Phá Kén - Chương 4
9
Tôi đứng chết lặng trước cửa lớp, lắng nghe những gì vọng ra từ bên trong, chân như bị ai ghìm chặt lại.
“Con gái có học giỏi đến mấy cũng phải lấy chồng chứ, chẳng lẽ sống độc thân cả đời thành gái già chắc? Với lại, đọc nhiều sách cũng tốt, mẹ tao nói mấy kiểu con gái này biết giữ thể diện, không đòi sính lễ!”
“Giống cô của tao hồi trước, là người thành phố, yêu đương chưa từng tiêu tiền của chú tao, cưới xong còn trả luôn cả tiền đặt cọc nhà, đỡ hơn mấy con gái trong làng đòi sính lễ như hổ đói!”
Cảm giác lúc ấy… tôi sẽ mãi mãi không thể nào quên.
Như thể ngay trước mắt tôi, một con người sống sờ sờ bỗng phình ra, vặn vẹo, nổ tung, hóa thành một đống thịt nhão bốc mùi thối hoắc, không biết ngoài những lời bẩn thỉu nhục mạ, hắn còn sót lại chút gì gọi là “con người” nữa không.
Mà kẻ đó… lại là thanh mai trúc mã tôi đã quen suốt mười bảy năm.
Hắn đột nhiên… thối rữa ngay trước mắt tôi.
Tôi vẫn đứng im như tượng ở cửa.
Cho đến khi Trương Vũ quay đầu lại nhìn thấy tôi.
Giống như thấy quỷ, mặt cậu ta tái mét không còn giọt máu.
“Chu Kiển?!”
Tôi cúi mắt, bước qua người cậu, đi thẳng vào lớp nhặt cuốn vở toán mình để quên.
Trương Vũ luống cuống kéo tôi lại, định giải thích, nhưng bị tôi hất mạnh tay ra.
Tôi nghiến răng kìm cơn giận đang sục sôi, lạnh lùng liếc cậu ta một cái:
“Đừng chạm vào tôi. Đồ ghê tởm.”
Trương Vũ bị chọc giận, gào lên:
“Tao ghê tởm? Mày là cái thá gì? Đồ đĩ treo mồi, chỉ biết làm người ta phát điên rồi bỏ chạy!”
Cậu ta tức giận lao lên, ghì chặt hai tay tôi, ép tôi xuống bàn.
Hắn còn cúi đầu định hôn lên môi tôi.
Tôi không do dự, đạp một phát thẳng vào hạ bộ hắn.
Trương Vũ được mẹ cưng như vàng, chưa từng phải động tay làm nông bao giờ.
Nhưng tôi thì khác. Dù bà ngoại không cho làm, tôi vẫn tranh làm bằng được.
Tôi từng gặt lúa, chẻ củi, chăn bò, nuôi heo.
Tôi có sức mạnh dư sức đá thằng như que củi Trương Vũ bay khỏi tầng lầu nếu tôi muốn.
Không thèm ngó đến Trương Vũ đang lăn lộn kêu gào trên sàn, tôi bước nhanh ra khỏi lớp học.
Rời khỏi cổng trường, tôi bắt chuyến xe buýt về làng.
Còn ba ngày nữa là đến kỳ thi đại học.
Trường đã cho nghỉ, nhưng tôi vẫn ở lại để giữ tinh thần, nào ngờ lại tự chuốc lấy bi kịch.
Siết chặt tờ phiếu điểm trong tay, chưa bao giờ tôi nhớ bà ngoại da diết đến thế.
Nhưng khi xe vừa chạy đến đầu làng, nỗi nhớ lập tức hóa thành hoảng loạn.
Trước nhà bà ngoại, đậu sẵn một chiếc xe con màu đen.
Mẹ tôi thấy tôi.
Bà ta mặt lạnh tanh, nói đúng một câu:
“Sáng nay mái nhà đổ, gạch rơi trúng bà mày, đang được đưa sang trạm xá.”
Tôi lập tức định chạy về hướng trạm xá thì bị bà ta nắm tóc giật ngược trở lại.
Vừa kéo vừa chửi:
“Mày còn nhỏ mà không biết học hành cho tử tế, lại đi làm gái bên ngoài! Tao sao lại sinh ra loại không biết liêm sỉ như mày?! Sớm biết vậy tao đã nghe lời mẹ chồng, vứt mày vào bô dìm chết từ lúc mới sinh cho rồi!”
Tôi nhịn cơn đau rát ở da đầu, cố vùng ra.
Nhưng tay bà ta như kìm sắt, túm chặt lấy tôi, lôi tôi như kéo một bao rác, rồi ném thẳng tôi xuống cửa nhà họ Trương.
10
Trương thẩm liếc tôi một cái, nụ cười gượng gạo như rạch lên mặt:
“Ô kìa, chẳng phải là Chu Kiển đó sao?”
Tôi trừng mắt nhìn bà ta đầy tức giận.
Sắc mặt bà ta sa sầm lại, hừ một tiếng rồi dứt khoát không thèm giả bộ nữa.
Bà ta nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất:
“Không biết con hồ ly tinh này học cái thói gì, dụ dỗ con trai tôi, học hành như đổ vào bụng chó, đến thể diện cũng vứt đi rồi, phì!”
Tôi nghiến răng, nhổ thẳng một bãi nước bọt vào mặt bà ta.
“Hắn giở trò đồi bại, bị đá cũng đáng! Còn bà – bênh con trai hư – chả trách cả đời không đẻ được đứa nào, phải đi bế con người khác về nuôi!”
Trương Vũ không phải con ruột của bà ta, đó là nút thắt trong lòng bà từ bao năm nay.
Sắc mặt bà ta biến hẳn, lập tức túm lấy khúc củi bên cạnh, lao tới định đánh tôi.
Tôi còn chưa kịp mắng tiếp, thì mẹ tôi đứng bên đã đột ngột giơ tay tát mạnh vào mặt tôi một cái.
Tôi không kịp né, cả người nghiêng sang một bên. Gương mặt mẹ tôi lạnh tanh, giọng không chút cảm xúc:
“Nếu chuyện này đến tai ba mày với bà nội mày, tao còn mặt mũi nào mà sống trong cái nhà đó nữa?!
Tới lúc đó, thiên hạ sẽ bảo tao đẻ ra một con đĩ mất nết!”
“Cưới đại đi cho rồi, đừng làm mất mặt họ Phương tụi tao nữa!”
Tôi nghiến răng, gằn từng chữ:
“Mày cũng là đàn bà, vậy khi mày gọi con gái mày là đĩ, thì mày là cái thứ gì?”
Mẹ tôi nhìn tôi như thể đang nhìn một kẻ thù giết cha.
Trương thẩm ra hiệu mắt về phía trong nhà.
Tôi còn chưa kịp mở miệng cầu cứu, Trương thúc đã từ trong lao ra, bịt chặt miệng tôi, lôi vào nhà kho chứa củi, rồi đóng cửa nhốt lại.
Dù cánh cửa kia đã đóng sập xuống, tôi vẫn nghe rõ từng lời mẹ tôi và bọn họ bàn tính bên ngoài.
“Mười vạn tiền cưới, là quy củ nhà tao. Bớt một đồng tao cũng dẫn con nhỏ về lại.”
“Con gái bà dữ như chằn, cả làng đồn ầm lên hết rồi. Sau này ai dám cưới? Đừng tưởng con tôi là đồ ngốc mà dám bắt nó chịu thiệt! Tiền viện phí tôi còn chưa đòi đấy!”
Bọn họ… đang bàn chuyện bán tôi.
Cuối cùng, mẹ tôi nhún nhường, đồng ý gả tôi với giá ba vạn tám.
Trương thẩm nói sẽ xoay đủ trong hai ngày tới.
Mẹ tôi trước khi đi còn liếc vào phòng củi một cái.
Không quay đầu.
Bà ta chỉ để lại một câu nhẹ hẫng, nhưng… như dao cắt thẳng vào da thịt:
“Chúc mừng mày, cuối cùng cũng thoát khỏi tao rồi.”
“Phụ nữ càng trẻ càng có giá.”
“Mày mà chậm vài năm nữa, đừng nói ba vạn tám, có khi chẳng ai thèm rước.”
“Cái giá trị lớn nhất đời một đứa con gái… là biết ở nhà làm vợ, dạy con!”
11
Trương thẩm sợ tôi bỏ trốn, nhốt tôi trong suốt ba ngày.
Mãi đến ngày thi đại học.
Sáng sớm, khi gà vừa gáy lần thứ ba, Trương Vũ thức dậy.
Cậu chuẩn bị lên xe buýt do làng tài trợ, đến thành phố dự thi.
Trương thẩm cầm ly sữa đậu nành với quả trứng gà theo sau:
“Ăn sáng đi con, đảm bảo thi được 100 điểm!”
Trương Vũ mặt đầy khó chịu, hất tay gạt quả trứng ra.
Quả trứng cứ thế lăn lông lốc tới tận cửa phòng củi, dừng ngay bên tay tôi.
Tôi cười. Một nụ cười lạnh như băng.
“Loại người như các người, cả nhà táng tận lương tâm, buôn bán con gái, mà còn mong có con đỗ đại học, vươn tới tiền đồ sáng lạn? Mơ giữa ban ngày!”
“Không cho tôi đi thi à? Được, đợi đấy. Sớm muộn gì tôi cũng sẽ khiến cả nhà các người chết không toàn thây! Dù có làm ma, tôi cũng không tha cho một đứa nào!”
Từng lời nguyền rủa của tôi như sấm sét giữa trời quang, khiến Trương thẩm sợ đến mặt tái mét.
Bà ta giận dữ, liên tục nhổ bãi nước bọt, rồi đuổi Trương Vũ ra ngoài:
“Đừng quan tâm con ranh đó, thi xong là cưới! Đến lúc đó nó là vợ mày rồi, muốn làm gì thì làm!
Nó có thể làm được gì? Cũng chỉ là con đàn bà, mày trị nó ngoan ngoãn thì cũng nghe lời thôi!”
Trương Vũ biết rất rõ, tôi khao khát thi đỗ đại học đến mức nào.
Tôi nhìn cậu ta đầy căm hận, qua khe hở của cánh cửa gỗ, ánh mắt chúng tôi chạm nhau lạnh lẽo như thép.
Trương Vũ… né tránh ánh mắt tôi.
Bên ngoài vang lên tiếng xe buýt khởi động, tiếng người ồn ào hỗn loạn – mọi người đang chuẩn bị lên xe.
Đó đáng lẽ phải là chiếc xe chở tôi đến với tương lai sáng lạn.
Trương Vũ mở cửa ra, nhưng vừa bước ra đã bị một nhóm người chặn lại.
Một nhóm người mang theo máy quay phim, tự xưng là đài cứu trợ nạn nhân bị bắt cóc, cùng với cảnh sát đi theo.
Ngay sau đó, một đôi vợ chồng trung niên tóc bạc, từ phía sau bước tới, lao vào ôm chặt Trương Vũ, khóc rống lên.
“Con trai ngoan của mẹ! Ba mẹ tìm con mấy chục năm, cuối cùng cũng tìm được rồi…”
Người phụ nữ nước mắt lưng tròng, bỗng nhìn thấy Trương thẩm đang chết sững bên cạnh, giọng run rẩy nói:
“Là bà ta! Chính bà ta nói con trai tôi dễ thương, đòi nhìn thử một cái…
Không lâu sau đó, con trai tôi bị bắt cóc!”
Tôi lại cười. Nụ cười của kẻ không quên mối thù nào.
Tôi là người tính toán từng chút một.
Trước khi rời khỏi trường, tôi đã mượn điện thoại ở quầy tạp hóa, gọi đến đài phát thanh chuyên tìm người mất tích, cung cấp thông tin.
Họ đến rất kịp lúc.
Ngay trong ngày cuối cùng, họ đã tìm đến ngôi làng này.
Giây tiếp theo, tôi đập mạnh vào cánh cửa phòng củi.
Không lâu sau, cảnh sát mở cửa thả tôi ra.
Tôi vừa được đưa ra ngoài, lập tức nói lớn:
“Tôi phải đi thi!”
12
Tôi được xe cảnh sát hộ tống thẳng tới cổng điểm thi.
Nhưng vì thời gian quá gấp, lúc đến nơi thì kỳ thi đã bắt đầu được 15 phút.
Tôi bỏ lỡ môn thi đầu tiên.
Chú bảo vệ lắc đầu, trong ánh mắt là sự tiếc nuối sâu sắc:
“Giá như đến sớm hơn một phút thôi là kịp rồi.”
Tôi lẩm bẩm:
“Một phút…”
Khóe mắt cay xè, cổ họng nghẹn đắng. Tôi đứng chết lặng tại chỗ.
Phụ huynh xung quanh thấy vậy cũng không nhịn được mà an ủi tôi.
Cô cảnh sát nữ đi cùng tôi ôm tôi vào lòng, nhẹ nhàng vỗ lưng:
“Cuộc đời còn rất nhiều lối rẽ. Dù nhất thời thất bại, cũng không thể phủ định hết mọi nỗ lực của em.”
Trước khi rời đi, cô ấy nhét vào tay tôi hai trăm tệ, bảo đó là tiền mừng thi đỗ đại học sớm.
Tôi siết chặt tờ tiền, rồi hòa vào dòng người, bước vào phòng thi của mình.
Khi viết xong câu cuối cùng của đề bài, còn 10 phút nữa là hết giờ.
Tôi ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, trời trong xanh không một gợn mây.
Lòng tôi bỗng nhẹ tênh.
Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được sự thản nhiên và bình lặng đến lạ kỳ.
Tôi chợt nhớ, trong giờ nghỉ trước đây, từng nghe câu này phát trên loa phát thanh:
“Cuộc đời là thảo nguyên hoang dã, không phải đường ray định hướng.”
Tôi đã nỗ lực bao nhiêu năm trời, chẳng phải chỉ để thoát khỏi đường ray, tự mình bước vào cánh đồng hoang của tự do hay sao?
Tôi đã cố gắng đến tận cùng rồi.
Tương lai kia, dù là nắng hay mưa, tôi đều đón nhận. Nhưng — tôi tuyệt đối không chịu thua.
Mang theo tâm thái ấy, tôi thi xong môn cuối cùng, rời khỏi phòng thi, lập tức lên xe buýt về làng, chạy thẳng đến trạm xá tìm bà ngoại.
Bà ngoại đang đứng trước cổng trạm xá đợi tôi.
Mới mấy ngày không gặp, bà dường như già đi cả chục tuổi.
Người từng kiên cường, đi nhanh như gió, nay đã hơi khom lưng, dáng vẻ gầy gò, tóc xám bạc hoàn toàn.
Nhưng may thay, trông vẫn còn tỉnh táo, minh mẫn.
Lòng tôi chua xót, nhưng tôi vẫn kiễng chân lên, dốc hết sức vẫy tay về phía bà.
Vẫy mãi, nước mắt tôi lăn dài.
Chúng tôi ngầm hiểu, không ai nhắc đến chuyện thi cử cả.
Bà khoác tay tôi, bước từng bước chậm rãi về nhà.
Khi đi ngang qua nhà họ Trương, tôi thấy cửa nhà khóa chặt.
Bà ngoại hừ lạnh một tiếng:
“Mụ Trương kia bị bắt rồi, dính tội buôn người.”
“Bà ta còn mơ tưởng Trương Vũ sẽ xin xỏ cho mình thoát tội, ai ngờ thằng con trắng mắt đó nghe tin nhà bố mẹ ruột có tiền, quay lưng không nói lời nào, lập tức bỏ đi theo họ.”
“Nhưng nghe đâu, hai ông bà ấy từng bị lừa sang Myanmar, lần này về nước, dắt cả nó qua đó luôn…”
Tôi nghe xong, bật cười.
Nhưng cười được vài tiếng, nước mắt lại rơi.
Tôi khóc… cho cậu bé từng đứng ra bảo vệ tôi năm ấy.
Khóc… cho một thiếu niên trong sáng, như cây dương trắng nơi vùng quê nghèo.
Tôi còn khóc… vì không thể tự tay khiến cậu ta trả giá.
Sau đó, tôi sống những ngày yên ổn.
Trong thời gian đó, mẹ tôi từng muốn về thăm bà ngoại, nhưng bị bà khóa cổng nhốt ngoài.
Bà lớn tiếng:
“Cô đi đi, cô là người họ Phương. Dù sau này tôi có chết, cũng không cần cô về cúng tế!
Tôi có cháu gái — nó sẽ vì tôi mà nâng linh cữu, khóc bên mộ phần!”
Đến ngày công bố điểm thi, bà ngoại mượn chiếc xe ba bánh, đặc biệt chở tôi lên thị trấn vào quán net, bật máy tính tra điểm.
Hôm trước còn lo đến mất ngủ, nhưng lúc thực sự ngồi trước màn hình, tôi lại bình tĩnh lạ thường.
Tôi và bà vừa bước vào, cả quán net đều quay lại nhìn.
“Đó chẳng phải là cháu gái nhà họ Chu sao? Con bé suốt ngày bảo muốn thi Thanh Hoa đấy.”
“Thi được là may rồi. Hồi tôi còn đi học, lớp có hai đứa con gái, tốt nghiệp xong cũng lấy chồng cả. Con gái mà đi học đại học làm gì, đừng nói tới Thanh Hoa!”
Tôi quay đầu, nhìn thẳng họ.
Thì sao? Tôi còn trẻ. Tôi cứ muốn gắng hết sức đấy.
Bà ngoại giục tôi nhập mã số tra điểm.
Tôi gõ phím, nhìn trang web đang tải, bà siết chặt môi.
Điểm số bật lên.
Môn Văn: 0 điểm.
– Cái này… tôi đã lường trước.
Nhưng tôi vẫn bật ra một tiếng kinh ngạc.