Tình Tan Mỗi Ngả - Chương 1
1.
Quyết định ly hôn đến rất đột ngột.
Hôm đó là một ngày rất bình thường, con trai gọi về ăn cơm, tôi đi chợ mua đồ, dọn dẹp nhà cửa. Trong lúc lau chùi, tôi lỡ làm đổ tủ sách trong phòng làm việc.
Một bức ảnh rơi ra, là ảnh Trần Chí Châu thời trẻ, chụp cùng Bạch Vi.
Đó là cái tủ quý giá nhất đối với ông ấy, từng nói đó là “thánh địa tinh thần” của mình, chưa bao giờ cho tôi động vào.
Tôi sững người nhìn những tấm ảnh và nhật ký dưới đất.
Trong đó là những dòng tâm sự giấu kín hàng chục năm của Trần Chí Châu:
“Lại mơ thấy Vi Vi, tỉnh dậy thấy người nằm bên cạnh, trong lòng chỉ thấy đắng chát. Kiếp này chung quy là tiếc nuối.”
“Nghe trưởng lớp nói Vi Vi ly hôn rồi, không dám tưởng tượng cô ấy sống khổ sở đến mức nào. Thề non hẹn biển còn đó, nhưng thư gấm khó trao, sai sai sai, muộn muộn muộn!”
“Hôm nay gặp lại Vi Vi, cô ấy vẫn đẹp như xưa. Chỉ tiếc tôi không còn tự do, không thể làm chỗ dựa cho cô ấy.”
…
Bức ảnh mới nhất là hai người họ đứng trên thảo nguyên, tay đan tay, Trần Chí Châu nở nụ cười dịu dàng, khác hẳn vẻ nghiêm nghị hằng ngày.
Mặt sau còn có một dòng chữ nhỏ:
“Ba mươi năm đôi chim nhạn chia lìa, thư gấm chẳng thể viết khúc tương tư. Ba mươi năm thật lòng chờ đợi, hôm nay cầm bút viết lại tình xưa.”
Đúng là nét chữ của ông ấy, tôi quá quen thuộc.
Quen thuộc hơn… là chiếc áo ông đang mặc.
Nửa tháng trước, Trần Chí Châu nhờ tôi mua cho một chiếc áo khoác leo núi, nói là đi chơi cùng bạn trên thảo nguyên.
Không ngờ hôm đó ông lại tự mình mua thêm một chiếc y hệt, nhưng là mẫu nữ.
Thật nực cười.
Lúc đó tôi còn tưởng ông mua cho tôi.
Nước mắt tôi lã chã rơi. Trái tim như bị ai đó bóp nghẹt.
Tôi ngồi thất thần dưới đất, nhìn đống đồ kia suốt gần hai tiếng đồng hồ, cho đến khi nghe thấy tiếng cửa mở.
Trần Chí Châu đi tập thể dục về.
Trên mặt ông nở nụ cười, còn khe khẽ hát. Nhưng khi thấy tôi, nụ cười lập tức tắt ngấm.
Tôi ngửi thấy mùi cà phê trên người ông.
Trần Chí Châu vốn không uống cà phê. Tôi cũng vậy.
Người thích cà phê, là Bạch Vi.
Nhìn sang bàn ăn trong phòng khách, bữa sáng tôi dọn đã nguội ngắt. Nhưng không hề có dấu vết động đũa.
Nghĩ kỹ lại, nửa tháng nay ông ấy không ăn sáng ở nhà nữa.
Lý do ông đưa ra là, không có khẩu vị.
Tôi không nghi ngờ, vẫn kiên trì thay đổi món mỗi ngày.
Tôi nghĩ, biết đâu ông ấy sẽ thèm ăn trở lại? Nếu đói mà không có đồ ăn thì sao?
Nhưng giờ thì tôi đã hiểu.
Không phải ông ấy không có khẩu vị, mà là để bụng trống… đi ăn sáng với Bạch Vi.
Tôi bật cười, thấy cuộc sống này… thật vô vị.
2.
Trần Chí Châu cầm lấy tờ báo, như thường lệ ngồi vào sofa.
Từng ấy năm, ông ấy như một cái cây lặng lẽ. Về đến nhà là cắm rễ vào sofa hoặc phòng sách, hiếm khi nói chuyện với tôi.
Đọc báo được một lúc, thấy tôi ngồi ngây người, ông nhíu mày tỏ vẻ khó chịu:
“Sao còn chưa đi nấu cơm? Con trai sắp về rồi, không ăn trưa à?”
Tôi nhìn ông chằm chằm, giọng lạnh băng:
“Không phải con trai anh sao? Tại sao tôi phải nấu?”
Có lẽ giọng tôi lạnh quá, Trần Chí Châu hơi sững người.
Nhưng ông nhanh chóng sa sầm mặt:
“Lại làm mình làm mẩy cái gì nữa đấy? Suốt ngày chuyện lặt vặt cũng om sòm. Em không mệt mà tôi cũng mệt.”
Đúng lúc đó, cửa mở. Con trai, con dâu và cháu gái tôi bước vào.
“Mẹ ơi, hôm nay ăn gì? Con đói chec rồi!”
Con trai cau mày khi thấy bàn ăn trống trơn.
Con dâu cười cười hòa giải: “Thôi mình cắt bánh kem, thổi nến trước đi mẹ.”
Khi mở hộp bánh, tôi chết lặng.
Trên bánh viết: “Chúc ba, ngày Nhà giáo vui vẻ.”
Tôi nhìn kỹ lại, ngoài mấy chữ đó, không có thêm gì nữa.
Trần Chí Châu là giảng viên đại học, năm nay lễ Nhà giáo trùng đúng ngày sinh nhật tôi.
Một tia xót xa lướt qua mắt tôi.
Tôi tưởng con trai về là để mừng sinh nhật tôi.
Hóa ra… nó quên mất.
Tôi ôm ngực — đau. Phải làm sao đây?
Đang ngơ ngẩn, con trai huých tôi một cái, giọng sốt ruột, giống hệt cha nó:
“Mẹ! Gọi mẹ bao nhiêu lần rồi đó! Bật lửa nhà mình đâu? Mau lấy ra thắp nến cho ba ước đi!”
Tôi há miệng định nói gì đó, nhưng nhìn cháu gái, tôi lại nuốt vào.
Cãi nhau trước mặt trẻ con, vẫn là không hay.
Tôi lấy bật lửa từ ngăn kéo. Nến được thắp sáng, ánh sáng ấm áp phủ lên cả căn phòng.
Trừ tôi ra, cả nhà đều vui vẻ chúc mừng.
Khi cắt bánh, Trần Chí Châu vô tình làm đổ cốc nước.
Không ngẩng đầu, ông ta nói: “Lấy khăn lau đi.”
Tôi không nhúc nhích:
“Anh không có tay à? Sao không tự lấy?”
Cháu gái đang ăn bánh, nghe vậy liền ngây thơ nói:
“Cô giáo bảo, việc ai nấy làm.”
Tôi bật cười, xoa đầu con bé.
Cả phòng lập tức rơi vào yên lặng.
Trần Chí Châu nhíu chặt mày, sắc mặt u ám.
Trước kia, chỉ cần ông ấy giận là tôi vội vàng xin lỗi, nghĩ xem mình sai chỗ nào.
Nhưng giờ, tôi không hề yếu thế, cứ thế nhìn thẳng vào mắt ông ta.
Trần Chí Châu quay mặt đi trước, khôi phục dáng vẻ “nho nhã”.
Như thể tôi là một người đàn bà chua ngoa vô lý, ông mà nói chuyện thì “mất giá”.
Ông ta gói vài miếng bánh còn lại, dịu giọng nói:
“Mấy người ăn trưa đi. Tôi ra ngoài ăn với bạn.”
“Tôi bảo anh để bánh xuống.”
“Hả?”
“Tôi nói, bỏ bánh xuống. Đây là con tôi mua, anh lấy đem cho con đàn bà khác ăn à?”
Trần Chí Châu như bị đâm trúng chỗ đau, mắt đỏ bừng, nắm chặt tay quát lên:
“Triệu Tú Lan! Bà phát điên gì vậy?”
Con trai cũng phụ họa:
“Mẹ, mẹ làm gì vậy? Cả nhà đang vui vẻ, mẹ lại gây chuyện!”
Tôi bật cười lạnh, lấy đống nhật ký và ảnh trong phòng làm việc ra.
“Vậy ai mới là người gây chuyện?”
Trần Chí Châu chết sững. Vài giây sau, mắt ông ta đỏ bừng, tay siết chặt thành nắm đấm:
“Bà dám lục đồ của tôi? Triệu Tú Lan, bà có hiểu gì là riêng tư không? Bà không tôn trọng tôi!”
Riêng tư?
Tôi cười phá lên.
Nhiều năm qua, ông ấy muốn thời gian tôi cho thời gian, muốn không gian tôi cho không gian, chỉ vì một câu “đừng động vào đồ tôi” mà tôi để ông giấu ảnh tình cũ suốt nửa đời người.
Chính vì tôi quá tôn trọng ông ấy, mới bị dắt mũi như một con ngốc!
“Mẹ, mẹ bớt nói vài câu đi!”
Con trai vội đỡ cha ngồi xuống, nhìn tôi như thể tôi là kẻ tội đồ.
“Nhiêu tuổi đầu rồi mà còn ghen tuông, không sợ người ta cười sao?”
“Hơn nữa, ba vì nhà này vất vả cả đời, già rồi chẳng lẽ không được hoài niệm chút thanh xuân?”
“Dì Bạch con từng gặp rồi, người tốt lắm, hiểu chuyện lắm, chẳng qua là bạn cũ gặp mặt thôi, mẹ đừng nghĩ xấu cho người ta…”
Cậu ta nói một thôi một hồi, nhưng từng chữ đều hàm ý:
Tôi là người gây chuyện.
Tôi là người đàn bà ích kỷ, nhỏ nhen, phá hoại gia đình.
3.
Tôi lặng người nhìn con trai.
Thì ra… nó đã lớn đến vậy rồi.
Tôi bỗng nhớ lại hồi nó còn bé, lúc đó Trần Chí Châu bận rộn, tôi đi làm rồi lại tranh thủ buôn bán lặt vặt kiếm thêm tiền.
Có lần gặp người gây sự, chính nó – một thằng bé nhỏ xíu – đã che chắn trước mặt tôi, đỏ bừng cả mặt cãi tay đôi với người ta.
Những năm tháng khốn khó ấy, tôi cũng từng nghĩ đến chuyện ly hôn.
Nhưng tôi không muốn con mình không có một mái ấm, không muốn bị người ta chỉ trỏ. Thế là tôi cắn răng chịu đựng hết lần này đến lần khác.
Vậy mà… 30 năm trôi qua.
Giờ đây, đứa trẻ từng vì tôi mà đối đầu với người lạ, lại đang đứng về phía Trần Chí Châu.
Tôi bỗng thấy, mình không muốn nhẫn nhịn nữa.
Con tôi… đã lớn rồi.
So với người mẹ chẳng còn bao nhiêu giá trị, một người cha có chức có quyền như Trần Chí Châu hiển nhiên quan trọng hơn.
Thế thì… thôi vậy.
Tôi còn bao nhiêu lần 30 năm mà đợi?
Tôi lau nước mắt, bình tĩnh nói:
“Ly hôn đi.”
Trần Chí Châu ngẩng đầu, ánh mắt tràn đầy giận dữ:
“Vì chuyện nhỏ như vậy mà bà đòi ly hôn?”
“Tôi đã nói rồi, tôi và Bạch Vi chẳng có gì. Tôi có làm chuyện gì có lỗi với bà chưa? Chẳng lẽ ngay cả quyền có bạn bè tôi cũng không có?”
Con trai cũng nói:
“Mẹ, mẹ vừa vừa phải phải thôi, lớn tuổi rồi, ly hôn gì nữa?”
Con dâu thì bận dỗ cháu gái bị dọa sợ, không nói gì.
Tôi cười. Cảm thấy bao năm qua, đời mình thật thất bại.
Tôi xoay người vào phòng, thu dọn vài món đồ của mình.
Khi lướt qua họ, tôi không kìm được, hỏi một câu:
“Trừ Ngày Nhà giáo ra, các người có nhớ hôm nay là ngày gì không?”
Con trai tròn mắt ngơ ngác.
Trần Chí Châu khựng lại, lẩm bẩm gì đó rồi trợn to mắt:
“Hôm nay… là sinh nhật em?”
Ánh mắt con trai cũng từ không kiên nhẫn chuyển thành sửng sốt.
Nó tránh ánh mắt tôi, lắp bắp giải thích:
“Mẹ… dạo này con bận quá… con không cố ý quên đâu…”
Tôi cười.
Thì ra, lý do để nhớ Ngày Nhà giáo, nhưng quên sinh nhật mẹ… là vì “bận”.
Thật ra, cũng không cần như vậy đâu.
Làm mẹ, sao lại thực sự giận con được?
Tôi chỉ… buồn một chút xíu thôi.
Nhưng nụ cười của tôi lại khiến con trai chột dạ, nó gân cổ cãi:
“Mẹ, mẹ cũng đừng trách con với ba. Mẹ ngày nào cũng cau có, ai mà dám gần gũi? Còn dì Bạch thì dịu dàng, biết thấu hiểu…”
Câu chưa nói hết đã bị con dâu ngắt lời.
Trong mắt tôi, chỉ còn sự thất vọng dâng ngập.
Tôi không trách nó quên sinh nhật tôi.
Tôi chỉ không ngờ —
Nó quên rồi thì thôi, còn quay lại trách tôi, đem người phụ nữ khác ra để hạ thấp mẹ ruột của mình.
Cách nó làm khiến tôi thấy vừa quen thuộc, vừa nghẹt thở.
Cảm giác như có tảng đá đè lên ngực, khiến tôi không thể hít thở.
Tôi không quay đầu lại, bước thẳng ra khỏi nhà.