Con Dâu Tôi Là Người Cổ Đại - Chương 7
20
Thúy Nương luống cuống, đôi mắt đầy cầu cứu quay sang nhìn tôi. Tôi liền bước lên giải vây cho cô ấy:
“Con dâu nhà dì mới về nhà được bao lâu đâu, chuyện đi làm thì tính sau đi. Cái tiệm của mày thì cũng sắp dẹp đến nơi rồi, kêu chị dâu qua làm, có trả nổi lương không đó?”
Tiểu Tĩnh bĩu môi, không phục:
“Ai nói vậy chứ! Chẳng qua là trước giờ con chưa gặp ai hợp gu như chị dâu thôi, lại còn đa tài thế nữa!”
“Chị dâu mà vào giới Hán phục là hot hit liền á! Con chỉ cần nhập thêm ít vải, nhờ chị dâu thiết kế cho vài mẫu độc quyền thôi, đảm bảo tiệm con nổi như cồn trong giới phục cổ!”
Tôi trợn trắng mắt:
“Thôi đi bà nội! Hôm nay dì dẫn chị dâu mày tới đây chỉ để thử cảm giác làm hoàng hậu quý phi gì đấy thôi! Mau lôi mấy món sưu tầm mà người xưa đội với mặc ra cho chị dâu mày thử đi, tính phí như khách bình thường là được!”
Tiểu Tĩnh ấm ức nói:
“Con nói bao nhiêu lần rồi, cái đó gọi là phượng quan hạ bội nha dì! Dì với má con chỉ biết gọi là nón với áo!”
Nói xong, nó mới đi vào phòng trong, trước tiên lấy ra một bộ y phục màu xanh biếc, viền áo được thêu hoa và đính ngọc trai lóng lánh, trông cực kỳ sang trọng.
Sau đó, nó lại ôm ra một cái hộp lớn, quay sang tôi, nói:
“Dì ơi, cái này là đồ con cất kỹ đó nha! Nếu không phải vì chị dâu vừa biết làm Hán phục vừa biết búi tóc, con tuyệt đối không mang ra đâu.
Đồ quý như này phải để người hiểu giá trị của nó dùng thì mới đáng, mới biết trân trọng.”
Haizz… cái giọng điệu này… như thể tôi với má nó trước giờ chẳng biết quý gì vậy! Con bé chết tiệt này hồi xưa cứ đòi mua mấy món này là tôi phải ra mặt can má nó lại, còn cố gắng khuyên: “Thôi kệ nó, con nít thích thì cứ mua đi!”
Nhưng nhìn dáng vẻ của Thúy Nương lúc này thì đúng là khác tôi thiệt. Cô ấy cứ chậm rãi đi vòng quanh bộ y phục đó, tay thì muốn sờ mà không dám chạm vào, nâng niu quý trọng hết mức, khiến Tiểu Tĩnh cũng phấn khích, coi cô ấy như tri kỷ.
Nó chủ động đưa bộ đồ sang cho cô ấy:
“Chị dâu cứ thoải mái xem kỹ nha! Bộ này là vải dệt kim tuyến, váy là loại mô phỏng trang hoa, lớp trong là áo cổ tròn dệt hoa chìm. Tuy không bằng vải vân cẩm nhưng họa tiết vẫn đẹp lắm đó!”
Thúy Nương nghe xong thì xúc động sờ vào bộ đồ:
“Dệt kim tuyến sao? Đây là kỹ thuật chỉ dành cho phẩm vật cống nạp và quan lại quyền quý ngày xưa mà!”
Tiểu Tĩnh gật đầu:
“Đúng rồi! Ngày xưa mấy loại vải này chỉ dành cho giới quý tộc, giờ thì nhờ máy móc hiện đại mới mô phỏng lại được, giá cũng không còn quá cao nữa. Nào, để em giúp chị mặc thử, hôm nay chị cũng hóa thân làm quý tộc cổ đại một lần đi!”
Nó nói xong liền kéo Thúy Nương lại, tay chân lanh lẹ mặc đồ cho cô ấy luôn.
Niệm Nhi ở bên cạnh thì nhảy tưng tưng, miệng không ngừng reo lên:
“Mẹ đẹp quá trời luôn! Mẹ đẹp ghê á!”
Đợi đến khi Tiểu Tĩnh mở chiếc hộp ra, lấy ra một chiếc phượng quan to đùng, Thúy Nương càng thêm xúc động:
“Thứ này… sao có thể… đây là phượng quan, chỉ có hoàng hậu nương nương mới được đội, dân thường sao dám vượt lễ nghi thế này!”
Tiểu Tĩnh thì hứng khởi hơn nữa:
“Đúng đó! Đây chính là loại phượng quan mười hai rồng chín phượng mà hoàng hậu ngày xưa đội đó! Hồi xưa dân thường đừng nói là đội, đến nhìn cũng chẳng được! Nhưng giờ á, ai thích là được thử hết!”
“Chiếc mũ này là bản mô phỏng em đặt người làm riêng, tuy không đính đầy ngọc ngà châu báu nhưng cũng không tệ đâu, em tốn hơn năm triệu đó!”
Tôi nghe xong thì nhướng mày:
“Hả? Hơn năm triệu? Cái nón này làm bằng vàng hay bạc vậy mà mắc dữ vậy?!”
Tiểu Tĩnh vội vàng phản bác:
“Dì ơi, cái mắc là ở tay nghề đó! Tay nghề, hiểu không?! Nếu làm bằng vàng bạc thì con còn thấy lời nữa kìa!”
Ừ được rồi được rồi, miễn mày vui là được!
21
Tiểu Tĩnh vừa dứt lời liền chẳng buồn hỏi han gì thêm, đội luôn chiếc phượng quan lên đầu Thúy Nương, còn tiện tay trang điểm cho cô ấy một chút. Đến khi Thúy Nương đứng dậy…
Cả người lấp lánh châu ngọc, rực rỡ vô cùng, Thúy Nương đội chiếc phượng quan nặng trịch mà không dám cử động, chỉ thì thầm:
“Cái mũ này… nặng quá ạ!”
Tiểu Tĩnh thì như nhập vai luôn, lập tức tiến lại đỡ lấy cô ấy, bắt chước y hệt trong phim:
“Hoàng hậu nương nương cẩn thận, đi từ từ thôi ạ, lão nô sẽ đưa nương nương đi chụp ảnh!”
Thế là Thúy Nương khoác nguyên bộ phượng quan hạ bội lộng lẫy đi dạo quanh cổ trấn chụp hình. Người qua kẻ lại tấp nập nhưng chẳng ai mấy quan tâm — đúng thật, ở mấy nơi du lịch như vậy thì cái gì cũng có thể gặp.
Lúc chiều tối quay về nhà, Thúy Nương đột nhiên lẩm bẩm:
“Thế giới này không còn hoàng đế hoàng hậu nữa… chỉ cần chăm chỉ thật thà làm việc, ai cũng có thể có tương lai tốt… Thật là tốt quá đi mà.”
Tôi đi sau cô ấy, nghe vậy thì cũng tiếp lời:
“Đúng vậy, giờ là xã hội mới rồi, phong kiến xưa tiêu đời cả rồi. Sau này không cần câu nệ mấy quy củ lạc hậu chỗ quê con nữa, cứ như em họ con ấy, muốn làm gì thì làm!”
Thúy Nương được khích lệ, cảm xúc dâng trào:
“Nương, con muốn mở một tiệm bánh! Con muốn để thật nhiều người được biết đến những món điểm tâm mà con làm!”
Hả? Ờ thì… hay là… thôi khoan đi đã, lượng dầu và đường trong mấy món đó mà giữ nguyên thì e là khách mới cắn một miếng đã đòi kiện nhà mình luôn rồi…
Tôi vội vàng khuyên nhủ:
“Cái đó khoan vội, từ từ đã. Trước tiên con cứ luyện thêm tay nghề đi, chưa cần làm bánh ngay đâu.
Con có thể bắt đầu từ thứ con giỏi nhất, như là làm y phục cho chị họ trước đi, quen việc đã, rồi thử làm ít thêu thùa này nọ, để thử bán trong tiệm chị họ xem sao.”
Thúy Nương nghĩ ngợi một lúc rồi gật đầu lia lịa:
“Nương nói đúng, con vừa thấy trong tiệm chị họ có để hoa lụa và hoa nhung, con làm hoa nhung thì không giỏi, nhưng hoa lụa thì đơn giản, con làm được.”
Nghe cô ấy nói vậy là tôi tán thưởng liền, cổ vũ tới tấp — miễn là đừng đụng vào đồ ăn thì chuyện gì cũng bàn được!
Về đến nhà, tôi còn cố ý bảo Tiểu Tĩnh mang đống quần áo cần chỉnh sửa trong tiệm về đây, để Thúy Nương luyện tay thêm.
Ai ngờ Tiểu Tĩnh chạy về… chở luôn một xe ba bánh!
Tôi chỉ vào từng bọc từng bọc quần áo, há hốc mồm:
“Tiểu Tĩnh, gì mà nhiều dữ vậy?! Bộ đồ trong tiệm con đều cần sửa hết à?”
Con bé cười hì hì:
“Dì ơi, giới Hán phục bây giờ thay đổi nhanh lắm, mấy bộ con mua trước đây mới vài năm là lỗi mốt rồi. Vứt thì tiếc, giữ thì chật chỗ, mà tự học sửa hoài không xong.
Nghe dì nói chị dâu biết làm thêu, còn làm được hoa lụa nữa, đúng là gặp đúng người đúng lúc!”
“Đống này con chia rồi — một túi sửa lại theo mẫu mới, một túi thêm thêu hoa, còn một túi thì làm luôn phụ kiện như khăn, hoa lụa, dải tóc. Ở tiệm khác sửa từng món là tính tiền từng cái, chị dâu làm thì tính con giá bạn bè, tiện biết bao!”
Tôi nghe xong cứng họng, không tìm ra được lời nào để phản bác.
Thúy Nương thì vui vẻ lắm:
“Em họ, sao chị có thể lấy tiền của em được! Em cứ yên tâm, chị sẽ làm thật cẩn thận đúng theo yêu cầu của em!”
Tiểu Tĩnh vội vàng xua tay:
“Không được không được! Để chị làm không công thì dì mắng chết em mất! Cùng lắm em trả chị ít tiền hơn chút là được!”
Thúy Nương quay sang nhìn tôi, tôi gật đầu:
“Đúng đó, lắm lời quá, cùng lắm thì tính rẻ cho em họ là được.”
Lúc này Thúy Nương mới dè dặt lên tiếng:
“Vậy thì… cả đống này sửa hết… lấy 100 văn — à, ý chị là… 100 nghìn, như vậy được không?”
Tiểu Tĩnh trợn tròn mắt:
“Chị dâu ơi, cái giá này ngoài tiệm người ta chỉ sửa được đúng một bộ đồ thôi đó! Chị đừng khiêm tốn quá nha, em nói giảm giá chứ không phải bóc lột chị!”
Thúy Nương liền xua tay lia lịa:
“Không không, quê chị làm gì có ai thuê may vá! Mà nếu có, làm nguyên tháng nhiều khi cũng chỉ được 50 nghìn thôi, mà còn phải sửa nhiều đồ hơn chỗ em đưa nữa cơ.”
Tiểu Tĩnh nghe xong thì trợn mắt há mồm:
“Trời ơi! Quê chị nghèo đến vậy sao?!”
22
Tôi vội vàng chữa cháy, đỡ lời giùm:
“Đó là vì quê con bé ở vùng xa xôi hẻo lánh, ai cũng biết tự sửa đồ nên tay nghề không mấy ai coi trọng, không có giá trị gì. Thế này nhé, ngoài cổng làng chỗ dì Lý sửa một bộ đồ cũng 50 nghìn rồi. Chị dâu cháu giúp sửa đơn giản thì tính 20 nghìn, phức tạp thì 30 nghìn, giá vậy là ưu đãi cho cháu dữ lắm rồi đó!”
Tiểu Tĩnh lập tức đồng ý, nói giá này quá hời, vẫn tiết kiệm được khối tiền.
Từ sau khi có việc để làm, ngày nào Thúy Nương cũng cầm điện thoại trao đổi với Tiểu Tĩnh về mấy bộ đồ cần sửa, tay dùng điện thoại ngày càng thuần thục.
Những lúc rảnh rỗi, tôi cứ thấy cô ấy ngồi cắt cắt vá vá mấy bộ đồ cũ, biến hóa thành y phục kiểu mới. Khi thì cô ấy thêu hoa lên góc áo, lúc thì thêu lá vào gấu váy. Mấy mảnh vải dư, cô ấy cũng khéo tay biến ngay thành những bông hoa lụa xinh xắn.
Tôi cũng tò mò làm thử, ai ngờ vừa so với cô ấy thì thôi rồi — người ta làm hoa lộng lẫy quốc sắc thiên hương, tôi làm ra y như bông hoa dầm mưa dập gió sắp rụng. Ngay cả bé Niệm Nhi còn làm đẹp hơn tôi! Tôi chỉ còn biết đứng bên cạnh cảm thán — đúng là nữ nhân cổ đại cái gì cũng giỏi thật!
Vài hôm sau, Thúy Nương hoàn tất tất cả mớ quần áo cho Tiểu Tĩnh, vẻ mặt đầy niềm vui, mang theo tám trăm nghìn dúi cho tôi:
“Nương, đây là tiền công con sửa đồ cho em họ, con đưa nương!”
Tôi trợn mắt nhìn cô ấy:
“Con đưa cho mẹ làm gì? Tiền con tự làm ra thì con giữ lấy chứ!”
Thúy Nương tròn xoe mắt ngạc nhiên:
“Nhưng nhà mình đâu có phân gia, tiền bạc của con với phu quân làm ra đều phải nộp vào công quỹ, đưa cho mẹ quản mới đúng ạ.”
Tôi xua tay lia lịa:
“Không có không có! Nhà mình không có cái quy củ đó đâu. Hồi đó bà nội của Chí Dũng còn là phụ nữ tiên tiến tiêu biểu của thị trấn, ghét nhất là chuyện mẹ chồng bắt nạt con dâu! Bà ấy chưa từng đòi lấy lương của mẹ, nên giờ con cũng thế, tự cất đi nhé!”
Thúy Nương nghe xong mắt đỏ hoe, tôi liền quát khẽ:
“Không được khóc! Không được khóc! Đây là chuyện rất bình thường ở chỗ chúng ta, không phải quê con nữa đâu!”
Thúy Nương vừa nghẹn ngào vừa cố nuốt nước mắt:
“Con biết… mẹ đối tốt với con…”
Chưa kịp để tôi khuyên tiếp, thì Tiểu Tĩnh đã gửi tin nhắn tới. Tôi mở ra xem:
“Dì ơi! Chị dâu cực khổ bao nhiêu ngày nay, dì phải để chị ấy giữ lại ít tiền chứ! Con nói chuyển khoản, chị ấy không chịu, cứ đòi lấy tiền mặt rồi mang đưa cho dì! Dì làm mẹ chồng vậy là quá đáng rồi đó nha! Làm vậy con cũng không dám nhìn mặt chị dâu nữa á!”
Trời ơi đất hỡi! Danh tiếng của tôi sắp đi đời nhà ma rồi!
Tôi vội vàng nhắn lại:
“Không có không có! Là chị dâu con cứ khăng khăng đòi đưa đó chứ, dì đâu có đòi! Không tin thì lần sau gặp con tự hỏi nó nha!”
“Với lại từ giờ trở đi, chị dâu con sửa đồ thì cứ tính theo giá thị trường, không có chuyện giảm giá gì nữa hết!”
Tiểu Tĩnh: ……
Phù, suýt chút nữa thì tiếng xấu “mẹ chồng ác độc” lại thêm một vết mới rồi!
Từ sau khi tự mình kiếm được tiền công, Thúy Nương trông khác hẳn, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Cô ấy mang tiền tự kiếm được ra chợ mua một con gà, nói là muốn tự tay nấu món ngon để báo hiếu cha mẹ chồng.
Tôi mừng lắm, bảo tấm lòng của cô ấy thì tôi ghi nhận, nhưng nấu nướng thì… thôi để tôi làm!
Mỗi tội — con gà cô ấy mang về là gà còn sống!
Tôi thì chưa từng giết gà bao giờ, ông nhà tôi thì chưa tan làm, giờ tôi biết làm sao đây trời?
Tôi hỏi sao không bảo người ta làm sẵn, Thúy Nương đáp tỉnh bơ: giết gà thì mất thêm tiền, cô ấy làm được mà!
Thế là Thúy Nương đem nước sôi ra, Niệm Nhi đứng bên cạnh vui vẻ đưa dao, Thúy Nương một tay cầm dao, một tay đè con gà đã buộc chặt, lộ rõ cổ ra.
Rồi “xoẹt!” — một nhát dứt khoát nhanh gọn, máu từ cổ gà chảy xối xả vào cái bát đặt cạnh đó.
Tôi rùng mình, người run lên một cái.
Chờ máu gà chảy hết, Thúy Nương liền bỏ cả con vào nồi nước sôi, luộc sơ, rồi lại vớt ra, vài động tác là sạch lông bóng loáng.
Toàn bộ quá trình, Thúy Nương và Niệm Nhi mặt mày bình thản như không, tay chân nhanh gọn, trơn tru như nước chảy.
Tôi đứng xem mà… cổ bắt đầu thấy lạnh lạnh rồi đó!