Tình Yêu Ràng Buộc - Chương 3
Đôi mắt anh sáng rực, như ngọn hải đăng giữa màn đêm.
Tôi không cách nào né tránh được.
Tôi kể sơ lược tình cảnh của mình: việc học thì đuối, túi tiền thì rỗng.
Bạch Kính Văn nhờ bạn kéo tôi vào nhóm làm thêm của trường.
Trong nhóm thường đăng thông tin tuyển dụng.
Có việc trả lương theo ngày, có việc cuối tuần, cũng có việc hè.
Mọi người có thể tự chọn theo lịch rảnh của mình.
Mắt tôi đỏ hoe:
“Cảm ơn anh.”
Bạch Kính Văn nhẹ nhàng vỗ vai tôi.
“Nếu em không chê, cứ coi anh như anh trai.”
Lúc đang học trong thư viện, tôi nhặt được một chiếc điện thoại.
Chủ nhân gọi đến, hẹn gặp để nhận lại.
Thế là tôi có người bạn đầu tiên ở đại học – Lê Mộng Lộ.
Cô ấy học cùng khoa với tôi, hơn tôi một khóa.
Cô kể rằng mẹ cô rất hâm mộ Marilyn Monroe, nên đặt tên con như vậy.
Tôi lên mạng tra, mới biết đó là một minh tinh Hollywood nổi tiếng giữa thế kỷ 20.
Từ khi quen cô, tôi có được chiếc laptop đầu tiên trong đời.
Cô thấy tôi ghi chép bằng tay dày đặc, tra cứu vẫn dùng điện thoại cũ kỹ.
Lê Mộng Lộ nói:
“Tớ có đứa bạn mê đồ công nghệ, có bản mới là nó đổi liền. Máy cũ của nó còn mới lắm, chỉ bán một phần tư giá.”
Thế là tôi bỏ ra một nghìn tệ, mua được chiếc laptop đầu tiên.
Mẹ Trình nhìn thấy túi đựng laptop của tôi.
Bà giằng lấy định xem:
“Thằng Phong cũng vừa nói cần mua máy tính, hay là cái này…”
Tôi lập tức giật lại như bảo vệ báu vật:
“Đây là đồ tôi bắt buộc phải dùng để học.”
Mẹ Trình bĩu môi:
“Cô có tiền mua máy, mà không có tiền đưa tôi tiêu vặt à?”
Tôi đưa bà năm trăm tệ.
Tiết kiệm một chút, ăn cơm ở căng-tin là đủ sống một tháng.
Tôi ghét lòng tham của mẹ Trình.
Nhưng cũng chẳng thể làm ngơ với bà hoàn toàn.
Một người bị dồn đến đường cùng thì chuyện gì cũng có thể làm ra.
Thà dùng tiền mua lấy sự yên ổn, để tôi yên tâm học hành.
Nhà trường cũng hiểu hoàn cảnh khó khăn của mẹ Trình, nên sắp xếp cho bà công việc lao công.
Tôi vô cùng cảm kích trường học.
Còn mẹ Trình thì mặt mày toàn là ghét bỏ.
Công việc bắt đầu từ năm giờ sáng.
Giữa mùa đông lạnh giá, bà gọi điện cho tôi:
“Năm đó lúc cứu cô, tôi bị bò húc gãy chân. Trời lạnh là lại đau. Cô đi quét dọn giúp tôi đi.”
Bác sĩ từng nói rõ, lúc đó chỉ là chấn thương phần mềm.
Bà từng dùng lý do ấy ép tôi trở thành bạn gái Trình Phong.
Giờ đem ra dùng lại, không còn tác dụng nữa.
Tôi thẳng thừng từ chối.
Lúc ngủ, tôi luôn tắt máy.
Mẹ Trình từng mò đến tìm tôi lúc rạng sáng, đập cửa liên tục.
Bạn cùng phòng mắng um trời:
“Gõ hồn à?! Còn quấy rầy nữa tôi gọi bảo vệ đấy!”
Thế nhưng, bà vẫn không bỏ cuộc.
Vì bà biết, hút máu từ tôi… không đủ để nuôi sống Trình Phong.
7
Kết thúc học kỳ đầu tiên, thành tích thi cử của tôi không được như mong muốn.
Tôi phải tranh thủ kỳ nghỉ đông để ôn lại.
Còn phải ra ngoài làm thêm.
Nghe nói làm việc trong bảy ngày Tết thì tiền lương cao gấp ba bình thường.
Lê Mộng Lộ cũng không về quê, cô muốn nhân dịp Tết kiếm thêm một khoản.
Nhà cô ấy có điều kiện, nhưng tính cách độc lập. Cô chỉ cho cha mẹ chi trả học phí và sinh hoạt năm đầu tiên, còn lại đều tự xoay xở.
Mẹ Trình muốn Trình Phong lên Bắc Kinh ăn Tết.
Trình Phong bảo không mua được vé.
Tôi nghĩ cái cớ đó chỉ là để che giấu chuyện không có tiền.
Tôi không để tâm, cũng chẳng có ý định can thiệp.
Tôi vẫn đi sớm về khuya, cố gắng tránh mặt mẹ Trình càng nhiều càng tốt.
Bề ngoài bà có vẻ quê mùa, lạc hậu, nhưng trong chuyện tiền nong thì lanh lẹ vô cùng.
Không biết từ đâu bà nghe nói lương làm thêm dịp Tết rất cao, liền tới hỏi xin tiền tiêu Tết.
Tôi chẳng sợ bà làm loạn.
Chuyện bà nuốt tiền học của tôi ai trong trường cũng biết.
Chỉ cần tôi đem chuyện đó ra là khí thế của bà sẽ bị dập tắt ngay.
Sinh viên ở đây phần lớn đều có tư tưởng độc lập, lại nhiệt huyết chính nghĩa.
Ngay cả mẹ ruột mà ăn bám con cái cũng bị chỉ trích dữ dội, huống chi là mẹ nuôi.
Mà thật ra bà ấy có được gọi là mẹ nuôi đâu cho đúng.
Thôn còn từng cấp tiền chu cấp nuôi dưỡng tôi.
Tối giao thừa, tôi và Lê Mộng Lộ làm phục vụ ở một nhà hàng nhỏ.
Nhà hàng rất đông khách, đều là những người tha hương ở Bắc Kinh tụ họp mừng năm mới.
Mọi người vừa nghe nhạc, vừa tâm sự chuyện buồn vui năm cũ.
Cùng hy vọng một năm mới bình an thuận lợi.
Chín giờ tối, tôi nhận được cuộc gọi từ đồn cảnh sát, nói mẹ tôi bị lạc ngoài phố.
Phản ứng đầu tiên của tôi là: lại trò mèo của mẹ Trình nữa rồi.
Tôi cáu kỉnh đáp:
“Cháu đang đi làm thêm, không rảnh, chú cảnh sát có thể làm ơn đưa bà ấy về ký túc xá Thanh Đại được không ạ?”
Lời tôi vừa dứt, đầu dây bên kia lập tức vang lên tiếng gào khóc chói tai.
Chiêu trò cũ rích: giả vờ có vấn đề thần kinh, khóc lóc ăn vạ để lấy lòng thương.
Tôi rất muốn tắt máy ngay, nhưng nghĩ đến ngày Tết mà còn để chú cảnh sát chịu phiền vì trò của mẹ Trình thì không đành lòng, đành phải xin nghỉ việc.
Lê Mộng Lộ nói đỡ với ông chủ, bảo tôi có một bà mẹ đầu óc không bình thường.
Ông chủ cũng hiểu chuyện, đồng ý cho tôi nghỉ, còn thanh toán tiền công trong ngày.
Tôi đến đồn cảnh sát đưa mẹ Trình về.
Bà mặt mày đầy đắc ý:
“Nếu cô không chịu đưa tiền, tôi sẽ không để cô đi làm.”
Tôi thản nhiên nằm vật ra giường.
Không có việc gì thì ngủ, dưỡng sức để còn đấu trí với bà.
Mẹ Trình cứ lải nhải đòi tôi chuẩn bị cơm tất niên và tiền mừng tuổi.
Tôi ung dung nói:
“Bà gọi cảnh sát đến đi, tôi cũng muốn biết xem bà nói với họ thế nào. Bà phá hỏng công việc của tôi rồi còn đòi tiền, xem cảnh sát giúp bà hay giúp tôi.”
Đêm đó, hai chúng tôi đều không ăn gì.
Mẹ Trình im thin thít, không rõ là có đang hối hận vì phá hỏng công việc làm thêm lương gấp ba của tôi không.
Sáng sớm hôm sau, Trình Phong gọi điện cho tôi.
Lại mượn tiền.
Bảo rằng ở trong ký túc một mình, vừa lạnh vừa đói.
Trách tôi làm bạn gái mà chẳng quan tâm, ít nhất cũng phải cho tiền.
“Tôi vừa mất việc làm thêm lương gấp ba vì mẹ anh. Làm bạn trai, anh định bù cho tôi thế nào?”
Trình Phong vì chuyện đó mà mắng mẹ anh ta một trận trong điện thoại.
Mắng bà hồ đồ, làm mất số tiền đáng ra thuộc về anh ta.
Sau đó mẹ Trình đến xin lỗi tôi.
Tôi không buồn trả lời.
Tôi phải nghĩ cách đẩy bà đi.
Tìm cho bà một công việc cách xa Thanh Đại, đỡ phải gặp lại.
Đợi bà đi rồi, tôi sẽ rút khỏi ký túc xá.
Đến lúc bà muốn quay lại, sẽ không còn dễ dàng nữa.
Tôi nói ý tưởng đó với Lê Mộng Lộ.
Cô lập tức huy động các bạn trong nhóm làm thêm đi tìm việc.
Chẳng bao lâu sau, thật sự tìm được một việc phù hợp cho mẹ Trình.
Một kho hàng đang tuyển người trông kho.
Bao ăn ở, lương ba nghìn một tháng.
Mẹ Trình không có học thức, phía bên đó vốn không nhận.
Nhưng có bạn học quen với ông chủ, nói vào mấy lời, xem như giúp đỡ một bà già nhà quê, cuối cùng cũng được nhận.
Mẹ Trình vui vẻ nhận việc.
Vừa có ăn có ở, lại không phải dầm mưa dãi nắng.
Bà tự thấy như thế còn đàng hoàng hơn làm lao công.
Bà chưa từng nghĩ cả đời mình có ngày kiếm được ba nghìn một tháng.
Ở quê, đó là chi phí sinh hoạt cả năm.
Mẹ Trình tính toán kỹ lắm, nơi đó bao ăn ở, nhưng bà vẫn luyến tiếc ký túc xá trường.
Bà nhặt đủ loại phế phẩm về chất trong phòng, tưởng chỉ cần không rời đi là trường không thể thu lại phòng.
Nhưng cô quản lý ký túc nói thẳng:
“Trường không có nghĩa vụ cung cấp chỗ ở cho bà. Bà đã chuyển đi thì ký túc xá phải thu lại.”
Chỗ làm mới cách Thanh Đại, đi tàu điện ngầm mất hơn một tiếng.
Không có phòng ở thì chẳng thể giữ được việc.
Mẹ Trình đành luyến tiếc dọn hết đồ đạc ra khỏi ký túc xá.
8
Không còn mẹ Trình, tôi cảm thấy thời tiết cũng trở nên dễ chịu hơn hẳn.
Trời xanh trong không một gợn mây, nắng cũng dịu dàng, ấm áp lạ thường.
Bạch Kính Văn tìm được hai suất làm tình nguyện viên tại Hội chợ Y dược quốc tế.
Mắt Lê Mộng Lộ lập tức sáng rỡ.
“Đây là cơ hội ngàn năm có một để tìm hiểu về các thiết bị y tế tiên tiến nhất đấy.”
Đi tham quan thì chỉ nắm được phần nổi của tảng băng trôi.
Làm tình nguyện viên thì có thể tiếp xúc với người trong các công ty thiết bị y tế, biết đâu lại mở ra cơ hội việc làm sau này.
Tôi cũng thấy hào hứng:
“Anh Bạch cũng sẽ đi làm tình nguyện viên à?”
Lê Mộng Lộ nhìn tôi như thể tôi vừa hỏi một điều ngớ ngẩn.
“Cậu thân với anh ấy vậy mà không biết nhà anh ấy làm gì sao?”
Bạch Kính Văn là tam thiếu gia của tập đoàn y tế Mạch Thịnh, một trong mười công ty y dược hàng đầu trong nước.
Lê Mộng Lộ còn nhắc tôi:
“Anh ấy cực kỳ thu hút, nhưng cậu đừng có sa vào đấy. Anh cả lấy con gái chủ một công ty công nghệ sinh học, anh hai thì cưới sinh viên ưu tú của viện nghiên cứu dược. Người mà anh ấy sẽ lấy, kiểu gì cũng phải vừa giàu vừa giỏi. Chúng ta nhìn thôi, đừng mơ.”
Tôi tự biết mình là ai.
Tôi với anh ấy, khác biệt một trời một vực.
Nhưng dù biết thế, nghe những lời đó, tim tôi vẫn nhói lên một chút.
Tôi thật sự ngưỡng mộ anh ấy, yêu thầm anh ấy.
Không thể kìm lòng.
Nhưng anh ấy là ánh sao trên trời, tôi chỉ có thể đứng xa mà nhìn.
Hội chợ y dược kéo dài ba ngày.
Mở mang tầm mắt tôi vô cùng.
Bạch Kính Văn giới thiệu chi tiết cho tôi và Lê Mộng Lộ về hiện trạng phát triển của Mạch Thịnh cũng như kế hoạch tương lai.
Nghe mà tim tôi đập rộn ràng.
Anh cười:
“Hy vọng sau này hai em sẽ trở thành nhân viên của Mạch Thịnh.”
Nhìn ánh sáng trong mắt anh, tôi bỗng có một mục tiêu rõ ràng để phấn đấu.
Tôi rụt rè hỏi:
“Anh Bạch, em có thể mời anh ăn một bữa không?”
Sợ anh hiểu lầm, tôi vội giải thích:
“Anh giúp em quá nhiều rồi, em chẳng có gì báo đáp, chỉ có thể mời anh ăn cơm.”
Đây là lần đầu tiên tôi chủ động mở lời mời ai đó ăn cơm.
Nếu không nhờ anh giúp đỡ, tôi chẳng bao giờ có đủ tự tin làm vậy.
Anh gật đầu:
“Được, dạo này anh đang làm dự án với thầy hướng dẫn, bận một chút. Đợi xong việc, anh sẽ đến tìm em.”
Tôi mừng rỡ, háo hức đếm từng ngày để được gặp lại Bạch Kính Văn.
Nhưng người gọi cho tôi trước lại là Trình Phong.
Vẫn là mượn tiền.
Tôi đã từ chối không biết bao nhiêu lần.
Nếu cậu ta còn chút liêm sỉ thì đã không tiếp tục mở miệng.
Lần này, Trình Phong rất gấp:
“Thắng Nam, lần này là cứu mạng, anh thật sự không còn cách nào khác, em cho anh mượn mười vạn đi.”
Mười vạn?!
Tôi lập tức nổi đóa:
“Có bệnh thì đi bệnh viện, đừng có đến tìm tôi mà phát điên!”
Không ngờ Trình Phong bật khóc qua điện thoại:
“Nếu không có số tiền đó, anh xong đời rồi, sẽ bị trường đuổi học! Hứa Thắng Nam, em là vợ anh, em nên giúp anh!”
Tôi hỏi rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.
Cậu ta ấp a ấp úng, nói là đắc tội với đại ca xã hội.
Nếu không giao mười vạn, họ sẽ đánh cậu ta đến không dám đến trường.
Tôi đề nghị báo cảnh sát:
“Đó là tống tiền, báo công an ngay đi!”