Cùng Ta Ngẩng Đón Mùa Xuân - Chương 4
10
Ta nhận được thân phận môn khách tại phủ Thượng thư Lễ Bộ.
Thượng thư Lễ Bộ cố ý thử thách ta, giao cho ta viết chương mở đầu quan trọng nhất của “Đại Lương Toàn Thi”, khiến ta lo đến mức tóc sắp rụng hết rồi.
May mà kinh thành không thiếu hội thơ, ta thường đến đó tìm cảm hứng.
Sau tiết xuân, các quý tộc kinh thành tổ chức hội thơ uống rượu ở Thập Lý Đào Nguyên ngoài ngoại ô.
Trong bữa tiệc thả chén rượu trôi trên dòng nước, giữa tiếng chạm cốc cười đùa, ta nhìn thấy tỷ tỷ Giang Ngọc Dung.
Tính theo thời gian, hẳn là cha mẹ đã bán hết gia sản, đưa nàng lên kinh thành kết giao bằng thơ.
Vụ châm biếm nữ đế trong Dân Phong Chí chắc chắn đã khiến nàng nếm trải bài học, không dám tái phạm nữa.
Sau khi ba tuần rượu đã trôi qua, tỷ tỷ đứng dậy ngoan ngoãn làm một bài “Vịnh Đào Thương”.
Bề ngoài là cảm thán cánh hoa đào sớm tàn, thực chất vẫn là ca ngợi nữ đức, ngầm chỉ trích những nữ tử quá mạnh mẽ rồi cũng sẽ như cánh đào bị gió thổi rụng mà thôi.
Còn những bông đào ngoan ngoãn nấp sau tán lá xanh thì mới có thể xinh đẹp nở rộ.
Giang Ngọc Dung đọc xong bài thơ, đỏ mặt hành lễ với đám công tử thế gia:
“Tiểu nữ vụng về múa rìu qua mắt thợ. Phụ mẫu dạy dỗ từ nhỏ rằng, nữ tử cũng nên như hoa đào, trinh tiết mà yếu đuối.”
Ta nổi da gà vì phát ngấy.
Ngẩng đầu nhìn lên, đám công tử thế gia chẳng ai có hứng thú với một nữ tử xuất thân bình thường như nàng, nghe thơ mà như nghe hát, hờ hững không để tâm.
Chỉ có một người say mê nhìn Giang Ngọc Dung, ánh mắt tràn đầy tán thưởng.
Trông quen quá, đó là ai nhỉ?
Ngày mùng ba tháng tư, Mã Trưng, con trai Hữu Thị Lang Bộ Binh, cưới nông nữ Giang Ngọc Dung.
Phụ thân của Mã Trưng từng làm Thượng thư Bộ Binh, phạm tội tru di cửu tộc.
Nhưng tổ tiên ba đời của hắn đều là đại nho đương thời, trong nhà còn có một thi khôi là Mã Ngang.
Dân chúng quỳ đầy trên phố Trường An cầu xin tha tội cho Mã Ngang!
Nữ đế suy nghĩ hồi lâu, quyết định khai ân xá tội cho Mã gia, giữ chức Hữu Thị Lang Bộ Binh.
Giang Ngọc Dung xuất thân thấp kém, chỉ có tài tình mới xứng với Mã gia, tạm thời chỉ có thể làm thiếp của Mã Trưng.
Đợi sau này nàng sinh con nối dõi cho Mã gia, sẽ thuận lý thành chương lên làm chính thất.
Đời trước đời này, tỷ tỷ và cha mẹ cuối cùng cũng toại nguyện rồi.
……
Ngày hai mươi tháng tư, Thượng thư Lễ Bộ đích thân giảng giải thơ văn cho ta.
Ông ấy mất bốn canh giờ để cùng ta phê bình Mã Ngang, đến khi cho ta về thì trời đã tối.
Trên người ta đầy vết mực, đói đến hoa mắt chóng mặt, ngồi xổm bên đường gặm bánh nướng, ngẩng đầu lên liền thấy cha mẹ.
Đã một năm không gặp, khí sắc của họ tốt hơn nhiều, mặc áo bào bằng lụa là gấm vóc, tay xách thuốc dưỡng thai mua cho Giang Ngọc Dung.
Cha ngạo nghễ cười lạnh một tiếng:
“Sớm nghe nói ngươi cũng lên kinh thành, còn làm môn khách gì đó, học đòi Ngọc Dung tham gia thi hội. Nhìn bộ dạng thảm hại của ngươi bây giờ, chắc đều là bịa đặt thôi.”
“Nếu ngày đó ngươi không đại nghịch bất đạo, đoạn tuyệt quan hệ với cha mẹ và tỷ tỷ ngươi, hôm nay ngươi cũng được hưởng vinh quang, làm em vợ của Hữu Thị Lang Bộ Binh, kết thân với đại thi nhân Mã Ngang, sau này ít nhất cũng gả cho một tú tài, có chỗ dựa vững chắc.”
“Nhìn ngươi bây giờ, chỉ sợ ngay cả gã bán rau ngoài chợ cũng chẳng muốn lấy. Thêm hai năm nữa là hai mươi tuổi, gái già hết giá trị, cuộc đời này coi như hủy hoại rồi, tất cả đều là do ngươi tự chuốc lấy!”
11
Ta không nhịn được bật cười, vụn bánh nướng văng ra khắp nơi.
Cha mẹ nhìn ta như thể ta bị điên, cau mày lùi lại vài bước, thở dài rồi bỏ đi.
Giờ đây họ là thông gia của Hữu Thị Lang Bộ Binh, thân phận cao quý, đương nhiên phải cắt đứt quan hệ với ta.
Ta lắc đầu, bật cười trước sự ngây thơ của họ.
……
Dù được Thượng thư Lễ Bộ chỉ dạy, ta vẫn không biết phải viết gì cho chương mở đầu của “Đại Lương Toàn Thi”, ngày ngày đau đầu khổ não.
Xuân yến vừa qua, lại đến tiết Thanh Minh, tài tử giai nhân hẹn nhau ra núi Phồn Phong ngoại ô kinh thành ngắm cảnh du xuân, hoài cổ vịnh kim.
Ta đến muộn một chút, mọi người đã bắt đầu ngâm thơ rồi.
Mã Trưng nghe xong bài “Niệm Nô Kiều · Biểu Phụ Đức” của một cô nương, cười hài lòng, ánh mắt từ từ dừng lại trên người ta.
“Tài nữ họ Giang đến muộn rồi nhỉ, xem ra công việc bận rộn, được nữ đế coi trọng quá.”
Mã Trưng đã ba năm liền thi khoa cử đều rớt, không có chút chức quan nào, nhưng dựa vào gia thế, hắn là người có địa vị cao nhất trong buổi thơ hội này.
Hắn khinh thường ra lệnh cho ta:
“Đến muộn phải phạt, phạt làm thơ thế nào? Bản thiếu gia làm câu đầu, nữ quan họ Giang làm câu sau, để mọi người cùng bình phẩm.”
Ta nhướn mày, muốn xem hắn sẽ làm thơ gì.
Mã Trưng đắc ý đọc:
“Âm ấp vô thức vấn trâm anh,
Ngâm ngâm chúng khẩu chỉ dục khuynh.”
Giang Ngọc Dung khoác tay Mã Trưng, che miệng cười khẽ:
“Muội muội ta là kẻ quê mùa, làm sao hiểu được ‘Âm ấp’ nghĩa là gì.”
Mã Trưng khẩy khẩy răng:
“Áo gấm lụa là cũng không che nổi cái nghèo hèn trên người ngươi, dân quê bẩm sinh đã mang xương cốt ti tiện, ai ai cũng hiểu mà.”
Lời vừa dứt, đám công tử thế gia cười ầm lên.
Chỉ có Giang Ngọc Dung là cười không nổi nữa.
Ta cúi đầu suy nghĩ rồi đáp lại câu thơ của Mã Trưng:
“Không hoài tráng chí sự nan thành,
Đồ hữu nhàn ngôn tổng oán khanh.”
“Hahaha, thật là những lời thô thiển, ngay cả vần điệu đối ngẫu cũng không biết, còn nói gì mà tráng chí…”
Mã Trưng cười đến một nửa thì đột nhiên dừng lại, đập bàn đứng bật dậy:
“Giang Thanh Uẩn, ngươi có ý gì?”
“Ta có hiểu ‘Âm ấp’ hay không không quan trọng, chỉ cần Mã thiếu gia hiểu thơ của ta là được, phải không?”
Mã Trưng ánh mắt tối sầm lại, vung tay đập vỡ chén rượu trên bàn, chỉ vào ta lớn tiếng chửi mắng:
“Ngươi là cái thá gì mà dám làm thơ châm chọc bản thiếu gia? Ai cho ngươi lá gan chó đó!”
Mã Trưng mang theo mấy tên gia đinh, vừa ra lệnh một tiếng, chúng lập tức rút kiếm xông về phía ta!
Kinh thành phòng vệ nghiêm ngặt, chỉ cho phép hộ vệ của thế gia quý tộc mang theo binh khí, mà còn phải đăng ký từng món tại Bộ Binh.
Tại sao gia đinh của Mã Trưng lại có binh khí?!
Khi ta hoảng hốt lùi lại, một tiếng cười lạnh vang lên:
“Mã thiếu gia, đọc sách thì chẳng ra gì, nhưng múa kiếm thì cũng khá lắm đấy.”
Mã Trưng cau mày nhìn lại, không ngờ đó lại là Đại tướng quân Cố Dữ Thanh.
Cố Dữ Thanh chưởng quản binh quyền bốn phương, lại là người được nữ đế sủng ái, Mã Trưng bỗng chốc tái mặt, cúi người hành lễ.
Đám gia đinh lập tức giấu kỹ binh khí.
Cố Dữ Thanh làm như không thấy, vô tình khiến Mã Trưng vấp ngã chổng vó như chó ăn phân.
“Giữa ban ngày ban mặt thì nên bớt uống rượu đi, uống nhiều quá sẽ nói năng lung tung.
Giang Thanh Uẩn không có chức vụ gì trong triều, ngươi lại dùng chữ ‘trâm anh’ trong câu thơ đầu, chẳng lẽ ngươi đang châm biếm nữ quan đương triều? Hay ngươi đang châm biếm nữ đế?”
Thơ hội im phăng phắc, mọi người sợ đến tái mét, vội vàng quỳ rạp xuống đất.
Mã Trưng run rẩy bò dậy, siết chặt nắm tay, cúi đầu nhục nhã nói:
“Sao… Sao có thể chứ… Thảo dân không dám.”
“Ngươi tốt nhất là đừng dám.”
Cố Dữ Thanh thản nhiên lau bụi trên giày bằng áo choàng của Mã Trưng, rồi ra lệnh giải tán thơ hội sớm.
Ta chạy xuống chân núi định nhắc nàng về chuyện binh khí, nhưng nàng bận rộn đi nghênh đón đại quân khải hoàn, đã rời đi từ lâu.
Ngẩng đầu lên, ta thấy Mã Trưng và Giang Ngọc Dung đứng ở đằng xa.
Mã Trưng giơ tay tát mạnh lên mặt Giang Ngọc Dung:
“Thơ hội là nơi phong lưu của đám nam nhân, ngươi một nữ nhân đến đó làm gì? Chẳng lẽ muốn quyến rũ kẻ khác như đã quyến rũ ta?”