Tái Sinh Trong Đêm Tối - Chương 102
Nghe thấy tiếng bước chân vội vã ngoài cửa, Nguyễn Tư Ngạn không kịp thu dọn Tình Lam đồ đang giăng trên trường án, chỉ đành vội vàng đẩy sang một bên.
Cốc, cốc, hai tiếng gõ cửa vang lên.
Nguyễn Tư Ngạn lập tức khôi phục vẻ mặt bình thường, thong thả bước vòng qua bình phong bốn mảnh, mở cửa đón khách.
Người ngoài cửa mặc trường bào tố cẩm đơn giản, tóc cài ngân quan, mày dày như kiếm, mắt hoa đào nghiêm túc, đó là Tề vương Hạ Tuấn.
“Không phải điện hạ nói muốn rời kinh sao?”
Nguyễn Tư Ngạn và hắn ta quen biết nhiều năm, xưa nay không cần quá nhiều phép tắc, cứ thế mời hắn ta vào thư phòng.
Tề vương vén áo rồi ngồi lên khách tọa*: “Đường tỷ lôi ta theo làm khiên chắn thôi! Vừa ra khỏi kinh thành liền chạy thẳng đến tư trạch… Chuyến này tiểu vương tới đây là vì nhận được mật hàm của nữ vương Nhạn tộc, chạy về thương lượng với môn chủ.”
(*) khách tọa: ghế dành cho khách
Nguyễn Tư Ngạn điềm nhiên lấy phu hỏa dẫn than, làm như lơ đãng hỏi: “Chẳng phải điện hạ đã giao người cho bọn họ rồi? Hay có chuyện gì rắc rối?”
“Nói ra rất dài dòng.” Tề vương cười ẩn ý, “Người nọ… có ý tìm chết, nữ vương Nhạn tộc muốn lấy toàn bộ bí mật trong miệng hắn nên cưỡng ép hạ cường dược giảm đau từ thụ bì, tử cận, hoa mạn đà la, lại lấy Sướng tâm phấn từ tay tiểu vương, định mê hoặc ý chí để dụ hắn mở miệng. Nhưng mà tên kia cũng lợi hại lắm, đến thời điểm mấu chốt, hắn tự cắn lưỡi mình bị thương, chỉ nói được một nửa…”
Nguyễn Tư Ngạn mở hộp sơn trang nhã, lấy một nắm trà từ bao giấy vàng, “Sau đó?”
“Nữ vương Nhạn tộc hết đường xoay sở, hi vọng chúng ta phối hợp. Sau khi chuyện thành, gặp nhau ra giá đắt mua ba trăm tên hạ nô, đưa về Nhạn tộc an trí, cũng cho ta hành sự ở Bắc vực suôn sẻ không trở ngại.”
Nguyễn Tư Ngạn cười nhạt: “Nghe bảng giá này tốt đấy, phối hợp thế nào?”
“Theo miệng tên họ Diêu kia, có một nam một nữ đã trộm trân vật vương tộc, có lẽ là ở trong biên giới Đại Tuyên, thậm chí ẩn thân ở kinh thành, nàng muốn chúng ta tìm giúp…”
Mày kiếm của Tề vương nghiêm nghị, hắn ta yên lặng đợi Nguyễn Tư Ngạn cho phép.
Nguyễn Tư Ngạn bóp vỡ nắm trà, sau đó nghiền ra thành vụn nhỏ, lâu sau mới nói: “Có cung cấp thông tin tên họ, thân phận, quan hệ, tướng mạo không?”
Tề vương lắc đầu: “Không có.”
“Riêng dân số kinh thành đã hơn hai trăm vạn, chớ kể hàng ngày có biết bao lữ nhân, thương gia, du khách các tộc. Dù thành ngầm ở đó vẫn còn khó khăn, huống chi bây giờ… Đúng là mò kim đáy biển.”
“Nàng mập mờ nhắc tới, người muốn tìm nhất định có dung mạo giữ gìn lâu dài không đổi.” Tề vương ngập ngừng, “Đoán chừng liên quan đến tin đồn về thuật bất lão của Nhạn tộc.”
Nguyễn Tư Ngạn đang đổ trà từ cối ra, khi nghe vậy, tay không khỏi run một cái, bột trà xanh biếc đổ xuống một góc trà án, bay loạn như bụi mù.
Ông ta bình tĩnh lấy chổi quét sạch, thở dài: “Điện hạ, thành ngầm không tồn tại nữa, chỉ còn một lối năm xưa lão phu đào ở thành Bắc chưa bị phát hiện, ngài có chức vị cao, hà cớ gì phải chui vào vực sâu không đáy?”
Tề vương bỗng ngạc nhiên: “Môn chủ làm sao thế? Chẳng phải hoàng huynh căn bản không nghi ngờ chúng ta ư? Ngài mới thật sự là vua dưới lòng đất! Ta từ mười lăm tuổi đã cộng sự với ngài, suốt mười năm, chưa bao giờ thấy ngài có chút nhụt chí…”
Nguyễn Tư Ngạn đặt bình nước nóng lên bếp lò, yên lặng một lúc: “Già rồi.”
Tề vương quan sát khuôn mặt trắng nõn, trơn nhẵn không một nếp nhăn của ông ta, bật cười: “Môn chủ già chỗ nào chứ? Nhìn còn chưa đầy bốn mươi đâu! Nếu không biết ngài ăn Thường thanh đan, chú trọng dưỡng sinh, tiểu vương còn cho là ngài cũng biết thuật bất lão đấy.”
“Lòng già rồi.”
Nguyễn Tư Ngạn lại yên lặng, trong lúc đợi nước sôi, ông ta chọn hai chung trà cũ, dùng cách của người xưa, lấy nước nóng tráng chung.
Tề vương suy tư chốc lát, chau mày: “Lời ấy của ngài có ý gì, đừng ngại nói thẳng.”
“Từ khi thành ngầm bị quét sạch, làm ăn không còn lại chút gì, nhân viên hao tổn hơn một nửa. Lối đi kia ở thành Bắc chỉ đủ cho mọi người dung thân, đã không làm nổi đại sự, còn phải nuôi một đám người, sao không tìm lối thoát khác?”
Tề vương lặng nhìn ông ta ung dung không vội cho bột trà vào chung, rót nước sôi vào, mùi trà thơm ngào ngạt tỏa khắp nơi, khiến lòng người xao động.
“Tiểu vương năm lần bảy lượt đề nghị chịu trách nhiệm thay ngài, ngài chậm chạp không cho phép, đến đêm thành ngầm xảy ra chuyện mới đồng ý! Cứ thế không rõ ràng mà bỏ mặc ta với một cục diện rối rắm? Được thôi, thành mất rồi, người còn lại một nửa, nhưng bọn họ chỉ nghe ngài!”
Tay trái Nguyễn Tư Ngạn nâng bình, rót nước vào chung trà, tay khác thì cầm chổi tre, lạnh nhạt nói: “Điều kiện ban đầu là điện hạ thu thập toàn bộ Tình Lam đồ cho lão phu, nhưng quay đi quay lại, vẫn là lão phu phải đích thân ra tay… Nếu giờ điện hạ muốn bọn họ nghe lệnh của ngài, ta sẽ hạ cổ một lần nữa, để bọn họ nghe điện hạ sai bảo là được. Ngài muốn giết muốn xẻ, muốn bán muốn sai gì thì tùy.”
Tề vương hơi bất ngờ, nhưng vẫn có bình tĩnh xem ông ta rót nước pha trà.
Màu trà trong chung dần đậm lên, vòng xoay giữa chung hun hút như muốn kéo cả tâm trí người xem vào.
******
Cuối thu ba mươi bảy năm trước, Nguyễn Tư Ngạn gần mười bốn tuổi, hàng ngày vẫn thường theo tổ phụ vẽ tranh.
Nhớ có một lần, ở hậu hoa viên vẽ được một nửa, lão gia tử bỗng bảo hắn vào thư phòng đọc sách.
Tuy hắn không hiểu đang có chuyện gì, nhưng vẫn bước ra thùy hoa môn.
Nửa chung trà sau, hắn thấy đói bụng, muốn quay lại nhón mấy cái bánh ngọt cho đỡ thèm, lại tận mắt thấy một nam tử tráng niên mặc đồ xám chui ra khỏi núi giả.
Nguyễn Tư Ngạn sợ hãi núp sau cây, may mà hôm đó hắn mặc áo khoác màu nâu, lúc trốn giữa lùm cây thu thì không dễ bị phát hiện.
Khi đó, tiếng gió lúc liền lúc đứt, làm cho những câu nói truyền tới cũng không liền mạch.
Nguyễn Tư Ngạn chỉ nghe người nọ nhắc tới, “Ngụy thân vương lành ít dữ nhiều”, “Bắc Liệt nội loạn, tố giác lẫn nhau, không thể về được, cũng không thể ở đây lâu dài”.
Lão gia tử vuốt râu suy nghĩ rồi nói vài câu, đúng lúc đó tiếng gió chợt ùa tới.
Nam tử áo xám lại hỏi: “Vậy chí bảo thân vương để lại Bắc vực…”
“Người cũng không còn nữa, chí bảo để làm gì? Hết thảy hãy để hậu thế định đoạt.”
Lão gia tử bùi ngùi than thở.
Từ ngày đó trở đi, Nguyễn Tư Ngạn biết gia tộc mình tuyệt không đơn giản, luôn vô cùng để ý.
Ban đêm trộm thấy tổ phụ tự tay thiêu hủy vật cũ sách cũ, hắn thừa dịp lão gia tử đi rửa tay, lén bới một chồng ra khỏi ngọn lửa, trong đó vừa có sử cũ của Nguyễn gia, vừa có bản đồ mật đạo dưới đất.
Thiêu hủy toàn bộ chứng cứ là để phủi sạch quan hệ với mật vệ tiền triều và thành ngầm dưới đất.
Nửa tháng sau, cả nhà dời xuống phía Nam, Nguyễn Tư Ngạn là người duy nhất ở lại.
Hắn từng bị xem như là bùn nát, cho dù trăm phương ngàn kế hòa nhập vào Nguyễn gia, đến cùng hắn cũng chỉ là con tốt bỏ đi, vứt lúc nào cũng được.
Bởi vẫn còn nghi ngờ, lại không cam lòng, trong quá trình xử lí chuyện bán đất đổi nhà của Nguyễn gia, hắn vô cùng cẩn thận, rốt cuộc cũng tìm ra được bí đạo thông ra bốn phương tám hướng.
Hắn nghe trộm chuyện cơ mật, gài tang vật hãm hại, một tay kéo đổ tất cả những kẻ từng làm nhục mình, từ chối xuôi Nam, mượn lí do ở lại kinh thành bầu bạn với đường tỷ, hắn bắt đầu cuộc sống “ban ngày trên đất, ban đêm dưới đất”.
Tất cả cố gắng chỉ vì mục đích nâng cao địa vị, góp nhặt tài sản, nắm giữ quyền lực.
Ban ngày, hắn từ một chàng thiếu niên Nguyễn gia trở thành họa sư vẽ tranh hoa điểu danh tiếng lẫy lừng, học thức uyên bác, người người ngưỡng mộ.
Ban đêm, dã tâm khuếch trướng, hắn dịch dung làm việc, không chỉ biến một nơi phức tạp không có bóng người thành con đường làm ăn, mà còn ở trong mật đạo nghe trộm chuyện bí mật của các nhà, kết bè kết cánh, diệt trừ kẻ đối nghịch, không ai địch nổi.
Nhất là sau này, hắn có thêm những trợ thủ có thể tin tưởng được, có cổ độc khiến người ta một lòng trung thành, đồng thời được Tề vương và Lại bộ thượng thư Tề Mục ủng hộ.
Đáng tiếc, Tề Mục hiểu nhầm hắn không thân với Nguyễn Thời Ý thành cừu hận, vì trở ngại nội các phổ biến tân chính, độc chiếm thương lộ lá trà Giang Nam, cho nên dùng thuốc độc phát tác chậm hại chết Nguyễn Thời Ý.
Nguyễn Tư Ngạn hận không thể bóp chết Tề Mục.
Nhưng giờ ông ta là môn chủ, ông ta không thể.
Ông ta thuận theo ý Từ Minh Lễ, bỏ tiền đặt cuộc làm thịnh hội thư họa cách xa kinh thành, thứ nhất là đi cho bớt đau thương, thứ hai là để bỏ mặc Tề Mục, thậm chí sau khi Tề Mục sa lưới còn giết người diệt khẩu, thanh trừ hậu hoạn.
Tiếc là người chết không thể sống lại.
Chết tâm, cũng không cách nào cứu vãn.
********
Trà nóng vào bụng, mùi thơm và nhiệt độ ấm áp lưu chuyển toàn thân.
Tề vương chuyển mắt liếc mấy cuộn tranh chồng trên họa án, “Môn chủ, đây chính là Tình Lam đồ?”
Chuyện cho tới bây giờ, Nguyễn Tư Ngạn cũng không cần phải lừa gạt hắn ta nữa, bèn gật đầu một cái.
Tề vương than thở: “Uổng công lúc đầu ta đi đường vòng, tiếp cận tiểu công chúa Xích Nguyệt quốc, sau lại liên tục lấy lòng Nguyễn cô nương, đơn giản muốn nhân cơ hội tranh thu thập đủ, “mượn” xem một chút. Nhờ có trạch tâm nhân hậu của hoàng huynh, ngay cả tranh mình cất giữ cũng khảng khái trả lại Từ gia… Nếu không, không biết đến năm nào tháng nào…”
Thấy Nguyễn Tư Ngạn không lên tiếng, hắn ta gác chung trà, lấy khăn lau tay, thử thăm dò: “Có thể cho tiểu vương xem một chút không?”
“Điện hạ cứ tự nhiên.”
Nguyễn Tư Ngạn không để ý, bình tĩnh cảm thụ hương vị trà.
Tề vương cầm một cuộn lên, từ từ mở ra, ánh mắt khó nén sự tán thưởng.
“Môn chủ chắc là bí mật của Ngụy thân vương được giấu trong bức họa này chứ? Tiểu vương từng mượn bức kia của đường tỷ, nhìn tới nhìn lui hơn nửa tháng cũng không nhìn ra manh mối gì…” Hắn ta nhìn xung quanh, tỉ mỉ cuốn lại rồi mở ra một cuộn khác.
Nguyễn Tư Ngạn cũng không phải chính tai nghe tổ phụ giảng giải, mà khi đó từ ngôn hành cử chỉ, thần thái động tác mới suy đoán chuyện này cực kì quan trọng.
Ứng với câu “Hết thảy hãy để hậu thế định đoạt” kia, suốt một thời gian dài, Nguyễn lão gia cả ngày đóng cửa tĩnh tâm vẽ vời, có thể thấy là đã giao bí mật lại cho phu phụ Từ Tham Vi.
Mấy năm nay, ông ta vốn có vài cơ hội để âm thầm đoạt tranh về.
Nhưng Tiêu Đồng, Bình gia và Hồng Lãng Nhiên đều giấu tranh nghiêm mật, Nguyễn Tư Ngạn nhiều lần phái người lẻn vào ba phủ đệ đều không lấy được.
Hai người giữ tranh còn lại, một bị ông ta nắm được đằng chuôi, bị giam vào ngục.
Lúc tịch thu tài sản, Tình Lam đồ lẳng lặng rơi vào tay ông ta.
Một người là trưởng bối, sau khi bệnh nặng qua đời, con cái lưu tán, tranh bị thất lạc, Tình Lam đồ trắc trở mấy bận mới đến tay Tín An đại trưởng công chúa, sau bị chất nữ Hàm Vân quận chúa cưỡng ép đòi đi.
Mùa xuân năm ngoái, Nguyễn Thời Ý qua đời, Nguyễn Tư Ngạn một lòng cướp lấy Tình Lam đồ.
Nhưng bỗng nghe nói đường tỷ di mệnh cho nữ cô nhi trợ dưỡng đi đòi tranh, ông ta thầm nghĩ có thể để tiểu cô nương bận rộn trước đã, còn mình sau này làm ngư ông đắc lợi.
“Ơ? Không đúng…”
Tề vương xem hai cuộn sau, đột nhiên kêu lên.
Nguyễn Tư Ngạn lấy lại tinh thần: “Sao thế?”
“Cuộn thứ ba… tiểu vương từng không cẩn thận quẹt một giọt mủ dương mai vào sau tranh, bị đường tỷ mắng cho một trận, sau chuyện này ta đã đích thân lấy bột sò và thư hoàng* đắp lên, thoạt nhìn sẽ không thấy được, nhưng sao dấu vết này… vô duyên vô cớ biến mất rồi?”
(*) thư hoàng: dùng để tẩy xóa chữ viết
Tề vương nghĩ mãi không ra, ánh mắt đầy sợ hãi: “Người Từ gia bồi tranh sao? Hay quyển trục là thật… còn tranh vẽ là giả?”
Nguyễn Tư Ngạn thầm kinh hãi, bước vội đến trước án cướp tranh: “Điện hạ chắc chắn không nhớ nhầm?”
“Chuyện vừa mấy tháng trước, vẫn nhớ như in.”
Nguyễn Tư Ngạn cuống quýt mở cuộn thứ nhất ra, nhìn kĩ bút mực họa phong, đề từ của hoàng đế, tàng ấn, cơ bản không khác với ấn tượng, nhưng lúc phân biệt kĩ mấy nhàn chương bên cạnh, loáng thoáng thấy rằng dấu ở mép ấn chương không đủ mạnh mẽ.
Có vẻ giống như… tạm thời lấy vật mềm điêu khắc rồi ấn lên?
Nếu không có “hàng giả” mới bị phát hiện, ông ta tuyệt đối sẽ không xét nét tỉ mỉ đến vậy.
Một khi được khơi ra, nghi ngờ như hạt giống mọc rễ nảy mầm.
Trên cõi đời này, thử hỏi còn ai có thể mô phỏng tranh của Từ Tham Vi hệt như đúc mà không bị nhân sĩ giới thư họa giám định nổi thật giả?
Cho dù Tôn Bá Duyên đại danh đỉnh đỉnh cũng khó tránh khỏi để lại ba phần tượng khí… Nhưng để đạt đến cảnh giới này, không ai bằng Từ đãi chiếu.
Nhớ tới dung nhan tuấn lãng thanh quý của Từ đãi chiếu giống sư huynh tái thế; nhớ tới những lời Tề vương vừa nói, nữ vương Nhạn tộc đang ra sức tìm người có dung mạo giữ mãi không đổi… Nguyễn Tư Ngạn khẽ nhướn mày, đáy mắt hiện lên ý “quả nhiên là vậy”.
Mông lung khốn khổ nhiều ngày cuối cùng cũng được mặt trời rực rỡ chiếu tỏ, trong chớp mắt, mây tán sương tan.
*********
Từ phủ ở thành Tây.
Người Từ gia tề tụ đầy đường*, tán gẫu để vơi bớt mệt mỏi và đau buồn.
(*) đường: phòng khách, nhà chính
Đợi Mao Đầu theo ma ma và thị tỳ ra khỏi cửa, những người khác lần lượt lui xuống, Từ Thịnh nhỏ giọng nói với phu thê Từ Hách: “Lam Dự Lập muốn xin nghỉ một thời gian để đi tìm Diêu thống lĩnh, chắc cháu phải tìm thời gian giúp đỡ… Tình thế chưa rõ, hay hai người tạm lánh khỏi kinh thành đi?”
Nguyễn Thời Ý biết đề nghị này của trưởng tôn là để phòng chuyện lỡ như.
Nếu Diêu Đình Ngọc thật sự bị nữ vương Nhạn tộc giăng bẫy bắt, nàng và Từ Hách tuyệt không nên mạo hiểm lấy thân cứu giúp.
Nhất là khi đối phương rất có thể sẽ uy hiếp dụ dỗ hoặc nghiêm hình bức cung, ép hai người nói ra quan hệ với băng liên… Hậu quả rất khó tưởng tượng.
Tuy Từ phủ canh phòng nghiêm ngặt, Tĩnh Ảnh thân mang tuyệt nghệ, nhưng cũng không địch lại Diêu Đình Ngọc, huống chi là cao thủ Nhạn tộc đã bắt Diêu Đình Ngọc?
“Nhưng… trên danh nghĩa hai ta vẫn là vị hôn phu và vị hôn thê.” Nguyễn Thời Ý không khỏi chần chừ.
Từ Thịnh dở khóc dở cười: “Quản làm gì! Vả lại, chúng cháu không để hai người nghênh ngang kết bạn rời khỏi thành đâu… Tổ phụ có thể xin ý chỉ thánh thượng, giả vờ đến một chỗ nào đó, rồi sau hai người ẩn thân đến một tòa biệt viện bất kì của Từ gia là được. Dù gì cũng có Tĩnh Ảnh bảo vệ mà?”
“Gần đây nàng ngoan ngoãn đọc không it sách, cháu để nàng ở lại bên cạnh mẫu thân cháu nhiều hơn đi!”
Nguyễn Thời Ý vốn muốn định rằng, sau khi nữ nhi về nước, nàng sẽ lấy thân phận vãn bối đi thăm Nguyễn Tư Ngạn, dò hỏi ý tứ ông ta ra sao.
Nếu tình huống cho phép, nói không chừng sẽ thám thính được ông ta có biết tung tích bức Tình Lam đồ cuối cùng hay không.
Giả như đúng với suy đoán của Từ Hách, ông ta có một mặt không muốn để ai biết, thể nào cũng sẽ lộ một chút sơ hở.
Nhưng giờ bọn họ đang trong tình cảnh thần hồn nát thần tính, không biết xung quanh có bao kẻ rình rập?
Trầm ngâm một lát, nàng quay lại nhìn trượng phu đang rảnh rỗi xếp hạt thông thành hình một con trường xà.
“Tam Lang, cùng ta đến một nơi thanh tĩnh, được không?”
Từ Hách ngẩng đầu cười một tiếng, mắt chứa chan tình ý, hắn thuận tay đẩy khay hạt thông đã bóc đến cạnh nàng.
“Nghe nàng, nghe nàng hết, chuyện này phải hỏi sao?”
Tuy Từ Thịnh biết tổ mẫu nói gì là tổ phụ nghe nấy, nhưng không ngờ tổ phụ lại bày ân ái hiển nhiên ngay trước mắt mình như thế.
Ôi, hai vị mau thu dọn hành lí, tìm “nơi thanh tĩnh” mà khanh khanh ta ta đi!
Bớt kích thích kẻ đáng thương “sớm chiều gặp gỡ ý trung nhân nhưng bị bỏ rơi” này.
Tác giả có lời muốn nói:
Sau này mỗi khi Lão Nguyễn và Tề vương ra sân đều có mục đích đó! Để tui công bố từng chút nhé~
Trừ bộ《 Liêu nhân 》, tác phẩm của Thiên Ti thường có dấu ấn là —— ít nhất sẽ có một nhân vật phản diện không thể ngờ tới, hoặc là thâm tàng bất lộ, hoặc là lặng lẽ hoắc hóa ha ha ~