Ngừng Rung Động - Chương 3
Tôi ngửa đầu nhìn trần nhà:
“Ồ.”
Anh cúi thấp đầu, như thể phải lấy hết can đảm mới dám nói:
“Anh nghe nói… năm đó em nhìn thấy đoạn hội thoại trong điện thoại anh…”
“Ồ ồ.”
Bất kể Cầm Sơ nói gì với tôi.
Tôi đều dùng mấy tiếng “ồ ồ ồ ồ” để đáp lại.
Cuối cùng, hình như anh ta cũng bị chọc giận.
Ngẩng phắt đầu lên, nhìn tôi không chớp mắt, vành mắt đỏ lên.
“Ôn Lê, ngoài ồ ồ ra, em còn biết nói gì nữa không?”
“À à?”
“Em nhất định phải tỏ ra lạnh lùng như vậy sao?”
Anh ta nắm lấy cổ tay tôi, giọng run rẩy.
“Rõ ràng trước đây, mỗi lần anh nói chuyện với cô gái khác, em sẽ giận, sẽ khó chịu.”
“Anh quên điều gì đó em nhờ, em sẽ nổi cáu, cả ngày không thèm nói chuyện với anh.”
“Anh thức trắng đêm bay từ Mỹ về để xem cuộc thi của em, khi em đoạt giải, em đã chạy từ sân khấu lao đến bên anh… Anh cả đời này không thể quên.”
Anh ta cứ thế nhắc đi nhắc lại những chuyện trong quá khứ.
Như thể làm vậy thì có thể chứng minh chúng tôi từng yêu nhau đến thế nào.
Thậm chí là, từng yêu rất sâu đậm.
Anh ta nói:
“Ôn Lê, em chưa bao giờ dùng ánh mắt đó để nhìn anh cả.”
Nhưng tôi chỉ thấy chán.
Chán ngắt và mệt mỏi.
Tôi nói:
“Ồ, vậy sao?”
13.
Cầm Sơ như thể mất hết sức lực, uể oải ngồi bệt xuống ghế.
Thật ra tôi hoàn toàn không cố ý.
Nhưng chuyện riêng của anh ta, tôi chẳng hứng thú gì, cũng không muốn tìm hiểu.
Ngoài mấy tiếng “ừm ừm”, “à à”, “ồ ồ”, tôi thật sự không nghĩ ra cách nào khác để đáp lại.
Đàn ông ấy mà.
Thật sự là những sinh vật kỳ lạ.
Tôi vĩnh viễn không thể hiểu nổi.
Chỉ tiếc, nơi này không phải nhà tôi.
Không thì giờ tôi đã lễ độ, nhẹ nhàng tiễn vị hôn phu cũ này ra khỏi cửa rồi.
Đúng lúc tôi đang lưỡng lự xem có nên tìm cớ rút lui một lát hay không, thì gặp bác sĩ tâm lý từng điều trị cho tôi hồi còn trong nước.
“Ôn Lê?”
Ông ấy vừa đi ngang qua hành lang, thấy tôi liền dừng bước.
Mỉm cười hỏi: “Vài hôm trước nghe nói em về nước, không ngờ gặp nhanh vậy. Dạo này sức khỏe thế nào rồi? Có còn gặp vấn đề cảm xúc gì nữa không?”
Tôi còn chưa kịp trả lời.
Cầm Sơ ngồi bên cạnh đã đứng bật dậy, phản ứng còn lớn hơn cả tôi.
“Sức khỏe, vấn đề cảm xúc? Là Ôn Lê? Cô ấy bị sao vậy?”
“Anh là Cầm Sơ?”
Bác sĩ hơi nhíu mày, nhìn anh ta từ trên xuống dưới.
Lúc điều trị thời kỳ đầu, tôi từng đưa cho bác sĩ xem vài tấm ảnh chụp chung của tôi và anh ta.
“Tôi nghĩ, hai người nên nói chuyện rõ ràng với nhau, điều đó sẽ giúp duy trì trạng thái ổn định hiện tại của em.”
“Dù sao thì, anh ta cũng được xem là nguyên nhân khởi phát bệnh của em mà.”
Sau một hồi suy nghĩ, bác sĩ quay sang nói với tôi như vậy.
Sau đó ông lại nhìn sang Cầm Sơ:
“Có lẽ anh vẫn chưa biết. Ôn Lê mắc chứng rối loạn nhận thức cảm xúc.”
“Chuyện này, phần lớn là vì anh mà ra.”
14.
Việc Cầm Sơ có biết bệnh của tôi hay không, thật ra tôi chẳng quan tâm.
Bản thân anh ta, đối với tôi mà nói, cũng chỉ là một sự tồn tại vô thưởng vô phạt.
Nhưng sau khi nghe bác sĩ kể rõ đầu đuôi, cảm xúc của anh ta lại ngay lập tức sụp đổ.
Anh chậm rãi ngồi xổm xuống.
Như một chú chó nhỏ bị lạc chủ, nép vào bên chân tôi.
Trông thảm hại và cô độc.
“Ôn Lê…”
Anh lẩm bẩm, giọng rất nhỏ, đưa tay ra muốn nắm lấy ngón tay cái của tôi.
Nhưng tôi né đi.
Cầm Sơ khựng lại, đầu cúi càng thấp hơn.
“Anh sai đến mức không thể tha thứ.”
“Khi đó cứng đầu, nói một đằng nghĩ một nẻo, đôi khi chính anh cũng không hiểu mình đang nói gì nữa.”
“Ôn Lê… em có thể… tha thứ cho anh không?”
Câu cuối cùng, anh hỏi rất khẽ, như sợ chạm phải điều gì đó.
Thế nhưng từ đầu đến cuối, anh ta không dám ngẩng đầu nhìn tôi một cái.
Những năm ở nước ngoài, tôi rất hiếm khi nhớ đến Cầm Sơ nữa.
Dù là những tháng ngày vui vẻ ngọt ngào giữa hai chúng tôi, hay nỗi tổn thương anh ta gây ra, cũng đều dần phai nhạt theo thời gian.
Cho nên, hoàn toàn không thể nói là tha thứ hay không tha thứ.
Dù sao thì, trong lòng tôi, anh ta đã chẳng còn để lại dấu vết gì sâu sắc nữa.
Tôi khẽ “ồ” một tiếng.
Anh ta ngẩng đầu ngay lập tức, đôi mắt sáng rực lên:
“Thật sao? Ôn Lê, em có thể tha thứ cho anh?”
“Chúng ta, còn có thể bắt đầu lại?”
Ờ…
Tôi bĩu môi:
“Không phải đâu, Cầm tiên sinh, chúng ta không quen thân.
Anh có thể đừng dùng cái giọng điệu đó để nói chuyện với tôi được không?”
15.
“Không quen.”
Cầm Sơ lặp lại hai chữ ấy trên đầu lưỡi, lăn qua lăn lại hai lần.
Sau đó cuối cùng anh ta cũng rời đi.
Cả người như mất hồn, lưng cũng khom xuống.
Chẳng còn chút nào dáng vẻ của một tổng tài trẻ tuổi đầy khí phách như trên ảnh tạp chí.
Tôi liếc nhìn đồng hồ, từ lúc Mạnh Hàng được đưa vào phòng khám đến giờ cũng gần một tiếng.
Tôi nheo mắt tựa vào tường, lại tranh thủ nghỉ thêm một chút.
Cánh cửa sau lưng cuối cùng cũng mở ra.
Y tá dìu tên xui xẻo kia bước ra ngoài.
“Bên trong bắp chân có mảnh kính sót lại, phải làm sạch, khử trùng rồi lấy dị vật ra, nên hơi tốn thời gian.”
Tôi nhận lấy Mạnh Hàng từ tay y tá, để anh dựa vào tay mình.
“Vận động hay nhảy múa gì đó, có ảnh hưởng không?” Tôi vội hỏi.
“Không đâu, không tổn thương gân cốt, nhưng mấy hôm nay phải nghỉ ngơi, nếu không sẽ dễ bị viêm nhiễm vết thương.”
Chung kết còn hai tuần nữa, vẫn kịp.
Chắc hôm nay sinh nhật khiến Mạnh Hàng mệt lả, trên đường tôi lái xe đưa anh về căn hộ, anh ngồi ở ghế phụ, nhanh chóng thiếp đi.
Trên chân anh quấn băng trắng.
Khiến tôi chợt nhớ đến một cảnh trong bài thi chung kết của chúng tôi—
Hoàng tử sa cơ bị truy sát, một mũi tên bay thẳng vào ngực từ phía xa.
Anh ngã gục bên bờ vực.
Tôi, trong vai quý nữ, quỳ xuống bên cạnh anh, hoảng loạn và đau đớn.
Cảnh cuối ấy, tôi vẫn luôn không thể nhập vai.
Rõ ràng động tác chẳng có gì sai, nhưng luôn thiếu một thứ gì đó.
Vì vấn đề cảm xúc, con đường vũ đạo của tôi mãi không thể bước thêm được nữa.
Thậm chí mấy năm trước còn từng nghĩ đến việc rút lui khỏi sân khấu, sớm chuyển sang làm giảng dạy.
Khi ấy, người ở bên cạnh tôi là Mạnh Hàng.
Anh không ngừng cổ vũ tôi:
“A Lê, đừng nói mấy lời nhụt chí như thế, thử lại lần nữa đi.”
“Em là người có thiên phú như vậy, chẳng lẽ lại để thứ này đánh bại sao?”
“Mấy chuyện hỉ nộ ái ố, ly hợp bi hoan… anh không tin con người không thể thay đổi, chắc chắn em sẽ cảm nhận được. Đúng không nào?”
16.
Mạnh Hàng chỉ nghỉ ngơi dưỡng chân ba ngày.
Sau đó đã hớt hải chạy đến nhà tôi, gõ cửa rầm rầm.
“A Lê, không được lười đâu! Chúng ta còn phải thi đấu nữa!”
Tôi thật sự hết cách với anh ta rồi.
Nhưng so với Cầm Sơ, ít ra anh ta còn tốt hơn, không đến quấy rầy tôi từ sáu giờ sáng.
Tôi mở cửa, nhíu mày nhìn anh:
“Chân anh chắc chắn ổn chứ?”
“Chỉ là vết thương ngoài da thôi, bôi thuốc trị sẹo là được, hoàn toàn không sao.”
Nói rồi, Mạnh Hàng liền nhảy bật lên làm một động tác xoạc chân giữa không trung.
Khiến tôi giật cả mình.
“Được rồi được rồi, anh đừng làm quá lên, coi chừng hàng xóm dưới nhà gọi 12345 khiếu nại bây giờ!”
Mục tiêu của tôi và Mạnh Hàng là huy chương vàng của cuộc thi quốc tế lần này.
Ban ngày, chúng tôi luyện tập không ngừng trong phòng múa.
Từng động tác quen thuộc đến mức như đã khắc vào máu thịt.
Đến tối, Mạnh Hàng sẽ lấy băng ghi hình ra, cùng tôi phân tích:
“A Lê, em xem mấy đoạn này… ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt, biểu cảm, cả run rẩy đầu ngón tay, đều có thể thể hiện cảm xúc của em.”
Tôi gật đầu như hiểu như không.
Một lát sau, anh chợt nhớ ra điều gì đó, liền bật dậy:
“Đúng rồi! Như lần anh bị thương ở quán bar hôm trước, em hoảng loạn đến vậy, anh nghĩ em có thể tái hiện lại tâm trạng lúc đó trong bài múa.”
Tôi chợt như quay lại tuổi mười tám, năm học đại học.
Đêm nào cũng thao thức nghĩ mãi, lúc ấy tâm trạng tôi ra sao, tại sao lại hoảng hốt, tại sao lại bối rối đến vậy chỉ vì một người khác?
Cho đến khi đứng trên sân khấu trận chung kết, chuẩn bị đến lượt chúng tôi biểu diễn.
Mạnh Hàng nhìn tôi, khẽ hỏi:
“A Lê, hôm nay em thấy trạng thái thế nào?”
Tôi không trả lời.
Khoảnh khắc đó, trong lòng tôi rất tĩnh lặng.
Nhưng tôi cảm thấy, dường như mình đã sắp vượt qua được giới hạn bản thân.
Trận đấu hôm ấy, là lần biểu diễn tôi thấy tốt nhất từ trước đến nay.
Phân cảnh cuối cùng mà trước nay tôi luôn không thể nhập tâm—
Lần này, tôi như thể đã tìm được cảm xúc thực sự.
Tôi hoàn toàn nhập vai, nhìn người đàn ông mình yêu vùi thây nơi chiến trường, dùng điệu múa để thể hiện bi thương, đau đớn, cô đơn và bất lực đến tận cùng.
Khi hoàn thành động tác cuối cùng, tôi quỳ xuống sân khấu.
Cùng với Mạnh Hàng, tạo nên khoảnh khắc đóng khung cuối cùng.
17.
Kết quả cuộc thi được công bố ngay trong ngày.
Tôi và Mạnh Hàng giành được huy chương vàng.
Là cặp đôi đạt điểm cao nhất trong số các thí sinh lọt vào chung kết.
Tôi còn chưa kịp phản ứng, Mạnh Hàng đã lao tới ôm chặt lấy tôi.
“A Lê, chúng ta làm được rồi!”
“Giấc mơ đó,” anh cười ngốc nghếch như mọi khi, “giấc mơ đó, hôm nay cuối cùng cũng thành hiện thực rồi.”
Khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy trái tim trong lồng ngực đập rộn ràng và chân thành.
Một cảm giác đã lâu lắm rồi tôi chưa từng có lại.
Vì đây là lần đầu tiên cuộc thi múa cổ điển quốc tế được tổ chức tại trong nước.
Số lượng phóng viên đến hiện trường đông hơn hẳn.
Sau lễ trao giải, tôi và Mạnh Hàng bị bao quanh bởi mic và máy quay.
Phần lớn câu hỏi xoay quanh sự nghiệp của cả hai—
Lịch trình tập luyện, tiết mục biểu diễn, phong cách giảng dạy của huấn luyện viên v.v…
Bất ngờ.
Một chiếc micro chen vào giữa.
Đặt ra một câu hỏi khá giật gân—
“Nghe nói, hai người là người yêu đúng không?”
Bầu không khí trên sân khấu đột nhiên lặng đi một nhịp.
Tôi và Mạnh Hàng liếc mắt nhìn nhau.
Những phóng viên còn lại thì mặt mày hớn hở, xoa tay chờ hóng hớt.