Nơi Ánh Nắng Không Chạm Tới - Chương 2
4
Hôm sau, Tô Nhuyễn Nhuyễn dẫn ba mẹ đến trường bên đối diện tìm tôi, nói là để xin lỗi.
Mẹ tôi mặt mày cứng nhắc:
“Đàm Nguyệt, hôm qua mẹ nóng quá, con đừng để bụng.”
Lời xin lỗi cũng giống như ra lệnh vậy.
Tô Nhuyễn Nhuyễn nắm tay tôi làm nũng:
“Chị ơi, mẹ đã xin lỗi rồi mà, chị về nhà ở lại đi nha~?”
Sự nhiệt tình ấy có phần bất thường, chẳng rõ là có ý gì.
Tôi hỏi:
“Gì cơ? Không phải nhà đã tan rồi sao?”
Lúc này ba người bọn họ mới như sực nhớ ra, vội vã giải thích. Hôm đó hai người cãi nhau định ly hôn, cuối cùng Tô Nhuyễn Nhuyễn bật khóc. Mà hễ con bé khóc, họ liền xót ruột. Nghĩ đến việc con bé đang học cấp ba, sợ ba mẹ ly hôn ảnh hưởng đến thành tích học tập, thế là chuyện ly hôn lại bị gác lại.
Một nhà ba người sống vui vẻ đầm ấm, không có tôi thì càng tốt. Không một ai nghĩ đến chuyện báo cho tôi một câu.
Cũng chẳng ai thấy cần bận tâm rằng tôi đang học lớp 12, liệu việc cha mẹ ly hôn có khiến tôi xáo trộn tâm lý hay không.
Tôi nhìn ba người họ, nét mặt lạnh tanh:
“Xin lỗi, con để bụng rồi.”
Tôi vòng qua họ rồi rời đi.
Phía sau vang lên tiếng ba tôi gào lên:
“Tô Đàm Nguyệt! Mày đúng là không biết điều! Không có mày càng tốt, nhìn đã thấy chán ngấy!”
Tôi khựng lại một chút, lời cay độc từ chính người thân ruột thịt khiến tim tôi đau nhói, nhưng tôi vẫn không chút do dự mà rời xa họ.
Tôi tưởng rằng chỉ cần không nhìn thấy thì lòng sẽ bình yên, nhưng chưa được bao lâu, tôi lại buộc phải tìm đến họ.
Bà nội mắc bệnh nền, trời lạnh khiến sức đề kháng giảm, bà đổ bệnh.
Tôi chỉ có một mình, không tiền không thời gian, đành quay về tìm họ cầu cứu. Đứng trước cánh cửa ngôi nhà tôi đã rời đi gần một tháng, từ bên trong vọng ra tiếng cười nói náo nhiệt.
Tôi nhìn qua khe cửa, thấy căn phòng ấm áp được trang hoàng vui tươi, một nhóm người đang vây quanh Tô Nhuyễn Nhuyễn hát chúc mừng sinh nhật. Con bé đội mũ sinh nhật, như một nàng công chúa nhỏ, nụ cười rạng rỡ.
Tôi đứng trong gió lạnh se sắt, rất lâu.
5
Những ngày qua bận chăm bà nội, tôi hoàn toàn quên mất hôm nay là sinh nhật Tô Nhuyễn Nhuyễn.
Sinh nhật tôi sớm hơn em gái hơn nửa tháng. Năm nào, sinh nhật tôi cũng bị gộp lại tổ chức chung với con bé.
Năm nay chẳng ai nhớ đến sinh nhật tôi. Trùng hợp là nó rơi ngay vào thời điểm họ chuẩn bị ly hôn. Lúc đó tôi còn chưa đầy mười tám, nên tòa phải quyết định người giám hộ.
Hôm sinh nhật, tôi vẫn ở trường. Tan học, bà nội mang cho tôi mấy quả trứng luộc. Sinh nhật mười tám tuổi – chỉ có một lần trong đời – cứ thế mà trôi qua.
Tôi vốn chẳng hứng thú gì với sinh nhật, mỗi năm bị ép ăn bánh kem cùng em gái, chưa từng thấy vui, chỉ cảm thấy ngán ngẩm vì lớp kem béo ngậy.
Kỷ niệm sâu sắc nhất là hồi tiểu học, vẫn là sinh nhật tổ chức gộp với em, một người bạn của ba tặng một hộp socola nhập khẩu đắt tiền, bao bì tinh xảo tuyệt đẹp.
Mẹ nói:
“Em còn nhỏ, con phải nhường cho em.”
Rồi đưa hết cả hộp socola cho Tô Nhuyễn Nhuyễn. Cả buổi sinh nhật tôi chẳng nhận được bất kỳ món quà nào.
Tôi rất ghen tị, rất ao ước, nhưng không dám nói. Tôi biết có nói cũng vô ích, chỉ bị ba mẹ mắng là tham ăn.
Thế nên tôi lén để dành tiền, gom góp mãi mới đủ, tự đến cửa hàng mua một viên. Chỉ một viên thôi. Mua xong lại không nỡ ăn, cất kỹ rồi thỉnh thoảng đem ra nhìn.
Chẳng may bị em thấy, nó lập tức khóc lóc, la lối méc ba mẹ, nói tôi ăn trộm socola của nó.
Tôi tưởng rằng chỉ cần giải thích rõ, thì sẽ không bị hiểu lầm. Tôi nói:
“Đó là viên em tự mua, không lấy từ hộp của em đâu.”
Mẹ chẳng cần phân biệt trắng đen, tát tôi một cái:
“Nhỏ xíu đã biết nói dối rồi, lớn lên thì còn ra gì? Không phải mày trộm thì là em mày vu khống mày chắc?”
Tôi ôm vết tát trên mặt, tuổi còn nhỏ mà đã học được cách lạnh lùng với mọi chuyện:
“Nếu mẹ không tin, con dẫn mẹ đi tìm cửa hàng đó.”
Tôi dẫn họ đến tiệm kẹo, chị bán hàng vẫn nhớ tôi, vì tôi mang một đống tiền lẻ tới đổi lấy một viên kẹo đắt đỏ. Hôm ấy chị còn hỏi tại sao tôi không dẫn ba mẹ đi cùng.
Chị ấy đứng ra làm chứng giúp tôi. Hai người cuối cùng cũng nhận ra là họ đã hiểu lầm, nhưng lại không chịu cúi đầu xin lỗi. Ngược lại còn đẩy tôi đi, mắng:
“Đi mau! Làm mất mặt hết cả. Có mỗi viên kẹo mà cũng làm ầm ĩ, đúng là đồ nhỏ nhen.”
Trẻ con làm gì hiểu chuyện mất mặt hay không mất mặt.
Trẻ con chỉ biết người ta có, mình không có.
Mình không có, thì tự dành dụm để mua.
Tại sao đến vậy cũng là sai?
Sau đó tôi cũng ăn viên socola ấy.
Không ăn thì nó cũng chảy ra mất.
Tôi tưởng nó sẽ ngọt ngào.
Nhưng đưa vào miệng…
Chỉ toàn là vị đắng.
6
Socola thì đắng, kem thì ngọt.
Đắng đến mức khiến lòng tê tái, ngọt lại khiến người ta bức bối.
Tôi chưa từng mong chờ sinh nhật của mình, cũng chưa bao giờ nói với ai về ngày đó.
Tôi cố tình lãng quên, vì tôi biết nếu có kể, cũng chẳng ai chúc mừng, chẳng ai tổ chức, sẽ chỉ khiến tôi càng thêm thê thảm và nhục nhã.
Tôi đứng ngoài cửa đợi đến khi mọi người đã về hết, định bụng sẽ bước vào, thì nghe thấy Tô Nhuyễn Nhuyễn đang càu nhàu với mẹ ở bên trong:
“Mẹ ơi, sao mẹ vẫn chưa dỗ chị quay về nữa, chắc lần trước mẹ xin lỗi mà không thành tâm đó!”
Nó nói:
“Không có chị ở nhà, chẳng ai nấu cơm, dọn phòng cho con. Mẹ nấu dở lắm, nhà cũng không sạch bằng chị làm.”
Tôi khựng lại.
Thì ra sự niềm nở bất thường mấy hôm trước…
Chẳng qua chỉ là muốn dỗ tôi về làm ô sin.
Tôi đạp cửa bước vào, cắt ngang lời họ.
Không dài dòng, tôi nhìn thẳng ba mà nói:
“Bà nội bệnh rồi, phải đưa bà đi nhập viện.”
Tô Nhuyễn Nhuyễn lộ vẻ ngượng ngùng, sợ tôi đã nghe thấy lời nó nói ban nãy. Nhưng rồi cũng chỉ bối rối được vài giây. Rốt cuộc thì nó chưa từng coi tôi ra gì, còn mặt dày nắm tay tôi làm nũng:
“Chị ơi~ Bà bệnh thì chị về nhà ở đi mà~”
Không hề có chút lo lắng nào cho bệnh tình của người già.
Trong đầu chỉ nghĩ đến việc… có ai hầu hạ mình không.
Đúng là bị chiều thành ra ích kỷ, chỉ biết bản thân.
Tôi hất tay nó ra, lặp lại một lần nữa:
“Ba, mẹ của ba bệnh rồi, cần nhập viện. Đưa bà đi đi.”
Tôi đã đủ tuổi trưởng thành, họ không còn nghĩa vụ nuôi tôi, tôi cũng không cần họ giám hộ. Tự nhiên, tôi cũng chẳng có lý do gì phải quay về phục vụ cho cái nhà ba người kia nữa.
Họ có nói gì đi nữa, tôi cũng không đáp, không gật đầu, im lặng từ đầu đến cuối. Đến khi ba làm xong thủ tục nhập viện cho bà nội, mấy người họ không ai tình nguyện ở lại chăm sóc.
Tôi xin phép giáo viên, ở lại bệnh viện canh chừng bên giường bà.
Họ luôn mồm mắng tôi là đồ vô ơn.
Nhưng thật ra…
Chính họ mới là những kẻ không có lương tâm.
7
Ban ngày tôi đi học, buổi tối tranh thủ tới viện trông bà. Tôi ngồi trên chiếc ghế nhựa nhỏ chật chội ôn bài, chỉ mấy hôm đã gầy rộc đi.
Một chị y tá thấy vậy, đưa tôi cây son dưỡng:
“Em gái, thoa tí son cho môi đỡ nứt nẻ, nhìn em khô hết cả môi rồi kìa.”
Tôi lễ phép cảm ơn, ngoan ngoãn thoa son.
Là loại son có màu, lập tức khiến sắc mặt tôi tươi tắn hơn hẳn.
Vào phòng bệnh, bà nội thấy tôi tinh thần khá hơn cũng rất vui, nhưng vẫn không quên dặn dò:
“Đàm Nguyệt à, bây giờ điều quan trọng nhất là học hành với nghỉ ngơi, không cần suốt ngày canh bà đâu.”
“Dạ.” Tôi gật đầu lia lịa.
Nhưng nếu không ai trông nom bà, thì tôi phải là người ở lại.
Hai người kia bị nhắc nhở bao nhiêu lần mới chịu ghé qua một lần, đóng viện phí xong thì mặt nặng mày nhẹ. Mẹ tôi vừa thấy tôi liền trút giận, kéo tôi lại, dùng sức lau môi tôi một cách thô bạo. Giọng the thé vang khắp hành lang bệnh viện, chẳng buồn để ý ánh mắt những người xung quanh.
“Tô Đàm Nguyệt! Tao với ba mày vì bệnh của bà mà mệt muốn chết, em mày cũng buồn đến không ăn nổi. Còn mày? Vẫn có tâm trạng ngồi đây trang điểm tô son nữa cơ đấy!”
Bà ta chà mạnh đến mức làm môi tôi rướm máu, máu dính lên tay bà, bà lại bực bội đẩy tôi ra như thể ghê tởm.
Rồi gào lên:
“Con gái con lứa, nhỏ xíu đã không ra gì! Không muốn học thì nghỉ học đi! Mày mười tám tuổi rồi, tao với ba mày hết trách nhiệm nuôi mày rồi. Tự đi mà kiếm tiền! Con gái nhà người ta còn mua nhà mua xe cho cha mẹ anh em, mày sao không làm được?”
Tôi va mạnh vào bức tường lạnh ngắt phía sau, môi rách, máu chảy, nhói lên từng đợt tê dại.
Cả trái tim cũng đau, nhưng là nỗi đau âm ỉ, đặc sệt, khó gọi thành tên.
Tôi ngẩng đầu nhìn bà, mắt cay xè nhưng không khóc nổi.
Tôi cúi xuống, bật cười:
“Đúng là số xui xẻo… mới gặp phải ba mẹ như mấy người.”
Vừa cười, một giọt nước mắt rơi xuống đất.
Không ai thấy.