Cổ Nữ - Chương 1
1.
Đề toán năm nay vẫn khó như mọi khi.
Phòng thi yên tĩnh đến mức chỉ nghe thấy tiếng bút sột soạt trên giấy.
Hơn mười phút sau, từ hướng nhà vệ sinh vang lên một tiếng hét kinh hoàng:
“Cứu với! Sâu! Nhiều sâu quá!”
Gần như tất cả ánh mắt đều đổ dồn ra ngoài cửa sổ.
Em gái thiên tài của tôi tóc tai rối bù, hoảng loạn chạy bạt mạng trên hành lang, trông như người điên.
Các thầy cô trong ban giám thị vội vàng chặn nó lại, hỏi có chuyện gì xảy ra.
Khuôn mặt em gái tôi biến dạng vì sợ hãi.
Nó run rẩy chỉ về phía nhà vệ sinh, miệng không ngừng lắp bắp:
“Sâu… sâu…”
Hai giáo viên được phân công ở lại trông chừng nó, những người khác tiến về phía nhà vệ sinh.
Bên ngoài dần yên tĩnh trở lại.
Giám thị nhắc nhở chúng tôi:
“Tiếp tục làm bài đi, đừng nhìn ngó lung tung.”
Tôi cầm bút lên, tiếp tục tính toán.
Trong đầu chợt lóe lên một suy nghĩ —
Sâu à?
Ồ, suýt nữa thì quên mất, là tôi đã giở trò.
2.
Sáng hôm sau, mẹ kế phá lệ chuẩn bị bữa sáng với sữa tươi và sandwich cho tôi, còn nâng cốc chúc tôi và em gái thi cử thuận lợi, đỗ đạt cao quý!
Không ngờ rằng, trong sữa có vấn đề.
Trong giờ thi Ngữ văn, vừa làm xong phần câu hỏi cơ bản, tôi cảm giác lục phủ ngũ tạng như bị đầu độc, cơn đ au dữ dội khiến tôi suýt ngất xỉu.
Mồ hôi lạnh không ngừng tuôn ra.
Giám thị hỏi:
“Em sao vậy? Có ổn không?”
Tôi lắc đầu, một tay ôm bụng:
“Không sao ạ, nghỉ một chút sẽ đỡ thôi.”
Cô giáo nhìn tôi đầy lo lắng.
Tôi cắn răng chịu đựng, cảm nhận rõ ràng sự nhấp nhô và rung động dưới lòng bàn tay đang áp lên bụng.
Đó là bản mệnh cổ của tôi.
Nó ẩn náu dưới rốn, khẽ rung động, tỏa ra những đường vân chằng chịt như mạng nhện.
Dùng cách thức đặc biệt của nó để giải độc cho tôi.
Toàn bộ cơ bắp, xương cốt và mạch máu trong người tôi như bị sợi tơ vô hình xuyên qua từng chút một.
Quá trình đó kéo dài khoảng năm sáu phút, cho đến khi cơn đau biến mất, quần áo tôi đã ướt đẫm mồ hôi.
Cả người như vừa được vớt ra từ trong nước.
Giám thị lại hỏi tôi lần nữa:
“Em chắc không cần đi bệnh viện chứ?”
Tôi đã dùng khăn giấy lau mồ hôi trên tay, bắt đầu làm bài.
Dựa vào thời gian cổ trùng giải độc, tôi biết rất rõ rằng liều lượng thuốc mà mẹ kế bỏ vào rất mạnh, đủ để lấy mạng tôi.
Vậy nên…
Khi thi xong Ngữ văn, bà ta đứng chờ ở cổng trường, ngạc nhiên nhìn tôi.
Tôi vui vẻ khoác tay bà ta, vừa thân thiết vừa tự nhiên.
Trong bữa ăn trưa, tôi không chút áy náy mà yểm cổ trùng lên người con gái bà ta.
3
Đúng vậy, tôi là cổ nữ.
Chính xác hơn, mẹ tôi là cổ nữ. Tôi chỉ kế thừa bản mệnh cổ của bà, rồi dựa vào tấm da dê bà để lại mà học được chút ít về cách nuôi cổ.
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với cổ trùng là vào năm tôi 6 tuổi.
Mẹ tôi đột ngột qua đời.
Từ nhà đến bệnh viện rồi đến nhà hỏa táng, suốt cả quá trình chỉ có tôi và ba tôi.
Khi thi thể được đưa vào lò hỏa thiêu, cổ tay của mẹ tôi đột nhiên nổi lên một cái bọc, sau khi khẽ cựa quậy, hóa thành một luồng kim quang bắn thẳng vào mi tâm của tôi.
Tôi hỏi ba có nhìn thấy “cái bọc trên tay mẹ” và “luồng kim quang” không, ba tôi không thấy gì, còn bảo tôi đừng suy nghĩ linh tinh.
Sau khi trở về nhà, tôi soi gương và phát hiện giữa mi tâm của mình xuất hiện một lỗ nhỏ.
Kích thước của nó tương đương với dấu kim tiêm khi tiêm ở bệnh viện.
Lúc đó, tôi còn nhỏ, nhận thức có hạn, mọi tưởng tượng về luồng kim quang đó đều gắn với hình ảnh tiên nữ.
Tôi nghĩ rằng mình chắc chắn sẽ biến thành một tiểu tiên nữ, nhưng những người khác lại cho rằng tôi đã gặp tà ma.
Họ nói rằng ba tôi không nên đưa tôi đến nhà hỏa táng, rằng trẻ con dương khí yếu, dễ bị quấy nhiễu.
Ba tôi rất tức giận, mắng tôi đừng nói bậy, còn dọa nếu tôi tiếp tục nói linh tinh thì sẽ đưa tôi đến bệnh viện tâm thần.
Tôi sợ hãi vô cùng! Lo sợ ba sẽ không cần tôi nữa!
Năm đó, còn chưa qua đầu thất của mẹ, mẹ kế đã chuyển vào nhà chúng tôi, còn mang theo một đứa em gái.
Năm đó, tôi hiểu rõ một điều rằng, từ nay về sau, tôi có thêm một cái tên khác —
Kẻ ăn nhờ ở đậu.
4
Hình như mẹ tôi không có họ hàng thân thích.
Tất cả họ hàng của chúng tôi đều là người bên phía ba và mẹ kế.
Họ, cũng giống như hàng xóm, thích hỏi tôi một câu hỏi: “Mẹ mày không còn nữa, sau này ba mày chỉ thương em gái thôi, mày sẽ làm sao?”
Có lẽ họ không có ác ý, chỉ đơn thuần muốn trêu chọc tôi mà thôi.
Ban đầu, tôi khóc òa lên, nhìn thấy họ cười ha hả, dần dần, tôi nở nụ cười rạng rỡ và không chút do dự đáp: “Tôi cũng thích em gái.”
Khi câu trả lời trở nên nhàm chán, dần dần họ không hỏi nữa.
Sự hiểu chuyện đầu tiên của tôi, hoặc có thể nói là gương mặt thứ hai của tôi, bắt đầu từ khi đó.
Mùa đông năm ấy, mẹ kế đưa tôi và em gái đi chơi ở khu vui chơi.
Chúng tôi vừa chơi xong vòng xoay ngựa gỗ, em gái nói muốn đi vệ sinh, mẹ kế bảo tôi đứng nguyên tại chỗ đợi, bà ấy đưa em gái đi vệ sinh rồi sẽ quay lại tìm tôi.
Thế nhưng, họ không quay lại.
Tôi đứng nguyên tại chỗ, đợi rồi lại đợi, đợi rồi lại đợi…
Đợi đến khi khu vui chơi ngày càng thưa thớt người, đợi đến khi mặt trời lặn, đợi đến khi tất cả các trò chơi đều dừng lại.
Tôi vừa đói, vừa khát, vừa lạnh, cuối cùng cũng hiểu ra rằng, tôi đã bị bỏ rơi rồi!
Đêm đó, tôi tự đi bộ về nhà.
Nhà tôi cách khu vui chơi rất xa, tôi đi bộ suốt hơn hai tiếng đồng hồ.
Không có tiền, không thể đi xe, cũng không dám khóc, sợ bị kẻ buôn người bắt đi.
Tôi nhớ rõ có một con đom đóm luôn đi cùng tôi.
Nó cứ bay phía trước tôi, đuôi phát ra ánh sáng vàng óng.
Tôi nghĩ, đó chính là linh hồn của mẹ.
Bà đang dẫn tôi về nhà.
Nhiều năm sau, tôi mới nhận ra, đó chính là bản mệnh cổ của tôi.
Khi tôi về đến dưới lầu nhà mình thì đã hơn 9 giờ tối, đèn phòng khách đã tắt, chỉ còn phòng ngủ chính là còn sáng.
Tôi dùng chìa khóa mở cửa, rón rén bước vào nhà.
Em gái đã ngủ, ba tôi và mẹ kế nằm trên giường trò chuyện.
“Em làm sao vậy? Ngay cả một đứa trẻ cũng không trông nổi! Không sợ người ta nói ra nói vào à?!”
“Em chỉ đưa Hoàn Nhiên đi vệ sinh thôi mà, đã dặn đi dặn lại là không được chạy lung tung, không được chạy lung tung! Vậy mà khi chúng em từ nhà vệ sinh đi ra, nó đã chạy đâu mất rồi! Em dắt Hoàn Nhiên, tìm nó khắp khu vui chơi ít nhất mười vòng! Nhưng không tài nào tìm thấy! Anh nói xem, đứa bé này, sao lại không khiến người ta bớt lo được vậy?”
Hai người tiếp tục nói thêm một lúc nữa.
Trong lời nói của họ, tôi không nghe thấy chút lo lắng nào, chỉ nghe thấy họ đang bàn cách đối phó với những câu hỏi của người khác.
Hơn nữa, việc thiếu một đứa con lại có thể tiết kiệm tiền bạc, thời gian và công sức, dường như họ còn cảm thấy nhẹ nhõm.
Trái tim tôi như rơi xuống hố băng.
Quả nhiên, bà ta cố ý!
Còn ông ta, thấy vậy mà mừng.
5
Tôi cuộn mình trong căn phòng nhỏ, kìm nén tiếng khóc suốt cả đêm, nỗi sợ hãi chiếm trọn trái tim tôi.
Tôi là đứa trẻ không có mẹ, tôi sợ họ sẽ lại bỏ rơi tôi lần nữa.
Đúng rồi, tôi phải ngoan.
Sáng sớm hôm sau, khi tất cả mọi người còn chưa thức dậy, tôi chạy vào bếp nấu cháo.
Tôi bé nhỏ đứng bên cạnh bếp, tay cầm muỗng khuấy liên tục, sợ cháo bị khê. Đợi cháo chín, tôi vớt dưa muối ra, cắt nhỏ rồi rắc bột ngọt, thêm một ít dầu mè.
Tôi còn luộc ba quả trứng.
Đó là lần đầu tiên tôi nấu ăn, bị bỏng tay.
Tôi nhớ khi họ thức dậy và nhìn thấy tôi, nét mặt ai cũng đầy ngạc nhiên. Họ hỏi tôi hôm qua đi đâu, hỏi tôi về nhà lúc nào.
Tôi nói, tôi bị đau bụng, cũng đi vệ sinh, khi ra ngoài thì không thấy họ đâu nên đi tìm khắp nơi, mãi đến khi công viên đóng cửa mới đi bộ về nhà.
Mẹ kế nói, người đi tìm người, tìm đến chết cũng không thấy.
Bà ấy bảo tôi sau này gặp tình huống như vậy thì phải đứng yên một chỗ, tuyệt đối không được chạy lung tung, còn nói bà ấy suýt nữa bị tôi hù chết!
Tôi ngoan ngoãn gật đầu, nói với bà ấy: “Con xin lỗi.”
6
Những năm sau đó, bữa sáng trong nhà đều do tôi làm, quét nhà giặt giũ cũng là tôi.
Trong khi em gái mặc váy công chúa, tung tăng nhảy nhót trong nhà, thì tôi mặc tạp dề, sợ mình sẽ làm chướng mắt họ.
Tôi cố gắng ăn ít, làm nhiều.
Mẹ kế rất hài lòng: “Đứa con ghẻ mà vợ trước của anh để lại cũng không tệ lắm! Đỡ tốn tiền thuê bảo mẫu!”
Ba tôi cũng rất hài lòng: “Đúng vậy, nó cũng biết điều đấy chứ, chỉ có điều quá gầy! Người ta còn tưởng chúng ta ngược đãi nó!”
Tôi nhìn em gái trắng trẻo, xinh xắn như búp bê, rồi nhìn vào gương thấy gương mặt hốc hác vàng vọt của mình, cảm thấy mình thật xấu xí!
Mẹ kế gọi tên tôi: “Bạch Chỉ, sau này cơm thừa của em gái con, con ăn hết đi, đừng để lãng phí.”
Nước mắt tôi lập tức tuôn trào.
Bao nhiêu năm nay, tôi làm việc nhà, ngủ ở góc ban công bừa bộn, sống như một con chó!
Nhưng tôi không phải chó!
Lần đầu tiên, tôi nói “không”.
Mẹ kế dường như nghe thấy điều gì buồn cười lắm, bà ta nắm lấy cằm tôi:
“Sao hả? Cảm thấy ấm ức à? Nghĩ mà xem, trẻ con ở châu Phi muốn ăn còn không có mà ăn đấy!”
Tôi cảm thấy bà ta nói rất có lý, nhưng tôi không thể đồng ý.
Tôi cắn chặt răng, nước mắt dâng tràn khiến mắt đỏ hoe.
7
Đêm đó, tôi mơ thấy con đom đóm với ánh sáng vàng rực ở đuôi.
“Mẹ, là mẹ phải không?”
Con đom đóm bay một vòng quanh phòng chứa đồ, rồi đậu trên đống hộp lộn xộn ở góc tường.
Ánh sáng vàng lóe lên hai lần, rồi biến mất.
Linh cảm mách bảo, tôi lao tới lục tung đống hộp, bất ngờ tìm thấy một cuốn sổ bìa da dê, bên trong là nhật ký của mẹ tôi.
Nét chữ thanh thoát, từng dòng chữ của mẹ như dòng suối chảy róc rách.
Dưới ánh trăng, tôi tham lam hấp thụ hơi ấm mà mẹ để lại.
Giấc mơ này, tôi không muốn tỉnh dậy!
Sáng hôm sau, khi chuông báo thức vang lên.
Tôi mở mắt ra, phát hiện mình đang tựa vào cửa kính ban công, trên tay ôm chặt cuốn sổ bìa da dê trong giấc mơ.
Tôi sững sờ!
Giữa mơ và thực, hư ảo và hiện thực.
Rốt cuộc là Trang Chu mộng hồ điệp, hay hồ điệp mộng Trang Chu?
Nhưng dù thế nào đi nữa, hiện thực vẫn là cuộc sống không được yêu thương, tôi vội nhét cuốn sổ bìa da vào cặp sách, rồi lao nhanh vào bếp nấu ăn cho cả nhà.
Kể từ ngày đó—
Trong lòng tôi xuất hiện một ngọn lửa nhỏ.
Giống như cô bé Lọ Lem biết mình có một bà tiên đỡ đầu.