Người Con Gái Bị Mẹ Ghét Bỏ - Chương 1
1
Vừa đi chơi về cuối tuần, em trai tôi đã bắt đầu than thở.
“Mẹ thiên vị thật đấy, cuối tuần nào cũng cho chị tiền đi chơi cả ngày.
Chị về muộn thế nào cũng chẳng bị mắng, mẹ tin chị tuyệt đối luôn!
Còn em thì sao? Toàn bị mẹ dắt đi viện bảo tàng, thư viện, hoặc những chỗ nhàm chán như công viên!”
Mẹ nhìn tôi cười đầy ẩn ý, còn nháy mắt một cái.
Để dỗ dành nó, mẹ gắp cho em trai tôi một bát đầy hải sản.
Mùi thơm nức mũi, nào là gạch cua vàng óng, nào là tôm tươi mọng đỏ hấp dẫn.
Nhìn mà khiến tôi nuốt nước miếng ừng ực.
“Mẹ thiên vị lúc nào chứ? Toàn nói linh tinh.
Đấy, con cua lớn nhất mẹ cho con ăn rồi đấy.”
Em trai tôi bĩu môi, không hề hài lòng.
“Đấy là vì chị bị dị ứng hải sản!”
Mẹ bị nó vạch trần, thoáng chốc có chút bối rối.
Cuối cùng đành cắn răng gửi cho nó một phong bao lì xì đỏ chót mới khiến nó chịu im lặng.
Nhìn vẻ mặt dễ hài lòng của em trai, tôi chợt cảm thấy hơi áy náy.
Tối hôm đó, mẹ lại như kẻ trộm, ra hiệu cho tôi vào ngủ trong phòng bà.
Nhà có ba phòng ngủ.
Nhưng mẹ bảo từ nhỏ đã quen ôm tôi ngủ rồi.
Thế là bà biến một phòng thành thư phòng, em trai tôi thường gọi đó là “địa ngục trần gian” của nó.
Ba tôi có lúc đi công tác về, cũng bị mẹ đuổi ra thư phòng ngủ.
Còn tôi – một đứa con gái bám mẹ – cứ cuối tuần hay ngày nghỉ về nhà là được mẹ ôm ngủ đầy hạnh phúc.
【Tôi ghét con gái mình thì phải làm sao đây?】
【Nó càng xinh đẹp, càng thông minh tôi lại càng ghét nó!】
Khi đọc được dòng này, tôi bật cười vì tức giận.
Định quay sang chia sẻ với mẹ thì phát hiện bà đã cầm điện thoại ngủ từ lúc nào rồi.
Tôi đành tiếp tục đọc tiếp bài đăng.
Kiểu câu view này thật kinh tởm.
【Tôi có một trai một gái, con đầu là con gái, con thứ là con trai, chúng cách nhau bốn tuổi. Nói thật lòng tôi thật sự không thích con gái mình, thậm chí còn thấy nó không xứng đáng được ăn ngon, nên tôi thường nói nó bị dị ứng, như hải sản chẳng hạn. Hôm nay nấu bữa hải sản, nhìn bộ dạng thèm thuồng của nó, mắt như muốn dán chặt vào đĩa thức ăn, thật sự khiến tôi buồn nôn.】
Máu trong người tôi như đông cứng lại.
Tôi và em trai cũng cách nhau bốn tuổi.
Tôi cũng bị dị ứng hải sản.
Hôm nay nhà tôi cũng vừa ăn… hải sản.
2
Trùng hợp thôi, đúng không?
Tôi nhìn sang gương mặt mẹ khi bà đang ngủ say, tự nhủ lòng mình.
Mẹ có yêu tôi hay không, tôi chẳng lẽ lại không biết sao?
Ngay cả em trai cũng ghen tỵ với tôi cơ mà.
Ông bà ngoại trọng nam khinh nữ, lúc nào cũng thiên vị cậu.
Mỗi lần nhắc đến chuyện đó, mẹ lại nghiến răng tức giận.
“Phan Phan, nhà mình tuyệt đối không chấp nhận chuyện trọng nam khinh nữ đâu.”
“Mẹ đã chịu khổ đủ rồi, nhất định sẽ không để con phải nếm trải điều tương tự.”
Nhớ đến những lời mẹ từng nói, tôi bỗng thấy yên tâm hơn nhiều.
Thế giới rộng lớn thế này, có biết bao nhiêu người đăng bài lên mạng.
Gặp chuyện giống tôi cũng chẳng có gì lạ.
“Con gái vừa bước sang tuổi trưởng thành đã mua ngay một chiếc váy đỏ cổ chữ V, còn nói buổi tối sẽ đi tụ tập với bạn bè. Đều là phụ nữ cả, ai chẳng biết mấy trò này? Không phải là muốn khoe khoang với đám nam sinh hay sao?”
Lòng bàn tay tôi chợt ướt đẫm mồ hôi.
Váy đỏ cổ chữ V… tôi cũng có một chiếc.
Hôm sinh nhật mười tám tuổi, mẹ dẫn theo em trai đưa tôi đi mua sắm.
Bà nói muốn mua quà tặng tôi một bộ quần áo mới.
“Con gái cô xinh quá! Làn da trắng nõn, mặc chiếc váy đỏ này là hợp nhất!”
Nhân viên bán hàng bước tới, không ngớt lời khen ngợi.
Mẹ mỉm cười gật đầu.
“Đúng vậy, da con gái tôi trắng lắm, đứng cạnh con bé trông tôi còn đen hơn nhiều.”
Chiếc váy đó không rẻ, tám trăm tệ.
Mẹ chẳng hề do dự, lập tức mua cho tôi.
Em trai tôi cũng nằng nặc đòi mua quần áo mới.
Mẹ liếc nhìn tôi, khẽ hất cằm.
“Chị con là con gái, thích làm đẹp là chuyện bình thường, con tranh làm gì?”
“Nếu không, con hỏi xem chị con có đồng ý để mẹ mua cho con không?”
3
Tôi không muốn để mẹ trông quá thiên vị, vội vàng đồng ý ngay.
Thậm chí còn lấy ra năm trăm tệ từ “quỹ đen” của mình để bịt miệng nó.
Sau khi tôi đi ăn về, em trai liền khoe khoang đôi giày mới.
“Bao nhiêu tiền mà vui thế?” Tôi thuận miệng hỏi.
Nó đảo mắt, chớp chớp đầy láu cá.
“Mẹ trả, em không biết.”
“Mẹ bảo giảm giá rồi mà vẫn còn tận bốn trăm tệ đấy, xa xỉ thật!”
Mẹ liếc nó một cái, vẻ không hài lòng.
“Đôi giày đó một nghìn tám trăm tệ, nhưng tôi thấy con trai tôi xứng đáng.
“Nó đơn thuần, ngây thơ, nhìn thấy con vui vẻ, lòng tôi cũng vui theo.”
Tôi bấm tắt điện thoại, nhất thời không dám đọc tiếp.
Một cảm giác như gặp ác mộng bỗng chợt ập đến.
Như thể thế giới tốt đẹp mà tôi luôn tin tưởng, trong phút chốc đã sụp đổ.
Tôi không cam lòng, run rẩy mở điện thoại lần nữa.
“Con gái tôi, đối xử tốt với tất cả mọi người trên đời.
“Ngoại trừ em trai nó.
“Chỉ cần nhìn vào ánh mắt nó, tôi có thể thấy nó căm hận em trai đến mức nào.
“Trên cổ tay con trai tôi còn một vết sẹo, do nó gây ra.
“Hơn mười năm rồi, vết sẹo vẫn còn.
“Các người thử nghĩ xem, nó độc ác đến mức nào?”
Hơn mười năm…
Đúng rồi.
Khi đó tôi mới tám tuổi, em trai bốn tuổi.
Lúc ấy, mẹ đang ở trong phòng ngủ gọi điện thoại.
Vừa quay đi một lát, tôi đã phát hiện em trai chạy vào bếp.
Khi tôi bước vào, nó đang đứng trên ghế, tay đã chạm vào chiếc ấm nước nóng bốc hơi nghi ngút.
Nhìn thấy cái ấm sắp đổ xuống đầu nó, tôi chẳng kịp suy nghĩ gì, lao tới.
Em trai bị tôi đẩy ra, cổ tay chỉ bị trầy một mảng nhỏ.
Còn tôi, sau gáy bị bỏng một vết lớn, đau đến mức thét lên rồi ngất lịm.
4
Khi tỉnh lại, tôi thấy ba đã vội vã từ nơi khác trở về, ngồi bên giường tôi.
Mẹ ôm em trai, vừa khóc vừa xin lỗi tôi.
Khuôn mặt bà đẫm nước mắt, ánh mắt tràn ngập đau lòng và áy náy.
Sau đó, sau gáy tôi để lại một vết sẹo vĩnh viễn.
Xấu xí vô cùng.
Vậy nên vào mùa hè, tôi rất ít khi buộc tóc cao.
Sợ mẹ đau lòng, tôi cũng chưa bao giờ nhắc lại chuyện này trước mặt bà.
Còn vết sẹo trên cổ tay em trai tôi ư?
E rằng phải dùng kính lúp soi mới thấy một chút dấu vết mờ nhạt.
“Lúc con bé học lớp một, tôi đã nhận ra tâm cơ của nó rồi.
“Lúc nào cũng muốn người khác xoay quanh mình. Hát thì dở tệ mà cứ khăng khăng bắt tôi giúp nó vào đội hợp xướng.
“Tôi đành làm một phụ huynh ‘ác độc’, gây chuyện một phen để nhét nó vào.
“Khách quan mà nói, con gái tôi thật sự ngang ngược và khó ưa.”
Lớp một…
Hồi đó, trường tổ chức hội diễn văn nghệ, lớp tôi cần lập một đội hợp xướng.
Nhưng lúc ấy tôi bị cảm, họng sưng đau, giọng khàn đặc.
Sau khi trao đổi với giáo viên, tôi vui vẻ đồng ý lần này sẽ không tham gia.
Nhưng đến khi thông báo được gửi lên nhóm lớp, mẹ tôi nổi giận.
“Phan Phan, nói cho mẹ nghe, có phải cô giáo chủ nhiệm vốn đã không ưa con?”
Mẹ chậm rãi phân tích từng chuyện nhỏ nhặt tôi từng gặp ở trường, dẫn dắt tôi kể ra đủ thứ.
Cuối cùng, sau màn suy luận của mẹ, tôi ngỡ ngàng nhận ra—
Thì ra, tôi đã bị cố ý gạt ra ngoài.
Mẹ lau khô nước mắt cho tôi, lập tức lên nhóm chat “đòi lại công bằng”.
“Cô giáo, sao con gái tôi lại không có tên trong đội hợp xướng?”
5
Sau một trận “oanh tạc” dữ dội, tôi bị nhét vào đội hợp xướng.
Chỉ tập luyện được hai ngày, cổ họng tôi viêm nặng đến mức không nói được, phải nhập viện.
Kết quả, đội hợp xướng cũng tan rã trong im lặng.
Nhờ lần “bảo vệ” này của mẹ, tôi bỗng dưng trở thành nhân vật nổi tiếng trong trường.
Bên cạnh tôi cũng dần ít đi vài người bạn.
“Mẹ tớ bảo cậu mắc bệnh công chúa, không cho tớ chơi với cậu nữa.”
Có mấy thằng con trai nghịch ngợm còn bóp mũi, giả giọng chọc ghẹo tôi:
“Thưa cô, bạn Phan Phan nhà con sao vậy ạ~?”
Mẹ không để tâm, chỉ cười nói:
“Phan Phan, đừng để ý đến chúng nó. Mẹ sẵn lòng cưng chiều con.
“Ở bên mẹ, con có thể làm công chúa cả đời.”
Nghĩ đến đó, đầu tôi đau như búa bổ.
Tôi thậm chí còn có ý định đánh thức mẹ dậy, trực tiếp chất vấn bà.
Nhưng cuối cùng, tôi vẫn nhịn xuống.
Tôi vẫn muốn xem thử…
Trong lòng bà, suy nghĩ thật sự về tôi là gì.
Làm sao mà bà không yêu tôi được?
Con gái ruột của bà, mang thai chín tháng mười ngày, ôm trong lòng từ nhỏ đến lớn… sao có thể ghét bỏ chứ?
Cả đêm không ngủ.
Sáng tỉnh dậy, mẹ đã chuẩn bị xong bữa sáng.
6
Tôi nghe thấy mẹ đang gọi điện thoại trong thư phòng.
“Thật sao? Bên mua chịu giảm giá à? Được, căn nhà đó tôi thấy cũng khá ổn…”
Phần sau nghe không rõ lắm, hình như là nói chuyện với bên môi giới bất động sản?
Lúc ăn sáng, tôi lại mở bài đăng kia lên xem.
Đã có cập nhật mới.
“Cô em chồng tôi tự bỏ sang nước ngoài ăn chơi, đến giờ vẫn chưa đẻ được thằng con trai nào, nên nhìn con trai tôi thế nào cũng không thuận mắt. Tôi hiểu cả.
“Hồi con gái tôi đủ tuổi trưởng thành, cô ta còn cố ý để dành hai trăm nghìn tệ cho con bé, nhưng chỉ để lại cho con trai tôi một trăm năm mươi nghìn.
“Chẳng phải là ghen ghét vì tôi có con trai, nên muốn chọc tức tôi sao?
“Nghĩ kỹ thì con gái tôi đúng là giống cô ta thật, bụng dạ toàn tâm cơ.
“Nói thẳng ra, làm con trai là khổ nhất. Sau này không có nhà, không có xe thì sẽ bị người ta khinh rẻ.
“Con gái thì cần gì tiêu xài nhiều? Hồi trước tôi có được may mắn như nó đâu mà có từng ấy tiền!”
Bên dưới bài viết đã chất đầy hàng trăm bình luận.
Có người nghi ngờ bài viết chỉ là câu kéo sự chú ý, có người chửi thẳng mặt, cũng có những kẻ đồng tình, kể lể về chuyện con gái nhà mình.
Những bình luận mới nhất lại là những câu mỉa mai.
“Bà tính nhắm vào tiền của con gái mình à?”
“Làm người tử tế chút đi, con gái thì không có quyền có tiền sao?”
“Vocal quá! Lố lăng thật đấy, không phải là đàn ông giả danh để phản dame chứ?”
Em trai dụi dụi mắt, bị mẹ đẩy ra khỏi phòng ngủ.
“Ăn sáng đi, lát nữa còn phải học lớp tiếng Anh giao tiếp mẹ đặt cho con.”
Nó nhăn nhó, bĩu môi lầm bầm về việc mẹ không công bằng.
Khung cảnh quen thuộc, nhưng cảm giác trong lòng tôi lại không giống trước nữa.
“À đúng rồi, Phan Phan, khoản tiền cô của con để dành cho con vẫn còn nguyên chứ?”
Mẹ đặt trước mặt tôi một bát cháo trắng, nhẹ nhàng hỏi.