Tình Yêu Ràng Buộc - Chương 2
“Tiêu rồi.” Mẹ Trình trả lời, giọng lươn lẹo chẳng khác gì chơi bài cù.
Một luồng tức giận bốc thẳng lên đầu tôi.
Tôi xông tới lục túi của mẹ Trình, bà ta lập tức giằng lại.
Tôi chỉ moi được có hai trăm tệ từ trong túi bà.
Bà giơ tay giật lại, nhưng tôi còn trẻ, sức khỏe hơn, bà ta bị đẩy ngã lăn ra đất.
Mẹ Trình bèn lăn ra ăn vạ.
“Có ai thấy không! Tôi nuôi nó khôn lớn thành con dâu, giờ nó lớn rồi thì đòi đánh chết cái bà già này!”
Mẹ Trình vừa gào vừa khóc khiến hàng xóm xung quanh ùa tới xem.
Quản lý ký túc xá phải vào can thiệp, nói có chuyện thì từ từ nói.
Tôi bật khóc, còn khóc to hơn cả mẹ Trình.
“Bà ta giữ tiền học bổng của tôi, giờ không đưa đồng nào cho tôi nộp học phí.”
Chuyện này cuối cùng bị đưa đến tận văn phòng hiệu trưởng.
Mẹ Trình đóng vai “chó chết không sợ nước sôi”, chẳng tiền mà cũng chẳng ngại mất mặt.
Nhìn bà Trình gầy quắt queo, da nhăn nheo, hiệu trưởng cũng không nỡ nặng lời.
Trường cuối cùng đồng ý cho tôi ghi nợ học phí, miễn là hoàn tất thanh toán trước khi kết thúc năm học đầu tiên.
5
Tôi và mẹ Trình bắt đầu chiến tranh lạnh.
Tôi đi sớm về khuya, gần như chẳng nói với bà câu nào.
Tôi cũng không còn sức để mà nói nữa.
Tôi từng nghĩ chỉ cần vào được đại học, tương lai sẽ sáng rỡ như mặt trời lên.
Đến khi thật sự bước vào cổng trường, tôi mới nhận ra mình chẳng khác nào một con hề từ chốn hoang vu lạc vào thế giới văn minh.
Bạn bè trò chuyện về “Cộng hòa lý tưởng”, “Không tưởng quốc”, rồi “Sống mãi với mệt mỏi”, tôi chẳng hiểu gì hết.
Hồi học phổ thông, chỉ cần cày đi cày lại đề thi và bài tập, tôi có thể giữ được thành tích giỏi.
Nhưng đại học thì khác hẳn.
Tất cả đều là những kiến thức tôi chưa từng nghe qua.
Giảng viên trên lớp giảng như nước chảy mây trôi, còn tôi thì như nghe tiếng ngoài hành tinh. Lần đầu tiên trong đời, tôi vì không theo kịp mà rơi nước mắt.
Bạn ngồi cạnh mách tôi lên mạng tìm tài liệu học trước.
Lúc ấy tôi mới phát hiện, trong lớp chỉ mình tôi không có laptop.
Mà cho dù có, tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu.
Học hành đã mông lung, cuộc sống lại càng rối như mớ chỉ.
Tôi rất cần tiền.
Xung quanh trường có rất nhiều nhà hàng, tôi đi từng chỗ hỏi có tuyển người làm thêm không.
Vừa nghe tôi là sinh viên Thanh Đại, họ liền từ chối ngay.
Tôi nài nỉ, nói có thể nhận lương một nửa.
Họ lại bảo tôi đang đùa.
Cuộc sống của tôi như tàu lượn siêu tốc, từ đỉnh cao rơi thẳng xuống vực sâu.
Đúng lúc đó, Trình Phong cũng gọi điện đến mượn tiền.
Cậu ta bảo cần mua máy tính để học, phải đóng tiền tài liệu, không đủ tiền.
“Tôi thì đang nợ học phí vì mẹ cậu đã lấy hết tiền thưởng của tôi đưa cho cậu, vậy mà cậu còn mặt mũi hỏi tôi xin tiền sao?!”
Đầu dây bên kia, Trình Phong nổi giận:
“Chúng ta là người yêu mà, phải giúp đỡ nhau chứ. Ra khỏi làng là cậu thay đổi, cậu chỉ muốn ăn xài tiền đàn ông thôi đúng không?!”
Tôi dứt khoát cúp máy.
Hằng ngày ngoài giờ học tôi đều cắm đầu vào thư viện, nửa đêm còn phải tới quán net tìm tài liệu.
Lúc về ký túc xá thì trời đã tối đen như mực.
Giọng mẹ Trình vang lên từ bóng tối như âm hồn khiến tôi suýt giật mình.
“Giờ này mới về, đi làm thêm à?”
“Không.”
Giọng mẹ Trình lập tức cao vút lên:
“Vậy con chạy đi đâu suốt ngày? Có phải bên ngoài đang có thằng khác không hả?!”
Tôi quá mệt, chẳng buồn lên tiếng.
Tôi không rửa mặt, không thay đồ, nằm nguyên như thế ngủ luôn.
Nhưng mẹ Trình đâu chịu bỏ qua:
“Con nói rõ cho bác, có phải con phản bội A Phong không?!”
Tôi quay lưng lại, tiếp tục nhắm mắt.
“Không đi làm thêm, định để bác chết đói à?!”
Giọng bà vang lên trong căn phòng yên tĩnh nghe thật chối tai.
Ký túc xá có bốn người.
Có người cáu kỉnh hừ một tiếng:
“Còn để người khác ngủ không đấy?!”
Dù sao đây cũng không phải nhà riêng, ảnh hưởng đến người khác, bị đuổi khỏi ký túc cũng chẳng ai bênh được.
Mẹ Trình lập tức im lặng.
Sáng hôm sau, bà nhất định đòi nói chuyện với tôi.
Vừa mở miệng đã bảo:
“Mỗi tháng con phải đưa bác tám trăm tệ sinh hoạt phí.”
Chắc bà đã đi dò hỏi việc làm mấy ngày nay, biết chi phí ở Bắc Kinh đắt đỏ, lại đổi giọng:
“Mỗi tháng ít nhất cũng phải một ngàn rưỡi.”
Tôi cuối cùng cũng hiểu rõ, bà không định đi làm gì cả, chỉ muốn tiếp tục rút tiền từ tôi.
“Không có.”
Tôi nói thật.
Tôi hiện giờ không chỉ đang nợ học phí, còn phải nghĩ cách kiếm tiền sinh hoạt.
Dù đồ ăn căng-tin có rẻ, cũng phải bỏ tiền mới ăn được.
Chưa kể, tôi còn cần mua máy tính.
Từng khoản từng khoản khiến đầu tôi muốn nổ tung.
Bà lấy mất tiền học bổng của tôi, vậy mà giờ còn dám ngang nhiên đòi thêm?
Tôi hất tay bà ra, mặt lạnh như băng.
Chỉ một lần mềm lòng gật đầu, đổi lại là chuỗi phiền toái dai dẳng không dứt.
Tối đó, lúc tôi quay về ký túc, gặp được cô quản lý ký túc xá đang đi kiểm tra phòng.
Cô chủ động bắt chuyện với tôi:
“Đừng yêu sớm, lo học hành cho tốt. Em đã cực khổ suốt mười hai năm rồi, ráng thêm bốn năm nữa thôi là sẽ nhẹ gánh.”
Không cần đoán tôi cũng biết, chắc chắn mẹ Trình đã đến gặp cô để kể lể.
Nhưng điều khiến tôi bất ngờ, là người ở đây khác hẳn với dân làng.
Nếu ở quê, họ sẽ nói: “Đừng vong ân bội nghĩa, phụ nữ phải biết hầu hạ chồng và mẹ chồng mới là đúng.”
Tôi rất cảm kích cô quản lý ký túc. Cô ấy hơi giống mẹ tôi, dặn tôi phải đặt học hành lên hàng đầu.
Cô cũng biết chuyện mẹ Trình giữ tiền học của tôi.
Cô giới thiệu cho tôi một công việc làm ca đêm tại cửa hàng tiện lợi ngoài trường.
Tiền không nhiều, nhưng ít ra cũng giúp tôi đỡ đói.
Thời gian trôi vùn vụt, mẹ Trình ở trong ký túc đã hai tháng trời.
Ba người còn lại trong phòng cuối cùng cũng lên tiếng khiếu nại, yêu cầu bà dọn đi.
Họ bảo bà thường lén dùng đồ vệ sinh cá nhân của họ.
Ban đầu chỉ là do đồng cảm. Ai mà chẳng xót cho một bà già nhà quê, kham khổ tằn tiện cũng là bất đắc dĩ.
Thấy mấy bạn cùng phòng không lên tiếng, mẹ Trình càng được đà làm tới.
Một bạn nữ tình cờ phát hiện mẹ Trình dùng hũ kem dưỡng da trị giá một nghìn hai của cô ấy để bôi vào mấy vết nứt ở chân.
Mẹ Trình còn lấy chậu rửa mặt của người ta để rửa chân.
Bà lại giở trò quen thuộc, lăn lộn ăn vạ.
Nhưng ở đây thì chiêu đó không có tác dụng.
Bạn cùng phòng gọi cô quản lý ký túc đến, mang theo cả quy định nội trú của trường.
“Ở đây ghi rất rõ, không được cho người ngoài ở lại ký túc. Nếu trường không xử lý, mai tôi sẽ đón cả nhà bà thím dưới quê lên đây ở cùng.”
Tôi xấu hổ đến mức chỉ muốn tìm cái hố nào đó để chui xuống.
Tôi đã quá tự ti với bộ dạng nghèo nàn của mình, với những khoảng trống kiến thức mênh mông không thể lấp đầy.
Giờ lại thêm một người mẹ nuôi chỉ biết gây rắc rối, động tí là làm ầm ĩ khiến ai nhìn vào cũng chê cười.
Mọi thứ như muốn bẻ gãy hết thảy sự can đảm của tôi để tiếp tục sống, và cả cuộc đời lý tưởng mà tôi từng bao lần tưởng tượng.
Nhưng nhà trường cũng không dám quá tay.
Một bà lão nhăn nheo, nghèo khó, chưa từng thấy qua thế giới rộng lớn.
Nếu đuổi ra ngoài, e rằng bà thật sự không sống nổi qua mùa đông này.
Vì không muốn ảnh hưởng đến sinh hoạt của sinh viên, trường đành sắp xếp cho mẹ Trình một căn phòng ở ký túc xá của nhân viên.
Đó là một kho chứa đồ cũ, nhưng có sưởi ấm.
Chỉ nghĩ đến chuyện phải ở cùng bà, tôi đã thấy ngột ngạt, thở không nổi.
Trong ký túc, vì sợ ảnh hưởng đến các bạn cùng phòng, mẹ Trình không dám gào lên.
Tôi đi sớm về khuya, chỉ mong được yên tĩnh đôi tai.
Nhưng nếu phải ở riêng với bà, tôi không nghi ngờ gì việc bà có thể vì một chuyện cỏn con mà làm ầm lên đến sáng.
Cô quản lý ký túc gọi vài nam sinh đến giúp mẹ Trình chuyển đồ.
Một bạn cùng phòng nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, khẽ nói:
“Bọn tớ không có ý đuổi cậu đâu.”
Ánh mắt bạn ấy ra hiệu cho tôi hãy tiếp tục ở lại ký túc.
Mắt tôi lập tức đỏ hoe.
Ba tháng hơn sống trong ký túc xá, tôi rất ít khi tiếp xúc với họ.
Nhiều nhất cũng chỉ là chào nhau gật đầu.
Vậy mà họ vẫn thấy được sự khó khăn của tôi, và lặng lẽ đưa tay ra giúp đỡ.
6
Ban ngày tôi lên lớp, ban đêm đi làm.
Một tháng sau, tôi ngủ gục ngay trong giờ học.
Chính xác hơn là tôi ngất đi vì kiệt sức.
Tôi tỉnh lại trong phòng y tế của trường.
Bác sĩ nói tôi làm việc quá sức, lại bị hạ đường huyết.
Ông ấy dặn dò:
“Phải biết cân bằng giữa nghỉ ngơi và học tập, đừng để thời gian và sức lực lãng phí vào game.”
Tôi cúi đầu, không nói gì.
Có nói ra cũng chẳng ai thương hại.
Lúc ấy, Bạch Kính Văn tình cờ vào lấy thuốc, nghe được đoạn đó.
Anh ngồi xuống cạnh tôi, hỏi:
“Em gặp khó khăn gì à?”
Tôi lắc đầu, gắng gượng nặn ra một nụ cười.
Tôi không thích kể quá khứ, không muốn phơi bày khổ đau.
Không ai thực sự muốn nghe, cũng chẳng ai để tâm.
Bạch Kính Văn ngồi ở mép giường, nói:
“Đừng tin vào mấy câu giáo điều rỗng tuếch. Có khi thứ em nghĩ không thể vượt qua, lại chỉ là chuyện nhỏ với người khác.”
Anh ấy dường như nhìn thấu tâm can tôi.
Tôi cúi gằm mặt xuống.
Anh nói tiếp:
“Cuối cùng rồi ai cũng phải bước ra xã hội. Mà xã hội là do con người tạo thành. Nếu muốn hòa nhập với xã hội, trước tiên phải hòa nhập với con người.”
Tôi từ nhỏ đã quen sống một mình.
Người thân ruồng bỏ, bạn bè chế giễu.
Người bạn duy nhất thân thiết hồi cấp hai thì sau khi tốt nghiệp đã lấy chồng.
Lần gặp lại, cô ấy chỉ toàn nói về chồng, con và chuyện cơm nước giặt giũ.
Vậy nên tôi dứt khoát không chơi thân với ai, dồn hết tâm trí cho việc học.
Bạch Kính Văn bất ngờ đưa tay nâng cằm tôi lên.
Tôi buộc phải nhìn vào mắt anh.
“Tin anh đi, nếu muốn tương lai suôn sẻ, hãy kết giao nhiều bạn bè cùng chí hướng.”