Người Mẹ Già - Chương 1
01
Mười giờ rưỡi tối, tan học muộn, tôi uể oải trở về nhà.
Trong nhà tối om, vắng lặng đến mức có thể nghe thấy tiếng kim đồng hồ tích tắc.
Tôi thay giày, đặt cặp xuống, rồi theo thói quen đi về phía phòng mẹ.
“Mẹ, mẹ uống thuốc chưa?”
Không có tiếng đáp lại.
“Mẹ?”
Tôi bật công tắc đèn.
Căn phòng trống trơn.
Tôi ngẩn người.
Mẹ già rồi, thường ngày cứ đúng 10 giờ là đi ngủ.
Bà từng nói với tôi:
“Hinh Hinh, con không tin chứ ngày xưa mẹ thức đến 12 giờ còn coi là sớm đấy.”
Mẹ sinh ra vào cuối những năm 90, cái thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế.
Bà kể rằng ngày đó mình thường xuyên thức khuya xem phim, đọc tiểu thuyết, truyện tranh đến sáng, nhưng sáng hôm sau dậy từ 8 giờ mà vẫn tràn đầy năng lượng.
Tối qua, bà kéo tôi lại, rôm rả kể về quãng thời gian tuổi trẻ rực rỡ của mình, nói rằng bà đã lâu rồi không đi du lịch, muốn ra ngoài một chuyến.
Tôi lạnh lùng gạt tay bà ra: “Con còn bài tập phải làm.”
Mẹ ngừng lại, thoáng sững sờ.
Gương mặt bà dường như có chút hụt hẫng, nhưng rất nhanh liền gật đầu cười:
“Được rồi, con làm bài đi.”
Tôi xoay người đi thẳng, “rầm” một tiếng đóng sầm cửa.
Bà cứ nhắc mãi về những ngày tháng tươi đẹp của mình, nhưng lại không biết rằng mỗi lần như vậy, tôi đều cảm thấy khó chịu.
Vì tôi biết rõ, tôi sẽ không bao giờ có được cuộc sống đó.
Tôi mới 18 tuổi, còn mẹ thì đã 60.
Một người mẹ già yếu, bệnh tật liên miên, cần tôi chăm sóc.
Đợi đến khi tôi tốt nghiệp đại học, bà đã 65.
Lúc ấy, sức khỏe bà sẽ còn tệ hơn.
Tôi sao có thể sống một cuộc đời tự do được chứ?
Tôi có thể hình dung ra 20 năm sau, tôi vẫn sẽ phải ở bên cạnh chăm sóc mẹ.
Không tuổi trẻ.
Không tương lai.
Chỉ còn lại một đời làm công cụ dưỡng lão.
Làm sao tôi không hận bà cho được?
“Mẹ, mẹ uống thuốc chưa?”
Tôi mở cửa phòng sách, vẫn không có ai.
Trong lòng tôi bỗng dâng lên một dự cảm bất an.
Chẳng lẽ mẹ bị ngã? Hay đột ngột phát bệnh?
Tôi lao vào nhà vệ sinh—không có ai.
Xông vào bếp—không có ai.
Tôi lật tung từng ngóc ngách trong nhà, nhưng vẫn không tìm thấy mẹ.
Tôi điên cuồng gọi điện, trong đầu không ngừng tưởng tượng cảnh bà ngất xỉu ngoài đường, hoặc bị xe tông khi đi bộ chậm chạp.
“Đã bảo đừng ra ngoài rồi! Mẹ bị bệnh mà sao không chịu nghe lời?”
Tôi nghiến răng, khó chịu đến phát điên.
Một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi—hay là bà cứ bị x/e đ/â/m đi cho rồi.
Tốt nhất là ch/ết ngay tại chỗ.
Như vậy, tôi có thể giải thoát.
Điện thoại vang lên từng hồi “tút tút tút”, sau đó vang lên giọng tổng đài:
“Số máy quý khách vừa gọi hiện đang tắt máy.”
Cơn giận của tôi bùng nổ: “Tại sao lại tắt máy?!”
Tôi đã quá mệt mỏi với việc học hành, áp lực nặng nề của lớp 12 khiến tôi kiệt sức.
Tôi còn phải chăm sóc một người mẹ ốm yếu, mỗi ngày đều mệt mỏi không chịu nổi.
Vậy mà giờ bà còn làm ra chuyện này?
Tôi liên tục gọi điện, nhưng máy vẫn tắt.
Uất ức dâng lên, tôi ném điện thoại xuống, ôm đầu ngồi bệt xuống đất, bật khóc nức nở.
Tại sao mẹ tôi lại như thế này?
Tại sao tôi phải có một cuộc sống như thế này?
Tại sao?
Khóc một lúc, tôi lau nước mắt, đứng dậy đi về phòng.
Tôi không muốn tìm bà nữa.
Quá muộn rồi, ngày mai tôi còn phải dậy sớm đi học.
Chính bà tự đi, vậy thì dựa vào đâu bắt tôi phải chạy ra ngoài tìm?
Tôi vào phòng, rửa mặt qua loa, nhìn đồng hồ đã là 11 giờ 10 phút.
Mẹ vẫn chưa về.
Tôi cắn môi, gọi lại lần nữa—vẫn không ai bắt máy.
Tôi lại đi vào phòng mẹ tìm kiếm.
Đúng lúc đó, tôi nhìn thấy một cuốn sổ ghi chép đặt ngay ngắn trên tủ đầu giường.
Nó được mở sẵn, trông rất nổi bật.
Tôi cầm lên.
Bên trong là nét chữ quen thuộc của mẹ.
[Hinh Hinh, mẹ đi rồi, sẽ không quay lại nữa.
[Mẹ sẽ đi đến những nơi mà mình từng muốn đến, đi hết chặng đường cuối cùng, sau đó chọn một nơi để kết thúc.
[Dạo này con phải chăm sóc mẹ rất vất vả, mẹ đều nhìn thấy. Mẹ rất lo lắng.
[Từ nay con chỉ cần chuyên tâm học hành, không cần bận tâm đến mẹ nữa.
[Thẻ ngân hàng trong ngăn kéo tủ đầu giường, mật khẩu là XXXXXXX.
[Bên trong có 500.000 tệ.
[Xin lỗi con, mẹ vô dụng, chỉ để lại được cho con bấy nhiêu.
[Sổ đỏ cũng ở trong ngăn kéo. Giá thị trường hiện tại là 12.000 tệ/m². Mẹ biết con không thích căn nhà này, thấy nó cũ kỹ, mùi khó chịu. Nếu muốn bán đi thì cũng phải cẩn thận, đừng để bị lừa.
[Những năm qua, con đã rất khổ cực.
[Mẹ hối hận vì đã sinh con ra, khiến con sống một cuộc đời không vui vẻ.
[Mẹ xin lỗi.
[Đừng tìm mẹ nữa. Đây là quyết định đã được mẹ suy nghĩ kỹ càng.
[Mẹ biết quyết định này sẽ khiến con bị chỉ trích là bất hiếu. Nhưng mẹ tuyên bố rằng, đây là ý muốn của mẹ, không liên quan gì đến con.
[Con chưa từng làm gì có lỗi với mẹ.
[Ngược lại, chính mẹ mới là người luôn có lỗi với con.
[Mẹ nghĩ rất kỹ rồi, thà tận hưởng một chút trước khi ra đi, còn hơn nằm liệt giường để rồi vừa khổ sở, vừa làm con vướng bận.
[Hinh Hinh, con đã 18 tuổi, hãy tự bước đi trên con đường của mình.
[Mong con có một cuộc sống tươi đẹp và tự do.
[Tạm biệt.]
Tay tôi run rẩy.
Tôi mở ngăn kéo.
Bên trong có thẻ ngân hàng, có sổ đỏ.
Tôi đờ đẫn nhìn chúng.
Mẹ… thật sự đi rồi sao?
2
Tôi rất ghét mẹ mình.
Bởi vì bà sinh tôi khi đã 42 tuổi.
42 tuổi, có người đã lên chức bà nội, vậy mà bà mới lần đầu làm mẹ.
Bà đối xử với tôi rất tốt, dành hết thảy yêu thương cho tôi.
Năm tôi 3 tuổi, bố gặp tai nạn xe hơi qua đời, để lại mẹ một mình nuôi tôi khôn lớn.
Mẹ từng có một công việc ổn định, nhưng sau đó đơn vị cải cách, chỗ dựa vững chắc của bà bỗng hóa thành không.
Ban đầu, mẹ bị điều sang một bộ phận khác, sau đó bộ phận này lại bị sáp nhập vào một công ty tư nhân. Cuối cùng, công ty tuyên bố phá sản, mẹ thuận lý thành chương bị sa thải.
Lúc đó, bà vừa sinh tôi được một năm, đã 43 tuổi, ra ngoài tìm việc gần như không có cơ hội, nên bà đành ở nhà làm nội trợ toàn thời gian.
Mọi thứ cứ thế trôi qua vài năm, rồi một ngày, bố đột nhiên gặp tai nạn giao thông mà mất đi.
Lúc ấy, mẹ đã 45 tuổi.
Ông nội, bà nội, ông ngoại lần lượt qua đời, chỉ còn lại một người bà ngoại già yếu.
Bà ngoại không thể tự chăm sóc bản thân, càng không thể chăm trẻ con, thậm chí còn cần mẹ chu cấp tiền thuốc men.
May mắn thay, mẹ vẫn còn một người anh trai—cậu tôi.
Cậu là một người tốt, biết mẹ khó khăn nên chủ động gánh vác trách nhiệm chăm sóc bà ngoại, không để mẹ phải chi tiền.
Dĩ nhiên, một phần cũng vì quan niệm truyền thống: Nhà cửa, tiền bạc thuộc về con trai, con trai có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ.
Không tìm được việc, không có ai trông con, mẹ rơi vào tình cảnh cực kỳ khốn khó.
Cũng may, mẹ và bố đều có thói quen tiết kiệm.
Sinh con ở tuổi 42, trước đó đã đi làm hàng chục năm, chỉ cần không tiêu xài hoang phí, thế nào cũng dành dụm được một khoản tiền.
Mẹ đành gạt bỏ lòng tự trọng, nhận những công việc vặt vãnh—dọn dẹp, chạy việc vặt, giao hàng… Với độ tuổi của bà, đó là những công việc duy nhất có thể làm.
Tôi vẫn còn nhớ rõ.
Mẹ thích nhất là giao hàng, vì có thể chở tôi đi cùng.
Bà mua một chiếc xe máy điện màu hồng, để tôi ngồi phía sau.
Bà lén nói với tôi:
“Hinh Hinh, mẹ thích màu hồng nhất đấy. Nhưng mẹ không dám nói ra đâu, vì mẹ sắp 50 tuổi rồi mà.”
Bà còn dán lên xe những hình hoạt hình mà tôi yêu thích, rồi dán cả hình của Ngao Bính và Na Tra.
Sau đó, bà dặn dò tôi:
“Hinh Hinh, mẹ thích hai đứa này lắm, nhưng mẹ không thể nói ra được, vì mẹ sắp 50 tuổi rồi mà. Sau này nếu ai hỏi, con cứ bảo là con muốn dán, giúp mẹ một chút nhé?”
Tôi vui vẻ gật đầu, vì trên xe có dán hình những chú mèo mà tôi thích, còn Na Tra hay Ngao Bính gì đó thì tôi chẳng quan tâm lắm.
Dù sao thì tôi cũng rất thích mẹ mà!
Có một lần, khi mẹ đang đi giao hàng, tôi ngồi trên xe máy điện, vừa ăn kẹo vừa chờ.
Hai người thanh niên đi ngang qua, chỉ vào xe mà cười:
“Quê mùa quá đi mất, Na Tra 2 ra mắt từ năm 2025 thì phải? Giờ hơn chục năm rồi, ai lại còn dán mấy thứ này lên xe nữa chứ?”
Tôi lập tức lớn giọng nói:
“Mẹ bảo, nếu ai hỏi thì cứ nói là Hinh Hinh muốn dán đấy, không được nói là mẹ dán đâu!”
Hai người kia bật cười ha hả, còn xoa đầu tôi, định cho tôi kẹo.
Tôi lập tức nghiêng đầu tránh đi:
“Mẹ bảo không được ăn kẹo của người lạ!”
“Haha, ngoan quá.” Hai người họ cười, áy náy nói: “Xin lỗi nhé, lúc nãy bọn anh nói sai rồi. Nhìn kỹ lại, Na Tra và Ngao Bính cũng đẹp mà, không quê mùa chút nào đâu.”
Tôi đáp: “Được, tôi tha thứ cho hai người.”
Mẹ giao hàng xong trở về.
Bà rất nhanh nhẹn, trước khi đi còn dặn tôi: “Mẹ sẽ về trong 5 phút, con đợi một chút, không được đi theo người lạ.”
Thế mà chưa đầy 3 phút, bà đã lao như tên bắn quay lại.
Tôi kể với mẹ chuyện vừa xảy ra.
Bà đưa tay xoa trán, bật cười rồi cúi xuống hôn lên má tôi:
“Hinh Hinh làm rất tốt.”
Tôi cũng hôn lên gương mặt lấm tấm mồ hôi của mẹ, lòng thầm nghĩ: Mình thích mẹ nhất trên đời!
Từ sau lần đó, mẹ không dám để tôi ngồi ngoài một mình nữa, đi đâu cũng dắt tôi theo.
Thỉnh thoảng tôi cảm thấy phiền, không muốn chạy khắp nơi cùng mẹ.
Lúc ấy, tôi sẽ cố tình mè nheo, lăn ra đất làm mình làm mẩy, nhất quyết không chịu đi.
Mẹ lại cúi xuống, nhẹ giọng nói:
“Hinh Hinh, nào, để mẹ cõng con nhé?”
Mẹ cõng tôi đấy!
Tôi lập tức nhào lên lưng mẹ.
Bà mặc bộ đồng phục giao hàng dày cộp, một tay ôm lấy tôi, một tay xách theo túi đồ ăn, mồ hôi ướt đẫm lưng áo.
Những bậc thang kéo dài dường như chẳng có điểm dừng.
Tôi không hề nghĩ mẹ sẽ mệt, bởi vì bà vẫn còn tâm trạng hát cho tôi nghe.
Hát xong một đoạn, bà sẽ dừng lại thở, nghỉ một chút rồi tiếp tục vừa đi vừa hát.
Trong ký ức của tôi, mẹ lúc nào cũng tươi cười, lúc nào cũng nói rằng đi giao hàng rất vui, được chạy xe máy dạo phố rất thú vị, làm công việc này rất thoải mái, rất tự do…
Đến mức rất lâu sau này, tôi vẫn luôn nghĩ rằng giao hàng là công việc tuyệt vời nhất thế giới.
Nhưng khi lớn lên, hồi tưởng lại quãng thời gian ấy, tôi mới hiểu mẹ đã vất vả nhường nào.
Ban đầu, tôi rất biết ơn bà.
Nhưng theo thời gian, sự biết ơn ấy dần dần biến thành oán hận.