Tôi Không Phải Là Lưu Tiện Đệ - Chương 1
1
Nhìn vết thương do mảnh chai cắt rướm máu dưới chân, tôi đặt cháu lên ghế, bình thản nói:
“Ly hôn đi.”
Chồng tôi – Triệu Cường – tròn mắt kinh ngạc, không màng đến việc họ hàng bàn bên vẫn đang ăn uống,
Xắn tay áo, lao về phía tôi:
“Con đàn bà thối tha kia, bà muốn làm loạn đấy hả!”
“Ly hôn? Ly hôn rồi bà nghĩ mình còn sống được như thế này à?”
“Có bản lĩnh thì bà cút luôn đi! Cút rồi đừng có quay lại đấy!”
Dứt lời, ông ta giơ tay định tát, nhưng vì còn người ngoài nên chỉ đập bàn thật mạnh để trút giận.
Không khí trong phòng căng như dây đàn, họ hàng bắt đầu thì thầm bàn tán, rồi nhanh chóng đứng ra khuyên can.
Tất nhiên, chỉ khuyên một mình tôi:
“Tiện Đệ à, cái tên thôi mà, có gì to tát đâu.”
“Vợ chồng bao năm rồi, ông Triệu cũng đối xử với chị không tệ, chị không làm gì vẫn được ông ấy nuôi đấy thôi.”
“Chị cứ nhún nhường một chút, xin lỗi là xong, đừng vì chuyện tên họ mà phá vỡ gia đình.”
Rồi lại quay sang khuyên chồng tôi đừng chấp nhặt với tôi,
Nói rằng phụ nữ thì có hiểu biết gì đâu, cứ thích gây rối.
Triệu Cường đắc ý hừ lạnh một tiếng, ngồi chễm chệ lên ghế đầu, bắt chéo chân:
“Nể mặt mọi người hôm nay, tôi không đôi co với bà nữa.”
“Còn không mau dọn đống bừa bộn dưới đất đi, còn chưa đủ mất mặt à?”
Con trai cũng liếc tôi một cái, vẻ mặt đầy ghét bỏ, lấy chổi dúi vào tay tôi:
“Thôi mẹ, ba tha lỗi rồi, đừng làm loạn nữa.”
“Dọn nhanh còn thổi nến nữa kìa.”
Tôi nhìn đống mảnh chai vỡ và rượu đổ khắp sàn, rồi nhìn xuống máu vẫn đang rỉ ra từ chân.
Bỗng thấy mọi thứ thật vô nghĩa.
Tôi đẩy cái chổi sang một bên, quay lưng lặng lẽ trở vào phòng.
Thiếu tôi – người được mừng thọ – sau một thoáng im lặng ngắn ngủi, không khí bữa tiệc lại ồn ào như chưa từng có chuyện gì.
Triệu Cường tiếp tục uống rượu, say sưa khoác lác về những năm tháng ông ta gồng gánh cả nhà.
Con trai, con dâu thì cắt bánh kem, vừa cười vừa chia phần cho từng người.
Chỉ có điều – chẳng ai gõ cửa phòng tôi, hỏi tôi có sao không.
Cũng phải, trong căn nhà này, cảm xúc của tôi chưa bao giờ quan trọng.
Họ chờ tôi như mọi lần – cuối cùng sẽ cúi đầu trước.
Nhưng lần này, tôi sẽ không làm vậy nữa.
Băng bó xong vết thương, tôi bắt đầu thu dọn hành lý.
Tôi chẳng có gì nhiều, vài bộ đồ, hai đôi giày, một tấm căn cước.
Còn lại mọi thứ – đều thuộc về Triệu Cường, không phải của tôi.
2
Đợi khách khứa về hết, Triệu Cường mới lộc cộc gõ cửa phòng tôi.
Tôi mở cửa, thấy ông ta đang xỉa răng, miệng nồng nặc mùi rượu:
“Còn giận à? Có để phần đồ ăn đấy, ăn xong thì dọn dẹp bàn ghế đi.”
Tôi bịt mũi không nói gì, lặng lẽ đi ra.
Sau lưng là tiếng ngáy quen thuộc – ông ta lại như mọi lần, say mèm liền ngủ lăn quay ra.
Quần áo không thay, giày dép cũng chẳng tháo.
Phòng khách bừa bộn chẳng khác gì bãi chiến trường,
Cái gọi là “phần để lại cho tôi” chỉ là đống đồ ăn thừa không ai buồn đụng đến.
Tôi vỗ nhẹ lên sổ hộ khẩu trong túi, cười gượng một cái.
Không sao, những ngày thế này… sắp kết thúc rồi.
Người đầu tiên phát hiện tôi sắp đi là con dâu – Tiểu Phương.
Nó tinh mắt thấy cái túi trong tay tôi, lập tức giữ chặt lấy, không cho tôi đi:
“Mẹ à, nửa đêm nửa hôm mẹ định đi đâu?”
“Phú Quý sắp phải ru ngủ rồi, mẹ bỏ đi thì ai làm việc nhà? Làm người sao lại ích kỷ vậy chứ!”
“Hồi con về làm dâu, chồng con hứa sẽ cho con sống sung sướng đấy nhé!”
Tiểu Phương đầy oán trách, lời nói chua chát chẳng khác gì tôi mắc nợ nó.
Triệu Cường và con trai nghe động, cũng vội vàng chạy ra.
Thấy tôi ôm túi đồ, Triệu Cường tức điên, giật lấy ném xuống đất:
“Con đàn bà chết tiệt, nửa đêm còn dở chứng nữa à?”
“Ba ngày hai bận chỉ vì cái tên mà dằn vặt cả nhà, bà vui lắm đúng không?”
Con trai cũng hoàn toàn không hiểu tôi, lắc đầu thở dài, ra sức khuyên nhủ:
“Mẹ, nhà mình hiện giờ chẳng phải đang sống yên ổn sao?”
“Ai mà quan tâm cái tên của mẹ là gì chứ!”
Tôi đứng sững lại, nhìn đứa con trai vô cảm, nhìn người chồng hung hăng.
Bỗng thấy chua xót đến nghẹn lòng, tôi run rẩy nói: “Con không quan tâm… nhưng mẹ thì có.”
3
Cái tên Lưu Tiện Đệ.
Theo tôi suốt bao nhiêu năm, cũng giam hãm tôi suốt bấy nhiêu năm.
Ba tôi đặt cho tôi cái tên ấy.
Một là vì ông không thích tôi, ghét tôi là con gái, mệnh tiện.
Hai là vì ông mong tôi sẽ gọi được một đứa em trai về, để nối dõi tông đường.
Sau này em trai tôi ra đời, những ngày của tôi lại càng thêm khổ sở.
Ba mẹ thương em, không thương tôi. Từ nhỏ tôi đã ăn không no, mặc không ấm.
Bạn học cũng chê cười tôi, bảo tôi là thứ tàn dư phong kiến, nghe cái tên đã biết là đứa không được bố mẹ thương, đồ rẻ rúng.
Ngay cả thầy cô cũng ngại gọi tên tôi to tiếng, sợ mất mặt.
Lần đầu tiên tôi đề nghị được đổi tên là hồi học cấp hai.
Kết quả là bị một trận đòn nhừ tử.
Ba mẹ bảo em trai là do tôi gọi về nhờ cái tên này.
Tôi mà đòi đổi tên, chẳng khác nào phá vận của nó, đời này đừng có mơ được đổi.
Về sau, tôi nghỉ học sớm, ra ngoài làm công.
Mỗi khi có ai đó gọi đến cái tên của tôi, họ đều sẽ lộ ra nét mặt khinh thường, thương hại, hoặc chán ghét.
Còn tôi thì theo phản xạ, luôn cúi đầu thật thấp.
Dù họ không có ác ý, tôi vẫn luôn cảm thấy mình sinh ra đã thấp kém hơn người.
Mãi cho đến khi Triệu Cường xuất hiện, tình hình mới đỡ hơn đôi chút.
Anh ta không vì cái tên mà đối xử khác biệt với tôi, ngược lại còn nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói anh ta thấy xót xa.
Ngày cưới, anh ta tức giận nói phải đưa tôi đi đổi tên, để tôi thoát khỏi xiềng xích này.
Tôi đã tin anh ta.
Năm này qua năm khác, nhưng anh ta lúc nào cũng bận.
Anh ta dỗ tôi rằng sinh con trước đã, sinh xong sẽ đưa tôi đi.
Sinh xong, lại dỗ tôi chăm con trước, đợi con trai lớn rồi sẽ đưa tôi đi.
Thế là hết năm này đến năm khác, tôi chăm con, lo việc nhà, hầu hạ cha mẹ chồng.
Đợi chờ mòn mỏi mười mấy năm, Triệu Cường vẫn chẳng bao giờ có thời gian.
Tôi chỉ còn biết đặt hy vọng vào con trai.
Thằng bé khi còn nhỏ, từng vỗ ngực hứa hẹn: sau này lớn lên nhất định sẽ giúp mẹ thực hiện mọi ước nguyện.
Nhưng rồi nó cũng thất hứa.
Khi lớn, nó bận rộn với công việc, với yêu đương, rồi kết hôn, sinh con.
Nó có thời gian đi uống rượu xã giao, có thời gian hẹn hò ăn tối,
Nhưng lại chẳng thể dành nổi chút thời gian nào cho tôi, dù chỉ là một ngày, hay vài tiếng đồng hồ.
Cứ thế, tôi lại lặp đi lặp lại vòng xoáy chăm con dâu, chăm cháu nội.
Những ngày như thế, không biết đến bao giờ mới dừng lại.
Tên của tôi cũng dần bị người đời lãng quên.
Họ gọi tôi là vợ ông Triệu, là bà nội Phú Quý.
Nhưng nỗi nhục nhã và đắng cay mà cái tên Lưu Tiện Đệ mang lại, tôi thì chẳng thể nào quên được.
Vậy nên lần này, tôi sẽ không nhượng bộ nữa.
4
Thấy tôi kiên quyết như thế, con trai cũng dịu giọng lại.
Nó nắm tay tôi, giở giọng nũng nịu như hồi nhỏ:
“Mẹ, mẹ đừng ích kỷ vậy được không? Vì con mà ở lại đi, dạo này con bận lắm.”
“Mẹ đi rồi, vợ con – Tiểu Phương – sẽ áp lực lắm đó.”
“Thế này đi, vài năm nữa Phú Quý đi học rồi, con nhất định sẽ dành thời gian đưa mẹ đi đổi tên, chịu không?”
Tôi không đáp, chỉ lặng lẽ nhìn đống quần áo và căn cước, sổ hộ khẩu rơi vãi dưới đất.
Vừa cúi nhặt, vừa lẩm bẩm:
“Con à, nếu mẹ còn bốn mươi tuổi, không cần con nói, mẹ cũng sẽ giúp con.”
“Nhưng giờ mẹ già rồi, mẹ đã sáu mươi…”
“Nếu cứ chờ nữa, mẹ sợ khi chết đi rồi vẫn còn mang theo nỗi tiếc nuối.”
Bị tôi vạch trần, con trai đứng chết trân tại chỗ, mặt xanh mét.
Triệu Cường hừ lạnh một tiếng, còn định nói thêm gì đó, nhưng vì sĩ diện nên không tiện giữ tôi lại.
Chỉ buông một câu:
“Tôi nói rồi, đây là nhà tôi, là nhà tôi bỏ tiền ra mua.”
“Bà mà bước chân ra khỏi cửa, thì sau này đừng hòng quay lại. Nhà này không còn chỗ cho bà nữa!”
Tôi vẫn không hề do dự, cúi xuống nhặt nốt đồ rồi quay người bỏ đi.
Tiểu Phương thấy không ngăn nổi tôi, cuống quá liền giậm chân liên tục.
Lúc này, Phú Quý trong lòng nó bỗng bật khóc nức nở, giọng khàn đặc.
“Bà ơi, không ổn rồi, Phú Quý hình như không khỏe!”
“Nó là cháu ruột của mẹ đấy, mẹ định mặc kệ sao? Mẹ mà đi, nó khóc đến khản cả cổ đấy!”
“Mẹ ở lại thêm hai ngày đi, đợi nó khỏe lại rồi, con sẽ đích thân đưa mẹ đi đổi tên!”
5
Tôi siết chặt cuốn sổ hộ khẩu trong tay, lại nhìn gương mặt đỏ bừng vì khóc của Phú Quý.
Rốt cuộc vẫn không nhẫn tâm nổi.
“Được, hôm nay mẹ có thể ở lại, nhưng mẹ chỉ ở đúng một ngày.”
“Nếu mai con không đưa mẹ đi, mẹ vẫn sẽ đi như đã nói!”
Nói rồi, tôi đón lấy Phú Quý, vừa dỗ vừa hát ru cho nó ngủ.
Tiểu Phương cũng thở phào nhẹ nhõm, ân cần cầm lấy đồ của tôi, bảo sẽ mang vào phòng giúp tôi.
Tối đó, cuối cùng tôi cũng ru được Phú Quý ngủ.
Tôi chống cái lưng già mỏi nhừ, định đi xác nhận lại chuyện đổi tên.
Vừa ra đến cửa phòng thì nghe thấy giọng con trai vang lên bên trong:
“Vợ à, sao em lại đồng ý đưa mẹ đi đổi tên chứ? Mẹ già thế rồi, không thấy mất mặt à?”
“Mẹ làm loạn, em cũng theo làm loạn theo, cẩn thận bố lại chửi cho đấy.”
Tiểu Phương đắc ý vỗ vai con trai tôi:
“Yên tâm đi anh, em chỉ lừa bà thôi. Vừa rồi em đã đưa sổ hộ khẩu giấu ở chỗ bố rồi.”
“Nếu bà bỏ đi thật, thuê giúp việc cũng tốn không ít tiền đâu.”
“Mình cứ giả vờ là mất hộ khẩu, để bà ấy ở lại tiếp tục làm việc nhà.”
“Thời gian trôi qua, tự nhiên bà ấy cũng hết hy vọng thôi.”
Nghe xong, con trai tôi vui vẻ hôn Tiểu Phương một cái:
“Vẫn là vợ anh thông minh nhất, biết nghĩ cho kinh tế gia đình.”
Tôi run rẩy dựa vào tường, không ngờ từng này tuổi rồi, vẫn còn bị chính con mình tính toán như thế.
Thật đáng thương mà cũng thật nực cười.
Nhưng may mắn thay, căn nhà này vẫn luôn do tôi chăm nom.
Tôi biết rõ Triệu Cường có thói quen cất đồ ở đâu, rất nhanh đã tìm thấy cuốn sổ hộ khẩu trong két sắt.
Lần này, tôi quyết định – ra đi không một lời từ biệt.