Nơi Ánh Nắng Không Chạm Tới - Chương 1
1.
Ba tôi ngoại tình bị bắt quả tang, hai người làm ầm lên rồi lôi nhau ra tòa ly hôn.
Có hai đứa con, thẩm phán yêu cầu mỗi người nuôi một đứa.
Ba mẹ tôi không chút do dự, cả hai đều chọn em gái.
Thẩm phán lộ vẻ khó xử, bảo để em tự chọn.
Em gái tôi – Tô Nhuyễn Nhuyễn – mặc váy công chúa Chanel, đứng giữa ba và mẹ, được họ vây quanh từ hai phía.
Ba cúi xuống dỗ dành:
“Nhuyễn Nhuyễn, chọn ba đi, ba sẽ cho con một cuộc sống tốt hơn. Không phải con luôn muốn đổi iPad sao? Mai ba mua cho con cái mới luôn.”
Mẹ thì cởi khăn quàng cổ choàng cho em, mặt đầy thương yêu:
“Nhuyễn Nhuyễn, đi với mẹ mới là tốt nhất. Sau này ba con lấy vợ mới thì con biết làm sao?”
Thế là hai người lại bắt đầu cãi nhau.
Tôi đứng ở một góc, chẳng ai đoái hoài, chỉ thấy ngượng ngùng. Lặng lẽ kéo dây kéo áo khoác lên. Trời lạnh, chiếc áo đồng phục bạc màu quá mỏng, gió lùa lạnh thấu xương.
Cả phòng cãi nhau ầm ĩ, cuối cùng, thẩm phán không nhịn được nữa, hỏi họ:
“Không ai trong hai người muốn nuôi đứa con gái lớn này sao?”
Cả khán phòng đột nhiên im bặt.
Hai người liếc nhìn nhau rồi tránh ánh mắt, không dám lên tiếng từ chối. Dù họ luôn miệng nói đối xử công bằng, nhưng lại chẳng ai muốn nhận đứa con mang danh “gánh nặng” này. Ấp a ấp úng mãi chẳng ai nói nên lời.
Ánh mắt mọi người đều đổ dồn về phía tôi, tôi ngượng đến mức không dám ngẩng đầu.
Cố gắng dùng tóc che đi vết sẹo xấu xí trên mặt.
Em gái đưa cho tôi quyền lựa chọn như đang đẩy đi củ khoai nóng bỏng tay:
“Chị à, hay chị chọn trước đi?”
Thẩm phán dịu giọng:
“Con gái, con muốn sống với ai?”
Ba mẹ căng thẳng nhìn tôi, chỉ sợ bị tôi chọn.
Tôi không thể tiếp tục trốn trong cái vỏ im lặng của mình được nữa, cúi đầu, sau một hồi mới khe khẽ lên tiếng:
“Con chọn…”
“Con có thể… chọn vào trại trẻ mồ côi được không ạ?”
Tôi nhẹ nhàng hỏi.
2.
Tôi không thể chọn cha mẹ sinh ra mình. Nhưng tôi muốn chọn cách không cần họ nữa.
Tôi thà là một đứa trẻ mồ côi.
Còn hơn phải sống như một sản phẩm dùng để thử sai.
Khi tôi mới 1 tuổi, ba mẹ bận rộn khởi nghiệp, gửi tôi về quê cho bà nội nuôi. Đến khi em gái đủ lớn biết gọi “ba mẹ”, họ mới nhớ ra đưa tôi về.
Tuổi thơ bị tách khỏi cha mẹ khiến tôi khó hình thành mối quan hệ thân mật, trở thành đứa lạnh lùng và xa cách. Họ lại chê tôi không gần gũi với họ, nên đến đứa thứ hai thì họ học sách vở mà nuôi con, tự mình chăm sóc, dỗ dành từng chút, kết quả là có một cô bé lanh lợi, quấn người.
Năm tôi 6 tuổi, mẹ đang bón cơm cho em, sai tôi đi rót nước. Tôi còn nhỏ, phải đứng lên ghế mới với tới bình nước, chẳng may trượt chân ngã, nước sôi hắt lên mặt, để lại vết sẹo lớn, bị hủy dung.
Từ đó họ rút kinh nghiệm, không bao giờ để em gái làm việc nhà nữa. Em được nâng như nâng trứng, chưa từng tự rót nước, càng lớn càng xinh. Họ hễ gặp ai cũng tự hào khoe con gái út.
Còn ai nhắc đến tôi, họ lại như nhớ ra chuyện xấu, cười nhạt:
“Ha ha ha, Tô Đàm Nguyệt nhìn ghê quá, thôi khỏi nhắc cho đỡ mất hứng.”
Không ai nhớ rằng, trước khi bị bỏng, tôi từng là một cô bé xinh đẹp đến mức ai cũng trầm trồ.
Năm tôi 10 tuổi, mùa đông rửa chén giặt đồ, nước lạnh ngấm vào người khiến tôi cảm lạnh, đêm sốt cao đến nỗi khóc gọi mẹ. Họ bị làm phiền, lười quan tâm, cho tôi uống thuốc hạ sốt rồi đi ngủ.
Tôi sốt suốt đêm, đến sáng hôm sau đưa đi viện thì đã muộn. Bác sĩ nói não bị tổn thương, về sau có thể trở nên kém thông minh.
Ba mẹ hối hận, rút kinh nghiệm. Từ đó em gái chỉ cần hơi ho là họ đã lập tức đưa đi viện khám, canh chừng bên giường ngày đêm, sợ lỡ mất điều gì.
Còn tôi, chưa từng có lại cơn sốt nào nữa. Cũng chưa từng được ai chăm sóc kỹ lưỡng như thế.
Lên cấp hai, vì trí nhớ kém, tôi học hành luôn lẹt đẹt. Giáo viên khuyên nên thuê gia sư hoặc dành thời gian dạy thêm ở nhà.
Nhưng lúc đó họ bận kiếm tiền, chẳng có thời gian hay tiền bạc. Họ cho rằng giỏi giang là chuyện của cá nhân, ai không học được thì do không cố gắng.
Kết quả, tôi càng học càng đuối. Kỳ thi cuối cấp, đúng như dự đoán, tôi đỗ vào trường cấp ba tệ nhất thành phố.
Lúc này họ mới hiểu con cái không thể tự nhiên mà giỏi, nên dồn hết kỳ vọng vào em gái. Kinh tế cũng đã khấm khá, họ thuê gia sư giỏi cho em, mỗi ngày đều đích thân kèm cặp.
Em gái thi đỗ vào trường top đầu thành phố.
Họ vui đến mức mở tiệc ăn mừng ở khách sạn 5 sao. Nhưng cố tình không nói cho tôi biết.
Lúc đó tôi ở ký túc xá, cặm cụi ôn bài mong theo kịp chương trình. Vì đầu óc không tốt, tôi luôn phải học gấp đôi người khác mới đạt cùng kết quả.
Một người chị họ học cùng trường tình cờ thấy tôi đang mua bánh bao ăn tối, tưởng ba mẹ tôi chưa đến đón, nên bảo ba mẹ cô ấy tiện thể chở tôi qua khách sạn.
Tôi ngơ ngác cầm hai cái bánh bao, bị đưa tới tiệc mừng. Vừa bước vào, thấy ba mẹ đang đứng giữa đám đông, tự hào giới thiệu em gái với mọi người.
Họ nhìn thấy tôi thì lập tức sa sầm mặt.
Tôi đứng đó, tay xách túi nilon đựng hai cái bánh bao nguội ngắt, ngơ ngác và tủi thân.
Sau này tôi mới biết, họ cố tình giấu chuyện này vì sợ tôi làm họ mất mặt, họ không muốn người khác biết mình còn có một đứa con gái vừa xấu vừa dốt.
Họ quên rồi, trước khi não tôi bị hỏng, tôi luôn là học sinh đứng đầu toàn trường.
Lên cấp ba, răng tôi ngày càng chìa ra. Người thân khuyên nên đi khám nha khoa, ba mẹ bị thúc mãi mới chịu đưa tôi đi.
Bác sĩ bảo đó là tình trạng hàm hô do di truyền, cần phẫu thuật chỉnh hàm càng sớm càng tốt. Nhưng vì tôi vừa vào lớp 12, họ bảo chờ sau này tôi tự kiếm tiền làm.
Lần này họ lại rút kinh nghiệm. Em gái được chỉnh răng từ sớm, bị cận thì đeo kính chỉnh hình giác mạc, làm mí mắt, mặt có vết nào là lập tức đưa đi xoá bằng laser.
Về sau ai nhìn em cũng nghĩ em là “nữ thần tự nhiên”, ai cũng ghen tị vì da mịn không tì vết.
Bây giờ tôi 18 tuổi, em gái 16.
Tôi xấu xí, im lặng, ngốc nghếch, không ai để ý.
Em gái xinh đẹp, dẻo miệng, thông minh, được mọi người cưng chiều hết mực.
Tôi như một sản phẩm lỗi, sai chỗ nào thì họ chỉnh sửa trên người em gái.
3
Tôi có ba có mẹ, sắp tròn mười tám tuổi rồi, tất nhiên không thể vào trại trẻ mồ côi. Cuối cùng, vẫn là bà nội thương tôi, nói:
“Bọn bây không cần Đàm Nguyệt thì bà già này cần. Sau này đừng có mà hối hận vì đi xin người lại từ tay bà.”
Bà không hiểu gì về thủ tục pháp luật, bà chỉ biết cháu gái của mình thì phải cưng chiều. Bà kéo tôi đi ngay tại chỗ, chẳng buồn quan tâm vẻ mặt đám người phía sau. Sau đó thế nào, tôi cũng chẳng rõ nữa.
Hồi nhỏ tôi sống với bà nội, ở căn nhà cũ kỹ của bà. Dù điều kiện đơn sơ, nhưng lại thấy yên ổn lạ thường.
Chớp mắt đã nửa tháng trôi qua, sắp đến kỳ thi đại học, tôi ở lại ký túc xá, hai ba tuần mới về nhà một lần. Hôm đó trời đổ mưa lớn, tôi che ô đi đến trạm xe buýt, thì bị một người chắn đường.
Mẹ tôi tức tối khi thấy tôi:
“Tô Đàm Nguyệt! Trời đang mưa, em mày ở bên trường đối diện mà không có ô. Mày làm chị mà không biết đưa ô sang cho nó à?”
Ba tôi đậu xe trước cổng trường, mẹ ngồi ở ghế phụ. Rõ ràng là hai người đều không mang ô, xe cũng không chạy vào được, nên chỉ biết ngồi chờ Tô Nhuyễn Nhuyễn tự chạy sang, nhưng con bé cũng không có ô.
Họ muốn tôi mang ô của mình sang cho Tô Nhuyễn Nhuyễn.
Tôi không hỏi tại sao họ còn đi đón con bé cùng nhau. Cúi đầu, nhẹ giọng từ chối:
“Nhưng con chỉ có một cái ô.”
Nếu đưa ô cho Tô Nhuyễn Nhuyễn, tôi sẽ ra sao? Tôi đâu có ai đón đưa.
Mẹ tôi tức giận hơn nữa, bước xuống xe, ngay trước mặt thầy cô và bạn học xung quanh, đập mạnh vào sau đầu tôi khiến tôi lảo đảo một bước. Bà lớn tiếng mắng:
“Chẳng phải chỉ là một cái ô sao? Mày là chị, mày lớn hơn, nhường em thì sao? Em mày mà dính mưa rồi cảm lạnh, chắc mày vui lắm đúng không?”
Ánh mắt mọi người từ bốn phía đổ dồn lại, như nghiền nát lòng tự tôn của tôi.
Tôi cúi đầu im lặng thật lâu, cuối cùng vẫn nhẹ giọng nói:
“Nhưng nếu con bị ướt, con cũng sẽ cảm lạnh.”
Bà ta thấy mình bị chống đối, bị khiêu khích uy quyền làm phụ huynh, tức giận đánh tôi thêm một cái, giật luôn ô khỏi tay tôi, vừa lẩm bẩm vừa quay người:
“Đúng là đồ vong ân bội nghĩa, nuôi lớn chỉ tốn cơm.”
Bà che ô tính sang đón em tôi.
Tôi ngẩng đầu lên nhìn bà, bất chợt giật lại cái ô, quăng xuống đất dẫm nát bét. Mắt lạnh như băng, tôi tháo phần vải ô ra, phủ lên ba lô.
Thế rồi cứ thế, tôi đội mưa bước từng bước về phía trước, mặc kệ bà ta chửi rủa om sòm phía sau, không hề ngoảnh đầu lại.
Cơn mưa lạnh giá táp vào mặt, chẳng mấy chốc toàn thân tôi đã ướt sũng. Tôi đi tới trạm xe buýt, ai ai cũng nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ quái. Lên xe, mọi người đều tránh xa tôi, sợ bị nước mưa làm ướt.
Một cô bé trạc tuổi Tô Nhuyễn Nhuyễn đưa tôi một gói khăn giấy:
“Chị ơi, lau nước mưa đi, dễ bị cảm đấy.”
Như thể có ai đó mở nút gì đó, người xung quanh lần lượt thể hiện sự quan tâm. Có người còn nhét túi sưởi vào tay tôi.
Khuôn mặt tôi lạnh lùng vô cảm, nhưng bỗng nhiên không kiềm được nữa, vài giọt nước mắt chua xót trào ra. Tôi giả vờ lau nước mưa để giấu đi.
Tôi khẽ khàng cảm ơn từng người:
“Cảm ơn.”
Đúng là trớ trêu.
Ba mẹ ruột tôi…
Còn chẳng bằng người dưng nước lã.