Chủ Mẫu Hầu Phủ - Chương 1
1
“Phu nhân, người cứ yên tâm, rồi thiếu gia sẽ suy nghĩ thấu đáo thôi.” Giọng nói dịu dàng vang lên bên tai ta.
“Thúy Vũ?”
Đúng vậy, đây là Thúy Vũ, nha hoàn bên cạnh ta từ nhỏ, cùng ta lớn lên, rồi theo ta gả vào Uy Viễn Hầu phủ.
“Phu nhân, là Thúy Vũ đây.” Thúy Vũ lo lắng nhìn ta: “Người làm sao vậy?”
Ta có chút hoảng hốt.
Thúy Vũ không phải đã hy sinh khi cứu ta, bị đè bởi xà nhà đổ sập trong lúc hỏa hoạn sao?
Sau khi Thúy Vũ chết, ta cũng không chạy trốn mà bị lửa thiêu chết. Ta còn nhớ rõ cảm giác rát bỏng da thịt khi bị lửa đốt.
Chẳng lẽ?
Nghĩ đến một khả năng, ta nắm chặt tay Thúy Vũ, sốt ruột hỏi: “Thiếu gia đâu?”
“Thiếu gia ở Từ Đường ạ. Nô tỳ vừa đi xem qua, thiếu nãi nãi đã kêu người mang điểm tâm qua, người đừng lo lắng.” Thúy Vũ nhẹ nhàng đáp.
Từ Đường?
Đúng rồi, nhi tử hiếu thảo của ta, chỉ vì một kỹ nữ mà làm náo loạn cả gia đình, khiến cả kinh thành chê cười.
Hôm nay nó thậm chí còn muốn ly hôn với thê tử để cưới kỹ nữ về!
Ta nhốt con trai trong Từ Đường để hắn suy nghĩ lại.
Nhưng ai ngờ, hắn lại đốt lửa thiêu rụi Từ Đường, thà giả chết cũng nhất quyết muốn bỏ trốn cùng với nữ tử thanh lâu.
Trời hanh vật khô, lửa nhanh chóng lan từ Từ Đường sang toàn bộ Uy Viễn Hầu phủ.
Chờ đến khi mọi người trong phủ tỉnh dậy vì ngửi thấy mùi khói thì đã không kịp dập lửa hay chạy trốn.
Một trăm hai mươi mạng người, bao gồm cả ta và đứa cháu sắp chào đời, đều chôn vùi trong biển lửa.
Ông trời có mắt, đã để ta về lại cái ngày này!
2
“Tuyên Nhi!” Ta giả vờ bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng, gọi to tên của nhi tử.
“Phu nhân, người gặp ác mộng ạ?” Thúy Vũ thắp nến bước vào phòng ngủ: “Để nô tỳ kêu người nấu trà an thần cho người nhé.”
“Thúy Vũ, ta mơ thấy Tuyên Nhi xảy ra chuyện.” Ta đứng dậy khỏi giường, khoác áo ngoài vào.
“Không được, ta phải đến Từ Đường xem Tuyên Nhi, nếu không ta không thể yên tâm.”
Ta bước nhanh ra ngoài, Thúy Vũ lo lắng đi theo sau.
Vừa ra khỏi phòng, đã thấy ánh lửa bùng lên từ hướng Từ Đường.
“Người đâu, Từ Đường cháy rồi! Mau đến dập lửa! Tuyên Nhi còn ở bên trong!” Ta hét lớn.
Rất nhanh, mọi người đã bị đánh thức, chạy đến Từ Đường dập lửa.
“Tuyên Nhi!” Ta chạy về phía Từ Đường, cố ý ngã hai lần trên đường. Khi đến trước cửa Từ Đường, toàn thân ta đã lấm lem bùn đất, tay trầy xước, mặt dính cỏ.
Ta muốn lao vào Từ Đường, Thúy Vũ vội vàng giữ ta lại.
“Phu nhân, lửa quá lớn, người không thể đi vào. Thiếu gia có thể đã ra ngoài rồi, người đừng kích động!” Thúy Vũ vội vàng khuyên can.
“Phu nhân, để ta dẫn mọi người đi cứu hỏa, người yên tâm, ta nhất định sẽ cứu thiếu gia ra!” Quản gia cũng dẫn theo người chạy đến, dội nước lên quần áo rồi lao vào lửa.
Ta cúi người cảm ơn: “Cảm ơn mọi người, nhưng lửa lớn vô tình, lúc dập lửa mọi người nhất định phải cẩn thận!”
Đừng để tên nghịch tử kia chết oan uổng trong biển lửa.
Nhìn ra xa, ta thấy một bóng người đi về phía cửa sau.
3
Sau khi lửa được dập tắt, ta lảo đảo bước vào Từ Đường, chỉ nhìn thấy một thi thể cháy đen.
Ta nhào lên, gào khóc thảm thiết: “Tuyên Nhi, con chết thảm quá! Con đi rồi, cô nhi quả phụ sống thế nào đây!”
Tên nghịch tử kia diễn trò còn rất hoàn hảo, chỉ không biết thi thể này là ai.
“Con đi rồi, mẫu thân cũng không thiết sống nữa.”
“Tuyên Nhi!”
“Phu quân!”
Bà bà và nhi tức chạy đến, một già một trẻ đều khóc lóc thảm thiết.
“Đều do ta, nếu ta không bắt Tuyên Nhi quỳ Từ Đường, thì Tuyên Nhi sẽ không chết trong biển lửa! Để ta đi cùng Tuyên Nhi, để con không cô đơn trên đường!”
Ta khóc lóc lao về phía bức tường cháy đen trong Từ Đường.
Bất kể ai nhìn vào cũng đều thấy một mẫu thân đang đau khổ tột cùng vì mất con.
Ngay khi sắp đụng vào tường, Thúy Vũ với hai nha hoàn khác kéo ta lại.
Ta giả vờ bị kích thích quá độ, không chịu nổi, ngã ra bất tỉnh.
“Phu nhân!”
“Anh Bình!”
“Mẫu thân!”
Mọi người dìu ta về phòng.
Đại phu nói ta bị kích thích, thương tâm quá độ nên ngất xỉu, kê đơn thuốc an thần tĩnh tâm.
Ta nằm trên giường một canh giờ, sau đó “tỉnh” dậy.
Bà bà tuổi già sức yếu, nhi tức sắp sinh, ta sợ họ có mệnh hệ gì thì sẽ mất nhiều hơn được.
Chuyện Từ Đường Uy Viễn Hầu phủ bị cháy, thế tử Trịnh Tuyên bị thiêu chết trong Từ Đường lan truyền khắp kinh thành chỉ trong một đêm.
Mọi người bàn tán xôn xao, nhắc đến chuyện Trịnh Tuyên vì một kỹ nữ mà làm loạn, đều cảm thán không thôi.
Ta cử người đi báo tang, chuẩn bị tang lễ.
Nửa tháng trôi qua, phủ đệ chìm trong màu trắng tang tóc.
4
Khi ta bước vào Từ Đường, bà bà đang nằm trên giường, hốc mắt sưng đỏ, lông mi dính nước mắt, rõ ràng là vừa mới khóc một trận.
Vừa vào cửa, ta lập tức quỳ xuống bên mép giường.
“Mẫu thân, người phải bảo trọng sức khỏe. Nếu người có mệnh hệ gì, con và Vân Nhi biết sống thế nào đây?”
Ta vừa khóc vừa nói: “Mẫu thân, hai mươi năm trước, phụ thân hy sinh nơi sa trường, để lại cô nhi quả phụ chúng ta. Con dựa vào một hơi thở mới sống đến ngày hôm nay, nhưng ai ngờ…”
“Trước kia Tuyên Nhi hiếu thảo, chịu khó học hành, thi cử, chưa bao giờ làm chúng ta phiền lòng. Tuy rằng mấy ngày trước nó có làm ầm ĩ một chút, nhưng con không ngờ nó lại nhẫn tâm như vậy!”
Nói đến đây, ta thực sự đau lòng, nước mắt tuôn rơi.
“Nó cứ như vậy mà đi rồi, khiến chúng ta phải chịu cảnh đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, bất hiếu quá!” Ta ôm lấy bà bà, khóc nức nở.
“Còn Vân Nhi và đứa bé trong bụng con bé nữa, phải làm sao bây giờ?” Ta khóc nức nở: “Mẫu thân, con thực sự chịu đựng không nổi nữa!”
Bà bà lập tức ngồi dậy, khuôn mặt đầy vẻ kiên nghị, mơ hồ có thể thấy phong thái của một nữ tướng năm xưa.
“Anh Bình! Con là đương gia chủ mẫu của Uy Viễn Hầu phủ, con cần phải gánh vác gia đình này! Con muốn dựa vào bà già sắp xuống quan tài này hay là nhi tức đang mang thai sao?” Bà bà lạnh giọng nói.
Ta như bị dọa sợ, ngơ ngẩn nhìn bà bà.
“Khóc đi, khóc xong trận này, con vẫn là nữ nhân một mình nuôi dạy nhi tử thành tài, là chủ mẫu của Uy Viễn Hầu phủ.” Bà bà run rẩy tay vỗ vai ta.
Ta khóc nấc lên, khóc ra tất cả những uất ức, chua xót vì nhi tử thà chọn một kỹ nữ hơn là gia đình.
Ta tự nhủ với lòng mình, Lục Anh Bình, chỉ khóc lúc này thôi, về sau không bao giờ được rơi lệ vì đứa con nghịch tử đó nữa.
5
Từ ngày hôm đó khóc xong, ta không còn rơi lệ nữa.
Ta thường xuyên đến thăm con dâu, dặn dò nàng phải bảo trọng sức khỏe.
“Vân Nhi, Tuyên Nhi hồ nháo như vậy, nó đi rồi cũng tốt, con hãy quên nó đi và sống tốt cho bản thân.” Ta vừa nói vừa lau nước mắt cho nàng.
Đây thực sự là một đứa trẻ ngoan, năm xưa ta hết các khuê tú trong kinh thành, ngàn chọn vạn tuyển mới chọn con gái của Lễ Bộ thị lang làm nhi tức.
Nàng từ nhỏ đã đọc đủ thứ sách, tính tình rộng rãi hào phóng, lại giỏi quản gia, biết đối nhân xử thế, hiếu thuận với trưởng bối, không có gì chê trách được.
Chỉ là Trịnh Tuyên, nghịch tử kia, lại không thích nàng, luôn đối với xử lạnh nhạt với nàng.
Ta luôn mong ước thời gian trôi thật chậm, ai ngờ nó lại say mê một kỹ nữ, nhất quyết đòi hòa ly với thê tử tốt như vậy.
“Mẫu thân, con biết rồi, con còn có con của chúng ta, mẫu thân yên tâm.” Nhi tức an ủi ngược lại ta.
“Con nghĩ vậy là tốt rồi, con còn có con, nhất định phải bảo trọng bản thân.”
Ta do dự một chút, rồi nói với nàng: “Về sau con chính là con gái của mẫu thân, chờ sinh con xong, nếu con muốn ở lại trong nhà, chúng ta sẽ cùng nhau chăm sóc đứa bé. Còn nếu con muốn về đằng ngoại hoặc tái giá, mẫu thân đều tôn trọng con!”
Con dâu sửng sốt một chút, sau đó nở nụ cười chân thành, cảm ơn ta: “Con biết mẫu thân suy nghĩ cho con, nhưng con đã gả vào Uy Viễn Hầu phủ, tất nhiên chính là người của Uy Viễn Hầu phủ.”
“Về sau còn dài, không vội.” Ta an ủi nàng.
“Đúng rồi, tang lễ của Tuyên Nhi có ta lo liệu, lát nữa con đừng cố gắng chịu đựng mà hoàn toàn làm theo nghi thức, con hãy giả vờ ngất đi, sau đó về phòng nghỉ ngơi.” Ta dặn dò nàng.
Nàng kinh ngạc nhìn ta.
“Nghe lời mẹ, hiện tại sức khỏe con là quan trọng nhất.”
Hôn tang gả cưới trong danh môn thế gia đều không đơn giản, trải qua một loạt nghi thức, người bình thường đã mệt mỏi đến chết điếng, huống chi nhi tức là một thai phụ sắp sinh.
Hơn nữa, không đáng vì nghịch tử Trịnh Tuyên kia.
Khi mọi người đến phúng viếng, nhìn thấy Vân Nhi khóc ngất đi, đều cảm thán Uy Viễn Hầu phủ có một người nhi tức hiền huệ.
Vừa về đến phòng, nhi tức tỉnh lại, nói với bà thông gia đang nóng ruột: “Mẫu thân, con không sao đâu, là bà bà bảo con giả vờ.”
Bà thông gia:…