Phá Kén - Chương 1
1
Tôi tên là Chu Kiển.
Bà ngoại kể, cái đêm tôi bị ba mẹ vứt bỏ, đúng vào giữa mùa đông lạnh buốt.
Mẹ tôi bị rách nặng, còn chưa kịp rời khỏi phòng sinh, bên nội vừa nghe tin là con gái thì chẳng thèm liếc tôi lấy một cái.
Bà nội khuyên ba tôi:
“Con gái chỉ tổ hao tiền tốn của, thừa lúc không ai để ý, đem nó bỏ vô bô dìm chết luôn đi, đợi vợ con xuất viện rồi nhanh chóng đẻ đứa thứ hai.”
“Nếu nhà họ Phương mà tuyệt hậu, sau này tao còn mặt mũi nào sống trên đời!”
May mà ba tôi học hành tử tế, biết giết người là phạm pháp, nên không làm vậy.
Chỉ là, ông ta chọn một đêm vắng, lái xe mấy trăm cây số, mang tôi đến một vùng quê hẻo lánh chó không thèm ỉa.
Tôi bị quấn như một cái kén, bị ném trước cửa nhà bà ngoại.
Đêm khuya, bà ngoại dậy đi vệ sinh, thấy con chó vàng nhà tôi cứ quanh quẩn trước cửa sủa suốt, mới ra xem thì thấy tôi lạnh tím cả mặt nằm đó.
Bà kéo chăn trên người tôi ra nhìn một cái.
Là hiểu ngay vì sao mấy ngày nay mẹ tôi không gọi điện về.
Bà thở dài, bế tôi vào nhà.
Chụm củi đốt lò, hâm một nồi sữa dê, cho tôi bú đến lúc mơ màng ngủ thiếp.
Trước ba tuổi, tôi chưa từng gặp ba mẹ, cũng chẳng có bạn bè.
Người trong làng chê tôi xui xẻo.
Mỗi lần gặp bà ngoại là họ lại nói:
“Muốn nuôi thì phải nuôi như nhà Trương Vũ ấy, bồng về một đứa con trai, về già còn được nhờ, cũng thêm tay thêm chân cho làng xóm, con gái thì làm được cái gì!”
“Con gái chỉ cần có cơm ăn, không chết đói là được rồi, lớn lên cũng là nước đổ ra ngoài, đều là người dưng.”
Có người còn nói, nhà mà không có con trai, bà ngoại tôi chết rồi, ngay cả người khiêng quan tài cũng không có.
Vì ở cái làng này, đàn bà không được phép lên mộ cúng bái.
Mẹ Trương Vũ hùa theo: “Ông bà tổ tiên phù hộ là phù hộ con cháu, chứ có liên quan gì đến mấy đứa con gái đã gả đi đâu.”
Tôi trở vào nhà, mở cửa thả con chó vàng ra.
“Nếu mấy người chết hết thì bà tôi vẫn chưa chết đâu!”
Bà ngoại chống gậy củi bước ra chửi bọn họ: “Cháu trai làm được gì, cháu gái của tôi cũng làm được!”
Con chó vàng biết có người chống lưng, sủa ầm lên, tiếng vang khắp cả ngôi làng.
Tôi hài lòng xoa đầu nó.
Từ đó trở đi, không còn ai đến nhà tôi chơi nữa.
Không phải vì bà ngoại đuổi được lũ đàn bà lắm chuyện ấy, mà vì bà là người duy nhất trong ba đời đều chỉ sinh con gái, không có con trai.
Họ sợ nếu nói chuyện với bà nhiều, rồi cũng giống như bà – chẳng đẻ nổi một đứa con trai.
Thỉnh thoảng đi ngang qua nhà, họ cứ liếc nhìn tôi, miệng thì lẩm bẩm điều gì đó.
Bà ngoại liền lấy tay bịt tai tôi lại, không cho tôi nghe.
Nhưng tôi nhìn được khẩu hình.
Họ đang nguyền rủa bà tôi tuyệt tử tuyệt tôn.
2
Sau đó đến Tết năm sau.
Mẹ tôi làm thụ tinh nhân tạo suốt sáu lần, cuối cùng cũng như ý nguyện, sinh được một bé trai.
Bà ta nở mày nở mặt bên nhà chồng, không còn phải cúi đầu vì không đẻ được con trai, cũng chẳng sợ không còn mặt mũi đối diện với liệt tổ liệt tông nhà họ Phương trên gia phả.
Vừa ra cữ xong, mẹ tôi đã ôm em trai đi khắp nơi khoe khoang, đêm đó lập tức ngồi lên chiếc xe con của ba tôi về quê thăm nhà.
Chiếc xe con màu đen được đánh sáp sáng bóng, lăn bánh chậm rãi, sang chảnh đầy kêu hãnh trên con đường làng.
Từ đầu làng đến cuối làng, phía sau là một đám người đông nghịt, toàn dân làng kéo nhau ra xem trò vui.
Tới tận khi mặt trời lên cao, xe mới dừng trước cửa nhà bà ngoại. Con chó vàng hoảng sợ chui tọt vào phòng chất củi.
Lần đầu tiên tôi thấy người trong làng nhìn bà ngoại bằng ánh mắt ghen tỵ.
Tôi không thấy mặt mẹ, vì vừa mở cửa xe ra, đứa bé được bọc trong tã đã bị giơ cao lên trời.
Bà ta cố tình để em trai mặc quần thủng đũng, khoe “của quý” ngay trước mặt mọi người.
“Mẹ, con đưa cháu trai của mẹ về thăm đây!”
Bà ngoại kéo tay tôi ra trước mặt bọn họ, bảo tôi gọi ba mẹ.
Tôi nhìn hai gương mặt xa lạ ấy, chẳng thể thốt nổi thành lời.
Nhưng ba tôi cũng không quan tâm, chỉ ngồi phịch trên giường hút thuốc. Còn mẹ tôi thì mải nựng nịu đứa con trong lòng, chẳng thèm liếc lấy tôi – đứa con gái họ từng sinh ra.
“Con bé sắp đi học rồi, không có hộ khẩu thì không nhập học được.”
“Một con nhóc thế thì học hành cái gì, sau này cũng phải gả đi thôi. Năm đó tôi không nghe lời mẹ, học chưa hết cấp ba, chẳng phải vẫn sống tốt đấy sao.” Mẹ tôi vừa nói vừa vén tóc, để lộ chiếc vòng vàng lấp lánh trên cổ tay.
“Với lại mẹ biết không, muốn vào tiểu học trong thành phố tốn bao nhiêu tiền không chứ?”
Bà ngoại lộ rõ vẻ thất vọng.
Tôi áp mặt vào xe nôi của em trai, đưa tay sờ lên chăn bông, vừa mềm vừa mượt, tôi chưa từng thấy tấm chăn nào êm ái như thế.
Mẹ tôi liếc tôi một cái: “Đây là chăn tằm chuyên dụng cho trẻ sơ sinh, một cái này thôi cũng hơn hai triệu rồi đấy.”
Hai triệu là khoản thu nhập trong nửa năm của phần lớn người trong làng.
Tối đó, ba mẹ dẫn theo em trai, lại lên chiếc xe con mà trước giờ tôi chỉ thấy ở cổng nhà trưởng thôn, nghênh ngang rời đi.
Dù vậy, mẹ tôi vẫn đồng ý cho bà ngoại chuyển hộ khẩu của tôi.
Bà ngoại nhíu mày suốt cả ngày, đến lúc ấy mới giãn ra.
Bà quay lưng về phía màn đêm dày đặc, lẩm bẩm với tôi:
“Con nhóc này mạng lớn, có phúc! Nếu sinh sớm hai năm, làng này còn không cho con gái một mình đăng ký hộ khẩu đâu.”
Về đến nhà, bà ngoại bắt tôi viết chính tả thành ngữ.
Tôi vô tình viết nhầm “xuất nhân đầu địa” thành “xuất nhân thủ địa”.
Bà ngoại thấy vậy, cầm thước gỗ đánh tôi mười cái vào lòng bàn tay.
Đôi bàn tay mềm yếu bị đánh đến mức máu thịt lẫn lộn, tôi nghiến răng, không dám khóc ra tiếng.
Bà ngoại nhìn chằm chằm bàn tay tôi, lặng lẽ rơi hai hàng nước mắt, ôm chặt tôi vào lòng.
“Con phải học hành tử tế cho bà!”
“Học hành là con đường duy nhất của con, chỉ có xuất nhân đầu địa mới vượt được ngọn núi ấy. Con thề đi, con nhất định phải thành đạt, nếu không bà sẽ không nhận con làm cháu nữa!”
Thật ra, ngôi làng này cách trấn không xa.
Nhà nước đã rót vốn làm đường, đi lại rất dễ dàng, đâu cần trèo đèo lội suối gì.
Nhưng tôi vẫn gật đầu với bà.
Vì tôi sợ, sợ sau này sẽ không còn là cháu gái của bà nữa.
Lúc ấy, tôi vẫn chưa hiểu, “ngọn núi” mà bà nói, thật ra là gì.
3
Tôi không phụ nước mắt và kỳ vọng của bà ngoại.
Với thành tích thủ khoa toàn trường, tôi đỗ vào ngôi trường cấp ba duy nhất ở thị trấn, cũng trở thành cô gái đầu tiên trong làng học lên đến cấp ba.
Hôm tốt nghiệp, thầy giáo hỏi tôi: “Em học giỏi thế, có bí quyết gì không?”
Tôi trả lời thật lòng:
“Bà ngoại nói, nếu không học hành đàng hoàng thì sau này tôi chỉ có thể gả cho đàn ông trong làng.”
Những bạn học cũ của tôi đều bị giữ lại ở nhà.
Vì nhập học trùng với mùa thu hoạch, lúa và ngô trong nhà chín cả rồi, các bạn ấy phải ở lại phụ giúp gặt hái.
Chỉ có bà ngoại là không để tôi động tay vào việc gì. Bà xoa má tôi, nói rằng tay tôi sinh ra là để cầm bút.
Bà dán bảng điểm của tôi lên tường, mỗi ngày đều ngẩng cao đầu đi trong làng, dáng đi thẳng tắp.
Gặp ai cũng giơ ngón cái lên, lớn tiếng khoe:
“Cháu gái tôi năm nay đứng đầu toàn trường đấy nhé!”
Những người đàn bà kia chỉ hất mí mắt lên một cái.
Vừa hái rau dại, vừa bàn tán xem đứa con trai nhà ai tè xa hơn, nhà nào có thằng bé nghịch hơn.
Hôm sau, bà ngoại gọi điện cho ba mẹ, bảo họ đến đón tôi về nhà.
Bà nói:
“Cho dù thế nào, con bé cũng là con gái ruột của hai người. Mặc kệ nó ở quê bao năm nay thì thôi đi, giờ nó đỗ được trường cấp ba tốt, ít ra cũng nên ăn với nó một bữa cơm.”
Mẹ tôi miễn cưỡng đến đón tôi.
Trước khi lên xe, bà còn bắt tôi lau sạch bùn dưới đế giày, bảo đừng làm bẩn tấm thảm trong xe.
Nhà trên thành phố rộng rãi, đẹp đẽ, mẹ tôi còn mời mấy người bạn đến ăn cơm.
Những người dì uốn tóc thời thượng ấy cứ nhìn chằm chằm vào tôi.
Một trong số đó cười tươi nói:
“Nghe mẹ cháu bảo cháu học giỏi lắm, toán còn được điểm tuyệt đối, con gái mà học tự nhiên giỏi thế này đúng là hiếm thấy.”
Tôi khẽ gật đầu.
Chỉ vì một câu nói của thầy dạy toán: “Con gái thì học không nổi mấy môn tự nhiên đâu.”
Nên tôi nhất định phải chứng minh mình có thể là học sinh giỏi nhất lớp khối tự nhiên.
Mỗi lần thầy ra đề hỏi tụi con trai có biết làm không, tôi đều giơ tay thật cao, hỏi lại thầy:
“Thầy, em là con trai à?”
Mẹ tôi không vừa ý với cách cư xử của tôi, liền đẩy tôi sang một bên:
“Cháu may mắn thôi, so với con trai chị thì còn kém xa. Tiểu Hàng sang năm thi đại học rồi đấy, đến lúc đó thi được thủ khoa khối tự nhiên, nhận được giấy báo trúng tuyển của Thanh Hoa, chị nhất định mừng cho Tiểu Hàng cái phong bao đỏ thật to!”
“Thanh Hoa đâu có dễ vào như vậy, chị cũng biết tỉnh mình cạnh tranh khốc liệt mà. Nếu nó đỗ được Thanh Hoa, tôi với ba nó có thể hưởng phúc cả đời rồi.”
“Phận làm cha mẹ, cực khổ chẳng phải cũng vì con sao. Chờ nó học xong đại học, mình còn phải mua nhà, cưới vợ cho nó, đợi ôm cháu đích tôn, nhiệm vụ của tôi mới coi như hoàn thành.”
Bọn họ trò chuyện một hồi, đề tài toàn xoay quanh trường danh tiếng, gia đình, và con trai.
Tôi như không khí vậy, lật cuốn cẩm nang đăng ký nguyện vọng đại học trên bàn.
Thầy nói, trường tốt nhất thì luôn đứng ở đầu danh sách.
Thanh Hoa và Bắc Đại nằm ngay trang đầu tiên của cuốn sách dày cộp như viên gạch ấy.
Người dì khi nãy lại nhìn thấy, hỏi tôi thêm một câu:
“Vậy sau này cháu muốn thi vào trường nào?”
Tôi trả lời không chút do dự:
“Thanh Hoa.”
Bà ngoại nói rồi, người mà không có chí hướng thì khác gì cá ươn.
Nếu đã học, thì phải học trường tốt nhất.