Cùng Ta Ngẩng Đón Mùa Xuân - Chương 1
01
Tỷ tỷ của ta là thần đồng.
Ba tuổi biết ngàn chữ, năm tuổi thuộc quốc sử.
Tám tuổi viết một trường thi “Thán Hà Thương” làm kinh động tứ phương, trở thành tài nữ nổi danh cả huyện.
Ai ai cũng muốn mời nàng viết thơ, nhưng nàng chưa bao giờ đồng ý.
“Thơ của ta thanh cao như chính ta, không thể tùy tiện để kẻ phàm tục bỡn cợt.”
Giờ đây nữ đế nắm quyền, nữ tử cũng có thể làm quan, buôn bán, gây dựng sự nghiệp.
Cha mẹ ta tuy không biết chữ, nhưng hiểu được việc ở nơi nghèo khó này mà xuất hiện một nữ thi nhân là điều vô cùng quý giá.
Vì vậy, họ không ép tỷ tỷ phải cúi mình vì năm đấu gạo, cũng không khuyên nàng khom lưng trước cửa cao nhà quyền quý.
Cả nhà dậy sớm thức khuya kiếm tiền cho tỷ tỷ đọc sách làm văn, chỉ sợ lỡ dở tiền đồ đại thi nhân của nàng.
Nàng muốn lên kinh thành giao lưu thơ phú, cha mẹ ta thậm chí bán cả căn nhà tranh để gom đủ lộ phí!
Kinh thành chẳng thiếu thi hội.
Đối mặt với hàng loạt công tử thế gia, cuối cùng nàng cũng chịu cầm bút.
Nhưng lại viết ra một bài thơ ca ngợi thê tử dịu hiền, thanh cao nhã nhặn!
Trong bài thơ còn to gan lớn mật phê phán nữ đế không giữ trinh tiết, không theo nhà chồng, không kính mẹ chồng.
Nàng nhìn những công tử anh tuấn kia, đỏ mặt nói:
“Nữ tử tốt nên giữ trinh tiết, dịu dàng nhu mì, phải thuận theo phu quân và nhi tử, sao có thể áp chế nam nhân được chứ? Dù sao hành vi của nữ đế như vậy, Ngọc Dung ta cũng không học nổi.”
Chuyện này truyền tới tai nữ đế.
Nữ đế ch/é/m đ/ầu cả nhà ta!
Nay ta sống lại một đời.
Trong lòng quả thực là hận!
Ta từng nghĩ rằng tỷ tỷ về sau sẽ nổi danh sánh ngang đại thi nhân Mã Ngang, mở đường tiên phong cho nữ tử.
Ai ngờ nàng lại là kẻ chỉ biết nữ đức, mong mỏi làm thê tử nhu mì!
Chẳng trách nàng coi thơ như trinh tiết, bài này không viết, bài kia cũng không viết.
Hóa ra là đợi để dâng mình lên giường mấy công tử thế gia!
Để nàng viết, chẳng thà để ta viết!
“Ngươi viết? Ngươi chỉ là một tiểu nha đầu thì biết gì mà viết?”
Đồ tể bán tín bán nghi nhìn ta.
Ta thấm mực cho bút lông, trải giấy thô ra:
“Đúng vậy, ta viết!”
02.
Vợ của đồ tể mất sớm, để lại một đứa con trai thông minh hiểu chuyện, năm tuổi đã biết chữ đọc sách.
Hắn muốn con trai mình được học ở Bạch Mã Thư Viện danh tiếng lẫy lừng.
Bạch Mã Thư Viện do đương triều đại nho, Thượng thư Lễ Bộ đích thân sáng lập, huyện này cũng có một ngôi.
Thư viện mỗi năm vào mùa xuân thu nhận học trò, chỉ xét tâm tính, không xét xuất thân cao thấp, bất kể nam hay nữ.
Người cầu học phải tự tiến cử bằng một bài văn hoặc thơ từ, người dưới sáu tuổi có thể nhờ người khác viết thay.
Chín năm trước, tỷ tỷ của ta thi trượt ở Bạch Mã Thư Viện, mới viết ra bài thơ “Thán Hà Thương”, từ đó danh tiếng lẫy lừng, tự học ở nhà.
Vì vậy, nàng xem thường Bạch Mã Thư Viện, càng khinh bỉ đồ tể hèn mọn, cho rằng hắn không xứng đáng với thơ của nàng.
Đồ tể đành phải nhờ ta viết.
Dù sao ta cũng là muội muội của tài nữ.
Ta liếc nhìn chiếc áo bông rách của đồ tể và cuốn “Luận Ngữ kỳ lục” mới tinh trong ngực hắn, cầm bút viết:
“Thịt heo không béo ba lạng nạc,
Đèn dầu leo lét sách nhàu nát.
Mộng cưỡi cá lớn ba ngàn dặm,
Tỉnh giấc cùng cha bán thịt heo.”
Trong nhà yên lặng như tờ.
Tỷ tỷ đặt cuốn “Mã Ngang thi tập” đang đọc dở xuống, phì cười.
Nụ cười tràn đầy vẻ chế giễu:
“Hay lắm, hay lắm.”
Đồ tể không biết chữ, nghe cũng thấy thuận tai, bèn hỏi tiếp:
“Tiên sinh đọc thơ xong, nếu hỏi nó câu gì thì phải làm sao?”
“Thành thật trả lời.”
Đồ tể do dự một lúc, cuối cùng hẹn sau khi thư viện có kết quả sẽ cảm tạ ta.
Năm ngày sau, Bạch Mã Thư Viện thu nhận học trò, chúng ta cùng nhau đến xem náo nhiệt.
Tiên sinh đọc xong bài thơ, hỏi con trai đồ tể:
“Ngươi có biết cá lớn có nghĩa gì không?”
“Không biết.”
“Đạo Khổng Mạnh thì sao?”
“Luận Ngữ ạ?”
Tỷ tỷ khẽ che miệng cười, khuyên đồ tể nên sớm dạy con mình một nghề kiếm sống thì hơn.
Tiên sinh lại hỏi:
“Người họ Giang viết thay cho ngươi, có phải viết về những việc ngươi làm hàng ngày không?”
“Phải ạ, cha con vất vả, tất nhiên con phải giúp cha.”
“Ngày ngày nhọc nhằn, trong mộng vẫn ôm chí hướng Khôn Bằng, tỉnh dậy lại chăm chỉ tu thân lập mệnh, cần cù học tập, hiếu thuận cha mẹ, xem ra ngươi đã hiểu được Luận Ngữ rồi, vào thư viện học cùng ta đi.”
Nụ cười trên mặt tỷ tỷ bỗng chốc cứng đờ.
03.
Để mua “Mã Ngang thi tập” cho tỷ tỷ, nhà ta đã không còn gì để ăn, cha mẹ phải vào huyện bán lương thực giống.
May mắn thay, đồ tể đến nhà cảm ơn, còn tiếp tế lương thực cho gia đình ta, tặng thêm một miếng thịt hun khói.
Thịt hun khói hấp lên, ăn cùng cơm kê nóng hổi, thơm ngon đến chảy nước miếng, tỷ tỷ lại hừ lạnh một tiếng, mỉa mai:
“Thơ ca thanh cao, trong sạch như băng, không phải thứ để người đời bỡn cợt. Thơ thẩn thô tục như vậy, chỉ để lấy lòng người vì miếng thịt hun khói, dù thế nào ta cũng không viết nổi.”
Ta ngừng lại, lớn tiếng gọi cha mẹ.
“Tỷ tỷ nói nàng không ăn thịt hun khói, thịt hun khói thô tục!”
“Thịt hun khói thơm như vậy, sao lại không ăn chứ?”
“Tỷ tỷ có phẩm cách và cốt cách của riêng mình, chúng ta tuy không hiểu nhưng phải tôn trọng nàng!”
Cha mẹ luôn tôn trọng tỷ tỷ như vậy, đành mang thịt hun khói đi, đặt trước mặt nàng đĩa rau xanh, đậu phụ và bánh khô.
Ta cười nói:
“Tỷ tỷ thường ngày chỉ thích ăn đậu phụ, sau này chắc chắn sẽ trở thành thi nhân trong sạch như đậu phụ vậy!”
Tỷ tỷ gần như nghiến nát hàm răng bạc, dùng đũa gắp đậu phụ một cách hung hăng, đầu ngón tay trắng bệch.
Ngày hôm sau, nàng cầm bút tử đàn viết một bài thơ “Tích Đậu Nga”.
Trong thôn chẳng mấy ai biết chữ, nhưng mọi người đều tò mò muốn biết tài nữ viết gì, bèn mời một lão tú tài đến đọc.
Lão tú tài hắng giọng:
“Nghe cho kỹ nhé, đây là thơ của tài nữ Giang Ngọc Dung.
‘Non nớt đậu nga tựa tơ lụa,
Trắng mịn như ngọc thạch,
Ta ưu sầu trằn trọc,
Nhẹ nhàng xoa vuốt… Chữ này chưa từng thấy, đọc thế nào đây?'”
“Nghe chẳng giống chuyện đàng hoàng gì cả, lão tú tài có đọc nhầm không vậy?”
“Đậu Nga là ai vậy? Có phải tiên nữ trên cung trăng không?”
“Đó là Hằng Nga, Đậu Nga là người phụ nữ khóc dưới đài phong hỏa vì mất chồng ấy!” Nói đến đây mọi người im lặng, bầu không khí đầy ngượng ngùng.
Lão tú tài cũng đọc không nổi nữa, quay đầu nhìn tỷ tỷ.
Tỷ tỷ cao ngạo khác người, khó tìm tri âm, đứng giữa đám đông trừng mắt khinh bỉ.
Đúng lúc này, có người reo lên:
“Chuyện lạ đây! Tiểu nữ nhà họ Giang làm thơ cho đậu phụ, mau đến nghe thử nào!”
Tiểu nữ nhà họ Giang chính là ta.
Cha mẹ ta sống bằng nghề bán đậu phụ, đậu đều là tự trồng tự thu hoạch.
Đời trước, cha mẹ bán hết lương thực giống, không còn gì để gieo trồng, nếu phải mua đậu từ nơi khác làm đậu phụ thì chi phí quá cao, vì vậy hai người quyết định lên huyện kiếm sống.
Cha ta làm lao động khổ cực bị thương nặng, mẹ ta thêu khăn tay đến mù cả mắt.
Đời này ta quyết không để bi kịch ấy tái diễn.
Ta còn muốn giúp cha mẹ phát tài làm giàu.
“Mùa xuân sắp đến, cha mẹ ta muốn mang sạp đậu phụ lên huyện bán, ta viết một bài thơ quảng cáo đậu phụ nhà mình, mọi người nghe thử xem thế nào?”
Dân làng tụ tập lại.
Ta đặt bút lông đã xù lông xuống, chỉ vào chữ trên giấy đọc to:
“Đậu phụ trắng,
Cối đá đen,
Gà gáy ba lần dậy,
Phố lạnh bóng cô đơn.
Nhạt nhẽo lại chứa chân vị,
Hương đậu thơm ngọt hơn canh thịt.”
Cả đám đông im lặng.
Thằng bé mập nhà hàng xóm liếm môi, nũng nịu đòi mẹ mua một miếng đậu phụ:
“Ngon hơn canh thịt nữa à? Con muốn thử xem mùi vị ra sao.”
“Ta không hiểu thơ, nhưng nghe xong thấy đói rồi, bán cho ta một miếng đi.”
“Cha mẹ ngươi làm đậu phụ cũng vất vả lắm, may mà ngươi hiểu chuyện.”
Mọi người vây quanh sạp đậu phụ, rôm rả bàn tán, tiện tay mua sạch mẻ đậu phụ mới làm của mẹ ta, túi tiền nhỏ căng phồng.
Tỷ tỷ đứng ngoài đám đông, lặng lẽ đỏ hoe khóe mắt.
Không lâu sau, ta cùng cha mẹ lên huyện bán đậu phụ, vô tình bắt gặp tỷ tỷ đang dạo bước dưới gốc cây với công tử nhà huyện lệnh.
Tỷ tỷ xinh đẹp ăn bánh sữa bò, đến vụn bánh cũng không nỡ rơi xuống.
Công tử huyện lệnh buộc lại túi thơm, đọc bài “Tích Đậu Nga” của nàng, xúc động đến nói năng lắp bắp.
Tỷ tỷ cuối cùng cũng được hả hê, ngẩng cao đầu nói:
“Những chuyện phong hoa tuyết nguyệt như vậy, chỉ có huynh mới hiểu được ta. Trong thôn toàn là phường ngu dốt thô lậu, bọn họ không xứng để thưởng thức thơ của ta.”
“Nhắc đến muội muội của ta mới buồn cười làm sao, từ nhỏ đã lén lút đọc trộm sách của ta, biết được mấy chữ liền nghĩ mình có tài làm thơ.”
“Thứ nàng viết từ ngữ thô thiển, chẳng biết gì về niêm luật đối câu, đúng là làm ô uế chữ ‘thơ’.”
“Ta viết Đậu Nga, nàng lại viết đậu phụ, ngay cả chút tài tình này cũng bắt chước ta, đúng là không còn liêm sỉ.”