Người Mẹ Già - Chương 5
8
Từ đó về sau, mỗi khi mẹ bị ốm cần người chăm sóc, bà thuê hộ lý ngay lập tức, tôi hoàn toàn không cần nhúng tay vào.
Bà cũng không còn sắc thuốc bắc, giác hơi ở nhà nữa.
Bà không còn quẩn quanh trong bếp nấu cơm, cũng không còn suốt ngày hỏi han tôi xem có lạnh không, có đói không.
Dường như cả sức khỏe lẫn tinh thần của bà đều khá hơn rất nhiều.
Bà thậm chí không còn tiết kiệm quá mức nữa.
Lúc đầu, tôi vẫn lo lắng về vấn đề tiền bạc.
Bà nói không cần lo, năm trăm ngàn tệ đủ dùng, nếu thực sự không đủ, thì nước đến chân ắt sẽ có cầu.
Mẹ dường như đã buông bỏ rất nhiều điều.
Tôi nghĩ, cũng đúng thôi.
Vài năm nữa, tôi tốt nghiệp, đi làm, có thể tự kiếm tiền rồi.
Không lâu sau, mẹ thông qua quan hệ của mẹ Trương Lưu Phúc, tìm được một công việc trong một khu vui chơi giải trí.
Vì làm việc tận tâm, trách nhiệm, nên lương cũng không tệ, bà làm rất vui vẻ.
Hơn nữa, đơn vị cũ của mẹ là một nơi rất tốt, nên bảo hiểm lương hưu của bà đóng rất cao.
Sau khi bị cắt giảm nhân sự, bà vẫn tiếp tục đóng bảo hiểm hưu trí, mỗi tháng có một khoản lương hưu không nhỏ.
Bà từng nói chuyện với tôi về tiền bạc, để tôi không cần lo lắng nữa.
Thời gian trôi qua, tôi dần yên tâm, toàn lực chuẩn bị cho kỳ thi đại học.
Cuộc sống dễ chịu hơn rất nhiều, và nỗi oán hận trong lòng tôi cũng dần tan biến.
Nếu mẹ bị ốm, tôi sợ hộ lý ngược đãi bà, nên sẽ gọi điện kiểm tra, thỉnh thoảng đến bệnh viện xem một chút, nhắc nhở hộ lý.
Mẹ cười, nói:
“Có con chống lưng, bọn họ không dám làm bậy đâu.”
Ừm…
Hóa ra chăm sóc cha mẹ khi họ ốm cũng có thể giải quyết như thế này.
Chỉ là hơi tốn tiền.
Những gia đình nghèo không thể thuê hộ lý, nên buộc con cái phải tự chăm sóc cha mẹ già yếu, điều này tất yếu dẫn đến mâu thuẫn.
Nhưng bây giờ, mâu thuẫn đã chuyển sang vấn đề tiền bạc.
Mọi chuyện bỗng chốc trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Tôi nhận ra rằng nỗi lo lắng về tương lai trước đây của mình là quá mức.
Tôi nghĩ quá tiêu cực, luôn cho rằng mẹ sẽ trở thành gánh nặng cả đời tôi, rằng tôi sẽ phải sống một cuộc đời u tối không lối thoát, nên mới oán giận, bất bình.
Nhưng thực tế, là tôi tưởng tượng quá lên mà thôi.
Mẹ thật sự không cần tôi kè kè bên cạnh 24/7.
Rất nhiều chuyện, bà có thể tự lo, còn nếu không lo được, thì có thể thuê hộ lý.
Điều bà thực sự cần không phải là một đứa con làm bảo mẫu, mà là một người có thể đứng sau bảo vệ bà, có sức uy hiếp để đảm bảo bà được chăm sóc tốt.
Lúc còn nhỏ, tôi không hiểu chuyện.
Tôi cứ nghĩ rằng mẹ già yếu đồng nghĩa với việc trời sắp sập, rằng tôi sẽ bị trói buộc bên cạnh bà cả đời, không còn tự do, không thể có cuộc sống của riêng mình.
Chính vì vậy, tôi và mẹ mới luôn xung đột, quan hệ căng thẳng.
Nhưng thực tế, mẹ tôi không phải một bà lão hút máu con cái.
Bà rất ít khi nhờ vả tôi, những chuyện bà có thể tự làm, bà luôn tự làm.
Chỉ khi thực sự bất đắc dĩ, bà mới cần đến tôi.
Bà luôn là một người phụ nữ kiên cường, độc lập.
Tôi không nên trách bà.
Lần đó, khi bà bỏ nhà ra đi, quyết định kết thúc cuộc đời, có lẽ là do bệnh tật cộng thêm mâu thuẫn tích tụ suốt bao nhiêu năm, cuối cùng không chịu nổi nữa.
Chính tôi đã dồn bà đến mức đó.
Đó là lỗi của tôi.
Nếu chỉ cần có tiền, là có thể giải quyết hầu hết mọi vấn đề, vậy thì tất cả những gì tôi cần làm chính là kiếm thật nhiều tiền.
Thế nên, tôi càng nỗ lực học tập hơn, quyết tâm thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng, theo đuổi một tương lai tốt hơn.
9
Chớp mắt đã đến kỳ thi đại học.
Mùa hè nóng như đổ lửa.
Tôi và Trương Lưu Phúc cùng nhau đi đến điểm thi.
Mẹ đứng bên ngoài cổng trường, mái tóc đã bạc trắng, trên mặt hiện rõ vẻ lo lắng, cười gượng gạo:
“Thi trượt cũng không sao đâu, mẹ sẽ không trách con đâu. Cuộc đời rất dài, một kỳ thi đại học chẳng là gì cả…”
Tôi thở dài:
“Con còn chưa thi mà! Mẹ nói được câu nào tốt lành hơn không?”
Bà khựng lại một chút, sau đó nói:
“Chúc con may mắn.”
Tôi mỉm cười, gật đầu:
“Ừm, con nhất định sẽ may mắn.”
Môn Ngữ văn diễn ra suôn sẻ.
Tiếp theo là môn Toán.
Nhìn thấy bài toán lớn cuối cùng, một đống con số chen chúc chi chít, nhìn đã thấy rối mắt, tôi theo bản năng muốn bỏ qua, quay lại kiểm tra những câu đã làm để chắc chắn không mất điểm nào đáng tiếc.
Sau khi kiểm tra xong, vẫn còn dư khá nhiều thời gian.
Tôi quyết định thử sức với câu cuối cùng.
Quả nhiên rất khó.
Lúc tôi một lần nữa định bỏ cuộc, trong đầu bỗng vang lên câu nói của Trương Lưu Phúc khi tôi từng hỏi cậu ấy về bài toán khó:
“Nhiều vấn đề đều có đáp án, chỉ là đáp án ẩn giấu trong những chi tiết nhỏ.”
“Cậu cần phải đọc kỹ từng chi tiết, tìm ra những điều kiện ẩn giấu trong đề bài, đó chính là chìa khóa để giải quyết.”
“An Hinh, cậu phải tin tưởng rằng cậu có thể giải quyết mọi vấn đề. Cậu còn giải quyết được chuyện gia đình mình, thì một bài toán đại học có gì mà không làm được?”
Tôi bắt đầu suy nghĩ.
Tôi đã giải quyết chuyện gia đình mình như thế nào?
Tại sao mọi chuyện bỗng chốc lại được tháo gỡ?
Tôi nhớ lại những khoảnh khắc bên mẹ trong suốt những năm qua.
Bà đã từng nói dối tôi, bảo rằng chạy xe giao đồ ăn chẳng mệt chút nào, chỉ để tôi an tâm.
Bà đã dỗ tôi ngủ biết bao đêm.
Bà đã luôn gắng gượng cười, dù trong lòng đau đớn, chỉ để không làm tôi buồn.
Bà bị ốm, nhưng vẫn trốn viện về nấu cơm cho tôi.
Bà chân bó bột, nhưng vẫn nói với tôi rằng không sao.
Bà chưa từng than vãn, chưa từng bắt tôi gánh vác trách nhiệm, luôn dành cho tôi đủ sự tôn trọng và ủng hộ.
Rồi đến cái đêm mẹ bỏ nhà đi.
Trương Lưu Phúc bảo tôi tung đồng xu, quyết định xem có nên đi tìm mẹ hay không.
Ba lần tung đồng xu.
Lần đầu tiên, mặt trái.
Lần thứ hai, mặt phải.
Lần thứ ba… thực ra cũng là mặt trái.
Nhưng khi kết quả hiện ra, tôi bỗng nhiên hiểu rất rõ sự lựa chọn của mình.
Tôi nói dối, rằng lần cuối cùng là mặt phải.
Tôi chủ động lựa chọn đi tìm mẹ, chủ động chuẩn bị tinh thần sẽ chăm sóc bà suốt những năm tháng sau này.
Tại sao tôi lại đưa ra quyết định đó?
Lúc đó, tôi không biết.
Nhưng bây giờ, nhìn vào bài toán này, tôi bỗng chợt hiểu ra.
Đáp án luôn ẩn giấu trong từng chi tiết nhỏ.
Mẹ đã dành cho tôi vô hạn yêu thương, luôn dành cho tôi sự tôn trọng tuyệt đối.
Tất cả những tình yêu đó nuôi dưỡng trái tim tôi, khiến tôi yêu bà thật sâu sắc.
Tình yêu chiến thắng tất cả.
Chiến thắng oán hận.
Chiến thắng nỗi sợ hãi về tương lai.
Mà bây giờ, khi tôi nhìn lại, tôi nhận ra rằng tương lai vốn không đáng sợ như tôi đã tưởng.
Bởi vì luôn có cách giải quyết khác.
Nhìn lại bài toán khó trước mặt, tôi nghĩ:
Có lẽ, nó cũng không khó như tôi nghĩ.
Có lẽ, chỉ cần thay đổi cách giải… thì tôi cũng sẽ tìm ra đáp án thôi.
10
Kỳ thi đại học kết thúc.
Tôi bước ra khỏi phòng thi, cảm thấy nhẹ nhõm hơn bao giờ hết.
Mẹ từ xa chạy lại, trên mặt lộ rõ vẻ vui mừng:
“Hinh Hinh, đi nào! Mẹ dẫn con đi ăn một bữa thật ngon!”
Bà không hỏi tôi làm bài thế nào, nhưng rõ ràng rất quan tâm.
Tôi chủ động nói:
“Con nghĩ mình làm khá tốt.”
Mắt mẹ bỗng sáng lên:
“Thật sao?”
Tôi gật đầu:
“Câu toán khó cuối cùng con làm ra được rồi. Con ước chừng điểm số, chắc chắn toán phải trên 135 điểm.”
“Trời ơi! Hinh Hinh của mẹ giỏi quá!”
Mẹ phấn khích ôm chầm lấy tôi, ôm rất chặt.
“Con gái của mẹ đúng là thiên tài!”
Hai mẹ con tôi cười nói vui vẻ, cùng nhau đến một nhà hàng buffet cao cấp.
Giữa lúc tôi đang cắm cúi ăn cá hồi, điện thoại bỗng đổ chuông.
Là Trương Lưu Phúc.
Tôi vừa cắn miếng cá, vừa cầm điện thoại lên bắt máy:
“A Phúc, thi thế nào rồi?”
Đầu dây bên kia im lặng.
Tôi nghĩ thầm, chẳng lẽ cậu ấy làm bài không tốt?
Tôi an ủi:
“Không sao đâu, với thành tích của cậu, đậu vào 985 là chuyện chắc chắn.”
Nhưng giọng nói của Trương Lưu Phúc vang lên.
Chỉ một câu ngắn gọn:
“Bố tớ mất rồi.”
Tay tôi cứng đờ, miếng cá hồi trong miệng bỗng trở nên nhạt thếch.
“…Cái gì?”
“Ông ấy mất ba ngày rồi, mà tớ đến giờ mới biết.”
Giọng nói đứt quãng, nghẹn ngào.
Bố của Trương Lưu Phúc đã rất già.
Từ lâu đã bệnh nặng, nhưng sợ ảnh hưởng đến kỳ thi của cậu ấy, nên lúc nào cũng giả vờ bình thường.
Ông ấy dặn dò tất cả mọi người trong nhà, dù thế nào cũng không được nói cho Trương Lưu Phúc biết.
Ngày trước kỳ thi một hôm, ông ấy qua đời.
Nhưng trước khi nhắm mắt, ông ấy vẫn kiên quyết căn dặn:
Chờ sau khi thằng bé thi xong, rồi hãy nói với nó.
“Tớ ghét ông ấy!”
“Già đến vậy, khiến tớ bị bạn bè chế giễu, lại còn đặt cho tớ cái tên quê mùa như thế.”
“Lúc sống thì suốt ngày đặt ra bao nhiêu quy tắc cổ hủ, đến chết cũng không chịu nói cho tớ biết…”
“Tớ ghét ông ấy!”
Giọng nói ngày càng run rẩy, rồi vỡ òa.
Trương Lưu Phúc bật khóc nức nở.
Tôi nói với mẹ, giải thích tình hình.
Mẹ nhẹ giọng nói:
“Con đi với nó đi.”
Tôi gật đầu, cầm điện thoại, chạy ra khỏi nhà hàng.
Trong một công viên nhỏ, tôi tìm thấy Trương Lưu Phúc.
Cậu ấy đang ngồi bệt trên ghế, nước mắt chảy tràn trên mặt, khóc đến thê thảm.
“A Phúc.”
Tôi bước đến, khẽ gọi.
Cậu ấy nhìn lên, sau đó đột ngột ôm chầm lấy tôi, khóc càng to hơn.
Chúng tôi ngồi như vậy suốt hai tiếng đồng hồ.
Mặt trời thiêu đốt trên đỉnh đầu, mồ hôi chảy ròng ròng.
Đến khi mặt trời dần khuất sau dãy nhà, ánh hoàng hôn nhuộm đỏ cả bầu trời.
Trương Lưu Phúc đứng dậy, lau nước mắt, nói:
“Tớ về đây. Phải đưa ông ấy đi nốt chặng đường cuối cùng.”
Tôi gật đầu.
Sau đó, tôi hỏi cậu ấy:
“Còn muốn đổi tên không?”
Từ trước đến nay, Trương Lưu Phúc luôn muốn đổi tên.
Cậu ấy đã nhiều lần cầm danh sách tên đến tìm tôi, nhờ tôi tư vấn.
Tôi từng giúp cậu ấy nghĩ rất nhiều cái tên.
Những cái tên như Trương Quyết, Trương Hi Hàn, đủ loại tên mỹ nam trong tiểu thuyết.
Nhưng mỗi lần nghe xong, cậu ấy đều cau mày:
“Tớ thấy vẫn không hay.”
Tôi trêu chọc:
“Cậu biết không? Trong tiểu thuyết ngôn tình, nam chính thường họ Lục, họ Tần, họ Cố.”
“Lục Quyết, Tần Hi Hàn… nghe sang chảnh bao nhiêu.”
“Nhưng nếu họ Trương thì nghe quê một cục. Cậu thấy có nam chính nào họ Trương chưa?”
Trương Lưu Phúc phản bác ngay:
“Họ Trương thì sao? Cậu chẳng biết gì cả!”
“Cậu có biết trong tiểu thuyết võ hiệp kinh điển mấy chục năm trước không?”
“Có một nhân vật nữ tên là Vương Ngữ Yên. Họ Vương rất bình thường, nhưng kết hợp với Ngữ Yên thì lại cực kỳ êm tai!”
“Nữ diễn viên đóng Vương Ngữ Yên là Lưu Diệc Phi, họ Lưu cũng bình thường thôi, nhưng thử nghe lại xem, Lưu Diệc Phi—có phải rất hay không?”
Tôi im lặng một lúc, sau đó thừa nhận:
“Cậu nói cũng có lý.”
Từ đó về sau, hai chúng tôi lăn lộn nghĩ tên cho cậu ấy.
Trong suốt mấy năm, tôi đã nghĩ ra hàng trăm cái tên.
Cậu ấy chọn ra vài chục cái, lên mạng xem điểm phong thủy, rồi lọc xuống còn hai mươi cái.
Sau đó, đem đi nhờ thầy xem số, lại lọc xuống còn ba cái cuối cùng.
Ban đầu, cậu ấy định sau kỳ thi đại học sẽ tung đồng xu chọn một cái.
Nghe tôi hỏi, Trương Lưu Phúc ngước mắt lên, nhìn về phía chân trời.
Hoàng hôn đỏ rực như lửa, phản chiếu trong mắt cậu ấy.
Sau một hồi lâu, cậu ấy mới nhẹ giọng nói:
“Không đổi nữa.”
“Đây là cái tên mà bố tớ đặt cho.”
Nói xong, cậu ấy quay lưng rời đi.
Bóng lưng đổ dài dưới ánh chiều tà, kéo một vệt thật dài, thật dài…
Đọc có cái truyện mà khóc mấy lần