Cơn Giông Tội Lỗi - Chương 4
Đèn phòng tắm “tách” một tiếng, rồi tắt ngúm.
Tôi bật một que diêm, ném vào chậu.
Ngọn lửa lan dần, nuốt trọn từng nét mực, từng tờ giấy.
Toàn bộ chữ viết, sơ đồ, dữ liệu – dần biến mất.
Tôi không thích viết tay.
Nhưng tài liệu điện tử – luôn để lại dấu vết.
Sau khi xả sạch tro giấy trong bồn cầu, tôi quay người, nhìn chằm chằm vào khuôn mặt già nua hiện trên màn hình điện thoại.
Trong bóng tối yên ắng, một tiếng thì thầm bật ra:
“Lý Ngọc Anh… tại sao bà lại nói ra câu đó…”
Cùng lúc ấy, Lý Ngọc Anh nhìn thẳng vào ống kính.
“Cô ta… rốt cuộc vì sao lại muốn giết con trai tôi?”
9
Tôi rao bán căn nhà trên nền tảng giao dịch bất động sản.
Lý Ngọc Anh tìm đến.
Bà đứng ngay trước cửa, giọng chắc nịch:
“Cô không được bán căn nhà này.”
Tôi hơi ngạc nhiên vì bà biết nhanh như vậy.
Nhưng nghĩ đến đám người trong phòng livestream của bà thì… cũng không lạ nữa.
Tôi bình thản mở lời:
“Căn nhà này mỗi tháng phải trả góp 5.800, còn 15 năm nữa mới trả hết. Tôi không gánh nổi.”
“Tôi không có thu nhập, tôi và Miêu Miêu cần một khoản chi tiêu để duy trì cuộc sống cho đến khi tôi tìm được việc.”
“Mộ phần của Hoài Nghĩa cũng cần tiền.”
“Nếu không bán nhà… tôi còn lựa chọn nào khác không?”
Lý Ngọc Anh nhìn tôi chằm chằm, từng chữ từng câu như đập vào tai:
“Người chết còn chưa thể nhắm mắt.”
Tôi dựa vào khung cửa, thở dài một tiếng thật sâu.
“Nhưng người sống… vẫn phải tiếp tục sống, đúng không?”
Tiếng bước chân xôn xao vang lên từ cầu thang.
Cán bộ khu dân cư, mẹ bé Hy Hy cùng mấy người hàng xóm xách theo túi lớn túi nhỏ lên lầu.
Nhìn thấy Lý Ngọc Anh, ai nấy đều ngạc nhiên.
Mẹ bé Hy Hy lên tiếng trước:
“Bà Cố, hôm qua tụi cháu đã đến đồn công an rồi. Chủ động đến để làm chứng rằng mẹ Miêu Miêu vô tội.”
Mấy hàng xóm khác cũng phụ họa:
“Đúng vậy, tụi cháu đều là nhân chứng của cô ấy.”
“Bà à, bà hồ đồ quá rồi. Miêu Miêu là cháu ruột của bà đó. Bà làm khổ mẹ con họ thế này, thật không đáng. Họ đã đủ tội nghiệp rồi mà.”
Lý Ngọc Anh không nói gì, môi mím chặt thành một đường thẳng.
Bà không vào nhà, nhưng cũng không rời đi.
Mọi người lắc đầu thở dài, đặt những món đồ an ủi vào nhà tôi, lại tận tình động viên một lúc lâu.
Khi tôi tiễn họ ra ngoài, Lý Ngọc Anh vẫn đứng trong hành lang.
Tôi suy nghĩ một chút rồi nói:
“Tôi nhất định sẽ bán nhà.
Về mặt pháp lý, tôi hoàn toàn có quyền xử lý căn nhà này.
Bà có đứng đây canh cũng vô ích thôi.
Nếu bà không chịu vào, tôi sẽ đóng cửa lại.”
Cánh cửa sắp khép lại thì bà đột nhiên cất tiếng:
“Cô là người thân của nạn nhân trong vụ án giết người hàng loạt nhắm vào người khuyết tật năm xưa?”
Tay tôi rời khỏi tay nắm cửa.
Tôi chầm chậm ngẩng đầu, nhìn thẳng vào bà.
Ánh mắt bà không trốn tránh, cũng nhìn tôi.
Trong không gian yên tĩnh của hành lang, giọng bà trầm tĩnh vang lên:
“Tôi nhận được một tin nhắn riêng trên nền tảng.
Người đó bảo quen biết gia đình cô ở quê.”
“Cô ấy nói mẹ cô bị bại liệt từ nhỏ, chính là một trong những nạn nhân của vụ án giết người nhằm vào người khuyết tật năm ấy.”
“Hoài Nghĩa tuy chỉ đến thăm tôi hai lần, nhưng chúng tôi thường xuyên gọi video. Những năm qua, chuyện gì nó cũng kể cho tôi nghe, từ công việc tới cuộc sống, duy chỉ có việc này – nó chưa từng nhắc đến. Cho nên tôi nghĩ, nó chắc chắn không biết.”
“Nhưng tôi nhớ nó từng nói, khi học cao học, nó đã cùng thầy tham gia hỗ trợ vụ biện hộ cho nghi phạm của vụ án giết người hàng loạt đó, và thắng kiện – nghi phạm được tuyên vô tội.”
“Lúc ấy, nó còn kể với vẻ đầy tự hào, xem như một trong những dấu mốc huy hoàng thời sinh viên.”
“Tôi vẫn luôn không hiểu động cơ giết người của cô là gì.
Mọi người đều nói cô không có lý do.
Kể cả cảnh sát cũng nói vậy.
Nhưng nếu… nỗi hận vì người mình yêu thương bị sát hại, còn chồng mình lại từng biện hộ cho hung thủ, vậy… đó có được coi là một động cơ giết người không?”
Tiếng bà dội vào hành lang, từng âm tiết vang vọng lặp lại.
Tôi im lặng một lúc lâu, rồi cúi đầu:
“Miêu Miêu đang ở trường, trong nhà chỉ có tôi.”
“Bà có muốn vào trong… nói chuyện không?”
10
Lý Ngọc Anh bước vào.
Lần đầu tiên bà đặt chân vào nơi con trai bà từng sống.
Tôi nhìn thấy bà hơi xúc động, hai tay siết chặt, ngực phập phồng nhẹ.
Khi ánh mắt bà lướt qua nhà tắm, bỗng giật mạnh một cái – rồi nhanh chóng dời đi.
Tôi vào bếp, lấy cốc, rót trà cho bà.
Bà lắc đầu, không nhận.
Ánh mắt đầy cảnh giác.
“Cô muốn nói gì thì nói thẳng.”
Tôi mím môi.
Rút điện thoại, bấm gọi, khẽ nói vài câu.
Chưa đầy hai phút sau, cuộc gọi video đến.
Tôi bắt máy, đưa cho bà.
Bà nhíu mày nghi hoặc.
“Đây là luật sư Quan, bạn đại học của Hoài Nghĩa, cũng là cộng sự trong văn phòng luật.
Anh ấy cũng từng tham gia vụ án biện hộ mà bà vừa nhắc.”
Bà nhận lấy, nhìn vào màn hình.
Giọng luật sư Quan vang lên trầm ổn:
“Chào bác, lần trước gặp bác ở đám tang, cháu xin chia buồn cùng gia đình.”
“Cháu không rõ tại sao bác lại quan tâm đến vụ biện hộ năm xưa, nhưng vợ anh Hoài Nghĩa nhờ cháu giải thích lại rõ ràng.
Cháu đảm bảo những gì nói sau đây là hoàn toàn sự thật.”
“Lúc đó, cháu và Hoài Nghĩa chỉ là sinh viên năm hai cao học, chỉ phụ trách xử lý tài liệu hỗ trợ cho thầy, chẳng khác gì trợ lý không chính thức.
Vụ án được tuyên vô tội là vì nghi phạm có bằng chứng ngoại phạm vững chắc – tại tòa án đã được xác minh công khai.”
Tôi cảm ơn luật sư Quan rồi tắt máy.
Quay sang nhìn Lý Ngọc Anh, tôi bình tĩnh nói:
“Ngay từ đầu, tôi đã biết rõ vai trò của Hoài Nghĩa trong vụ án ấy.
Anh ấy không giúp hung thủ giết mẹ tôi thoát tội, vì kẻ đó được chứng minh là vô tội.”
“Và tôi cũng không nói cho Hoài Nghĩa biết mẹ tôi từng là nạn nhân, vì sau cú sốc ấy tôi bị chẩn đoán rối loạn hoảng sợ.
Bác sĩ khuyên nên hoàn toàn xóa bỏ ký ức đó.
Vì vậy, sau này khi quen anh, tôi chỉ nói cha mất sớm, mẹ mất do tai nạn…”
Ngày hôm đó, khi Lý Ngọc Anh rời đi, bà trông vô cùng mệt mỏi.
Có gì đó vừa ngờ vực, vừa bối rối, vừa chán nản.
Tôi đẩy nhanh tiến trình bán nhà.
Dù có người chết trong nhà, nhưng đã được xác định là tai nạn, không phải giết người, nên không bị xếp là “nhà chết chóc”, tôi cũng chủ động hạ giá khá nhiều, nên dần có người tới xem.
Mỗi đêm, đợi Miêu Miêu ngủ, tôi lại mở livestream của Lý Ngọc Anh.
Bà vẫn chưa từ bỏ.
Mỗi ngày, vẫn ngồi ngay ngắn trước camera, chậm chạp nhưng nghiêm túc trả lời câu hỏi từ dân mạng.
Nhưng lần này, bà không còn trực tiếp đổ lỗi cho tôi.
Bà chỉ nói đang chờ kết quả điều tra từ cảnh sát.
Tôi vẫn không hiểu vì sao bà lại quá chắc chắn tôi là người giết Cố Hoài Nghĩa.
Nhưng tôi biết – lý do của bà chưa đủ mạnh.
Ít nhất, không thể trở thành chứng cứ.
Tôi dần dần… yên tâm lại.
Cho đến hôm nay.
Bà đột nhiên lại xuất hiện.
Đập cửa từng cái.
Cố chấp.
Mạnh mẽ.
Không ngừng.
11
Tôi vừa mở cửa, Lý Ngọc Anh đã xông thẳng vào nhà.
Bà bắt đầu đi khắp nơi, tìm kiếm, ánh mắt như thiêu đốt.
Sắc mặt hơi đỏ bừng, vẻ mặt kích động rõ rệt.
Tôi không nhịn được hỏi:
“Bà đang tìm gì vậy?”
Bà quay lại, nhìn tôi chằm chằm:
“Là chứng toàn thân tê liệt đúng không?”
Tôi mím môi.
Không tránh né, đối diện với bà trong im lặng.
Đôi mắt đục mờ của bà lúc này lại rực lửa, giọng run rẩy nhưng từng câu từng chữ đều rõ ràng:
“Cảnh sát nói với tôi rằng cô không có động cơ gây án, không có công cụ gây án, cô có bằng chứng ngoại phạm đầy đủ, có nhân chứng vật chứng rõ ràng. Không ai có thể đảm bảo khiến Hoài Nghĩa ngã, và đúng lúc đó lại ngất ngay trong bồn tắm.”
“Tôi mấy ngày nay cứ nghĩ đi nghĩ lại những lời đó đến phát điên.
Tối hôm qua, tôi mơ thấy Hoài Nghĩa khi tám chín tuổi.”
“Năm đó tôi dẫn nó đến nhà một người bạn. Trong lúc chơi đùa, nó đột nhiên ngã phịch xuống, không động đậy được, nhưng mắt vẫn đảo qua đảo lại – nó tỉnh táo nhưng toàn thân không cử động nổi. Tình trạng đó kéo dài cả một tiếng rồi mới dần hồi phục.”
“Sau đó, bác sĩ hỏi kỹ mới phát hiện nó bị dị ứng nặng với hoa thủy tiên – chỉ cần ngửi phải cũng sẽ toàn thân tê liệt.”
“Hoài Nghĩa từng kể với tôi cô rất thích trồng cây, trong nhà bày đầy các loại cây xanh.
Chắc chắn là cô đã phát hiện ra điểm yếu đó, rồi dùng cách nào đó khiến nó tiếp xúc với hoa thủy tiên vào hôm đó, khiến nó tê liệt ngã xuống bồn tắm, và từ từ chết trong tuyệt vọng!”
Khi nói đến đây, ngực bà phập phồng dữ dội, mắt đỏ ngầu như muốn rỉ máu.
Tôi khẽ mở lời:
“Mẹ à… những điều mẹ nói… chỉ là mơ thôi mà. Sao có thể lấy mơ làm thật được?”
Bà vẫn không ngừng đi khắp phòng, kiểm tra từng gian một.
“Cây cảnh đâu rồi? Lần trước tôi đến, còn thấy rất nhiều cây mà!”
Tôi điềm tĩnh trả lời:
“Có cái tôi vứt rồi, có cái thì đem cho người ta.”
Bà nghiến răng:
“Nên là cô thấy chột dạ đúng không? Cô bắt đầu tiêu hủy chứng cứ rồi phải không!”
Tôi nhìn thẳng vào mắt bà:
“Mẹ à, con đang chuẩn bị bán nhà. Những thứ không mang theo được thì đương nhiên phải xử lý thôi.”
Lý Ngọc Anh im lặng nhìn tôi vài giây.
Sau đó dường như bình tĩnh lại, giọng khôi phục sự trầm ổn:
“Dù cô có tiêu hủy cũng vô dụng.
Chỉ cần pháp y khám nghiệm ra Hoài Nghĩa từng bị liệt cơ thể trước khi chết, thì bằng chứng ngoại phạm của cô sẽ mất hiệu lực.
Cô sẽ trở thành nghi phạm.
Từng bước một, sự thật cái chết của con tôi… sẽ bị bóc trần!”
Tôi thở dài một hơi, chậm rãi đi đến tủ, vòng qua lưng bà.
Tôi nâng một chiếc bình gốm từ trên tủ lên, ôm vào lòng, nhẹ nhàng vuốt ve, giọng dịu dàng:
“Mẹ, nếu mẹ nói những điều này… chắc chắn Hoài Nghĩa sẽ rất buồn đó.”
Lý Ngọc Anh ngẩn người, mắt trừng lớn, từ từ nhìn xuống chiếc bình gốm trong tay tôi, đồng tử co rút dữ dội.
“Sau khi điều tra, cảnh sát xác nhận Hoài Nghĩa chết vì tai nạn.
Ngay khi nhận được giấy chứng tử, tôi đã tới nhận thi thể.
Ban đầu tôi định báo cho mẹ, nhưng nghĩ đến việc anh ấy nằm lạnh lẽo trong tủ đông lâu như vậy, tôi sợ anh ấy lạnh quá, nên quyết định hỏa táng sớm, để anh ấy được yên nghỉ.”
“Mẹ cũng nhớ anh ấy lắm đúng không?
Nào, mẹ ôm anh ấy một chút đi.”
Tôi đưa bình tro cốt về phía bà.
Lý Ngọc Anh mặt trắng bệch, ngã phịch xuống sàn, người run như cầy sấy, hét lên đầy đau đớn:
“Vì sao chứ?!”
“Nó là đứa con ngoan, là đứa trẻ hiền lành…
Rốt cuộc tại sao cô lại giết nó?!”
Tôi cúi mắt nhìn bà.
Nhìn người phụ nữ đã không quản ngàn dặm tìm về chỉ vì một đứa con.
Ánh mắt tôi đượm nỗi xót thương… nhưng lạnh lẽo.
-Hoàn Chính Văn-