Hơi Ấm Gia Đình - Chương 1
1
Hai mươi năm trước, cả nhà lái xe đi du lịch.
Hàng ghế sau có chị gái, em trai cùng tôi.
Rõ ràng có ba đứa trẻ nhưng bố mẹ lại chọn cách bỏ quên tôi đang ngủ trong xe.
Đến khi tôi tỉnh dậy, toàn thân bị hơi nóng bao trùm, cảm giác ngột ngạt không thở nổi, cứ như rơi vào cái nồi sôi sùng sục trong động của yêu tinh rắn và bọ cạp vậy.
Tôi cố hết sức mở cửa xe và cửa sổ.
Nhưng đều bị khóa chặt.
Tôi nhìn qua khe hở của cửa sổ, cố gắng hét lên, mới gây được sự chú ý của người đi đường.
Người đi đường tìm thấy cảnh sát.
Cảnh sát đưa cho tôi một ống hút qua cửa sổ, để tôi uống nước hạ nhiệt trước.
Họ gọi điện cho bố mẹ tôi.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ giọng nói của bố mẹ tôi truyền đến qua loa ngoài của điện thoại di động.
“Xe mới mua, bố chưa mua bảo hiểm, không thể đập được…”
“Dù sao cũng có khe hở, làm sao có thể dễ xảy ra chuyện được?”
“Tôi đưa cho con bé một ít bánh quy, đồ ăn vặt, để con bé đợi.”
Còn có cả giọng nũng nịu của chị gái.
“Mẹ ơi, con muốn chơi cái kia…”
Giọng giục giã của em trai.
“Bố ơi, đến nhanh lên, đến nhanh lên…”
Một nhà bốn người, đông đủ cả, không một ai muốn đưa tôi theo.
2
Hai mươi năm sau, thành phố P.
Tôi gõ bàn phím, làm công việc bàn giao.
Một số điện thoại lạ rung lên và hiện trên màn hình điện thoại.
“Alô?”
“Bối Đa à, mẹ đây! Bọn họ không có lương tâm, bỏ mặc mẹ mà đi…”
Tôi không hiểu gì cả.
“Bọn họ là ai? Đã làm gì mẹ?”
Đúng lúc đó, điện thoại hiện lên thông báo tin tức, thành phố Y xảy ra trận động đất 3,8 độ richter.
Bên tai tôi là tiếng mẹ tôi thỉnh thoảng lại khóc lóc kể lể.
“Bối Duẫn bế Tiểu Bảo chạy đi thì thôi đi, Bối Thừa dắt theo Phú Quý Nhi, còn cái thằng cha chết tiệt của con chỉ lo cho mấy thứ đồ kia…”
“Không một ai trong số họ nhớ đến mẹ…”
Tôi nhớ lại câu mà hồi nhỏ họ thích dặn dò tôi nhất.
“Con đừng nhúc nhích, cứ ngoan ngoãn ở đây. Khi nào chúng ta rảnh, tự nhiên sẽ quan tâm đến con, nghe rõ chưa!”
Vì vậy, tôi đã nhắc lại câu này với mẹ tôi.
“Mẹ cứ ngoan ngoãn ở nguyên chỗ. Khi nào họ rảnh, tự nhiên sẽ quan tâm đến mẹ.”
Mẹ tôi nghẹn lời, lập tức nổi giận.
“Bối Đa! Con có phải đang lôi chuyện cũ ra để cãi mẹ không hả!”
“Những năm qua, con có thiếu ăn thiếu mặc không? Không phải gia đình nuôi con ăn học đại học thì con có thể đến thành phố lớn vào công ty lớn được không?”
“Con cũng vô lương tâm như bọn họ vậy!”
Mắng đến cuối cùng, bà mới miễn cưỡng vào vấn đề chính.
“…Mẹ mặc kệ, con mau chuyển một vạn tệ cho mẹ ngay. Mẹ đang cần gấp!”
Trái tim tôi như bị ai đó đâm một nhát.
Không đau không ngứa nhưng rất khó chịu.
“Không có.”
“Không có cái gì?”
Tôi từng chút một nhớ lại những chuyện cũ.
“Bố mẹ không nuôi tôi ăn học đại học, tôi học bằng tiền vay của ngân hàng.”
“Ngay từ đầu, các người đã định sinh thêm một đứa con trai nên hộ khẩu của tôi được dừng ở nhà người khác.”
“Bản thỏa thuận nhận con nuôi viết tay, tôi vẫn còn giữ.”
“Sau này không có chuyện gì thì đừng tìm tôi nữa.”
“Bởi vì tôi sẽ không ngoan ngoãn ở nguyên chỗ đợi các người… lương tâm trỗi dậy.”
“Lương tâm ấy mà, vốn dĩ không có thì không đáng để cưỡng cầu.”
Tôi tưởng rằng mẹ tôi sẽ càng tức giận hơn nhưng không ngờ bà lại không kìm được mà khóc nức nở.
Tôi không đợi bà phát tác, trực tiếp cúp điện thoại.
3
Những trận động đất dư liên tiếp trong nhiều ngày ở thành phố Y khiến người dân vô cùng lo lắng.
Các phương tiện truyền thông đưa tin, có rất nhiều người dân không dám ở trong nhà, mà dựng lều ở những nơi thoáng đãng.
Vòng bạn bè của Bối Duẫn, ngoài việc đăng ảnh khoe con, khoe túi xách, khoe ảnh chỉnh sửa làm đẹp.
Bây giờ còn đăng thêm một số hoạt động phòng ngừa ở vùng động đất.
Chỉ là góc ảnh luôn vô tình để lộ logo của một số thương hiệu nổi tiếng.
Tôi lại xem Bối Thừa đăng ảnh khoe chó.
Sự nuối tiếc khi bố tôi không thể đưa cả gia đình đi câu cá ở hồ chứa nước.
Mỗi người trong số họ đều tinh thần phấn chấn, cuộc sống tươi đẹp.
Bạn bè của mẹ tôi thì chỉ có hai dấu gạch ngang và một chấm.
Dù sao thì, có thể gọi điện thoại thì vẫn bình an.
Cho đến ba ngày sau.
Bối Duẫn gửi một tin nhắn.
“Bối Đa, mẹ có đến chỗ em không?”
Tôi đang tập thể dục buổi sáng.
Dừng chân, trả lời một câu.
“Không.”
Điện thoại của Bối Duẫn gọi đến.
“Bối Đa, mẹ, mẹ mất tích rồi.”
Tôi nhìn ra bãi biển tập thể dục buổi sáng, ánh bình minh xuyên qua những đám mây dày đặc, chiếu những tia sáng vàng rực rỡ.
Tôi sắp ra nước ngoài rồi.
Thực sự cần phải về một chuyến.
Theo lời Bối Duẫn nói.
Họ mới phát hiện mẹ mất tích vào sáng nay.
Cũng là ngày thứ ba sau khi xảy ra động đất.
Bối Duẫn bận rộn chăm sóc Tiểu Bảo ở nhà chồng.
Bối Thừa bận rộn trông nom con chó bị căng thẳng trong trận động đất.
Bố tôi bận rộn… ông cũng không nói rõ, bận rộn chuyện gì.
Tóm lại, tất cả mọi người đều bận rộn.
Bối Duẫn cho rằng, bố, Bối Thừa và mẹ sống chung với nhau, làm sao họ có thể không biết mẹ đi đâu.
Bối Thừa cười khẩy, cậu ta đã chuyển ra khỏi nhà từ lâu rồi, tại sao lại đổ lỗi cho cậu ta?
Bố tôi thì nói, hôm đó ông cãi nhau với mẹ vài câu, sau đó mẹ mất tích, ông tưởng mẹ đến chỗ Bối Duẫn.
Bối Duẫn trong nhóm gia đình tạm thời, mở micrô lên nói rất hăng hái.
“Sao lại đổ lỗi cho tôi nữa rồi? Nếu không phải tôi phát hiện mẹ mất tích thì bố và Bối Thừa vẫn còn đang mơ màng đấy!”
Bố tôi:
“Con có thể tìm mẹ con, chẳng phải vì con cần mẹ con trông Tiểu Bảo cho con sao, mẹ con thực sự trông giúp con thì con lại không vui sao?”
Bối Thừa không nói một lời nào.
Ước chừng vẫn đang chăm sóc con chó của cậu ta.
Bối Duẫn và bố tôi cãi nhau qua lại mấy lần, cuối cùng vẫn hướng mũi nhọn về phía tôi.
“Bối Đa, trước khi mẹ mất tích có tìm con không?”
Tôi chỉ trả lời: “Đã báo cảnh sát chưa?” Trong nhóm im lặng như tờ.
Nếu họ thực sự lo lắng thì sẽ không đổ lỗi cho nhau, mà là báo cảnh sát ngay lập tức.
5
Đợi đến khi tôi về đến quê nhà, cùng cái đám được gọi là “người nhà” kia đến đồn cảnh sát.
Bố tôi mới chậm chạp nói với chúng tôi.
Mẹ tôi bỏ nhà đi đã lấy thẻ của ông ta.
Mẹ tôi ở khu danh lam thắng cảnh địa phương của thành phố Y.
Đã mở phòng đắt nhất trong thôn nghỉ dưỡng của khu danh lam thắng cảnh.
Tắm suối nước nóng đắt nhất.
Làm trọn gói dịch vụ chăm sóc toàn thân.
Cho đến khi quẹt sạch thẻ tín dụng của bố tôi.
Thực sự là không hề bạc đãi bản thân.
Cảnh sát hỗ trợ chúng tôi điều tra vừa vặn theo dõi được thông tin chứng minh thư của mẹ tôi.
Nghe thấy lời này, nhíu mày nhìn chúng tôi.
Như thể cả nhà chúng tôi đều là đồ ngốc.
Đúng không?
Cả nhà tụ họp ở đồn cảnh sát.
Bối Duẫn không quên mang theo con trai Tiểu Bảo của cô ta.
Bối Thừa cũng không quên mang theo con chó của cậu ta.
Bố tôi không quên nói chuyện điện thoại với một “người bạn tâm giao” nào đó, lải nhải không ngừng.
Từng người một đều rất thoải mái, không ai vội vàng.
Cảnh sát hỏi: “Trong gia đình có mâu thuẫn gì không?”
Tôi: “Không rõ.”
Những người khác tất nhiên không tiện nói rằng, khi xảy ra động đất đã quên mất mẹ tôi.
Có câu nói thế nào nhỉ, trước thiên tai nhân họa, con người mới có thể vô thức nhớ ra điều gì là quan trọng nhất.
Mẹ tôi có lẽ đã ngộ ra, không có gì quan trọng hơn bản thân mình nên mới bỏ nhà đi trong cơn tức giận.
Điểm này, tôi đã ngộ ra sớm hơn mẹ tôi hai mươi năm.
Điểm khác biệt là, mẹ tôi trải qua thiên tai, còn tôi trải qua nhân họa.
6
Khi cả nhà lái xe đến khu danh lam thắng cảnh, để giải cứu người mẹ bị bắt lại ở khu nghỉ dưỡng vì không trả được tiền.
Tiểu Bảo vừa ăn khoai tây chiên, vừa bôi đầy tương cà lên mặt.
Bối Duẫn vừa mắng dữ dội.
Sau đó hoảng hốt xách túi xách của tôi.
“Bối Đa, Tiểu Bảo không cố ý đâu, cái túi này không đắt chứ, làm bẩn rồi à?”
Tôi ngồi ở ghế phụ, kéo túi xách về.
“Tiểu Bảo không cố ý, chỉ cần chị cố ý là được, lát nữa em sẽ gửi cho chị chi phí vệ sinh sửa chữa túi xách, chị nhớ trả tiền là được.”
Bối Duẫn tức đến đỏ mặt.
“Ai biết cái túi của cô có phải hàng thật không, làm gì mà ra vẻ.”
Tôi: “Tôi sẽ gửi hóa đơn mua hàng và biên lai kiểm định cho cô, nếu không được thì luật sư của tôi cũng có thể tranh luận với cô.“
Bối Duẫn đá mạnh vào ghế của tôi, mắng:
“Cô giả vờ cái gì! Cho dù cái túi của cô là hàng thật thì ai biết là thằng đàn ông nào tặng!“
Tiểu Bảo sợ hãi khóc òa lên.
Tôi liếc chị ta một cái.
“Chị nghĩ như vậy cũng đúng, dù sao thì chị quá quen với việc xin xỏ đàn ông rồi.“
“Bối Đa, đồ đàn bà đê tiện…“
Nhưng bố tôi quát Bối Duẫn trước.
“Con câm miệng cho bố, đang lái xe đấy, muốn làm yêu thì xuống xe mà làm.“
Bối Thừa ôm con chó của cậu ta cũng trách móc.
“Cãi nhau ầm ĩ cái gì? Phú Quý vốn đã say xe, nếu nó bị kích thích thì tôi không tha cho chị đâu!“
Bị hai người đàn ông trong nhà lần lượt quát mắng.
Bối Duẫn thấy không ai ủng hộ, lúc này mới ngậm miệng.
Nhưng lại ngồi ở ghế sau, véo Tiểu Bảo để trút giận.
“Ăn đi ăn đi, ăn chết mày đi!“
Tiểu Bảo khóc như muốn đứt hơi.
Cuối cùng là Bối Thừa mắng chị ta, Bối Duẫn mới có chút kiêng dè.
Gia đình chúng tôi,thứ tự chuỗi thức ăn đã sớm thay đổi.
Tâm lý của Bối Duẫn vẫn dừng lại ở thời thơ ấu, tự cho mình là công chúa nhỏ được cưng chiều.