Ta Tự Tới Non Cao - Chương 4
Ta nhìn hắn đầy kinh ngạc.
Ngụy Tử Lâm cụp mắt, giọt lệ từ khóe mắt rơi xuống mái tóc bạc trắng:
“Ta muốn ngươi đưa nó về phủ Tướng quân, tuyên bố với bên ngoài rằng đó là dưỡng tử của ngươi. Nó chỉ mới ba tuổi, rất nhanh thôi sẽ quên đi tất cả chuyện trong cung, có thể sống cuộc đời mà nó mong muốn. Như vậy cũng có thể tránh được mối họa từ hoàng hậu, nàng ta tuyệt đối sẽ không tha cho nó.”
Ta không vội đáp ứng, chỉ bình thản nói:
“Chuyện này, ta phải hỏi qua phu nhân đã.”
Ngụy Tử Lâm cười khẽ: “Được! Cả đời này ta chưa từng nói lời cảm ơn với ngươi, đến lúc sắp xuống mồ rồi vẫn phải cảm tạ ngươi một lần.”
Ngày hôm đó, dường như ta đã vứt bỏ được rất nhiều gánh nặng trong lòng.
Chỉ là, mùa đông chưa kịp qua đi, Ngụy Tử Lâm đã qua đời.
Ta tuân theo di chiếu, phò trợ tân hoàng, một lần nữa nắm giữ binh quyền.
Phu nhân cũng đồng ý nhận nuôi tiểu hoàng tử, đổi tên thành Kỷ Quân An.
12
Lại một mùa hạ nữa đến, khi ruộng ngô của phu nhân sắp vào vụ thu hoạch, ta đã có thể chống gậy tự mình bước đi.
Con đường ta đi nhiều nhất, chính là từ quân cơ doanh đến phủ Tướng quân.
Từ khi có thể đi lại, ta liền thích đến quân cơ doanh chờ nàng tan ca.
Đám đại thần lui tới thấy vậy, không tránh khỏi cười nhạo một phen, nói ta sợ vợ.
Ta chưa từng để tâm đến những lời đó.
Giống như cách bọn họ từng bảo rằng Hướng Vãn không nên đặt chân vào quân cơ doanh vậy.
Phu nhân của ta có thể chế tạo cung nỏ tinh xảo vô song, vì cớ gì không thể tới đây? Ngược lại, chính những lão già bảo thủ kia mới là kẻ đáng chê cười.
Thường thì chờ khoảng nửa canh giờ, nàng sẽ bước ra từ bên trong.
Lúc ấy, trời đã về chiều, ánh tà dương nhuộm lên vạn vật sắc đỏ xen tím, vẽ nên những đường viền huy hoàng.
“Hôm nay Tiểu Quân An có đọc sách không?”
“Chàng cũng biết nó không thích đọc sách mà, cả buổi chiều chỉ mải nghịch gỗ thôi.”
“Không lẽ đứa nhỏ này lại đi theo vết xe đổ của ta?”
“Thế thì cũng tốt mà…”
“Hôm nay có món gì ngon không?”
“Nghe bếp nói có gà hấp lá sen.”
“Thật sao?!”
Nàng nở nụ cười rạng rỡ, những sợi tóc khẽ tung bay dưới ánh chiều tà, phủ đầy sắc vàng rực rỡ.
Giữa khung cảnh lặng lẽ mà tráng lệ ấy, người qua đường thưa thớt, bóng chúng ta bị ánh tà dương kéo dài trên nền đất.
Chúng ta khoác tay nhau, chậm rãi đi về nhà, vừa tán gẫu những chuyện vặt vãnh trong ngày, vừa tận hưởng chút ấm áp của đời thường.
Phiên ngoại của Lý Hướng Vãn
Năm ta mười tuổi, trong thôn có một khoảng thời gian rất dài không có bóng dáng đàn ông.
A nương nói bọn họ đều đi tòng quân rồi.
Ta không tin: “Vậy sao a cha không đi?”
“Cha con bị tật ở chân, không thể đi được.”
Ta suy nghĩ một lúc, rồi nghiêng đầu thắc mắc: “Vậy tại sao Đại Ngưu lại đi? Hắn suốt ngày chỉ biết cười ngốc nghếch, ăn thì nhiều mà chạy thì chậm!”
Đại Ngưu là kẻ ngốc trong thôn, cũng là người bạn thân nhất của ta.
Những người khác chẳng ai muốn nghe ta nói chuyện, chỉ có hắn là chịu nghe, hơn nữa lúc nào cũng cười toe toét.
“Đại Ngưu cao lớn, lại có sức mạnh, thế nên mới bị đưa đi.”
A nương vừa tráng bánh trong chảo, vừa lặng lẽ lau nước mắt.
Bởi vì cữu cữu của ta cũng bị điều ra chiến trường, a nương rất lo lắng cho cữu cữu, giống như ta lo lắng cho Đại Ngưu vậy.
“Vậy bao giờ họ sẽ trở về?”
Một giọt nước mắt to tròn rơi vào trong nồi, giọng nói của a nương khẽ run:
“Hôm nay đại quân vừa xuất chinh, còn sớm lắm! Một lát nữa đi lễ chùa, con không được nghịch ngợm, phải thành tâm cầu Phật phù hộ cho họ… để sang xuân… sang xuân có thể bình an trở về.”
Ta nửa tin nửa ngờ gật đầu.
A nương làm xong bánh, xách theo giỏ trúc dắt ta lên chùa.
Trên con đường mòn uốn lượn giữa ruộng đồng, đầy rẫy những nữ nhân vội vã chạy đến chùa cầu phúc, hoặc tiễn biệt trượng phu xuất chinh.
Đi ngang qua sườn núi, ta ngẩng đầu giữa đám đông, cố tìm bóng dáng Đại Ngưu.
Rõ ràng hắn cao lớn như vậy, nhưng khi lẫn vào trong đoàn quân dày đặc, cũng chẳng khác gì một hạt vừng đen bé tí tẹo, không tài nào nhận ra.
A nương dừng bước, lặng lẽ nhìn đoàn quân cuốn theo bụi đất tiến về phương xa, nước mắt rơi từng giọt, giọng nói nghẹn ngào:
“Con của cữu cữu con vẫn còn nhỏ quá…”
Bà đang nói đến cô bé mập ú, người có thể đấm ta ngã lăn ra đất sao? Cũng đâu có nhỏ nhắn gì cho cam.
Ta từ bỏ việc tìm kiếm Đại Ngưu, lại bị một người khác cưỡi bạch mã thu hút ánh nhìn.
Người ấy khoác trên mình một bộ giáp sáng loáng, nổi bật giữa đám đông như một tia sáng lẻ loi giữa biển đêm.
Những người khác ai cũng trầm mặc nghiêm trang, chỉ có hắn cười tươi rói, còn quay sang hai bên đường chào hỏi bá tánh.
A nương vừa mới khóc xong, nhìn thấy hắn liền tức giận rủa thầm:
“Phì! Hoàng đế đúng là hồ đồ! Lại thật sự để một tên công tử bột ra trận! Chẳng biết chở lương thảo có chở nổi không nữa!”
Ta chớp mắt tò mò: “A nương, công tử bột là gì?”
“Bốp!”
Một cái bạt tai nhẹ nhàng giáng xuống trán ta.
“Đã bảo con đọc sách, vậy mà cả ngày chỉ biết lẽo đẽo theo cha con bày bừa với đống gỗ!”
13
Ta nhăn mặt ôm lấy trán, òa lên khóc, hòa vào tiếng khóc tiễn biệt xung quanh, vậy mà chẳng hề lạc lõng chút nào.
Hôm đó, ta quỳ gối trước tượng Phật, thành kính đến mức chưa từng có, cẩn thận báo lên danh tính của mấy chục người trong thôn, cầu xin Phật tổ phù hộ cho bọn họ tai qua nạn khỏi.
Sang năm, khi lập xuân vừa đến, những người ra trận đã trở về.
Ta lao ra phố, đón đoàn quân khải hoàn trở về triều.
Những mảnh giấy tiền bay rợp trời, còn đến trước cả đội quân, trắng xóa rơi xuống, tựa như mùa đông vẫn chưa qua.
Lại là thiếu niên năm ấy.
Chỉ khác là lần này, hắn không còn cưỡi bạch mã, cũng chẳng còn nụ cười tươi tắn trên môi.
Hắn khoác áo tang, đầu đội mũ trắng, ôm hai tấm bài vị, lặng lẽ đi trước đội quân.
Hai bên đường, người ta tìm được thân nhân của mình, liền vội vàng lao vào đoàn quân kéo họ lại.
Cả đoàn người tan rồi hợp, cuối cùng đội ngũ trở nên xiêu vẹo, lộn xộn.
Chỉ có thiếu niên ấy, vẫn cúi đầu, đơn độc bước về phía trước.
Ta bị xô đẩy, loạng choạng ngã nhào trước mặt hắn.
Lúc này, hắn cuối cùng cũng dừng chân, đôi mắt vô hồn rốt cuộc cũng dao động đôi chút.
Ta ôm lấy cánh tay bị đập xuống đất, cố gắng bò dậy, bỗng một bóng dáng to lớn lao đến, kéo ta vào lòng.
Trước mắt tối sầm, chỉ nghe thấy một giọng nói ngốc nghếch quen thuộc:
“Vãn Vãn! Vãn Vãn! Đúng là Vãn Vãn rồi! Vãn Vãn ơi, tai của ta mất rồi… hu hu hu…”
Ta ngửa mặt nhìn lên, là Đại Ngưu đã mất một bên tai.
Ta bĩu môi, rốt cuộc không kìm nén được nữa, cùng hắn bật khóc.
Thiếu niên kia vẫn không chút biểu cảm, tiếp tục bước về phía trước.
Ta hỏi Đại Ngưu tại sao lại mất tai, hắn nói có một mũi tên lao đến, ca ca đẩy hắn ra, thế là tai hắn bị bắn rớt.
Mãi về sau ta mới biết, người mà hắn gọi là “ca ca”, chính là thiếu niên ấy.
A nương luôn đoán chuyện rất chuẩn, nhưng lần này bà đã sai.
Thiếu niên ấy không phải công tử bột.
Nhiều năm sau đó, hắn vẫn là người dẫn quân ra trận.
Hắn không còn cười như thời niên thiếu nữa, mỗi lần chiến thắng trở về cũng chỉ mang theo gương mặt lạnh lùng.
Đại Lương suốt nhiều năm chìm trong binh đao loạn lạc.
Về sau, ta theo cha vào quân cơ doanh làm cung nỏ, tiếp xúc với không ít triều thần, mới biết được hắn tên là Kỷ Hành Giản.
Năm ta mười bảy tuổi, chiến tranh cuối cùng cũng kết thúc.
Nhưng lần này, hắn không đứng thẳng để trở về, mà là ngồi trên xe lăn.
Ta vẫn dõi theo hắn từ xa, hắn vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng ấy.
Lúc đó, ta đang chuẩn bị đẩy tên hôn phu bám riết lấy mình xuống hố phân.
Nhìn thấy hắn, ta bỗng khựng lại.
Ánh mắt ta đã lặng lẽ dõi theo hắn suốt bao năm trời, vậy mà hắn chẳng hề hay biết.
Cho đến khi thánh chỉ tứ hôn được đưa đến nhà ta.
Ta cứ tưởng hoàng đế cũng không chịu nổi chuyện ta bị từ hôn ba lần liên tiếp, nào ngờ lại ban hôn sự này cho ta.
Ta còn chưa kịp vui mừng bao lâu, đã nghe người ta đồn đại rằng ta không xứng với hắn, rằng gả ta cho hắn chỉ để sỉ nhục hắn mà thôi.
Nhưng ta chẳng hề cảm thấy như vậy.
Hắn như cỏ dại, dù bị dẫm đạp thế nào cũng không gục ngã.
Còn ta là một đóa hoa nhàn rỗi, có thể thêm chút vui thú vào cuộc đời hắn.
Chúng ta vốn là một đôi trời sinh.
Ngày thành thân, ta dùng hai mũi tên bắn rơi hoa lụa, chặn hết miệng lưỡi thế gian.
Hôm sau, bọn họ nói ta ngay thẳng, can đảm.
Nhưng thực ra ta cũng có thứ khiến ta sợ hãi.
Ta sợ bóng tối.
Sau khi thành thân với Kỷ Hành Giản, hắn thường xuyên không để tâm đến ta.
Dù ta có nhiều lời đến đâu, cuối cùng cũng hóa thành câm lặng.
Không ngờ có một ngày, hắn lại đứng đợi ta.
Hôm ấy ta vui đến mức diễn luôn một màn bị dọa sợ, thuận thế lao vào lòng hắn.
Thế rồi, hắn bắt đầu ngày ngày chờ ta.
Phủ Tướng quân, dù ta có treo bao nhiêu đèn lồng đi chăng nữa, vẫn luôn quạnh quẽ.
Vậy mà bỗng chốc trở nên sáng sủa hơn hẳn.
Nhưng chưa được bao lâu, hoàng đế đã triệu ta vào cung.
Hắn giống hệt mấy bà thím lắm chuyện ở đầu ngõ, lải nhải không ngừng, mở miệng ra ba câu thì hết hai câu nhắc đến Kỷ Hành Giản.
Cũng nhờ hắn chịu kể, ta mới biết Kỷ Hành Giản đã trải qua những gì.
Hôm đó, ta mang theo tâm trạng nặng trĩu trở về phủ.
Dành ba ngày, tự tay làm ra hàng loạt linh vị, vui vẻ định mang đến cho Kỷ Hành Giản xem.
Nào ngờ, lại trông thấy hắn trong dáng vẻ tuyệt vọng, khốn cùng đến thế.
Ta dốc toàn bộ sức lực phá cửa lao vào, ngăn cản hắn.
Ta biết hắn vì sao mà đau đớn, nhưng một người tốt như hắn, không nên có một kết cục như vậy.
Vậy nên, ta có thể kéo hắn lại hết lần này đến lần khác, cho đến khi hắn thực sự muốn ở lại.
Giống như cách hắn luôn suy nghĩ cho ta, luôn chuẩn bị sẵn đường lui cho ta vậy.
Hắn luôn cho rằng ta sẽ rời đi, thế nên đã sớm lo toan chu toàn cho ta.
Nếu một ngày hắn không còn, ta vẫn có thể tiếp tục làm những điều ta thích.
Nhưng hắn quên mất rằng, ta và hắn đã luôn đi trên cùng một con đường.
Vai kề vai, dìu nhau tiến bước.
Chúng ta sẽ mãi mãi không thể tách rời.
Bởi vì trong những năm tháng mà hắn không hay biết, chúng ta đã bao lần chia ly rồi lại trùng phùng.
— Hoàn —
Hay, đáng xem