảm quá, chắc chẳng còn tâm trạng ăn uống gì, nên con ăn trước rồi.”
Tôi đáp lại một cách dửng dưng.
“Đồ trời đánh! Sao tao lại sinh ra đứa xui xẻo như mày cơ chứ! Em mày sợ mày vất vả, chủ động đòi đi xuống nông thôn!
Còn mày thì hay rồi, ăn no xong lau miệng, chẳng thèm quan tâm mẹ với em mày gì cả!”
Giọng mẹ tôi vang trời như thế, chắc là chưa đói lắm.
Tôi nói:
“Con đâu có giành đi. Con đi cũng được.”
Em tôi lập tức nhảy dựng lên, hét toáng:
“Mẹ! Con muốn đi xuống nông thôn! Con muốn đi!”
Tôi thấy diễn trò trước mặt hai người họ thật chẳng có hứng thú gì, nên cũng chẳng buồn dây dưa, đi sang nhà thím Vương.
Chú Vương là thợ mộc, nghe nói được nhận vào nhà máy đóng tàu, tôi muốn hỏi ông ấy chút kiến thức về gỗ.
Kiếp trước, chú Vương là một trong những người đầu tiên làm kinh doanh tự do, chuyên buôn gỗ, trở thành “vạn nguyên hộ” đầu tiên trong huyện.
Chú ấy hiền lành chất phác, quan hệ tốt với mọi người, chỉ tiếc sau này mắc bệnh, gia đình mất trụ cột, lụi tàn đúng lúc thời đại tốt nhất đang mở ra.
Tôi ở đó hai ngày, mẹ cũng không đến tìm.
Chỉ đến khi em gái sắp lên đường, bà mới cho người tới gọi tôi về.
Mẹ tôi dốc hết đồ tốt trong nhà đưa cho em tôi, đến lúc tiễn ra ga cũng không quên dặn dò đủ điều.
Tôi lạnh nhạt đứng nhìn cảnh mẹ con tình thâm ấy, lúc tiễn em lên tàu, nó quay lại nhìn tôi, cười đầy đắc ý:
“Chị à, kiếp này, em cũng sẽ trở thành vợ của chủ tịch tập đoàn.”
Tôi gật đầu, ừ một tiếng.
Vẻ mặt không hề gợn sóng, em tôi nhìn tôi đầy nghi ngờ rồi lại thương hại:
“Đúng là đồ ngốc!”
3.
Em gái tôi luôn nghĩ tôi là đứa ngốc, kiếp trước cũng thế, kiếp này cũng chẳng khác.
Nó cho rằng dù tôi có học giỏi thì cũng chỉ là con mọt sách, còn tìm được một người đàn ông tốt để gả mới là chuyện quan trọng nhất đời.
Sau này tôi xuống nông thôn, gả cho con trai trưởng thôn, đúng lúc gặp thời, làm ăn buôn bán ngày một phát đạt, cuối cùng trở thành vợ chủ tịch công ty thực phẩm ăn liền.
Còn nó thì vì chồng bị thất nghiệp, lại chỉ sinh được hai đứa con gái, sống cực kỳ cơ cực.
Nó ghen tỵ vì tôi gả được cho chủ tịch, liền trộn thuốc trừ sâu vào thịt xông khói đem đến biếu tôi.
Nó chỉ nhìn thấy cuộc sống giàu sang của tôi, đâu biết tôi đã phải trải qua bao gian khổ.
Mỗi một bước ngoặt trong cuộc đời, có bước nào tôi không phải đánh đổi bằng hết dũng khí, thậm chí là tính mạng?
Tôi biết nó cũng trọng sinh rồi, chỉ không rõ liệu nó có dám chặt đứt một ngón tay của chính mình như tôi năm xưa không.
Nhìn theo đoàn tàu ngày một xa, tôi không quay đầu lại, bước thẳng ra cửa ga.
4
Thành tích của tôi ở trường khá tốt, nhưng mẹ tôi chẳng có ý định cho tôi học tiếp.
Bà nói:
“Em mày xuống nông thôn rồi, mày phải tìm việc nuôi thân.
Ba mày gửi tiền về chẳng đủ nuôi cả hai đứa. Em mày ở dưới quê cực khổ, cũng phải chia phần cho nó một ít.”
“Được thôi.”
Tôi gật đầu đồng ý.
“Đừng học hành gì nữa, tao thấy mày cũng chẳng đậu nổi trung cấp đâu.”
Thời đó, đậu trường trung cấp là được phân công công việc, nhưng mẹ tôi không chờ được.
Tôi cũng chỉ gật đầu nói được.
“Con sẽ học đại học từ xa, đào tạo nửa năm cũng có việc làm.” Tôi nói kế hoạch của mình.
“Còn nửa năm nữa! Tao lấy đâu ra tiền nuôi mày nửa năm! Hôm qua chú Lưu Đức tới hỏi, xem mày có chịu đính hôn với con trai ổng không, tiền cưới đã bàn xong, một ngàn đồng!
Chốt chuyện đó, mày có thể dọn qua bên đó rồi.”
Tôi nhìn mẹ mình như thể đang nhìn một kẻ ngốc.
“Mẹ à. Nếu mẹ rảnh quá thì mua hai con gà con về nuôi đi, còn nếu mẹ ưng con trai nhà đó thì ly hôn với ba rồi cưới, giờ cũng là thời đại hôn nhân tự do rồi.”
“Đồ trời đánh! Sao tao lại sinh ra đứa cứng đầu như mày cơ chứ!”
Lời tôi nói khiến mẹ tôi tức đến nỗi đập tay đập chân lên giường.
Tôi lười tranh cãi với bà, quay đầu đi thẳng sang nhà Lưu Đức, đánh cho con trai ông ta một trận.
Lúc quay về, tôi thấy đèn trong phòng mẹ vẫn sáng, bèn len lén nhìn vào.
Mẹ tôi đang ôm hộp đựng tiền, cái hộp đã rỉ sét, trên nắp có in hình một đóa mẫu đơn lớn.
Tết sắp đến rồi, chỉ vài hôm nữa thôi là kiểu gì cũng bị trộm khoắng mất.
Thay vì để trộm lấy, chi bằng để tôi lấy.
Đêm đó, tôi trộm năm mươi đồng rồi bỏ trốn.
Từ xa, tôi thấy mẹ tôi ngồi dưới đất khóc, gào lên đòi đoạn tuyệt quan hệ.
5.
Tôi mang tiền đi đóng tiền thuê nhà, còn mua cả sách vở.
Lúc này, nhà nước đang khuyến khích học đại học từ xa, học phí cũng được miễn giảm, nên tôi cũng không quá áp lực.
Kiếp trước tôi chưa từng có cơ hội đi học, giờ đã có cơ hội thì phải cố gắng tiếp tục.
Tôi biết, không thể trông chờ vào mẹ mình.
Vì thế hiện tại chưa phải thời điểm thích hợp để thi đại học, tôi vẫn còn nhỏ, vẫn còn cơ hội.
Bây giờ, nhà nước đã cho phép dân thành thị kinh doanh buôn bán nhỏ, nên tôi dùng chút tiền còn lại, đến một thị trấn gần huyện mở một sạp sửa xe nhỏ.
Kiếp trước tôi cũng nhờ tay nghề mới gây dựng được cơ nghiệp, kiếp này nhất định sẽ còn tốt hơn.
Ở đây người qua lại huyện rất đông, nhưng cách huyện lỵ vẫn còn một đoạn, mà người biết sửa xe thì lại không nhiều.
Lúc đầu họ chẳng tin một cô gái nhỏ như tôi biết sửa xe, sau đó thấy tôi tính rẻ, làm lại nhanh gọn, nên dần tin.
Không ngờ tay nghề của tôi vừa nhanh vừa tốt, lại tiết kiệm.
Tiếng lành đồn xa, cả người trong huyện cũng tới tìm tôi sửa xe đạp.
Thời buổi này làm ăn vẫn còn nhiều rủi ro, khách cũng chưa đông, chỉ đủ nuôi thân, nhưng tôi lại quen biết được kha khá người, nhất là mấy người lén lút làm ăn nhỏ.
Dù họ không nói, tôi cũng đoán ra được tám chín phần.
Giao du một thời gian, tôi còn quen được một nhân vật nổi tiếng đời trước, người từng làm vận tải mà phất lên.
Khi cảm thấy cuộc sống ngày càng có hy vọng, thì mẹ tôi tìm đến.
Tôi vốn nghĩ ít nhất mẹ cũng phải nửa năm mới liên lạc lại, ai ngờ chưa đầy một tháng, bà đã đến nơi tôi ở.
“Đồng Nhàn! Có chuyện rồi! Có chuyện rồi! Nhã Nhã bị bắt nạt rồi!”
Tôi chẳng ngạc nhiên việc mẹ có thể tìm ra tôi, thực ra chắc khi tôi vừa dựng sạp bà đã biết tôi đang ở đâu.
Chỉ là tôi không ngờ, Nhã Nhã lại nhanh đến mức đã dây dưa với chồng kiếp trước của tôi.
6.
Mẹ tôi kéo tôi đi, nói hôm nay phải bắt tàu đến chỗ Đồng Nhã ngay.
Bà còn đá tung cả sạp hàng của tôi, vừa đá vừa mắng:
“Cả đời em mày mà mày không lo, còn ra cái thể thống gì là chị nó nữa!”
Trước kia cũng thế, chồng cũ của Đồng Nhã là kẻ nghiện cờ bạc, giúp đỡ bọn họ chẳng khác nào đổ tiền vào cái hố không đáy.
“Tại sao mẹ chắc được là con bé không tự nguyện?”
Mẹ tôi tức tối mắng tôi suy nghĩ bẩn thỉu, bảo tôi đáng bị tống đi cải tạo!
Tôi cũng lười cãi, ban đầu vốn không định đi, nhưng nhìn bà ấy đạp đổ sạp của tôi như thế, tôi biết lần này không đi là không xong.
Hai mẹ con mang chút hành lý và lương khô lên tàu, ngồi suốt mười tiếng đồng hồ, lại chuyển tiếp thêm năm tiếng xe mới đến được nơi gọi là thôn Bá Tử.
Nơi này với tôi quá quen thuộc rồi, không cần hỏi đường, rẽ vài ngả là đến nhà trưởng thôn.
Trưởng thôn khẽ thở dài, nói:
“Đồng trí thức và con trai tôi, Phồn Thịnh, đã có quan hệ rồi, mà cũng là cô ấy tự nguyện.”
Mẹ tôi lập tức gào lên:
“Tự nguyện cái gì mà tự nguyện! Con gái tôi ngoan ngoãn hiểu chuyện, là do mấy người lợi dụng quyền lực ép buộc nó!
Làm sao mà lại thành ra thế này! Tôi sẽ đi tố cáo! Tố cáo các người hết!”
Vừa nói vừa xô đẩy người ta, còn hét tôi đi lấy đồ đánh người.
Tôi lùi lại đứng một bên, nhìn thấy Đồng Nhã tay trong tay với Trương Phồn Thịnh vui vẻ bước ra khỏi nhà.
Trên cổ cô ta còn có vết đỏ nữa cơ!
Chắc vừa mới “chiến” xong, Trương Phồn Thịnh còn mặc quần ngược kia kìa.
“Mẹ! Mẹ đánh nhau làm gì vậy!
Con gọi mẹ tới là để chứng kiến hạnh phúc của con mà! À… ba!”