Nhật Ký Dưới Âm Phủ - Chương 3
Phó Dần Lễ đau đớn và phẫn uất vô cùng, lập tức ra lệnh cho quân đội mai phục bên ngoài tấn công vào thành. Nhưng quân Dụ Quốc vẫn không địch nổi quân Nam Việt, toàn quân bị thảm sát, và Dụ Quốc cũng từ đó diệt vong.”
Dù tôi biết chút ít về lịch sử của Dụ Quốc, nhưng chỉ là những gì được ghi chép trên sách vở, hoàn toàn không hề hay biết rằng vào lúc mất nước lại có một câu chuyện như thế này.
Nghe xong câu chuyện của Mạnh Bà, lòng tôi cảm thấy nặng trĩu, như thể có thứ gì mắc kẹt trong cổ họng, khiến tôi không thể thở ra hay nuốt vào được. Không biết đây là cảm giác gì, chỉ cảm thấy vô cùng ngột ngạt và khó chịu.
7.
Bữa nhậu kết thúc, tôi mang theo chút men say về nhà.
Vừa bước vào cửa, tôi liền thấy Giản Châu – người đã mấy ngày không gặp – nằm bất động trên sàn, mặt trắng bệch, trong không khí còn thoảng mùi máu tanh.
Tôi vội chạy đến bên anh ta, lo lắng hỏi: “Anh làm sao vậy? Mấy ngày qua anh đã đi đâu? Sao lại vào được nhà tôi?”
Giản Châu không trả lời ngay, chỉ nhìn về phía cửa sổ rồi yếu ớt nói: “Trong nhà có thuốc không? Tôi bị thương rồi.”
Tôi vội lấy hộp thuốc ra, giúp anh ta băng bó vết thương. Thấy bên trái bụng anh bị cắt một đường dài như bị dao đâm, vết thương sâu đến nỗi máu không ngừng chảy, tôi không khỏi kinh ngạc mà hỏi: “Sao anh lại bị thương? Anh đã đi đâu, làm gì trong mấy ngày qua?”
Giản Châu bờ môi khô nứt, cau mày đáp: “Tôi đến Điện Diêm La… để lấy một thứ.”
Nghe anh ta nói, tôi không khỏi kinh ngạc. Điện Diêm La có gì mà đáng để Giản Châu liều mạng đi trộm vậy?
Tôi định hỏi thêm thì Giản Châu đã tiếp lời: “Có thể lát nữa sẽ có quan binh đến truy bắt, cô mau tìm chỗ giấu tôi đi.”
Quả nhiên như anh ta dự đoán, tôi vừa giấu Giản Châu vào tầng hầm xong thì quan binh của Địa Phủ đã kéo đến, nói rằng họ đang truy bắt một tội phạm. Sau khi ứng phó với họ, tôi quay trở lại tầng hầm thì thấy Giản Châu đã ngủ thiếp đi.
Nhìn thấy anh ta ngủ ngon lành như thế, tôi vừa tức giận vừa buồn cười, giơ nắm đấm lên vung vẩy vài cái trên không trung để giải tỏa. Đúng là anh ta không sợ tôi bán đứng, cứ thế ngủ ngon lành!
Sáng hôm sau, khi tôi vừa định xuống tầng hầm tìm Giản Châu, thì lại thấy anh ta thảnh thơi ngồi trên ghế sofa trong phòng khách, mặt mũi đã hồng hào trở lại.
Phục hồi nhanh thật, tôi thầm nghĩ.
Giản Châu thấy tôi, không tự nhiên nói: “Đêm qua, cảm ơn cô nhé.”
Tôi xua tay, thản nhiên đáp: “Ôi dào, chuyện nhỏ. Người ta bảo cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp, dù đã chết rồi thì cũng nên tiếp tục phát huy tinh thần đó chứ.
“Nhưng tôi cũng khá tò mò, anh đi Điện Diêm La trộm cái gì mà lại khiến quan binh truy đuổi?”
Giản Châu ngước lên, thản nhiên đáp: “Mặc dù cô đã cứu tôi, nhưng tôi không nhất thiết phải kể cho cô mọi chuyện.”
Ôi trời! Cái tên này! Nghe thấy lời này tôi liền khó chịu, có ai lại nói chuyện với ân nhân cứu mạng kiểu đó không chứ?
Anh ta lại nói: “Cô vẫn cần giúp tôi một việc nữa.”
Tôi mỉm cười, liếc mắt nhìn Giản Châu: “Anh là ai chứ! Anh bảo tôi giúp là tôi phải giúp sao? Đúng là coi mình là đại gia rồi hả? Em trai tôi nợ anh một mạng, tối qua tôi lại cứu anh một mạng, chuyện của chúng ta coi như xóa bỏ. Cửa ra ở đằng kia, đi thong thả nhé, không tiễn!”
Giản Châu cười, nói: “Nhưng nếu tôi ra ngoài bị bắt và lỡ miệng khai rằng cô đã giấu tôi, tiếp tay cho tội phạm, thì cô nghĩ mình sẽ chịu hình phạt gì ở Địa Phủ?”
Tôi chưa từng gặp ai mặt dày như thế! Hắn chính là con rắn độc trong câu truyện “Người nông dân và con rắn” đúng không!
8.
“Anh lại muốn tôi giúp gì nữa đây? Nói trước là chuyện lần trước anh nhờ, tôi thật sự không giúp nổi!”
Tôi đã nhìn rõ bộ mặt thật của Giản Châu. Cách anh ta nói cho thấy chắc chắn lại muốn nhờ tôi làm chuyện gì xấu.
Giản Châu cười càng rạng rỡ: “Yên tâm, lần này điều kiện rất đơn giản. Đến ngày tết Trung Nguyên, cô chỉ cần đưa tôi ra khỏi Địa Phủ là được.”
“Chỉ vậy thôi?” Tôi ngạc nhiên trước yêu cầu đơn giản đến khó tin.
“Đúng vậy, ngày tết Trung Nguyên cô đưa tôi ra ngoài, sau đó tôi sẽ tự lo, không làm phiền cô nữa.” Giản Châu gật đầu xác nhận.
Tôi hiểu ý anh ta, nhưng lại có chút thắc mắc. Anh ta đã chết rồi mà, đến ngày tết Trung Nguyên thì tự ra ngoài được, cớ gì phải nhờ tôi? Có lẽ Giản Châu không biết điều này? Dù sao, nếu tôi có thể đáp ứng và thoát khỏi anh ta, đó cũng là điều tốt.
Tôi vui vẻ đồng ý, rồi lại lo lắng hỏi: “Còn chuyện của em trai tôi thì sao?”
“Chuyện gì cơ? Em trai cô là một thanh niên đầy triển vọng, tương lai sáng lạn.”
Có lời cam đoan của Giản Châu, tôi cuối cùng cũng an lòng.
Ngày tết Trung Nguyên nhanh chóng đến, tôi đã mong chờ ngày này từ lâu. Cuối cùng, tôi cũng có thể về dương thế, thăm ba mẹ và em trai.
“Đến nhân gian rồi, chúng ta cầu về cầu, đường đường về, tốt nhất là đừng bao giờ gặp lại nữa,” Tôi đứng ở cửa vào nhân gian, nói với Giản Châu bằng giọng đầy phấn khởi.
“Tôi cũng không muốn thấy cô nữa, cứ vậy mà tạm biệt thôi,” Giản Châu liếc tôi một cái rồi quay đi.
Tôi cười rạng rỡ, bước chân nhẹ nhàng đến trước khu nhà của mình.
“Có nặng không? Nếu không chúng ta nghỉ một lát?”
Phía sau tôi vang lên giọng nói quen thuộc, khiến tôi bất động, không dám quay đầu lại.
“Không nặng đâu, mình nhanh về nhà đi, sợ con gái về không thấy lại dỗi mất. Tôi còn mua loại dưa hấu con thích nhất nữa, chắc chắn nó sẽ vui.”
Tôi không kìm được, từ từ quay lại. Trước mặt là ba mẹ tôi, tay xách đủ thứ đồ đạc, miệng cười nói rôm rả.
Nước mắt tôi chực trào ra, khẽ nói: “Ba mẹ ơi, con đã về rồi.”
Tôi lặng lẽ đi theo sau họ, thấy tóc mẹ đã bạc một phần lớn từ khi nào, còn lưng bố không còn thẳng tắp như trước nữa, quả dưa hấu trên tay dường như nặng đến nỗi ép cong cả lưng ông.
Sự ra đi của tôi chính là khởi đầu cho sự già nua nhanh chóng của họ.
Nhìn quanh căn nhà, mọi thứ vẫn giống như ngày tôi rời đi, đồ đạc và đồ trang trí vẫn ở chỗ cũ.
Cảm giác quen thuộc ùa về, tôi lại muốn khóc. Ba mẹ ơi, rời xa hai người lâu vậy rồi mà con vẫn chưa học được cách mạnh mẽ, con vẫn là đứa dễ khóc như ngày nào.
9.
Tôi tham lam nhìn ngắm ba mẹ bận rộn qua lại trong bếp, muốn ghi nhớ thật kỹ từng hình ảnh này để mang về Địa Phủ. Mỗi khi nhớ họ, tôi sẽ tái hiện lại những ký ức ấy trong tâm trí.
Mấy ngày trước, tôi nghe Mạnh Bà nói rằng tôi sắp được đầu thai.
Tôi không biết sẽ tái sinh ở đâu, nhưng nếu có thể, tôi muốn trở thành một chú cún con để ba mẹ mang về nuôi. Như vậy, tôi vẫn có thể ở bên họ theo một cách khác.
Nhưng mẹ không thích chó, nhà chắc chắn sẽ không nuôi chó.
Vậy tôi sẽ đầu thai thành một chú chó hoang. Mỗi ngày, khi nhớ ba mẹ, tôi có thể quay về nhìn họ, dù chỉ được thấy họ một lần mỗi ngày cũng đã là hạnh phúc.
Bố đã nấu xong hết các món, còn mẹ thì đang lau di ảnh của tôi.
Ba đi đến bên mẹ, cầm lấy tấm di ảnh, nói: “Sao Giang Dã vẫn chưa về? Gọi cho nó đi, bảo về nhanh lên, kẻo Nguyệt Nguyệt đói mất.”
Mẹ cầm điện thoại lên, định gọi cho Giang Dã, thì cửa đã bị Giang Dã từ bên ngoài mở ra, tay xách theo một túi lớn, không rõ bên trong có gì.
“Con đi đâu vậy? Ba mẹ vừa định gọi con đấy. Mau rửa tay vào ăn cơm đi, chị con đợi lâu rồi.” Ba vừa bày bát đũa vừa nói với Giang Dã.
Giang Dã mở túi, lấy ra vài món để lên bàn: “Chị thích nhất là mấy món điểm tâm của tiệm này, nhưng tháng trước họ chuyển đến Cổ Thành rồi. Con phải đến đó tìm mãi mới mua được.”
Nghe đến đây, mắt tôi lại đỏ lên, cổ họng nghẹn lại và tim tôi quặn thắt vì xúc động.
Ba bày bốn bộ bát đũa, rồi mẹ và Giang Dã cũng ngồi vào bàn.
Ba nâng ly rượu, dường như muốn nói gì nhưng không thốt lên được lời nào. Ngồi bên cạnh, tôi thấy ba cắn chặt môi và liên tục chớp mắt.
Cả mẹ và Giang Dã đều im lặng, không ai nói gì.
Một lúc lâu sau, ba giơ ly lên, nhìn vào chỗ trống cạnh mình, khẽ nói: “Hôm nay là ngày tốt lành, cả nhà bốn người chúng ta cuối cùng cũng được ăn bữa cơm đầy đủ. Nguyệt Nguyệt, chào mừng con về nhà.”
Giang Dã cũng nói: “Chị à, chị xem em có cao hơn không?”
Tôi gật đầu thật mạnh: “Cao hơn rồi, giờ đã là chàng trai lớn rồi. Chị rất vui mừng vì em đấy.”
Mẹ nói, giọng nghẹn ngào: “Nguyệt Nguyệt, mẹ rất nhớ con. Tối nay, vào giấc mơ của mẹ để mẹ có thể nhìn thấy con nhé.”
Ba vỗ vai mẹ, an ủi: “Thôi nào, hôm nay là ngày vui, đừng khóc. Nếu không, Nguyệt Nguyệt thấy chúng ta thế này sẽ không yên lòng.
“Nguyệt Nguyệt à, con cứ yên tâm, ba mẹ và em trai con vẫn sống rất tốt. Đừng lo lắng. Con biết không, phụ nữ nhạy cảm hơn thôi, nước mắt mẹ con là nước mắt hạnh phúc đấy.”
“Xem ba đã chuẩn bị món gì ngon cho con đây? Sườn xào chua ngọt, gà xé, khoai tây xào dấm, nồi cà tím… và dưa hấu con thích nhất, ba đã chọn thật kỹ để đảm bảo ngọt!”
Trong suốt bữa ăn, tôi nghe ba mẹ và Giang Dã kể về những điều đã xảy ra sau khi tôi ra đi. Chị họ bên nhà dì sinh con gái, em họ bên nhà cậu đạt giải quán quân trong cuộc thi, và Giang Dã đã tìm được chỗ thực tập… Toàn là những điều tốt lành, không một lời nào về những điều không hay. Nhưng tôi biết, cuộc sống không thể chỉ có những điều tốt đẹp.
10.
Ngày tết Trung Nguyên, tôi ở nhà với gia đình. Dù họ không thể cảm nhận được sự hiện diện của tôi, nhưng họ tin chắc rằng tôi sẽ đến.
“Chúng ta chụp một tấm ảnh gia đình đi!” Giang Dã đề nghị.
Ba mẹ ngồi trên sofa, ôm di ảnh của tôi, Giang Dã đứng phía sau họ, còn tôi đứng bên cạnh em trai.
“Tách” – tấm ảnh gia đình hoàn thành, mọi người cùng ngồi xem lại bức ảnh.
“Chị, em thật ghen tị với chị. Chị sẽ mãi mãi trẻ trung như vậy.” Giang Dã nhìn ảnh rồi nói.
Tôi cúi đầu nhìn vào ảnh, thấy khuôn mặt trẻ trung của mình trong di ảnh – năm đó tôi chỉ mới hai mươi hai tuổi, còn Giang Dã khi ấy mới mười chín. Giờ đây, em đã hai mươi ba tuổi, còn tôi vẫn dừng lại ở tuổi hai mươi hai.