Mẹ Tôi Nói Bà Không Trọng Nam Khinh Nữ - Chương 1
1.
Trung thu năm ấy, tôi mang theo tổ yến, rượu Mao Đài và a giao hảo hạng mà bạn tôi mua giùm.
Em trai và em dâu chỉ mang theo một nải chuối, với một thùng sữa.
Mẹ cười tươi như hoa:
“Vẫn là Duệ Duệ hiếu thảo, biết mẹ thích ăn chuối, ba con thì thích uống sữa.”
Sau đó lại quay sang tôi:
“Mấy thứ con mang tuy đắt tiền, nhưng nhìn qua chẳng bằng em con có lòng.”
Tôi gật đầu: “Dạ, mẹ, vậy năm nay con không mừng tuổi nữa nhé. Con đến chùa quyên tiền nhang đèn, cầu cho ba mẹ mạnh khỏe sống lâu.”
Sắc mặt mẹ lập tức cứng đờ.
2.
Tôi làm việc ở một thành phố tuyến đầu, vì công việc hay đi công tác, không chăm sóc được nhiều cho gia đình.
Trong lòng thấy áy náy, nên tôi cố gắng bù đắp bằng tiền bạc.
Nhiều lúc ba mẹ lấy tiền của tôi đưa cho em trai, tôi cũng làm ngơ.
Dù sao, như mẹ tôi nói, lòng bàn tay và mu bàn tay đều là thịt, người trong nhà không cần tính toán chi li.
Nhưng sau khi quay lại lần này, tôi mới phát hiện sự thật hoàn toàn không như vậy.
Kiếp trước, sau khi tôi ch.t, ba mẹ đến công ty làm loạn, nhận được một khoản bồi thường.
Họ dùng tiền đó trả hết khoản vay mua nhà của em trai, còn dùng 200 ngàn để tổ chức minh hôn cho tôi, mua cho hai vợ chồng em trai một chiếc xe mới.
Mẹ tôi nói tôi chết cũng coi như có ích.
Ba thì bảo nuôi tôi đến lớn cũng không lỗ vốn.
Sống lại một lần, tôi ngộ ra một đạo lý:
Lòng bàn tay và mu bàn tay đều là thịt, nhưng mu bàn tay sao có thể so với lòng bàn tay?
3.
Trên bàn ăn, mẹ cười rạng rỡ gắp cổ gà vào bát tôi:
“Cổ gà mềm, con gái ăn đẹp da.”
Rồi lại gắp cái đùi vào bát em trai:
“Con trai ăn đùi gà, chạy nhanh, khỏe mạnh.”
Trước đây tôi từng tin là thật.
Nhưng giờ nhìn lại, chẳng qua chỉ là cái cớ để tôi ăn mấy phần thừa còn sót lại.
Bởi ai mà chẳng biết, đùi gà nhiều thịt hơn cổ gà chứ?
4.
Tôi gắp lại cái cổ gà, cũng gắp luôn một cái đùi.
Em trai lập tức không vừa lòng kêu lên:
“Chị ăn đùi gà rồi thì vợ em ăn gì? Trong bụng cô ấy là cháu nhà họ Tống đấy!”
Tôi đáp trả: “Gà có hai cái đùi, em nhường cái của mình ra là được chứ gì? Hơn nữa, nếu chị nhớ không nhầm, con gà này là do chị mua mà?”
Mẹ vội vàng giảng hòa: “Thôi thôi đừng cãi nhau nữa.
Lòng bàn tay và mu bàn tay đều là thịt, hai đứa tranh cãi, người làm mẹ như mẹ thấy buồn lắm.
Chỉ là một con gà thôi mà, mẹ đi mua con khác.”
5.
Ăn xong, mẹ đi rửa táo rồi chia cho mọi người.
Táo đưa cho em trai thì to, đỏ au.
Táo của tôi thì đầy vết xước, màu lại vàng xanh lẫn lộn.
Bà giả vờ như không thấy gì, ngồi cạnh tôi vừa gọt vỏ táo vừa lải nhải:
Nói gần đây trời lạnh, muốn mua cho ba cái áo khoác dày hơn.
Nói giá rau trên chợ tăng vọt, thịt cũng không dám ăn nữa.
Ẩn ý trong lời nói chỉ có một:
— Không đủ tiền tiêu.
6.
Kiếp trước, mẹ cũng hay giả nghèo với tôi như vậy.
Mỗi lần như thế, tôi đều chuyển khoản cho bà, còn mua không ít đồ gửi về.
Thực ra ba mẹ có lương hưu, sống cũng không đến nỗi chật vật như vậy.
Chẳng qua là phần lớn tiền đều đổ vào cho em trai.
Em trai thì lười biếng, làm vài công việc lặt vặt ở thành phố, ba ngày làm, hai ngày nghỉ.
Bạn gái thì mang thai trước khi cưới, yêu cầu phải có nhà ở thành phố.
Tôi thương ba mẹ già rồi mà còn phải lo cho con cái, nên gom hết tiền tiết kiệm đưa cho em trai trả tiền đặt cọc mua nhà.
Nhưng nó không chịu đi làm tử tế, không trả nổi khoản vay, còn thường xuyên xin ba mẹ trợ cấp, gần như vét sạch nhà cửa.
7.
Giờ lại giở chiêu cũ, tôi chỉ vờ như không nghe thấy.
Sau đó đổi đề tài, bắt đầu than thở:
“Năm nay ngành ế ẩm, đơn hàng ít. Hiệu suất không đạt, bị sếp mắng suốt, chỉ muốn nghỉ việc cho rồi…”
Mẹ lập tức buột miệng:
“Con không được nghỉ việc! Con mà nghỉ thì ai trả tiền nhà cho em con?”
Tôi im lặng.
Bà dường như cũng nhận ra mình lỡ lời, liền chữa lại:
“Bây giờ tình hình khó khăn, nghỉ rồi sợ không kiếm được việc mới.
Không phải xã hội đang kêu gọi nam nữ bình đẳng sao? Con gái cũng nên có sự nghiệp của riêng mình.”
Ba lại nói:
“Nghỉ cũng không sao, về đây kiếm người đáng tin mà lấy, cũng coi như giúp đỡ gia đình.”
Em trai cũng góp lời:
“Em thấy được đấy, Huệ Huệ còn hai tháng nữa là sinh rồi, chị về trông con giúp em là vừa đẹp. Xe của chị để em lái luôn, dù sao chị cũng đâu cần nữa.”
Bọn họ hào hứng bàn bạc tương lai của tôi.
Tôi chỉ ngồi bên, lạnh lùng quan sát.
Có lẽ là vì đã trải qua một lần, lần này tôi mới nhìn rõ được —
Thì ra, họ mới là một gia đình thân thiết, yêu thương nhau.
Còn tôi, chỉ là một túi máu di động, vai trò duy nhất là cung cấp dưỡng chất.
8
Hôm sau, mẹ bảo tôi đưa bà đi thị trấn gần đó mua sắm.
Trước kia mỗi lần tôi về nhà, bà cũng thường đưa ra yêu cầu này, lần nào tôi cũng vui vẻ đồng ý.
Nhưng bà lúc nào cũng mua rất nhiều thứ, cứ như muốn dọn cả siêu thị về nhà, chẳng màng đến việc có dùng tới hay không.
Có lần, bà còn đặt nguyên nửa con bò từ lò mổ.
Tôi không ăn thịt bò, nhưng người trả tiền lại là tôi.
Cuối cùng chỗ thịt bò đó cũng được mang hết cho em trai.
Tôi không muốn làm kẻ ngu ngốc nữa nên từ chối:
“Con đang đến tháng, bụng khó chịu, để em con đưa mẹ đi đi.”
Mẹ lại cứ kéo tôi ra cửa:
“Em con còn đang ngủ, đừng đánh thức nó.
“Đến tháng thôi mà, chịu một chút rồi cũng qua.
“Đợi về mẹ xào trứng cho con ăn, chẳng phải con thích ăn trứng nhất à?”
Tôi mặt lạnh gạt tay bà ra:
“Không đi, đau bụng.”
Mẹ bực dọc:
“Con gái gì mà lớn rồi cứng cáp, sai bảo không được nữa rồi…”
9
Mọi năm, mỗi dịp lễ tết tôi đều biếu ba mẹ một phong bao lì xì đỏ trị giá hai vạn.
Nhưng lần này, có lẽ vì tôi mãi chưa đưa bao lì xì nên họ bắt đầu sốt ruột.
Đến bữa tối, mẹ lại bắt đầu than nghèo.
Bà nói chân đau tái phát, muốn đi bệnh viện khám mà trong tay không có tiền.
Ba thì bảo cái áo khoác lông vũ mặc đã hai năm, không còn giữ ấm được nữa.
Ống nước trong nhà bị rò rỉ lâu rồi, muốn tìm người đến sửa mà giờ chi phí nhân công cao quá…
Tôi giả bộ khó xử:
“Tháng này con thật sự không còn đồng nào.”
Thấy sắc mặt mọi người quanh bàn tối sầm lại, tôi vội nói thêm:
“Nhưng tháng sau công ty con phát thưởng quý, gần mười vạn lận.
“Lúc đó một nửa con sẽ đưa cho em trả nợ tiền nhà, nửa còn lại báo hiếu ba mẹ.”
Sắc mặt mẹ mới dịu lại, cười tươi bóc cho tôi một quả trứng gà.
10
Kỳ nghỉ nhanh chóng kết thúc.
Lúc trở về, mẹ lại như thường lệ chuẩn bị một ít đồ cho chúng tôi mang theo.
A giao, tổ yến, rượu Mao Đài tôi mang đến đều được xếp lên xe em trai.
“Đống này để em con mang về, để Huệ Huệ bồi bổ sức khỏe, sinh cho nhà ta một cháu đích tôn.”
Rồi bà bê thêm một rổ trứng gà:
“Chỗ này con mang về đi, trên thành phố trứng đắt lắm, phải biết tiết kiệm.
“Còn có sữa đậu nành nhà lão Vương, mẹ dậy sớm xếp hàng mới mua được đó, ngoài kia không dễ gì mua đâu.”
Tôi từ chối:
“Thôi mẹ, đường con đi mất hơn ba tiếng, mang trứng với sữa đậu nành vất vả lắm.”
Mẹ lập tức biến sắc:
“Con không mang theo thì truyền ra ngoài, người ta lại tưởng mẹ thiên vị, trọng nam khinh nữ đấy!
“Lòng bàn tay và mu bàn tay đều là thịt, mẹ lúc nào cũng đối xử công bằng với hai đứa mà!”
11
Kiếp trước bà cũng nói như vậy.
Khi đó không đành lòng từ chối “lòng tốt” này, tôi đành gom chúng lại thành một túi riêng để ở ghế sau.
Ai ngờ mẹ lại lén nhét trứng và sữa đậu nành vào hành lý của tôi.
Đến lúc phát hiện thì đã ba tiếng sau.
Sữa đậu nành đã đổ hết, trứng cũng vỡ nát.
Hành lý tôi ướt nhẹp, loạn hết cả lên, điều tệ nhất là laptop bị nước vào, tắt hẳn không mở lại được.
Trong máy là tài liệu chuẩn bị cho cuộc họp công ty tối hôm đó.
Dù tôi đã cố gắng cứu vãn trong thời gian ngắn, nhưng do thiếu sót về chi tiết, cuộc hợp tác vẫn thất bại.
Vì sai sót này, công ty bắt đầu nghi ngờ năng lực làm việc của tôi.
Trong đợt điều chỉnh cơ cấu, họ uyển chuyển khuyên tôi nên rút lui.
Tinh thần tôi rối loạn, lúc đi xuống cầu thang thì sơ ý trượt chân, ngã xuống và tử vong tại chỗ.
12
Lần này làm lại, tôi vui vẻ đồng ý:
“Vâng, cảm ơn mẹ, con thích nhất sữa đậu nành nhà bác Vương.”
Rồi quay người nhét túi vào xe của em trai.
Xe nó chất đầy đồ như núi, căn bản không phát hiện thêm một túi.
Tối đó, em dâu nổi điên trong nhóm gia đình:
【Trứng gà với sữa đậu nành ai để vào xe thế hả?!
【Bộ váy liền của tôi bị hỏng hết rồi! Cái này hơn ba vạn đó! Phải đền cho tôi!】
Mẹ gọi điện cho tôi, nhẹ nhàng hỏi:
“Châu Châu à, sữa đậu nành chẳng phải mẹ đưa cho con sao? Sao lại ở trên xe em con?
“Huệ Huệ đang giận lắm, đòi mẹ phải đền, cái váy đó cũng khá đắt…”
Tôi giả vờ ngơ ngác:
“Chắc mẹ để nhầm rồi đấy, hoặc em con cầm nhầm thôi.
“Mẹ ơi con sắp họp rồi, mình nói chuyện sau nha.”
Tôi cúp máy, để điện thoại sang một bên, chuyển sang chế độ im lặng, toàn tâm toàn ý chuẩn bị cho cuộc họp.