Sự Thật Ẩn Giấu - Chương 2
Làn da khô sạm, đầy nếp nhăn, hai bên tóc đã bạc, nhưng ánh mắt dưới đôi mí mắt xệ lại sáng rực như đuốc.
Giữa cái nóng oi ả của mùa hè, bà vẫn mặc áo khoác dạ mỏng, tay xách túi vải đen cũ sờn, tay kia cầm theo một cái bình trà tróc sơn.
“Tôi là Lý Ngọc Anh, mẹ chồng cô – người cô chưa từng gặp.”
Tôi nhìn bà, ánh mắt trống rỗng, dây thần kinh mỏi mệt của tôi bắt đầu rung lên, kết nối… rồi bỗng mở lớn đôi mắt:
“Mẹ?”
Lý Ngọc Anh từ tốn gật đầu:
“Nhận ra rồi thì tốt.”
Mọi người xúm lại.
“Thì ra là mẹ anh Cố… ôi trời, cảnh ‘người đầu bạc tiễn người đầu xanh’ đau lòng quá, xin bà nén bi thương.”
“Bà đến là tốt rồi, có người thân bên cạnh, mẹ con bé Miêu Miêu cũng đỡ đơn độc hơn.”
Có người tốt bụng định giúp bà xách túi và bình trà, nhưng bà khẽ lắc đầu từ chối. Sau đó nhìn di ảnh của Cố Hoài Nghĩa một cái, rồi xoay người, ánh mắt nhìn thẳng vào tôi.
“Ngay khi biết tin con trai chết, tôi lập tức từ Cam Lan đi suốt đêm đến đây, chỉ để nói với cảnh sát một câu.”
Ánh mắt bà lạnh như băng, sắc như dao, từng chữ rõ ràng, dứt khoát:
“Cô ta là kẻ đã giết chết con trai tôi.”
4
Lý Ngọc Anh nói xong câu đó liền quay người rời đi.
Không ai ngăn được bà.
Bà đến bất ngờ, rồi cũng đi bất ngờ.
Cứ như toàn bộ sự xuất hiện của bà chỉ để nói đúng một câu ấy.
Mọi người sững sờ nhìn nhau, sau đó vội vã tới an ủi tôi.
“Mẹ Miêu Miêu à, bà cụ chắc đau buồn quá hóa hồ đồ rồi, cậu đừng để trong lòng nhé, lúc này không thể vừa buồn vừa tức được đâu.”
“Đúng đấy, quê mùa mà, mấy bà già ở nông thôn chẳng hiểu chuyện, chắc nghe người ta nói linh tinh nên mới hiểu lầm. Sau này nói chuyện lại là được.”
“Ủa, trước giờ sao chưa từng thấy mẹ của luật sư Cố vậy? Người chết rồi mới xuất hiện, chẳng lẽ là đến giành con, giành tài sản à?”
“Không phải không gặp, mà ngay cả nghe nói cũng chưa từng! Mẹ Miêu Miêu, bà ấy vừa mới bảo chưa từng gặp cậu, cậu chắc chứ? Bà ấy thật sự là mẹ anh Cố sao?”
Tôi không nói gì, cả người như sắp đổ sụp.
Cán bộ khu dân cư đưa cho tôi một ly trà nóng.
“Được rồi, đừng hỏi nữa. Giờ quan trọng là lo hậu sự chu toàn, để Mẹ Miêu Miêu được nghỉ ngơi. Những chuyện khác rồi tính tiếp.”
Tôi cúi đầu, nhấp vài ngụm trà, đầu óc dần tỉnh táo hơn đôi chút.
Đúng vậy.
Lý Ngọc Anh, chính là mẹ ruột của Cố Hoài Nghĩa.
Tám năm trước, khi tôi và anh kết hôn, lần đầu tiên tôi gặp bà là qua cuộc gọi video.
Năm Cố Hoài Nghĩa mười lăm tuổi, bà ly hôn với chồng rồi một mình đến Tây Bắc dạy học.
Từ đó hai mẹ con cắt đứt liên lạc nhiều năm.
Sau khi cha anh qua đời, anh đã có điều kiện, tìm đủ mọi cách liên lạc với bà, muốn đưa bà về phụng dưỡng.
Nhưng bà từ chối. Bà nói khi quyết định bước vào vùng núi hẻo lánh ấy, đã thề là sẽ không bao giờ rời khỏi nơi đó.
Những năm qua, anh chỉ đến thăm bà được hai lần.
Còn tôi – mỗi năm chỉ gọi video với bà đúng một lần vào sinh nhật Miêu Miêu.
Nhưng bây giờ, tôi không khỏi hoang mang, nghi hoặc.
Một người từng thề không bao giờ rời khỏi Tây Bắc,
vì sao lại đột ngột xuất hiện?
Vì sao lại bất ngờ nói ra câu đó với tôi?
Trong nỗi đau tột cùng, tôi cứ suy nghĩ mãi mà không có lời giải đáp…
Sau lễ tang, Lý Ngọc Anh không rời khỏi thành phố này.
Bà ở lại.
Tất nhiên không phải ở nhà tôi, mà thuê phòng trong một nhà trọ nhỏ gần nhà ga.
Đêm khuya, trăng treo cao trên bầu trời, lặng lẽ soi xuống trần gian chan chứa buồn vui.
Tôi ngồi một mình nhìn di ảnh Cố Hoài Nghĩa, lau nước mắt, rồi âm thầm đưa ra quyết định.
Dù bà đến vì lý do gì.
Vì con.
Vì tài sản.
Hay là vì một hiểu lầm nào đó.
Bà vẫn là mẹ của chồng tôi, là bà nội của con tôi.
Tôi không thể bỏ mặc bà hoàn toàn.
5
Sáng hôm sau, tôi chuẩn bị ít vật dụng sinh hoạt, chăn gối chăn đệm rồi sang gõ cửa nhà đối diện.
Tô Dược vừa mở cửa nhìn thấy tôi, ánh mắt thoáng chấn động,
luống cuống chỉnh lại tóc và áo.
Tôi nhẹ nhàng nói mình cần chút giúp đỡ, hỏi anh ấy có rảnh không, có thể đưa mẹ con tôi đi một chuyến không.
“Đương nhiên rồi.”
“Lúc nào cũng được.”
Anh nhìn tôi, trả lời.
Tô Dược lái xe chở tôi và Miêu Miêu đến nhà trọ nhỏ gần ga tàu.
Nhà trọ cũ kỹ, ánh đèn ảm đạm.
Trước cửa dựng một tấm bảng: [Phòng trọ 30 đồng/ngày]
“Mẹ ơi, bà nội ở đây thật hả? Chỗ này tồi tàn quá, hay là mình đưa bà về nhà ở đi?”
Giọng nói non nớt của Miêu Miêu vang lên.
Tôi thở dài:
“Bà nội là người khá cố chấp, chắc chắn sẽ không chịu đâu.”
Tô Dược ôm mấy túi đồ to lỉnh kỉnh bước tới.
“Mẹ Miêu Miêu, đồ nhiều quá, để tôi giúp cô mang lên.”
Tôi do dự:
“Không cần đâu, phiền anh quá, anh đợi ở dưới là được.”
Anh thoáng lộ vẻ lo lắng, dịu giọng:
“Hôm đó bà ấy nói với cô những lời như vậy, giờ gặp riêng mà lỡ có xung đột thì sao. Tôi ở đó, ít nhất cũng có thể để mắt đến chút. Nhất là đừng để Miêu Miêu sợ.”
Tôi cười khổ, gật đầu:
“Vậy làm phiền anh rồi.”
Lần nữa gặp lại Lý Ngọc Anh, bà đang ngồi trong căn phòng đơn sơ, loay hoay với chiếc điện thoại.
Thấy tôi đứng ở cửa, bà sững người một giây, sau đó đứng dậy, ánh mắt bình tĩnh.
Tôi hít sâu một hơi, chậm rãi lên tiếng:
“Mẹ, con biết mẹ chắc chắn không muốn về nhà ở, nên mang một ít đồ dùng cần thiết tới.
Bất kể mẹ có hiểu lầm gì với con, chỉ mong mẹ nghĩ đến Hoài Nghĩa và Miêu Miêu, đừng từ chối tấm lòng này.”
Tôi quay đầu nhìn Tô Dược.
Anh bước vào, đặt đồ xuống rồi lặng lẽ lui ra hành lang.
Lý Ngọc Anh đứng đó, không nói gì.
Không nhận, cũng không từ chối, chỉ lặng lẽ nhìn tôi bằng ánh mắt khó dò.
Miêu Miêu rụt rè bước lên trước, nhỏ giọng hỏi:
“Bà ơi, sao bà không về nhà với tụi con? Mẹ nói ba đi công tác xa lắm, phải lâu lắm mới về, hay là bà về nhà ở với tụi con, chờ ba về được không?”
Ánh mắt Lý Ngọc Anh thoáng chốc mềm lại, bàn tay nhăn nheo nhẹ nhàng xoa đầu Miêu Miêu, vành mắt đỏ hoe.
“Miêu Miêu ngoan, bà còn việc rất quan trọng cần làm, nên tạm thời chưa thể về cùng cháu.”
“Bà ơi, cháu nhớ ba lắm… bà có nhớ ba không?”
“…Có, bà… cũng rất nhớ ba cháu.”
Bà trông có vẻ điềm tĩnh, nhưng giọng run rẩy đã lộ rõ những xúc cảm bà cố kiềm nén.
Tôi quay đầu thì thầm với Tô Dược, anh lập tức đi vào, dỗ Miêu Miêu xuống dưới trước.
Trong phòng chỉ còn lại tôi và Lý Ngọc Anh.
Nhà trọ nhỏ lọt thỏm giữa những tòa cao ốc chen chúc.
Chỉ có chút ánh sáng lờ mờ hắt qua ô cửa sổ nứt nẻ.
Tiếng ồn ào bên ngoài càng khiến căn phòng nhỏ thêm lặng lẽ, u ám.
“Tôi đã báo cảnh sát rồi.”
Lý Ngọc Anh nhìn tôi, chậm rãi mở lời.
Tôi khựng lại, thở dài một tiếng trong hành lang tối tăm.
“Cảnh sát đã sớm loại bỏ khả năng tôi là nghi phạm.
Tôi không có thời gian, không có công cụ, càng không có động cơ.
Cái chết của anh ấy chỉ khiến cuộc sống của tôi thêm khốn đốn, không hề mang lại lợi ích gì.
Mẹ, con thật sự không hiểu… vì sao mẹ lại tin rằng con muốn giết chồng mình?”
“…Nên hôm nay cô đến đây” Giọng bà trầm ổn.
“Là vì rất tò mò, tại sao một người ở cách xa ngàn dặm như tôi lại có thể khẳng định cô là hung thủ sát hại Hoài Nghĩa, đúng không?”
Một cảm giác u uất và bất lực dâng lên trong lòng tôi.
Tôi định nói gì đó, nhưng lại thấy mọi lời lẽ đều vô ích.
“…Nếu mẹ đã nhất quyết nhận định như vậy, thì cứ để cảnh sát kết luận đi.”
Tôi nói xong, quay người bỏ đi.
Chưa đi được mấy bước, giọng Lý Ngọc Anh lại vang lên sau lưng – nặng nề và rõ ràng:
“Thật ra, ban đầu tôi cũng chưa chắc chắn.”
“Nhưng hôm nay cô đến, còn dẫn theo người đàn ông trẻ kia.
Cô muốn tôi nghĩ rằng cô có quan hệ mờ ám với cậu ta đúng không?
Cô muốn khiến tôi tin vào hướng đó để cảnh sát điều tra lệch hướng…”
“…Bây giờ thì tôi chắc chắn rồi.
Cô chính là hung thủ.”
Câu nói vừa dứt, hành lang lập tức chìm vào im lặng.
Tôi từ từ quay người lại—
Trong dãy hành lang chật hẹp, tối tăm, tôi và bà… lặng lẽ nhìn nhau.
6
Tôi bị triệu tập đến đội cảnh sát hình sự để lấy lời khai.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi bước vào bên trong một nơi như thế – vừa lo lắng, vừa bất lực. Đến mức khi nhận chai nước từ tay cảnh sát, tay tôi run quá, làm đổ nửa chai lên tay áo anh ấy.
“Cô không cần quá căng thẳng đâu, vì mẹ của nạn nhân báo án, chúng tôi chỉ làm theo quy trình để điều tra.”
Hai cảnh sát ngồi đối diện trấn an tôi.
“Lịch trình của cô hôm đó cơ bản chúng tôi đã nắm rõ, giờ chỉ xác nhận lại vài chi tiết, mong cô trả lời trung thực.”
Tôi khẽ gật đầu.
“Câu hỏi thứ nhất: ai là người đề nghị xả nước bồn tắm trước?”
“Là tôi.”
“Tại sao?”
Tôi im lặng vài giây rồi chậm rãi trả lời:
“Miêu Miêu hiếu động, mỗi lần chơi là ướt mồ hôi, mà vòi nước nhà tôi chảy rất chậm, phải hơn hai mươi phút mới được nửa bồn. Tôi sợ con bé cảm lạnh, nên mới nhờ Hoài Nghĩa xả nước trước, để khi về là có thể tắm ngay.”
“Ừ, câu hỏi thứ hai: hôm đó tại sao cô không mang điện thoại theo?”
Tôi thì thào:
“Tôi cũng không hiểu sao nữa… bình thường tôi không bao giờ quên điện thoại, nhưng hôm đó lại để quên trên tủ giày, rồi cứ thế đi luôn.”
Hai cảnh sát liếc nhìn nhau rồi hỏi tiếp:
“Mùa hè này, cô hầu như ngày nào cũng đưa con xuống chơi cầu trượt lúc khoảng mười giờ sáng, chơi một tiếng rồi đúng mười một giờ về nhà. Nhưng hôm đó, vì sao cô về trễ mười phút?”
Mắt tôi bắt đầu đỏ lên, giọng nghẹn lại:
“Tôi qua nhà hàng xóm… Thật ra tôi không định đi, nhưng vì ngại, người ta nói vài câu nên tôi không nỡ từ chối…”
“Chồng cô chết trong phòng tắm nhà mình, nhưng tại sao hàng xóm đối diện – Tô Dược – cũng có mặt tại hiện trường đầu tiên?”
“Tô Dược ư?”
Tôi ngớ người, hồi lâu sau mới nhớ lại:
“Lúc tôi vào nhà, Miêu Miêu còn đang nói chuyện với anh ấy ở ngoài hành lang. Tôi gọi chồng mà không thấy trả lời nên vào thẳng phòng tắm… Cửa phòng tắm đối diện thẳng với cửa chính, tôi vừa ngồi sụp xuống gọi thì Tô Dược xông vào…”
Cảnh sát lớn tuổi bỗng cười lạnh, giọng gắt lên, ngắt lời tôi:
“Cô Trình, từ lúc Cố Hoài Nghĩa ló đầu ra cửa sổ đến khi được phát hiện tử vong, từng bước trong lịch trình của cô đều có người làm chứng. Cô không thấy trùng hợp quá đáng à?”
Tôi ngẩn ngơ nhìn ông ấy, rồi cúi đầu, hai tay ôm mặt, tiếng nức nở tràn ra qua kẽ ngón tay:
“Phải, là lỗi của tôi! Trong suốt hai mươi mấy phút đó, chồng tôi cô đơn và tuyệt vọng dần dần chết đi, còn tôi thì sao? Tôi chần chừ ở nhà mẹ bé Hy Hy, rồi chần chừ khi dỗ Miêu Miêu về nhà, rồi lại chần chừ khi nói chuyện với hàng xóm ngoài hành lang!”
“Là tôi hại chết anh ấy!”
“Chính tôi là người giết chết chồng mình!”
Vẫn không rõ được động cơ nhỉ