Giữa Chúng Ta Có Một Người - Chương 1
01.
Cảnh Vân Khinh rất xinh đẹp, nét lai Tây nhẹ nhẹ, thời đi học không ai có thể so được với cô ấy.
Khi đó, cô ấy có rất nhiều người theo đuổi, nhưng lại chỉ thích tôi – một kẻ hoàn toàn không nổi bật.
Vì muốn xứng với tình cảm ấy, tôi dậy từ ba giờ sáng đi làm ở tiệm bánh, đi học xong lại dạy kèm, tối thì làm tạp vụ ở bar.
Dù mỗi ngày chỉ ngủ hai, ba tiếng, ban ngày tranh thủ chợp mắt cũng vẫn thấy tinh thần phấn chấn.
Mỗi lần đưa hết tiền kiếm được cho cô ấy, nhìn cô ấy nhảy chân sáo như con thỏ nhỏ, tôi thấy cuộc sống thật giống một bài thơ đẹp.
Ra trường, chúng tôi như ước nguyện thành vợ chồng, rồi có con rất sớm.
Ba vợ đặt tên cho con trai là Chu Lê Đình – một cái tên rất hay.
Lúc đó, ba tôi vẫn còn đang làm, lần đầu tiên trong sự nghiệp ba mới chịu nhờ vả người ta để xin việc cho Vân Khinh.
Tôi vẫn nhớ cái hôm cô ấy được nhận vào chỗ làm mơ ước, ôm lấy tôi giữa phố hôn mãi không dứt.
Người qua đường đều nhìn tôi đầy ngưỡng mộ, tưởng tôi là đại gia nào đó mới cưới được cô vợ đẹp như vậy…
Tiếc là, ngày xưa có bao nhiêu người ghen tị, sau này lại có bấy nhiêu người chê cười.
Năm Lê Đình hai tuổi, ba tôi mắc bệnh nặng phải phẫu thuật.
Sau khi bảo hiểm chi trả, tiền tiết kiệm trong nhà cũng tiêu sạch.
Vân Khinh bị gia đình ép ly hôn với tôi.
Nhà cô ấy nghĩ rằng, ba tôi ngồi ở vị trí cao như thế, lẽ nào lại không có vàng bạc chất đống? Tường nhà chắc phải giấu đầy tiền!
Họ không tin, ba tôi cả đời thanh liêm, lúc sống chỉ đủ nuôi gia đình, lúc ch .t chỉ còn nắm đất vàng để chôn cốt.
“Chu Hình, tôi vẫn luôn muốn hỏi, Lê Đình dạo này sống có tốt không?”
Vân Khinh cầm ly rượu đưa cho tôi.
Cô ấy đã không còn vẻ ngây ngô năm xưa, mà mang theo khí chất quyến rũ của một quý phu nhân.
Vẫn là mỹ nhân ấy, nhưng không còn là người của tôi nữa.
“Tôi biết anh muốn chứng minh mình sống không thua gì tôi. Nhưng anh cứ kết hôn vội vã hết lần này đến lần khác, người chịu khổ chỉ có Lê Đình.”
Tôi không nhận ly rượu, chỉ cúi đầu gật nhẹ, ánh mắt dừng lại ở chiếc đồng hồ lấp lánh trên tay cô.
Tôi sẽ không bao giờ quên năm tháng khổ cực nhất đó — ba tôi vừa mất, tôi chẳng thể tìm được công việc nào có thể mang theo con, đành lái chiếc xe tải nhỏ cũ kỹ đi nhận đơn giao hàng.
Vì tiết kiệm tiền và tiện chăm con, Lê Đình – khi ấy mới 5 tuổi – phải ngủ lại xe với tôi suốt mùa đông.
Xe cũ, gió lùa lạnh thấu xương, thằng bé cứ ba hôm lại bệnh một lần.
Tôi chỉ ước gia đình cô ấy có thể giúp chăm Lê Đình một mùa đông thôi cũng được.
Tôi từng đưa con đến căn nhà từng là tổ ấm của chúng tôi.
Lần đầu tiên từ khi biết nhớ, thằng bé được gặp lại mẹ và ông bà ngoại.
Nó vui lắm, chọn bộ đồ đẹp nhất, mua quà cho từng người.
Kết quả là — họ làm nhục tôi ngay trước mặt con, kiên quyết không thừa nhận Lê Đình là cháu ruột, còn giẫm nát quà thằng bé mang đến.
Thậm chí, sau khi hai cha con tôi gặp tai nạn, thằng bé chạy về cầu cứu, họ cũng không chút xót thương — ném Lê Đình bị thương vào rãnh nước hôi thối đầy bùn đất.
“Đổi cái nhạc chuông điện thoại đi. Bớt mơ mộng viển vông, lo mà nuôi con cho tử tế.”
Tôi sững người vài giây, rồi mới nhận ra cô đang nói đến tiếng thông báo Alipay.
Nhưng tôi chẳng buồn giải thích.
Tôi chỉ gật đầu, chào lớp trưởng rồi rời khỏi tiệc cưới.
02.
Về đến nhà, trước bậc thềm đá trước cửa biệt thự là dáng người nhỏ bé đang cuộn mình – con trai tôi, Chu Lê Đình, mặc đồng phục học sinh.
Lang bạt nhiều năm, cuối cùng đây là mái nhà mà hai cha con tôi đánh đổi cả máu và nước mắt mới có được.
Từng món nội thất trong nhà, từng bậc đá ngoài sân, đều là do chúng tôi tự tay xây nên.
“Bà ta cũng đến hả?”
“Lo chuyện bao đồng vậy, nấu cơm chưa?”
Để tôi yên tâm, Lê Đình gắng gượng giãn hàng lông mày đang nhíu chặt, khẽ gật đầu.
Trong miệng nó chưa bao giờ nhắc đến từ “mẹ”.
Nhưng tôi biết, trước khi nhà bên kia bán căn hộ cũ đi, nó đã lén đến mấy lần.
Chỉ để đứng từ xa nghe họ nói chuyện với người khác, hy vọng một lần được nghe đến tên mình.
“Mẹ con hôm nay có hỏi đến con. Bảo sợ con ở với ba thì chịu thiệt thòi.”
Nó khựng bước một chút, rồi thốt ra câu lạnh tanh:
“Liên quan quái gì đến bà ta.”
“Chú Hoàng không liên lạc được với con, gọi thẳng về nhà hỏi con có còn định đi chuyến tàu cuối năm không.”
Công việc hiện tại của tôi là chạy tàu trên biển, tuy kiếm được kha khá, nhưng mỗi lần đi là nửa năm mới về được một lần.
“Người ta đi có mỗi nửa năm, sao ba chạy liền hai chuyến?”
“Con không biết đâu. Chỉ cần ba nhận làm bán thời gian, sẽ có đám người lăm le giành lấy chỗ. Cuối cùng đến cả suất nửa năm cũng không còn.”
Mỗi lần chuẩn bị ra khơi, tôi đều không yên tâm để con lại một mình.
Sợ nó không có ai chăm, càng sợ nó lại lặng lẽ làm chuyện dại dột.
Dạo trước, cô giáo chủ nhiệm của Lê Đình lại giới thiệu cho tôi một cô gái – trẻ hơn tôi cả chục tuổi, nghe nói đã ly hôn, không có con, còn là nhà văn.
Với điều kiện thế, sao người ta lại để mắt đến tôi?
Cô giáo đã giới thiệu hai lần, tôi đều tìm lý do từ chối.
Đến lần thứ ba, không tiện chối thêm nữa, đành đồng ý gặp mặt thử.
Vì chuyện đó mà chuyến tàu phải lùi vài ngày, tôi hẹn lão Hoàng – thuyền trưởng – ra ăn bữa cơm, giải thích rõ tình hình.
Nghe xong, ông ấy im lặng thật lâu, rít sâu một hơi thuốc.
“Chuyện cưới xin, anh vẫn nên nghĩ cho kỹ.
“Nói ra thì mất lòng, nhưng Lê Đình còn chưa đến tuổi trưởng thành, công việc của anh lại nguy hiểm. Nếu thật sự xảy ra chuyện gì, thằng bé chắc chắn phải về sống với mẹ nó.”
“Chuyện bên đó từng làm, anh quên rồi sao? Bọn họ có chứa nổi thằng bé không?”
Tôi và lão Hoàng thân nhau không ít, trên biển từng nhiều lần cùng vượt qua hoạn nạn, chuyện gia đình ai nấy đều tỏ tường.
Tôi lắc đầu thở dài, cụng ly với ông ấy.
Cảnh Vân Khinh nói đúng, vì muốn có người chăm sóc cho Lê Đình, sau khi ly hôn với cô ấy, tôi từng vội vã kết hôn hai lần, nhưng cuối cùng đều ly hôn.
“Trước đây không phải đã thử rồi sao, kết quả anh cũng biết rõ mà.
Huống hồ, nếu tôi thật sự xảy ra chuyện, ai chịu lo cho con riêng của người khác chứ?”
03.
Sau khi bị nhà Cảnh Vân Khinh đuổi thẳng ra khỏi cửa, để Lê Đình không phải theo tôi bôn ba khắp nơi, tôi nhờ người giới thiệu tìm đến vợ cũ thứ hai – Phùng Hoa Uyển.
Trong đầu chỉ nghĩ đơn giản, chỉ cần cô ta chịu ở nhà trông nom con giúp tôi, tôi có thể yên tâm làm việc nhiều hơn, kiếm thêm vài phần tiền.
Lúc đó tôi đâu biết cô ta làm cái nghề mua bán thân xác ngoài kia, chỉ cảm thấy dù cô ta đồng ý kết hôn, nhưng thái độ lúc nào cũng có phần khinh thường tôi, lạnh nhạt lạ lùng.
Mà nhìn lại cái bộ dạng chật vật của tôi lúc đó, bị người ta coi thường cũng chẳng có gì lạ.
Tôi nghĩ, chỉ cần cố gắng làm ăn, đợi ngày tháng khá lên thì mọi thứ sẽ khác.
Vì muốn cuộc sống tốt hơn, tôi lại trở về chế độ sinh tồn – mỗi ngày chỉ ngủ ba, bốn tiếng.
Rạng sáng dậy sớm đi giao hàng thuê, ban ngày nhận mấy việc vặt như chuyển nhà, sửa chữa, ban đêm lại lái xe đi thu mua tôm hùm.
Chỉ cần chưa ngủ, là đang chạy xe trên đường.
Trong những ngày mệt mỏi tới mức nhắm mắt là ngủ, tôi vẫn luôn cảm thấy may mắn vì có người ở nhà trông con giùm.
Tôi đem toàn bộ số tiền kiếm được đưa về cho Phùng Hoa Uyển, chỉ mong họ có thể yên tâm sống qua ngày.
Khi ấy thật sự u mê, chuyện trong nhà chẳng hỏi han được câu nào.
Có vài lần thấy Lê Đình định nói lại thôi, nhưng tôi vì vội vàng đi làm nên cũng không hỏi thêm.
Cho đến khi hàng xóm đưa nó vào viện, tôi mới biết trên người con có nhiều vết thương đến thế.
Vết nặng nhất suýt nữa thì lấy mạng nó.
“Rốt cuộc tôi có lỗi gì với cô, mà cô nỡ ra tay với thằng bé như vậy?”
Phùng Hoa Uyển trừng mắt, đập tay lên thành giường bệnh quát lớn:
“Anh thì đã làm được gì? Tiền thì chẳng kiếm được bao nhiêu, cả ngày chỉ biết chạy lông nhông bên ngoài!”
“Thế sao cô không trút hết lên đầu tôi? Có chuyện gì không thể nhắm thẳng vào tôi mà giải quyết?”
“Anh đem nó giao cho tôi trông, nó lén lấy tiền trong ngăn kéo, tôi không thể nói, không thể đánh à?!”
“Bao nhiêu tiền?”
Từ nhỏ Lê Đình chưa từng xin tiền tiêu vặt, càng không phải đứa ăn trộm.
Tôi thật muốn biết, rốt cuộc nó lấy bao nhiêu mà đáng bị đánh đến mức đó.
“Hai mươi.”
Hai chữ nhẹ tênh ấy từ miệng Phùng Hoa Uyển rơi xuống, như một lưỡi dao bén ngót xoáy mạnh vào ngực tôi.
Máu chảy tràn, ướt đẫm lòng.
“Chỉ vì hai mươi? Cô đánh nó ra nông nỗi này chỉ vì hai mươi tệ?”
“Hai mươi không phải là tiền chắc?
Anh – một thằng vô tích sự, kiếm được ba đồng lẻ, lại còn nuôi một đứa ăn cắp trong nhà…”
“RẦM!”
Tiếng nổ đùng vang bên tai và cơn đau dội ngược từ tay truyền đến rất lâu sau tôi mới cảm nhận được.
Tôi không biết đã phải kìm chế đến mức nào, cuối cùng mới khiến cú đấm đó không giáng vào mặt cô ta mà rơi xuống bức tường bên cạnh.
Phùng Hoa Uyển sợ đến mức không dám nán lại, vừa chửi bới vừa bỏ đi khỏi phòng bệnh.
Tôi từ từ bình tĩnh lại, cúi đầu nhìn – Lê Đình đã bị chúng tôi đánh thức.
Nó nhìn tôi, không nói gì.
Tôi vò đầu, lau mặt loạn xạ, cố nặn ra một nụ cười trấn an.
“Hai mươi tệ mà không nói với ba một tiếng được à? Dùng làm gì vậy?”
“Con không lấy.”
Nụ cười gượng gạo của tôi lập tức đông cứng lại.
“Là một gã đàn ông lấy. Lúc bà ta đi tắm, con thấy.”
Ai lại vào nhà tôi chỉ để lấy hai mươi tệ?
Rốt cuộc Lê Đình bị đánh vì ăn trộm – hay vì… nó trông thấy rồi?