Mẹ Chồng Bất Bại - Chương 3
06.
Nhưng kể từ lần đó, thái độ của Tống Trầm với tôi bắt đầu thay đổi.
Anh đưa Lý Tình về nhà, và mãi đến hôm sau mới quay lại.
Không biết bố mẹ anh đã nói gì với anh, nhưng khi anh trở về, vừa day trán vừa trách móc tôi:
“Bà xã, em có cần nhất định phải cãi nhau với mẹ anh không?”
Tôi: “?”
Tôi đáp:
“Tống Trầm, anh nói rõ xem, thế nào gọi là em nhất định phải cãi nhau với mẹ anh? Em đã tránh bà ấy đến mức không muốn gặp mặt rồi. Là bà ấy cố ý đến đây gây chuyện!”
Tống Trầm nghẹn lời.
Nhưng một lúc sau, anh lại nói:
“Bà xã, em không thấy mình quá cứng rắn sao? Rõ ràng chỉ cần em nói với mẹ anh vài câu nhẹ nhàng là có thể giải quyết, vậy mà em cứ phải đối đầu với bà.”
Tôi không đồng tình.
Tôi nói:
“Tống Trầm, đừng PUA* em. Mẹ anh đến nhà gây sự mà còn có lý à? Nếu anh nói được lời tử tế thì nói, không thì im lặng đi.”
(*PUA: Một thuật ngữ ám chỉ hành vi thao túng tâm lý.)
Ba ngày sau, bố chồng đến tìm tôi, và tôi mới hiểu tại sao thái độ của Tống Trầm lại thay đổi.
Sau khi Tống Trầm đưa Lý Tình về nhà, bà lại diễn một màn “một khóc hai la ba đòi chết” ngay tại nhà mình. Thậm chí bà còn rạch cổ tay, suýt phải nhập viện.
Hành động này của bà khiến Tống Trầm kinh hãi.
Bố chồng, người luôn cho rằng những mâu thuẫn trong nhà không liên quan đến mình, lần này đã mắng thẳng Tống Trầm:
“Có phải lấy vợ là muốn biến nhà này gà bay chó sủa, tan cửa nát nhà thì con mới hài lòng không?”
Họ hàng nhà họ Tống, sau khi biết chuyện Lý Tình rạch cổ tay, cũng thi nhau lên án Tống Trầm.
Họ nói anh bất hiếu, muốn ép chết mẹ mình. Nhân tiện, họ cũng chỉ trích tôi, nói tôi đã làm con dâu mà không biết điều, không chịu nhường nhịn mẹ chồng, không có chút quy tắc nào.
Thấy bố chồng và họ hàng đứng về phía mình, Lý Tình lập tức được thể đòi hỏi: yêu cầu tôi xin lỗi bà và mua một chiếc vòng vàng, khi đó mọi chuyện mới xong.
Tôi không đi xin lỗi, cũng không mua vòng vàng cho bà.
Vì vậy, bố chồng dẫn Lý Tình đến nhà tôi, muốn “giải quyết” chuyện này.
Khi bố chồng đến, Tống Trầm cũng không nói một lời để bênh vực tôi, coi như ngầm đồng ý với yêu cầu của bố.
Nhìn Tống Trầm im lặng ngồi trên sofa, tôi hồi tưởng lại từ lúc chúng tôi còn mặc đồng phục học sinh, cho đến lúc mặc áo cưới, rồi có Tiểu Tinh Tinh.
Cuối cùng, tôi chỉ nói với anh hai chữ: “Ly hôn.”
Tôi nghĩ rõ rồi, nếu hôm nay tôi xin lỗi Lý Tình, ngày mai bà sẽ đòi hỏi nhiều hơn nữa.
Nghe tôi nói xong, Tống Trầm không tin nổi, hỏi:
“Bà xã, chỉ vì một lời xin lỗi mà em muốn ly hôn với anh?”
Tôi cười nhạt. Đây chỉ là vấn đề một lời xin lỗi thôi sao?
Tôi còn chưa kịp nói rõ với Tống Trầm thì Lý Tình bên cạnh đã la lối:
“Tần Tuyết, tôi nói cho cô biết, nếu cô ly hôn, đừng mơ mang Tiểu Tinh Tinh đi!”
Tôi gật đầu, không muốn phí lời thêm với họ, đưa Tiểu Tinh Tinh cho Tống Trầm, rồi ra ngoài tìm việc. Suốt nửa tháng sau, tôi không quay lại, mà ở nhờ nhà bạn.
Nửa tháng sau, Tống Trầm đến xin lỗi tôi, hứa rằng từ giờ bố mẹ anh sẽ không làm phiền tôi nữa.
Lý Tình và bố chồng cũng không yêu cầu tôi xin lỗi bà nữa.
Tôi hiểu lý do vì sao.
Vì sau khi tôi không đưa Tiểu Tinh Tinh theo, Tống Trầm phải đi làm, còn Lý Tình thì chê chăm sóc Tiểu Tinh Tinh một mình quá mệt mỏi. Bố chồng lại là người chẳng bao giờ động tay vào việc gì, không thể giúp bà. Cuối cùng, bà mới chịu im hơi lặng tiếng rời đi.
Thấy Tiểu Tinh Tinh còn nhỏ, tôi quyết định không ly hôn với Tống Trầm.
Dù sao, chỉ cần Lý Tình không gây chuyện, Tống Trầm vẫn là một người chồng tốt. Anh đi làm ban ngày, tối về giúp tôi chăm sóc Tiểu Tinh Tinh, chưa từng than phiền một lời. Lương nhận được cũng đưa hết cho tôi ngay.
Hơn nữa, tôi từng chịu khổ sở khi mẹ qua đời và phải sống với mẹ kế, không muốn Tiểu Tinh Tinh trải qua điều tương tự.
Ngay cả khi tôi giành được quyền nuôi dưỡng, khoản trợ cấp từ Tống Trầm cũng không đủ để tôi nuôi con mà không đi làm.
Cân nhắc mọi thứ, tôi quyết định quay về tiếp tục chăm sóc Tiểu Tinh Tinh.
Sau lần đó, đúng như Tống Trầm nói, Lý Tình không còn công khai đến làm phiền tôi trong suốt mấy năm. Những trò mờ ám của bà, tôi cũng làm ngơ vì Tiểu Tinh Tinh.
Chỉ như vậy, tôi mới có được vài năm hôn nhân yên ổn với Tống Trầm.
Nhưng bây giờ, bố chồng đã mất, Tống Trầm lại muốn đưa mẹ anh về sống cùng, để tiếp tục gây khó dễ cho tôi.
Anh đúng là dám nghĩ.
Và sự thật chứng minh, không chỉ dám nghĩ, anh còn dám làm.
Sau một tuần cãi nhau vì chuyện mẹ anh muốn đến sống chung, cuối cùng anh tự ý đón Lý Tình về nhà chúng tôi.
07.
Tan làm về nhà, tôi nhìn thấy Lý Tình đang nằm dài trên sofa xem video ngắn, cơn giận lập tức bốc lên.
Thấy tôi, bà mở miệng liền trách móc:
“Tần Tuyết, sao cô về muộn thế? Tủ lạnh chẳng còn gì cả, tôi muốn nấu ăn cũng không có đồ. Cô với Tống Trầm không lẽ định sống nhờ đồ ăn ngoài mãi sao?
“Thảo nào cô gửi Tiểu Tinh Tinh vào trường nội trú. Hóa ra là để lười biếng, không phải nấu ăn cho nó.”
Tôi: “…”
Trước đây, việc chúng tôi cho Tiểu Tinh Tinh học nội trú là vì hai lý do:
Thứ nhất, cả tôi và Tống Trầm đều bận rộn với công việc. Những năm gần đây, để sớm trả hết nợ nhà và giảm áp lực tài chính, chúng tôi làm việc như điên. Tôi thậm chí chuyển sang làm nhân viên bán hàng, thường xuyên tăng ca, không thể đảm bảo việc đón con đúng giờ.
Thứ hai, chúng tôi không muốn Lý Tình đến nhà làm loạn. Khi Tiểu Tinh Tinh bắt đầu đi học, bà từng nói muốn giúp chúng tôi chăm con.
Nhưng tôi biết rõ, cái “giúp” của bà chỉ là đến nhà chỉ tay năm ngón, biến tôi thành người vừa chăm con, vừa phải cung phụng bà và con trai bà như hoàng đế và thái hậu.
Để tránh rước thêm phiền phức, tôi từ chối thẳng.
Nhưng Lý Tình hoàn toàn không tự giác, cứ phàn nàn mãi không ngừng:
“Tần Tuyết, cô làm mẹ kiểu gì vậy? Tiểu Tinh Tinh còn nhỏ thế mà cô nỡ để nó ở trường một mình, chỉ để bản thân thoải mái. Cô thật là độc ác!”
“Không phải tôi nói cô…”
Nghe bà ta trách móc, cơn giận trong tôi càng dâng cao. Tôi lườm bà, lạnh lùng nói:
“Câm miệng. Tôi không cần nghe bà nói.”
Lý Tình: “…”
Tôi không muốn cãi nhau với bà, nhắm mắt hít một hơi để kìm nén cơn giận, rồi vào phòng gọi điện cho Tống Trầm:
“Tống Trầm, anh định làm gì đây?”
Anh ậm ừ trong điện thoại:
“Bà xã, mẹ anh ở nhà một mình, anh thật sự không yên tâm. Em cứ để bà ở nhà mình một thời gian đi. Qua một thời gian nữa, bà sẽ tự về.”
Anh nghĩ tôi là trẻ con chắc? Lý Tình tự mình về? Không bao giờ có chuyện đó.
Chỉ trong một tuần cãi nhau vì chuyện bà muốn đến ở, bà đã kéo cả họ hàng đến để gây áp lực với tôi.
Họ gọi điện thuyết giáo tôi:
“Tần Tuyết, mẹ chồng cô chỉ có mình Tống Trầm là con trai. Giờ bố chồng cô mất rồi, bà không ở cùng các cô thì ở đâu? Làm con cháu phải biết nghĩ cho bề trên, đừng bới móc những chuyện nhỏ nhặt ngày xưa nữa.”
“Hãy nhớ mẹ chồng cô nuôi dạy Tống Trầm không dễ dàng gì. Vì anh ấy, cô nên để bà ở chung. Mà bà cũng đã 60 tuổi rồi, còn sống được bao lâu đâu?”
“Rồi cô cũng sẽ già. Sau này, nếu Tiểu Tinh Tinh kết hôn, con dâu không cho cô ở cùng, cô có chịu được không?”
Tôi đáp gọn lỏn:
“Nếu các người thấy bà ấy khổ sở, sao không đón về mà hiếu thuận?”
Nói xong, tôi chặn hết liên lạc với đám họ hàng của bà. Khi đó họ mới chịu dừng lại.
Giờ đây, tôi hít sâu một hơi, nói với Tống Trầm:
“Hoặc là anh về ngay và đưa mẹ anh đi, hoặc đừng trách tôi không nể mặt, đuổi bà ra khỏi nhà.”
Tống Trầm im lặng một lúc, rồi nói:
“Tần Tuyết, em làm thế có ý nghĩa gì? Bà ấy là mẹ anh mà.”
Tôi không muốn lãng phí thời gian đôi co, đáp thẳng:
“Đừng lặp lại mấy lời vô nghĩa đó nữa. Tôi hỏi anh lần cuối, anh tự về đưa mẹ anh đi hay để tôi đuổi bà ra ngoài?”
Tôi còn chưa chờ được câu trả lời từ Tống Trầm thì cánh cửa phòng tôi đã bị gõ ầm ầm.
Lý Tình đứng ngoài cửa hét lên:
“Tần Tuyết, cô lấy tư cách gì đuổi tôi? Căn nhà này cũng là của con trai tôi. Tôi nói cho cô biết, tôi muốn ở đây bao lâu thì sẽ ở bấy lâu.”
Bà tiếp tục gào thét:
“Cô là cái thá gì, nghĩ mình ghê gớm lắm chắc?”
Tôi: “…”
Tôi thật sự đã nể mặt bà quá rồi.
Tống Trầm, dù đang nghe thấy mọi chuyện qua điện thoại, vẫn giữ im lặng.
Càng nghĩ, tôi càng tức. Tôi cúp điện thoại, ra ngoài, gom hành lý của bà cùng bà, đẩy hết ra khỏi cửa.
“Nhà này đúng là con trai bà có phần, nhưng bà thì không. Không có sự đồng ý của tôi, bà không ở đây được. Cút!”
Bị tôi đẩy ra ngoài, Lý Tình tức giận đứng ở cửa, mắng lớn:
“Tần Tuyết, cô đối xử với người già thế này, sẽ bị báo ứng đấy!”
Tôi cười nhạt:
“Báo ứng lớn nhất đời tôi là năm đó bị mù mắt, cưới con trai bà.”