Cùng Ta Ngẩng Đón Mùa Xuân - Chương 6
14
Chuyện của Tôn Mạc lại mang đến cho ta cảm hứng, ta về nhà viết ra câu thứ hai cho chương mở đầu của “Đại Lương Toàn Thi”.
Trên đường mang đi cho Thượng thư Lễ Bộ xem, ta tình cờ gặp Cố Bang.
Hắn chỉ là con trai của một Huyện lệnh, chưa đỗ đạt công danh, cũng không có họ hàng thân thích ở kinh thành, vậy mà lại đến đây làm gì?
Không lâu sau, kinh thành đột nhiên lan truyền tin đồn về yêu nữ.
“Ngươi có nghe chưa? Mã Trưng thiếu gia nhà Hữu Thị Lang Bộ Binh vốn là người phẩm hạnh đoan chính, anh tuấn nho nhã, nhưng từ khi cưới yêu nữ về thì mới trở nên như vậy.”
“Yêu nữ họ Giang từ nhỏ đã mê hoặc con trai Huyện lệnh, sau đó lên kinh thành kết giao bằng thơ, làm hại biết bao công tử thế gia, cuối cùng lại chọn thiếu gia Mã đơn thuần lương thiện!”
“Giang Thanh Uẩn chính là muội muội của yêu nữ, cũng biết pháp thuật! Ngươi thấy hôm đó nàng đối thơ với Mã Ngang không? Nàng đã chuyển hết tài hoa kiến thức của Mã Ngang sang cho mình, cố ý làm Mã Ngang mất mặt trước dân chúng.”
“Biết tại sao yêu nữ hại Mã gia không? Vì có kẻ trên kia chỉ đạo…”
“Suỵt suỵt… đừng nói nữa, chỉ nghĩ trong lòng thôi, lỡ miệng là lại rơi đầu đó.”
…….
Những lời đồn này lan truyền mạnh mẽ trong dân gian, cộng thêm việc Mã Ngang mới làm một bài thơ phê phán “Yêu Giang”, khiến bách tính càng tin rằng yêu nữ thật sự tồn tại.
Có kẻ phẫn nộ đến mức trèo lên tường Mã phủ, hắt cả thùng phân lên người Giang Ngọc Dung.
Giang Ngọc Dung ngày ngày khóc lóc không thôi, đến mức thai nhi trong bụng cũng mất, vì thế Mã Trưng cưới con gái Đại học sĩ làm chính thất, cả kinh thành đều ca ngợi cuộc hôn nhân này.
Ta chưa từng nghĩ sự việc lại thành ra thế này.
Nhưng lại cảm thấy, sự việc rồi sẽ thành ra như thế.
Ta định bẩm báo chuyện này lên nữ đế, không ngờ đêm đó, Mã gia đã tạo phản.
15
Thơ văn của Mã Ngang đã kích động một nhóm bách tính nổi dậy phản đối yêu nữ làm loạn quốc gia.
Vì vậy, Mã gia lấy danh nghĩa “vì dân trừ yêu” mà khởi binh trong đêm tại kinh thành.
Rồi ngay trong đêm đó, bị Đại tướng quân Cố Dữ Thanh đàn áp dẹp loạn.
Thì ra nữ đế đã sớm nhìn thấu tất cả mọi chuyện.
……
Một trăm lẻ bốn người của Mã gia bị giam vào đại lao, cha con Mã Trưng cùng với Mã Ngang bị xử tội mưu phản, hôm sau đem ra chém đầu tại chợ Thái Thị Khẩu.
Dù cho dân gian có cầu xin thế nào.
Chuyện này cũng không thể vãn hồi.
Ngày hành hình, khắp đường phố chật kín người khóc lóc.
Ai ai cũng thương xót Mã Trưng tài mạo song toàn nhưng lại bị yêu nữ làm hại.
Xót xa cho Mã Ngang tài hoa hơn người nhưng bị nữ đế bức hại.
Chỉ trích Mã lão phu nhân không biết dạy dỗ, mới để cho yêu nữ làm hại cả dòng tộc trung nghĩa của Mã gia.
Bọn họ dù đã chết, nhưng người đời sẽ khắc ghi họ.
Khi tiếng khóc vang vọng khắp nơi, Giang Ngọc Dung bất ngờ bước lên đoạn đầu đài.
Nàng lạnh lùng nhìn xuống đám đông bên dưới, giọng vang như chuông đồng:
“Nếu ta thực sự có yêu thuật, thì đầu tiên ta sẽ ăn tươi nuốt sống đám người ngu ngốc các ngươi!”
Phía sau nàng, quan viên hình bộ khiêng lên mười thùng đầy đủ bằng chứng tội mưu phản của Mã gia. Trong đó bao gồm:
- Năm tám tuổi, Mã Trưng sàm sỡ nữ tiên sinh, bị đuổi khỏi thư viện.
- Năm mười hai tuổi, tại thơ hội, hắn cùng lúc trêu ghẹo tám nữ tử, còn buông lời xúc phạm nữ đế.
- Năm mười bảy tuổi, hắn đạo văn của đồng môn, bị quan chủ khảo phát hiện nên thi cử rớt thảm hại.
“Quân vương bạo ngược là do yêu nữ mê hoặc, quốc gia diệt vong là do yêu nữ hãm hại, chiến bại là do yêu nữ làm mờ mắt, dường như mọi lỗi lầm của nam nhân đều là do nữ nhân gây ra. Nhưng có ai chịu nghe chúng ta nói không? Có cho chúng ta cơ hội lên tiếng không?”
“Đừng lấy cớ yêu nữ nữa! Mã gia thực sự đã mưu phản, các ngươi đang thương xót cái gì khi bọn chúng lợi dụng người thân, con cái của các ngươi để đánh trận chống lại triều đình, chỉ để mở đường cho vinh hoa phú quý của Mã gia?”
Bên dưới đài chém đầu im lặng như tờ.
Đột nhiên có người thở dài:
“Nhưng Mã Ngang không đáng tội chết, tài hoa của ông ấy cả thiên hạ không ai sánh bằng.”
Lời vừa dứt, quan viên liền mở một thùng chứng cứ liên quan đến Mã Ngang.
Những bài thơ của ông ta.
Hóa ra đều là đạo văn.
16
Năm mười tám tuổi, thư sinh Mã Ngang cưới tài nữ đương thời Tôn Mạc, hai người cùng nhau du ngoạn danh sơn đại xuyên, cùng nhau sáng tác không ít kiệt tác.
Năm mười chín tuổi, Tôn Mạc tập trung dưỡng thai, không tiện lộ diện. Vì vậy, Mã Ngang gạch bỏ tên nàng, một mình công bố những bài thơ đó, chấn động thiên hạ.
Năm hai mươi tuổi, Tôn Mạc tiếp tục dưỡng thai. Mã Ngang chu du khắp nơi, lén công bố những bài thơ Tôn Mạc viết trong thư nhà, được người đời tôn vinh là thi khôi.
……
Năm hai mươi tư tuổi, Tôn Mạc đã sinh năm đứa con. Mã Ngang sáng tác một loạt thơ ca nhưng phản ứng từ công chúng rất bình thường, còn thơ của Tôn Mạc thì không ai thèm để ý.
Vì cân nhắc đến sinh kế gia đình, Tôn Mạc đành làm người chấp bút thay cho Mã Ngang.
Vì vậy, những bài thơ đó.
Hầu như đều không phải do Mã Ngang viết.
Người dân đầu tiên thoát khỏi sự kinh ngạc, hỏi Tôn Mạc tại sao lại như vậy.
Càng ngày càng nhiều người hỏi nàng tại sao.
Tôn Mạc đứng trên đoạn đầu đài, gương mặt không chút cảm xúc, hai dòng lệ trong suốt lăn dài trên khóe mắt.
“Ta dường như không có sự lựa chọn nào cả, một bước sai lầm, từng bước đều sai, cuộc đời ta đã hủy hoại rồi.”
“Mọi người đều đang thức tỉnh, khắp nơi đều đang thay đổi. Đáng tiếc rằng người có dũng khí đó, không phải ta.”
Lời vừa dứt, đúng giờ ngọ.
Đao phủ dứt khoát chém bay đầu ba người nhà họ Mã.
Khoảnh khắc máu tươi phun ra, trong đám đông bỗng lóe lên ánh lửa.
Hóa ra là mấy cô ca nữ trên hoa thuyền giơ cao đuốc, đốt sạch “Mã Ngang Thi Tập”.
“Trước kia có câu ‘Thương nữ bất tri vong quốc hận’, sau này có Mã Ngang phê phán ‘Yêu Giang’.
Chuyện tốt thì không bao giờ nhắc tới nữ tử, chuyện xấu thì chó qua đường cũng chửi nữ nhân một câu. Chúng ta chọc ai, ghẹo ai chứ? Loại nam nhân như Mã Ngang sớm nên chém rồi, loại thơ văn như thế này không xứng lưu truyền trăm năm, đã đến lúc thay đổi rồi!”
Lửa cháy lan đến các sạp sách.
Ông chủ sạp sách đau lòng chạy đến cứu sách.
Nhìn thấy cuốn “Mã Ngang Dữ Thê Thi Tuyển”, ông ta chợt từ bỏ ý định, mặc cho ngọn lửa nuốt chửng hết thảy.
Ngày càng nhiều người dân lấy những bài thơ của Mã Ngang ném vào biển lửa, tro tàn bay đầy trời, cuối cùng rơi xuống thi thể của Mã Ngang.
Tựa như báo hiệu một thời đại đã kết thúc.
Giữa biển lửa bập bùng, ta xoay người trở về nhà, cuối cùng cũng biết phải viết những câu cuối cùng của chương mở đầu “Đại Lương Toàn Thi” như thế nào.
Quá khứ đã khép lại.
Người có dũng khí, sao không thể là ngươi chứ?
17
Sau cơn sóng gió, ta mang bản thảo chương mở đầu của “Đại Lương Toàn Thi” trình lên nữ đế.
Nữ đế khen ta viết rất tốt, hỏi ta sau này có dự định gì.
“Việc chém đầu Mã Ngang đã mở ra tiền lệ, ta hy vọng phong khí tư tưởng khai phóng này sẽ tiếp tục được lan truyền, ta cần người trợ giúp.”
“Đại học sĩ Bùi Phù Liễu có tài nhưng không gần gũi dân chúng, Thượng thư Hộ Bộ Hạ Đường thì hiểu dân tình nhưng lại không rành thi ca. Nếu ngươi đồng ý, ngày mai hãy đến Lễ Bộ.”
Nữ đế mở chiếc hộp gấm trên bàn, đẩy một cây bút lông tím làm từ trúc Tương Phi đến trước mặt ta.
“Ta giao cây bút này cho ngươi, muốn viết gì thì viết, chỉ cần hỏi trái tim mình.”
……
Nhà họ Mã tham gia mưu phản tổng cộng bốn mươi người, đều đã bị chém đầu.
Những kẻ bị ép buộc tham gia hoặc biết mà không báo cáo có hơn sáu mươi người, tất cả đều bị lưu đày, trong đó có cả cha mẹ ta.
Sau khi nữ đế lên ngôi, lưu đày được đổi tên thành “lao cải chung thân”, tội phạm sẽ bị đày đến các nha môn địa phương, làm lao dịch cho đến khi chết.
Trùng hợp thay, cha mẹ ta bị đày về quê nhà huyện Bình Thụy, Huyện lệnh cho họ tiếp tục bán đậu phụ.
Chỉ là trước kia bán đậu phụ có thể kiếm bạc, còn mưu tính cho con gái cao giá gả chồng, thay đổi số phận của họ.
Còn bây giờ, tiền kiếm được đều nộp cho nha môn, họ sẽ già chết ở đó.
Những người không biết gì về việc Mã gia mưu phản có mười một người, tất cả đều là nữ nhân, trong đó có Giang Ngọc Dung và Tôn Mạc.
Nữ đế từ lâu đã có chính sách mới, nhóm người này sẽ được ân xá.
Một ngày nọ sau khi hạ triều, ta vội vàng đi mua bánh nướng ngọt, trên đường tình cờ gặp Giang Ngọc Dung.
Nàng cùng Tôn Mạc cưỡi hai con khoái mã, hành trang gọn nhẹ, chầm chậm đi về phía cổng thành dưới ánh chiều tà.
“Ngươi đã làm quan rồi mà vẫn trẻ con như thế, cứ thích ăn đồ ngọt.”
“Bộ quan phục này thật ra rất hợp với ngươi. Ta cũng phải rời đi rồi, cùng Tôn Mạc tỷ tỷ du ngoạn khắp nơi, làm một thi nhân giang hồ.”
“Ngươi cứ chờ đấy, thơ ta làm ra chắc chắn không thua kém ngươi đâu!”
Ta bỗng nhiên bật cười.
Tựa như nhiều năm trước cũng có một buổi hoàng hôn như vậy.
Người tỷ tỷ thích làm đẹp ngồi trên chiếc ghế gỗ cũ nát ở nhà, giọng oang oang thách thức ta.
Vậy nên ta đuổi theo nàng, giống như ngày bé từng đuổi theo bóng lưng nàng vậy.
Từ con đường đất vàng của thôn làng, bước đến con đường đá rộng lớn của kinh thành.
Đi xuyên qua cổng thành, nàng phất tay tiêu sái, biến mất trong ánh chiều tà rực rỡ màu cam nơi chân trời.
Mấy đứa trẻ con vây quanh ta, trên tay cầm cuốn “Đại Lương Toàn Thi”, nhao nhao hỏi ta ý nghĩa của hai câu thơ cuối cùng.
Ta ngồi xổm xuống, mở cuốn thi tập mới tinh ấy ra, phía sau chương mở đầu có hai câu thơ cuối cùng:
“Vãng miệu như yên tán, hà tu quý hối thâm.
Quan ngã cựu vãng, đồng ngã ngưỡng xuân.”
(Tạm dịch: Những sai lầm trong quá khứ như khói sương tan biến, cớ gì phải hối hận sâu sắc.
Ngắm nhìn con người của ta trong quá khứ, cùng ta ngẩng đầu đón mùa xuân.)