Giấc Mộng Vinh Quang - Chương 1
1.
Trước khai giảng 3 ngày, ban tuyển sinh đại học Q đã gọi cho tôi 3 cuộc điện thoại.
Cũng đến ngày đó tôi mới biết, 3000 tệ tiền đóng học phí trong thẻ của tôi đã không cánh mà bay rồi.
Thẻ đó được gửi cùng giấy báo nhập học đến tay mẹ tôi vào tháng trước.
Thi tốt nghiệp tôi đứng thứ 50 toàn tỉnh, cũng đứng thứ 2 toàn trường, các trường đại học tranh giành nhận tôi, mẹ tôi lựa chọn trường học đưa ra nhiều ưu đãi nhất cho học sinh nghèo khó, đại học Q khoa hoá học công trình.
Mặc dù tôi không biết đó là học cái gì, nhưng mẹ tôi đã tính toán kĩ lưỡng.
“Học phí 4500, kí túc xá 1500, còn cho mày 800 tệ sinh hoạt phí, mày biết tao kiếm tiền vất vả như nào không?”
“Đăng kí khoa này, miễn toàn bộ phí ở kí túc xá, giảm một nửa học phí, mất 3000 tệ là được đi học rồi!”
Thế nhưng bây giờ, không còn tiền nữa.
Lần thứ hai hệ thống trừ tiền thất bại, ban tuyển sinh đã đến hỏi tình hình sự việc.
Trong phút chốc tôi như rơi vào hầm băng. Cô trong ban tuyển sinh ôn tồn động viên: “Như này đi, trước mắt em hỏi thử người nhà, có phải có người đã dùng tấm thẻ này không, nếu không được thì để phụ huynh tạm nạp tiền vào trước, trước mắt chúng ta cần báo danh đã…”
Tôi “vâng” một tiếng, tay trái siết chặt ngón tay. Tay của tôi đã bắt đầu tê dại rồi.
Sao tôi dám nói với người nhà chứ.
Đã từng có lần khi trả lại tiền học phí thừa, vì làm rơi mất 50 xu, mẹ tôi đã đè tôi xuống trước cổng trường t át mạnh vào tai tôi, nói rằng muốn tôi nhớ cho kỹ việc này.
Sau này các bạn học tiểu học cũ thường xuyên lôi chuyện này ra để bắt nạt tôi, học theo mẹ t át vào tai tôi.
Tôi làm sao có thể nói với bà ấy đây.
2.
Khi tôi đang lên mạng tìm kiếm những cách kiếm tiền nhanh chóng, thu hoạch được một đống quảng cáo bất hợp pháp thì mẹ tôi về nhà.
Theo phản xạ tôi tắt màn hình và đứng dậy nhìn mẹ. Nhìn xem sắc mặt của bà hôm nay có tốt hay không, tôi nên làm như thế nào để vừa ý bà.
Cũng may, hôm nay trông bà rất vui vẻ, cả người toát lên vẻ vui tươi hào hứng. Bà cầm trong tay một cái túi rất tinh xảo và sang trọng.
Nhưng, một cảm giác kỳ lạ bất ngờ trỗi dậy.
Thông thường thì thứ đồ như này không thể xuất hiện trong nhà chúng tôi. Vậy mà hôm nay mẹ lại chủ động mang về.
Khi vào nhà, tôi chào hỏi nhưng mẹ cũng không quan tâm mà đi thẳng vào phòng mình, đóng cửa “rầm” một tiếng.
Tôi dằn vặt suy tư ba phút, rồi quyết định gõ cửa. Khi tay tôi vừa chạm vào nắm cửa thì cửa mở ra từ bên trong.
Mẹ tôi mặc một bộ sườn xám lụa đỏ thêu, sắc mặt ngạc nhiên: “Tiểu Yến, sao thế?”
Tôi cũng có chút ngạc nhiên: “Không… không có gì.”
Trước giờ bà luôn gọi tên đầy đủ của tôi là Tề Yến. Sắc mặt mẹ lập tức vui vẻ trở lại.
Bà kéo tôi đi qua những đống tài liệu ôn thi chất đầy nhà, đến trước gương trong nhà vệ sinh: “Đẹp không?”
Tôi lập tức gật đầu: “Đẹp.”
Lúc này tôi mới dám nhìn kỹ.
Mẹ tôi có vóc dáng đặc biệt, khi sinh tôi đã để lại thương tổn, nên khi làm việc bà chủ yếu dùng lực bên trái, khiến hai bên nhìn có chút không cân đối.
Mà bộ sườn xám này lại hoàn toàn ôm sát eo của bà một cách hoàn hảo! Đây không phải bộ quần áo mua lúc nhất thời thấy vui, mà là bộ được đo lường đặt may!
Cổ họng tôi hơi khô: “Bộ đồ này…không rẻ nhỉ?”
Vẻ mặt mẹ trong chốc lát có vẻ không tự nhiên.
Nhưng giọng bà nhẹ nhàng nói: “Chuyện này con không cần bận tâm. Mẹ vất vả nuôi con cả đời, chẳng lẽ không được mặc một bộ quần áo tốt sao?”
Tôi không nói gì thêm.
Bà chỉ vào phòng ngủ: “Quần áo cũ của mẹ con đem đi giặt luôn đi. Tốt nghiệp rồi thì làm nhiều việc hơn, giúp mẹ một tay.”
Tôi cầm quần áo của mẹ, trước khi ném vào máy giặt cũ thì lục tìm túi, thấy có một cái thẻ cứng cứng và một tờ giấy.
Thẻ này là thẻ để đóng học phí của tôi, tờ giấy là hóa đơn thanh toán bộ sườn xám, trên đó có chữ kĩ xiêu vẹo của mẹ. Giá tiền 2800 tệ. Đầu tôi bỗng chốc trở nên trống rỗng.
3.
Tôi đứng bất động một lúc lâu, mẹ thấy tôi vẫn chưa làm gì thì sốt ruột.
“Sao cứ đứng ngần ngừ thế, máy giặt mẹ đã cắm điện rồi, nếu không giặt ngay thì lãng phí năm phút tiền điện đấy…” Bà vừa nói vừa đi tới, khi thấy tôi đang chăm chăm nhìn tờ giấy, lời nói của bà đột ngột ngưng lại. Trên mặt tôi đã đẫm nước mắt.
Tôi ngẩng đầu lên, nắm chặt tờ giấy và thẻ ngân hàng, cố gắng giữ giọng bình tĩnh: “Mẹ, mẹ đã dùng tiền học phí đại học của con để mua bộ đồ đó đúng không?”
Dưới lớp vải bộ sườn xám lụa bó sát, cơ thể của mẹ tôi bỗng chốc cứng đờ. Nhưng rất nhanh sau bà đã bình thường trở lại, giọng điệu cố làm ra vẻ nhẹ nhàng: “Vẫn còn vài ngày nữa mới vào học mà? Tiền mẹ sẽ nghĩ cách kiếm lại, cũng không phải không cho con đi học đại học!”
“Còn nữa, cái gì mà tiền của con ? Tiền của con không phải đều là mẹ kiếm sao? Người của con cũng là của mẹ!”
Tôi cắn chặt môi, không nói gì.
Mẹ giật lấy quần áo từ tay tôi, móc ra tờ 50 đồng từ túi áo khác đưa cho tôi: “Thôi được rồi, mẹ sẽ giặt quần áo, con ra ngoài chơi nửa ngày đi.” Rồi thô bạo đưa tay lau nước mắt cho tôi.
Tôi theo phản xạ né tránh.
Bình thường, khi không kìm được mà khóc, tôi chỉ nhận lại cái t át của mẹ và những lời mắng chửi rằng tôi giả vờ đáng thương cho ai xem. Nhưng hôm nay bà ấy rất áy náy.
Nhưng sự áy náy của bà sẽ không kéo dài lâu. Nếu tôi tiếp tục làm phiền bà, sẽ không có kết cục tốt.
Trước khi tôi ra khỏi nhà, điện thoại lại reo lên.
Mẹ tôi lao nhanh tới giật lấy điện thoại, khi phát hiện đó là cuộc gọi từ phòng tuyển sinh của Đại học Q, bà rõ ràng thở phào nhẹ nhõm.
Bà trực tiếp nghe máy: “Chào thầy, có việc gì vậy … học phí? Ồ, đã bị trừ tiền thất bại hai lần rồi sao? Thật sự xin lỗi, thầy có thể gia hạn vài ngày được không? Đợi khi nào con bé đến trường, tôi sẽ đưa nó tiền mặt… Ồ, được, được, cảm ơn thầy đã thông cảm! Số tiền này chúng tôi sẽ không thiếu, thầy yên tâm!”
Khi bà cúp máy, trên mặt hiện lên một nụ cười gần như đắc ý, như thể đang dùng nụ cười nói với tôi .
Thấy chưa, chẳng phải đã giải quyết xong rồi sao? Khóc lóc cái gì?
…Biểu cảm này, tôi đã từng thấy qua.
4.
Ngày sinh nhật năm tôi 10 tuổi, bà nội tặng tôi một cái túi nhỏ.
Bà nội vuốt tóc tôi: “Yến Yến à, bà không còn làm việc được nữa, chỉ có thể dành dụm được khoảng trăm tệ, con cầm lấy mua thêm mấy cái xúc xích ăn nhé.”
“Nhìn con kìa, gầy gò quá.”
Sau khi mẹ biết chuyện này, trước mặt họ hàng không nói gì. Nhưng sau khi tan tiệc, mẹ tôi chìa tay ra: “Đưa tiền cho mẹ.”
Tôi lấy ra hai đồng xu, rồi đưa phần còn lại cho mẹ. Mẹ bĩu môi: “Hai đồng trong tay cũng đưa đây.”
Tôi không muốn: “Bà nội cho con, bà dặn để con mua thêm một cái xúc xích!”
Mẹ cười chế giễu: “Ồ, cho con à? Cả người con từ đầu đến chân có thứ gì không phải mẹ mua? Mẹ nói cho con biết, Tề Yến, cả con người con đều là của mẹ!”
Nói xong, mẹ cứng rắn bẻ ngón tay tôi. Lần đầu tiên tôi dám nổi giận với mẹ: “Con chỉ có một lần sinh nhật mỗi năm! Tại sao mẹ lại tước đi niềm vui của con!”
Tôi giật tay ra, chạy đi. Tôi mua một cái xúc xích, loại xúc xích làm từ bột. Xúc xích thịt giá bốn tệ, tôi không đủ tiền mua.
Vừa ăn xúc xích nóng hổi, vừa ngồi dưới đất khóc. Mẹ theo sau, lạnh lùng nhìn tôi ăn hết.
Từ ngày thứ hai trở đi , ác mộng bắt đầu.
Tiền tiêu vặt mỗi ngày mẹ để trong hộp bút của tôi, từ một tệ tiền xu, biến thành 1 hào.
Không mua được thứ gì.
Sau giờ thể dục, tôi chỉ có thể nhìn người khác uống nước, ăn táo. Tan học tiết học buổi sáng ngửi mùi que cay của bạn cùng bàn.
Thậm chí, khi cây bút hết ruột, tôi hỏi mẹ xin tiền, mẹ hỏi tôi: “Hôm nay là thứ sáu, chắc con đã để dành được 5 xu rồi nhỉ? Tự đi mua 1 cái ruột bút đi.”
Hóa ra không phải mẹ không cẩn thận đặt nhầm cho nhầm tiền xu. Mà là cố ý.
Thời gian đó, lớp yêu cầu đóng năm tệ tiền quỹ, mẹ không nói không đóng, nhưng mỗi ngày chỉ cho tôi một hào.
Đến khi lớp trưởng chê cười tôi trước lớp, kéo dài đến tận khi chủ nhiệm phê bình tôi trước lớp, tất cả mọi người đề nói tôi là đứa nghèo, xui xẻo.
Ăn một cái xúc xích, hóa ra lại là tội lớn như vậy. Cho đến một ngày tôi một mình tan học về nhà, sụp đổ khóc to.
Mà mẹ thấy tôi khóc xong, đã lộ ra vẻ mặt đắc ý như vậy. Bà nhìn tôi từ trên cao, hỏi tôi.
“Có phục hay không?”
Bà hỏi tôi có chịu thua không. Tôi khóc nói tôi phục rồi, tôi chịu thua. Mặc dù tôi cũng không biết mình phải chịu thua cái gì.
Bà dương dương đắc ý nói, làm xong bài tập về nhà thì viết bản kiểm điểm hai nghìn chữ, sau đó dán lên tường cho tất cả các bạn cùng lớp thấy, chống lại phụ huynh là một chuyện đại nghịch bất đạo như nào.
Đúng rồi, bà đưa tôi tiền. Bà đưa tôi ba tệ rưỡi.
Vì sau đó ba tuần liên tiếp bà chỉ cho tôi đồng một hào.
Nếu không tiêu một xu nào, cộng lại đúng năm đồng. Bà thậm chí còn đặc biệt đến ngân hàng đổi lấy đồng xu.
Bà nói: “Tề Yến, ngày mai dùng đồng một hào của con đi đóng tiền quỹ lớp đi. Mới mười tuổi đã không nghe lời, lần sinh nhật này nếu không để con nhớ cả đời không quên, thì con sẽ quên trời quên đất luôn đấy!”
Quả thật là cả đời khó quên. Trong suốt thời gian tiểu học, tôi không có ai làm bạn.
Mẹ nói như thế mới tốt, mới có thể tập trung học hành.
…
Sau này, tôi không bao giờ ăn thêm một cái xúc xích nóng hổi nào nữa.
Chỉ là không no bụng thôi, so với việc liên tục bị chà đạp lòng tự trọng, chẳng đáng gì cả?
Nhưng thực ra mẹ không biết, bà nội đã cho tôi 101 tệ tiền xu.
Bà nội hiền từ nói: “Yến Yến nhà chúng ta, sau này nhất định sẽ là đứa trẻ xuất sắc trong cả trăm đứa!”
Lúc đó tôi tin vào lời nói trong hoạt hình và cổ tích, tưởng rằng gieo một đồng xu vàng sẽ mọc ra một cây đầy đồng xu vàng.
Vì vậy, đồng xu đó là đồng đầu tiên cũng là đồng cuối cùng, tôi chôn ở trong sân vườn của bà. Sau khi bà nội qua đời, điều đó trở thành kỉ niệm duy nhất của tôi.