Tôi Bị Mẹ Ruột Dùng Một Miếng Thịt Để Đổi - Chương 5
Ngay khoảnh khắc cảnh sát phá cửa xông vào, tôi lảo đảo nhào tới ôm lấy Tuyết Nhi.
Tuyết Nhi của tôi, đầu lưỡi khẽ thè ra, con ngươi giãn rộng, hơi thở… đã vĩnh viễn không còn.
Máu tụ lại thành dòng, phủ lên thân nó một lớp áo choàng đỏ thẫm.
Tai tôi ù đi.
Trong những tiếng cãi vã lẫn la hét, tôi nghe thấy Tống Na và gã đàn ông kia lớn tiếng cãi lại:
“Cảnh sát, là con chó đó cắn người. Anh tôi chỉ là tự vệ thôi!”
“Đúng vậy, nó là súc sinh. Nó cắn tôi, tôi đánh lại thì sao chứ?”
“Chúng tôi đến thăm thai phụ mà. Cây gậy này là mang đến cho em tôi phòng thân, các anh không thấy sao?”
Gã đàn ông nhếch môi nhìn tôi, ánh mắt lạnh băng như dao cắt.
Tôi cắn răng đứng dậy, kéo áo để lộ vết máu đang thấm ra từ vết mổ: “Chúng đột nhập nhà riêng, ra tay đánh người. Chó của tôi… đã hy sinh để cứu tôi.”
Tôi nghẹn giọng, cố nuốt nước mắt: “Thưa các anh, tôi không muốn hòa giải. Tôi sẽ kiện bọn họ. Tôi muốn họ phải trả giá đắt cho việc mình làm.”
Từng chữ, tôi nói rõ ràng, rành mạch, như dao đâm thẳng vào lòng người.
Gã đàn ông gào lên chửi rủa tôi, Tống Na thì gào khóc bảo tôi vô tình.
Tôi lau nước mắt, cười nhạt.
Vô tình sao?
Trong mắt họ, Tuyết Nhi chỉ là một con chó. Nhưng với tôi, nó là người thân mà tôi đã nuôi nấng suốt ba năm trời.
Mỗi lần tôi buồn bã, đau khổ, luôn có nó bên cạnh.
Thế giới của tôi có bao sắc màu, còn thế giới của nó… chỉ có mỗi tôi.
Tôi sẽ kiện. Không những vậy, tôi sẽ theo dõi từng ngày sống tiếp theo của họ. Mỗi ngày họ còn sống an nhàn, là mỗi ngày tôi không thể buông tha.
Tôi ôm lấy thân thể đã dần cứng lạnh của Tuyết Nhi… một lần nữa khóc nấc lên.
Phùng Tuấn đến nơi, thì tôi đã làm xong biên bản tại đồn cảnh sát, quay trở về rồi.
Phùng Tuấn râu ria xồm xoàm, vẻ mặt mỏi mệt hỏi tôi: “Không thể bỏ qua cho họ sao? Nhà Tống Na có thế lực lớn, bao năm qua tôi với cô ta chỉ là mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau… Tôi cần nhờ cậy thế lực nhà họ… không thể đắc tội với họ được…”
Tôi giơ tay ngăn anh ta nói tiếp: “Tôi không quan tâm anh với cô ta là vì ép buộc hay là không kiềm chế được, đó là chuyện của các người. Nhưng họ không nên tìm đến tận cửa làm loạn, càng không nên… đánh chết Tuyết Nhi.”
Nói đến đây, tôi vẫn nghẹn ngào. Nó rõ ràng nhút nhát đến thế, tại sao lại lao ra chắn cho tôi chứ!
Lúc đó tôi đã gọi cảnh sát rồi. Nếu nó không lao tới, cùng lắm tôi chỉ bị thương, nó… cũng sẽ không phải bỏ mạng.
Phùng Tuấn hé miệng, định nói thêm điều gì đó, nhưng tôi đã nhắm mắt lại: “Ly hôn đi. Đừng khiến tôi thấy anh ghê tởm thêm nữa.”
Quả nhiên, nhà họ Tống có thế lực thật. Chẳng bao lâu sau, bọn họ liền được thả ra.
Việc đầu tiên Tống Na làm sau khi được thả là tung ra kết quả giám định thương tích của anh họ cô ta, biến hành động dũng cảm của Tuyết Nhi thành việc tôi “xúi giục chó dữ cắn người”.
Làn sóng dư luận ập đến như thác lũ, suýt nữa đã nhấn chìm tôi.
Nhà tôi bị người ta ném đầy rác. Ra đường thì bị chỉ trỏ, mắng chửi. Còn có những người chẳng biết đầu đuôi gì, lại độc miệng nguyền rủa cả đứa con trong bụng tôi.
Cuối cùng, tôi buộc phải gửi con sang nhà bạn thân, để tránh bị tổn thương.
Tôi không biện minh gì cả, cứ để sự việc tự phát triển.
Cho đến khi ngày càng nhiều người quan tâm, tôi thuê thám tử tư, điều tra ra cha của Tống Na là một lãnh đạo trong sở cảnh sát. Tôi thu thập đầy đủ chứng cứ, nộp đơn kiện lên tòa án.
Trước phiên xét xử, tôi mở livestream trên một nền tảng mạng xã hội, mua suất lên hot search, chính thức tố cáo: cha của Tống Na lợi dụng chức quyền bao che cho con, anh em nhà Tống ngang ngược vô pháp, tự tiện xông vào nhà dân, cố ý gây thương tích.
May mắn thay, trước khi sinh con, Phùng Tuấn từng lo tôi mang thai có thể gặp bất trắc nên đã lắp đặt camera trong nhà.
Màn lật ngược thế cờ bất ngờ ấy khiến dư luận câm lặng.
Trong lúc cư dân mạng ngập tràn cảm giác tội lỗi, sự phẫn nộ càng trở nên mãnh liệt hơn. Họ chuyển mũi dùi sang nhà họ Tống, đồng loạt lên án dữ dội hơn bao giờ hết.
Một vài lãnh đạo vốn chỉ quen biết sơ giao với cha của Tống Na cũng lần lượt bị phanh phui những bê bối trong quá khứ, sau đó đều bị giáng chức xử lý.
Hậu thuẫn của nhà họ Tống vì thế mà sụp đổ hoàn toàn. Cha của Tống Na bị cách chức, khai trừ khỏi ngành.
Tống Na và người anh họ bị khởi tố với tội danh cố ý gây thương tích, cuối cùng bị kết án.
Tại phiên tòa, Tống Na và anh họ quay sang đổ lỗi cho nhau, ai cũng khai rằng đối phương là chủ mưu, mong được giảm nhẹ hình phạt. Nhưng vì làm loạn nơi xét xử, cả hai bị tăng thêm một năm tù giam và bị phạt hành chính.
Sau khi tất cả mọi việc kết thúc, tôi cũng hoàn tất thủ tục ly hôn với Phùng Tuấn.
Lúc dọn ra khỏi nhà, anh ta cố giữ tôi lại: “Có thể cho anh một cơ hội nữa được không?”
Tôi lạnh lùng rút tay ra khỏi tay anh ta: “Nếu Tuyết Nhi có thể sống lại.”
Khi bác sĩ thú y từ cửa hàng thú cưng mang tro cốt của Tuyết Nhi đến, tôi vừa đón con từ nhà bạn thân về, đang bế con trong lòng dỗ dành.
Thấy chiếc bình sứ trắng trong tay anh ấy, khóe mắt tôi không kìm được đỏ hoe.
“Đừng buồn. Nó là một cô bé dũng cảm, thiện lương. Tích đủ công đức rồi, kiếp sau sẽ được làm người.”
Anh bác sĩ đẹp trai ấy nhẹ giọng an ủi tôi.
Tôi gật đầu đáp lại.
Anh ấy gãi đầu, rồi đưa cho tôi một cuộn len tròn tròn: “Lúc dọn dẹp cửa hàng, tôi tìm thấy cái này. Là món đồ chơi Tuyết Nhi thích nhất. Nếu chị không muốn giữ…”
“Tôi muốn,” tôi đón lấy cuộn len từ tay anh, cúi đầu vuốt nhẹ từng đường vân, “Tôi muốn giữ.”
Tôi thường xuyên cho mấy chú chó hoang gần nhà ăn.
Tuyết Nhi chính là do mẹ của nó – một con chó hoang mà tôi hay cho ăn – đưa đến.
Khi ấy tôi đã biết, là con nhóc này mặt dày bám theo bọn chúng.
Mẹ chó và bốn đứa con đều là chó cỏ, nhỏ gầy, yếu ớt. Còn Tuyết Nhi – một con Samoyed – mới ba tháng tuổi đã to bằng mẹ nuôi rồi.
Có lẽ do dây thanh quản bẩm sinh không phát triển bình thường, nó không sủa được, nên bị chủ cũ vứt bỏ.
Lũ chó hoang vốn sống đã chật vật, nay có thêm Tuyết Nhi – từ khi nó nhập bầy, đám chó kia ngày một gầy rộc đi, vì tất cả đồ ăn đều bị nó ăn sạch.
Ngày mẹ chó đưa nó đến cho tôi, nó bỏ chạy không ngoái đầu, đổi cả địa bàn lang thang, chỉ sợ tôi trả lại con cho nó.
Thế mà con bé vẫn hay quay lại chỗ cũ, ngồi yên ở đó, mong được gặp lại mẹ mình.
Tôi là trẻ mồ côi, không có người thân. Kể từ giây phút ấy, Tuyết Nhi đã là gia đình của tôi.
Sau này gặp Phùng Tuấn, tôi cũng từng nói với anh như vậy.
Từ một người ghét chó, anh dần thay đổi. Tôi đã từng ngỡ rằng chúng tôi sẽ cùng nhau đi qua hết đời.
Khu tôi ở rất kỵ chó to.
Dù tôi đã làm giấy phép nuôi, tiêm phòng đầy đủ cho Tuyết Nhi, ra ngoài luôn dắt dây, dọn dẹp sạch sẽ chỗ nó tiểu tiện, vẫn bị người đi đường vô lý chỉ trích.
Nhiều lúc, tôi đành nhốt nó trong nhà.
Nó hay bức bối mà phá phách. Phá xong thì đôi mắt ướt nhèm lại nhìn tôi lấy lòng, khiến tôi không nỡ giận nữa.
Phùng Tuấn từng lái xe đưa nó đến những nơi ít người để chơi. Mỗi lần như vậy, tôi đều thấy ánh mắt Tuyết Nhi sáng bừng hạnh phúc.
Nó cũng thích Phùng Tuấn, đúng không?
Thế mà cuối cùng… người khiến nó mất mạng, cũng chính là anh ta.
Có người nói tôi độc ác, không nên vì một con chó mà đẩy con người vào đường cùng.
Nhưng họ đâu biết — nếu không có Tuyết Nhi, cây gậy của tên anh họ Tống Na có thể đã khiến cơ thể tôi – vừa sinh xong còn chưa hồi phục – bị tổn thương nghiêm trọng hơn nhiều.
Lẽ ra người đáng bị chỉ trích phải là Tống Na và anh cô ta mới đúng chứ?
Một kẻ thứ ba, chọn ngay lúc tôi vừa sinh xong, chưa kịp hết cữ mà xông đến tận cửa hành hung.
Tôi đã làm gì sai để phải chịu đựng những điều đó?
Nếu tất cả khởi nguồn từ việc Phùng Tuấn ngoại tình, vậy vì sao người đàn ông đó vẫn có thể bình yên đứng ngoài vòng dư luận?
Nhưng tôi chẳng cần ra tay với anh ta.
Nhà họ Tống vì sợ tôi, đã đổ hết mọi tội lỗi lên đầu Phùng Tuấn.
Từ nay về sau, cả quãng đời còn lại của anh ta sẽ sống trong run rẩy và ám ảnh bởi sự trả thù của nhà họ Tống.
Thời gian trôi đi, dư âm từ câu chuyện của tôi dần lắng xuống. Mỗi ngày người ta đều có câu chuyện mới để bàn tán.
Tôi dọn về căn nhà nhỏ của mình, dùng phần tài sản chia được sau ly hôn để mở một tiệm trà sữa nho nhỏ.
Những lúc rảnh rỗi, tôi thường ngồi ở ban công phòng khách, nhìn ánh nắng xuyên qua lớp kính.
Rồi tự hỏi, Tuyết Nhi của tôi… liệu con bé đã quay về hành tinh chó chưa?
Liệu… nó có quen với cuộc sống ở đó không?
Cuộn len lăn từ trên bàn xuống, lăn lóc tới bên chân tôi.
Con trai tôi lảo đảo bước tới gần.
Bàn chân nhỏ bé đạp trúng cuộn len, khiến cơ thể bé xíu của con loạng choạng một khắc, chiếc lưng cong xuống, rồi từ từ đứng thẳng lại — như thể có một thứ gì đó vô hình vừa nâng con lên.
Trong khoảnh khắc mơ hồ ấy, tôi nghe thấy một tiếng “gâu…” rất nhẹ, khản đặc và yếu ớt.
Gió chiều lướt qua, làm chuông gió bên hiên ngân lên một tiếng leng keng, âm thanh trong trẻo như một lời tạm biệt dịu dàng.
Tôi bế con lên, đứng dậy, sống mũi cay xè.