Con Dâu Tôi Là Người Cổ Đại - Chương 6
17
Những điều mà người ta cho là hiển nhiên, thì trong mắt Thúy Nương lại trở thành bằng chứng cho thấy tôi quá tốt với cô ấy.
Làm tôi cũng thấy ngại ngại, rõ ràng là… nhà tôi mới là bên lời nè: không sính lễ, không nhà thành phố, cưới vợ mà giống như… cưới ơn.
Sau khi lắp đặt xong hết mấy món điện gia dụng, tôi nghĩ tới chuyện Thúy Nương còn chưa rành mấy món này, thế là tôi ôm lấy cuốn hướng dẫn vừa học vừa dạy cho cô.
Tôi chỉ vào cái điều hòa cây mới mua, nói:
“Cái này để làm lạnh với sưởi luôn nha, không cần dùng lò sưởi hay quạt gió nữa!”
Thúy Nương với Niệm Nhi quay quanh cái điều hòa cả buổi, nhìn như đang nghiên cứu thánh vật.
“Nương, cái điều hòa này khác với cái treo trên tường mà phu quân từng chỉ cho con đó ạ!”
Tôi lại chỉ vào con robot lau nhà:
“Cái này có thể quét nhà, lau nhà luôn, nhưng mà mẹ cũng chưa hiểu lắm. Chờ Chí Dũng về, nó chỉ cho.”
Hai mẹ con lại ngồi thụp xuống, sờ sờ nắn nắn cái robot một hồi.
Niệm Nhi còn ngẩng lên hỏi:
“Bà ơi, trong cái này có người nhỏ xíu nào chạy ra quét nhà không ạ?”
Tôi phì cười suýt sặc, rồi tiếp tục đưa cô ta đi giới thiệu máy nước nóng mới lắp, máy giặt, bồn cầu tự động…
Quan trọng nhất là, tôi phải dặn kỹ rằng — quần áo giặt bằng máy xong rồi, thì không cần đem ra đập bằng chày nữa!
Nói xong, Thúy Nương đỏ hết cả mặt.
Mà tôi phát hiện ra chuyện đó cũng là nhờ lần trước…
Hôm đó tôi không ra ngoài, mới phát hiện Thúy Nương lấy hết mùng mền, rèm cửa… cho vào máy giặt xong, lại ôm ra sân, đập bằng chày tiếp một lượt!
Nếu không thấy tận mắt, tôi còn tưởng cô ấy đang luyện võ công — cứ mỗi lần tôi đi qua là thấy cô hoặc đang bỏ đồ vào máy giặt, hoặc đang “bang bang bang” dộng chày như đuổi tà.
Nói gì thì nói, người xưa đúng là khỏe thiệt.
Nhìn thì yếu đuối, chứ Thúy Nương chặt củi, cuốc đất, giặt giũ, làm cái gì cũng thành thạo, khiến tôi đứng bên cạnh giống hệt một… bà chủ giàu có ăn chơi đích thực.
Vì đồ đạc nội thất vẫn chưa chuyển tới, tôi quyết định dắt Thúy Nương và Niệm Nhi đi chợ phiên trên thị trấn chơi một chuyến.
Nói ra thì hơi xấu hổ — ngoài mấy lần được Chí Dũng chở đi, thì hai mẹ con họ chỉ mới đi xa nhất là… tạp hóa đầu thôn.
Chợ hôm nay đông nghịt người, chen chúc tấp nập.
Tôi đeo cái gùi trên lưng, dẫn đầu, phía sau là Thúy Nương nắm chặt tay Niệm Nhi đi theo sát nút.
Tôi vừa đi mua đồ, vừa quay lại nhắc Thúy Nương “đi sát vào, đừng lạc nhé”, thỉnh thoảng gặp người quen còn dừng lại tám chuyện vài câu.
Tôi cũng rôm rả giới thiệu Thúy Nương và Niệm Nhi với bà con, tiện mời vài người “hôm nào nhớ qua nhà ăn cỗ nhé!”
Còn Thúy Nương với Niệm Nhi thì… như hai nhân viên PR miễn phí, cười suốt buổi, gật đầu lia lịa.
Ngay lúc tôi đang đứng ở một sạp hàng, tập trung mặc cả mớ rau cải, thì đằng sau chợt vang lên tiếng con gái:
“Chị là ai vậy? Tôi không quen chị đâu nhé!”
Tôi quay phắt lại — Ơ? Thúy Nương với Niệm Nhi đâu rồi?!
Lần theo giọng nói ấy, tôi nhìn sang, thì thấy…
Thúy Nương đang nắm tay một cô gái mặc đồ cổ trang, mặt mày hớn hở, hỏi han ríu rít:
“Cô nương ơi, không biết cô đến đây từ lúc nào vậy? Cô cũng là người xuyên không tới đây phải không? Có biết Thanh Thủy thôn thuộc trấn Liên Hoa không?”
Cô gái bị hỏi thì mất kiên nhẫn ra mặt:
“Tôi nói rồi mà, tôi không phải xuyên không! Tôi không biết chị là ai, càng không biết cái trấn gì chị nói!”
Tôi đứng đó mà chỉ muốn lấy tay che mặt lại.
Trời ơi Thúy Nương ơi, cô lại nhận nhầm đồng hương xuyên không nữa rồi!
Chắc thấy cô bé kia mặc đồ cổ trang giống mình, cô ta tưởng đâu là “hội xuyên không đồng niên”, liền chạy tới bắt chuyện!
Cô gái kia chắc chỉ cosplay thôi mà cũng bị bắt nhận là người từ… triều đại khác!
Thật sự là… chuyện nhà tôi càng ngày càng ly kỳ như phim truyền hình!
18
Tôi vội vàng tiến lên kéo tay Thúy Nương lại, vừa cúi đầu xin lỗi cô gái kia:
“Xin lỗi, xin lỗi cô gái nhỏ, con dâu tôi chỉ đang đùa với cô thôi, cô đừng chấp nhặt nhé! Chơi vui vẻ nha! Xin lỗi nhiều!”
Tôi một tay kéo Thúy Nương, một tay kéo Niệm Nhi, nhanh chóng rời khỏi phố lớn, đến khi đi vào góc khuất ít người hơn, tôi mới hỏi Thúy Nương chuyện vừa rồi là sao.
Quả nhiên Thúy Nương nói trang phục của cô gái kia giống hệt cách ăn mặc ở quê cô, nên mới nghĩ đối phương cũng đến từ nơi đó như mình.
Tôi thở dài:
“Con bé đó chỉ tới mấy thị trấn cổ gần đây du lịch thôi, trong mấy chỗ đó có nhiều người mặc kiểu trang phục tương tự lắm!”
Thúy Nương tròn xoe mắt:
“Nhiều lắm ạ?”
Tôi gật đầu, vừa giải thích vừa kể cho nàng biết hiện giờ có rất nhiều bạn trẻ thích mặc cổ phục – gọi là Hán phục – đi dạo chụp ảnh. Bên cạnh chỗ này cũng có một khu thị trấn cổ, nên thường xuyên thấy các cô gái mặc Hán phục đi dạo chợ.
Nói nhiều không bằng cho thấy tận mắt, tôi dứt khoát dẫn Thúy Nương và Niệm Nhi vòng qua khu thị trấn cổ kế bên.
Vừa đến cổng thành, Thúy Nương liền kéo tay tôi lại:
“Nương, cái cổng này trông giống cổng huyện thành chỗ con quá!”
Bên cạnh có một cô bác nghe thấy, quen miệng bắt chuyện luôn:
“Giờ còn huyện thành nào có cổng như thế này nữa đâu! Đó là cổ trấn ở đâu vậy?”
Tôi vội ngăn Thúy Nương định lên tiếng, quay sang đáp lời:
“À đúng rồi đúng rồi, là ở một thị trấn nhỏ phía Nam ấy mà!”
Nói xong tôi lập tức từ chối câu hỏi tiếp theo của bà cô kia, rồi kéo hai mẹ con đi tiếp.
Con dâu tôi chẳng có chút ý thức giữ bí mật gì cả, ôi trời, cái nhà này mà không có tôi thì đúng là loạn mất! Đúng là mọi việc vẫn phải dựa vào tôi thôi!
Vào đến trong cổ trấn, tôi chỉ lên mấy bức tường thành trang trí hình vua chúa, hoàng hậu, phi tần mà bảo Thúy Nương:
“Nhìn xem! Chỉ riêng chỗ này thôi đã có cả một đống vua chúa, hoàng hậu, quý phi rồi!”
Thúy Nương ngẩng đầu nhìn một hồi, rồi nhỏ giọng nói với tôi:
“Nương, quần áo họ mặc không giống vua chúa gì hết, mà giống mấy người diễn tuồng bên chỗ con hơn ấy!”
Nghe thế tôi cũng hơi xấu hổ. Ờ thì… nhìn mấy bộ đồ này đúng là chất lượng chẳng ra sao, thua xa cả đồ biểu diễn thời xưa nữa.
Thúy Nương lại lén kéo tay tôi:
“Nương, ở đây có nhiều dân biên ải thế ạ? Họ mặc đồ lấp lánh quá, toàn bạc là bạc!”
Tôi nhìn theo hướng mắt cô ấy – ô, bên kia là khu trình diễn trang phục dân tộc thiểu số, người nào người nấy đều đeo đồ lủng lẳng, leng keng khắp mình.
Ừm, giờ tôi phải giải thích sao đây… Ờ thì… đây là đặc trưng mỗi khu du lịch thôi mà!
Thôi, kệ, cứ để cô ấy nghĩ vậy đi!
Đã dẫn tới tận đây rồi, vậy thì cho cô ấy trải nghiệm luôn cảm giác làm quý phi, hoàng hậu gì đó một phen.
Cháu gái lớn của tôi – Tiểu Tĩnh – đang mở một tiệm Hán phục ngay trong khu này, chuyên làm mấy mẫu phục dựng cổ xưa, khách cũng không đông lắm, buôn bán tạm được.
Trước đó chúng tôi từng góp ý bảo nó nhập thêm mấy bộ kiểu long bào này kia để hút khách, nó thì khinh khỉnh chê những bộ đó xấu muốn chết!
May mà cửa tiệm là nhà mình, không tốn tiền thuê mặt bằng, người nhà cũng mặc kệ để nó thích làm gì thì làm.
Lúc tôi dẫn Thúy Nương và Niệm Nhi vào trong tiệm, đúng lúc có khách đang thử đồ. Cô gái đó mặc một bộ cổ phục, đang nói với Tiểu Tĩnh:
“Tôi muốn kiểu giống mấy truyện điền văn ấy, đừng lòe loẹt, đừng cầu kỳ quá! Mà bộ này chẳng có tí hơi thở điền văn nào luôn.”
Tiểu Tĩnh thấy tôi thì liền chạy lại chào:
“Dì ơi, dì tới rồi à! Đây là vợ của anh Chí Dũng hả? Trời ơi, xinh quá chừng! Còn bé con cũng dễ thương nữa kìa!
Dì với chị dâu cứ ngồi nghỉ chút nhé, con đang tìm bộ đồ phù hợp cho khách này.”
Điền văn? Cổ phục? Mấy thứ đó… chẳng phải là sở trường của Thúy Nương sao?!
19
Tôi liền quay sang bảo Thúy Nương:
“Thúy Nương, mau giúp vị khách này chọn một bộ đồ hợp với nhân vật làm ruộng đi, rồi làm cho cô ấy kiểu tóc cũng phù hợp luôn nhé!”
Thúy Nương hơi lo lắng:
“Trang phục làm ruộng ạ? Con làm được không?”
Tôi thì vững vàng như núi Thái Sơn:
“Thì cứ mặc y như lúc con ở quê cày cấy là được! Giúp người ta tái hiện lại nguyên bộ đó! Mau đi đi!”
Con cháu gái tôi – Tiểu Tĩnh – tròn mắt ngạc nhiên, nhỏ giọng thì thầm với tôi:
“Dì ơi, hóa ra lời đồn dì bắt vợ anh Chí Dũng ra đồng làm ruộng là thật hả?”
Tôi? Trời ơi, cái tin vịt này mà cũng bay xa vậy sao? Tức chết tôi mất!
Tôi đập cho nó một cái:
“Con bé này, toàn tin nhảm! Chẳng qua là cái mảnh đất tự trồng ngoài cổng, em dâu con muốn dọn lại trồng rau thôi!”
Tiểu Tĩnh lập tức né ra xa, đi theo Thúy Nương, giúp cô ấy lấy mấy bộ đồ vừa mắt. Tôi chỉ thấy Thúy Nương từ đống y phục lộng lẫy đó chọn ra vài bộ váy áo màu nhã nhặn, giản dị.
Cô ấy quay sang bàn với Tiểu Tĩnh:
“Chị ơi, vải vóc nhà chị đều đẹp quá, mấy bộ này màu sắc đơn giản thì còn tạm, nhưng em cần chỉnh sửa lại một chút, có được không ạ?”
Tiểu Tĩnh ngạc nhiên:
“Em biết làm Hán phục à? Mấy bộ đó là hàng phục dựng cổ, chị cũng định sửa lại mà không rành lắm. Nếu em biết làm thì cứ tự nhiên sửa nha! Nhưng mà chỉnh sửa như vậy mất bao lâu? Sợ khách chờ không được thôi!”
Thúy Nương vội đáp:
“Em biết may vá mà, sẽ nhanh thôi, không để khách đợi lâu đâu ạ.”
Ngay cả vị khách kia cũng gật đầu tán thành, nói sẵn sàng chờ để xem thử sau khi chỉnh sửa xong có giống như mình mong muốn không.
Thế là Thúy Nương lập tức ôm đống y phục đó, bắt đầu ngồi xuống bên chiếc máy may trong tiệm của Tiểu Tĩnh, nhanh chóng chỉnh sửa.
Máy may của Tiểu Tĩnh cũng gần giống cái mà con trai tôi từng mua cho Thúy Nương, cái lúc chuyển phát nhanh giao tới, tôi với ông nhà tôi còn phải vừa đọc hướng dẫn, vừa phụ cô ấy làm quen với cách dùng.
Chẳng bao lâu sau, Thúy Nương lắc lắc bộ đồ vừa sửa, bảo đã xong rồi.
Cô ấy giúp vị khách mặc vào một chiếc áo dài tay màu tím nhạt, bên ngoài khoác thêm một lớp áo cộc tay màu cam nhạt trông giống như áo yếm, phần dưới là váy dài màu nâu đậm, bên trên phủ thêm một lớp váy trắng ngắn, thắt thêm một dải lụa dài buộc quanh eo, chia hai vạt thả xuống dọc theo tà váy.
Vị khách kia xoay một vòng, liên tục gật đầu:
“Đúng chất rồi! Rất ổn, giờ chỉ thiếu kiểu tóc nữa thôi.”
Thúy Nương lại tiếp tục buộc tóc cho cô ấy: gom tóc lên búi gọn, phần đuôi tóc được vấn thành búi tròn, phần trán chia làm ba lọn tết gọn, cuối cùng dùng mảnh vải thừa từ bộ đồ ban nãy quấn quanh tóc làm khăn trùm.
Trên đầu ngoài khăn đó ra thì không có thêm món trang sức nào khác, vậy mà tổng thể lại mang đậm khí chất cổ xưa, mộc mạc mà thanh lịch.
Vị khách nọ vui mừng đứng dậy xoay một vòng trước gương:
“Quá tuyệt luôn! Đây đúng là nữ chính trong truyện điền văn rồi! Vừa cổ điển vừa dịu dàng. Tiệm Hán phục của mấy người thật sự rất đỉnh, tôi nhất định sẽ giới thiệu cho đám bạn tới đây!”
Thúy Nương chỉ mỉm cười không nói, rồi từ đống đạo cụ trong tiệm lấy ra một cái giỏ hoa, tháo hết hoa giả ra, để lại chiếc giỏ tre trống, đưa cho vị khách đó.
Mặc bộ đồ giản dị, không đeo trang sức cầu kỳ, tay lại cầm giỏ tre trống trơn, nhìn cô ấy chẳng khác gì người từ làng cổ bước ra.
Vị khách cực kỳ hài lòng, Tiểu Tĩnh liền sắp xếp cho thợ chụp ảnh trong tiệm dẫn khách đi chụp ngoại cảnh.
Đợi người ta đi rồi, Tiểu Tĩnh liền chạy lại nắm lấy tay Thúy Nương:
“Chị dâu, chị biết làm Hán phục, biết búi tóc, còn biết phối đồ nữa, hay là đến làm việc ở tiệm của em đi!”