Chị Dâu Thích Chịu Khổ, Tôi Đành Hết Lòng Giúp Đỡ - Chương 2
Chị dâu khựng lại, nuốt ực mấy viên đá đang nhai dở.
Tôi nói tiếp:
“Bởi vì lúc trời nóng thật sự, gió quạt thì cũng giống như cái sự ăn khổ của chị vậy — vô dụng!”
Không nói lại được tôi, chị dâu tức đến độ lại muốn nhào vô lòng anh tôi mà khóc.
Nhưng anh tôi cũng đang nóng đây này.
Anh lách qua một bên, lau mồ hôi trên trán, lấy hai viên đá dán lên trán cho mát.
“Tiểu Ngọc à, ở nhà em không cho anh bật điều hòa, anh mới tính về nhà ba mẹ hưởng chút sung sướng, ai ngờ em ở đây cũng tắt luôn?”
Chị dâu ấm ức:
“Tiền nhà ba mẹ không phải sau này cũng là của mình sao, làm sao mà xài hoang được?”
Mẹ tôi cau mày:
“Ở nhà tụi con, chưa bao giờ bật điều hòa sao?”
Anh tôi ú ớ không nói thành lời, chị dâu thì thấy mẹ có vẻ giận rồi, bèn quay đi chỗ khác tiếp tục ngồi quạt.
“Thôi được, tôi hiểu rồi, nhà các người ai nấy đều thích tiêu xài, được được được, tôi là người ngoài, chọc không nổi nhưng tránh được, thế là được chứ gì.”
Tôi trừng mắt nhìn anh tôi một cái, rồi lập tức bật lại điều hòa.
Nhưng cãi nhau một trận xong, người tôi cũng ướt đẫm mồ hôi. Tôi chạy vào bếp tính lấy miếng dưa hấu cho mát.
Ai ngờ vừa mở tủ lạnh ra thì phát hiện, quả dưa tôi để từ sáng đã biến mất.
Lạ thật.
Tôi ló đầu ra hỏi ba:
“Ba ơi, dưa hấu đâu rồi ạ?”
Ba nói:
“Không phải trong tủ lạnh à?”
Đúng lúc đó, chị dâu xen vào:
“Tôi bỏ vào cái thùng lớn trong nhà vệ sinh để ngâm rồi, ở quê tôi, nhà nào không có tủ lạnh cũng để dưa vào giếng cho mát.”
“Quả dưa to đùng như vậy mà cho vào tủ lạnh, tốn biết bao nhiêu điện chứ.”
“Dưa vốn là để giải khát, không ướp lạnh cũng giải khát được mà.”
Tôi tức đến muốn xé tóc.
Chạy ngay vào nhà vệ sinh lôi dưa ra.
Cắt ra nếm thử một miếng.
Dưa không được làm lạnh, ăn nhạt nhẽo, không giòn, không ngọt, càng ăn càng khát.
Tôi không nhịn được nữa, giật phắt miếng dưa từ tay chị dâu.
“Chị ăn cái gì mà ăn, người ở quê không có dưa hấu cũng sống qua mùa hè, chị không cần phải lãng phí như vậy đâu.”
“Nước máy cũng giải khát đấy, chị ra mà uống nước máy đi.”
Chị dâu nuốt khan hai ngụm nước miếng, lại khóc.
Anh tôi hoảng hốt, ôm chị dâu vỗ lưng liên tục.
Quay sang quát tôi:
“Toa Toa, em quá đáng quá rồi! Chị dâu em tiết kiệm như vậy, chẳng phải cũng vì nghĩ cho cái nhà này sao!”
Tôi chỉ thẳng vào anh tôi:
“Anh tốt nhất nên ngậm miệng lại. Bệnh của mình còn chưa chữa xong, đừng có mơ kê đơn cho người khác!”
Chiêu này hiệu quả lắm.
Anh tôi sợ tôi bóc mẽ, câm luôn tại chỗ.
Lúc trước anh tôi theo đuổi chị dâu, không dám để chị ta biết mình chẳng có gì trong tay, nên bịa chuyện rằng nhà hàng là của nhà, do ảnh điều hành.
Còn nói tôi học đại học xong không tìm được việc, anh ta mới cho tôi làm thu mua ở nhà hàng, mỗi tháng trả tôi chút tiền gọi là.
Thế nên chị dâu tôi — người chẳng từng va chạm xã hội — cứ tưởng chồng mình tài giỏi lắm.
Mẹ tôi sợ tôi với anh trai lại cãi vã, kéo tôi vào phòng:
“Thôi bỏ đi, nhịn chút rồi qua, mai qua lễ rồi họ cũng về nhà họ.”
Tôi cũng không muốn ba mẹ bị kẹt giữa hai đứa con.
Nên gật đầu đồng ý.
Thế nhưng đến ngày hôm sau…
“Quý khách” mà chị dâu nói đến vừa bước vào nhà —
Cả nhà tôi chết trân tại chỗ.
5
Sáng sớm Trung thu, chị dâu đã tới gõ cửa phòng tôi.
Giọng đầy mỉa mai:
“Đại tiểu thư dậy đi thôi, hôm nay có quý khách tới, xuống dọn dẹp nhà cửa với chị dâu nào.”
Tôi bị chị ta làm ồn mà tỉnh giấc, bụng đầy tức, dựa vào khung cửa lườm chị ta một cái:
“Chị từng thấy nhà nào đại tiểu thư lại đi dọn nhà chưa?”
Chị dâu mím môi:
“Em còn giận chị dâu vì chuyện hôm qua à? Chị đúng là vô dụng, dỗ người không giỏi, chi bằng chết đi cho rồi…”
Thấy chị ta sắp khóc đến nơi, tôi bực bội phẩy tay:
“Thôi được rồi, phân công đi. Em quét nhà, mấy việc còn lại chị lo.”
Chị dâu tỏ ra không hài lòng lắm.
“Còn lại cũng nhiều việc lắm mà…”
Tôi cười lạnh:
“Ăn chay nhiều quá nên não cũng thành động vật ăn cỏ rồi hả? Mấy việc đó, vốn dĩ chẳng phải việc của chị sao?”
Từ sau khi anh chị cưới nhau, tôi từng đề nghị nên thuê giúp việc vì ba mẹ ngày càng lớn tuổi.
Nhưng chị dâu cứ sống chết phản đối.
“Nhà gì mà còn thuê giúp việc, đúng là có tiền mà không biết tiêu cho đàng hoàng, việc đó để Toa Toa làm chẳng phải được rồi sao?”
Mẹ tôi đành phải nói tôi bận việc ở nhà hàng, không có thời gian làm việc nhà.
Chị dâu bĩu môi:
“Con gái gì mà được nuông chiều dữ vậy… Nhưng tôi vẫn thấy không nên thuê giúp việc.”
Tôi lập tức đỡ lời:
“Ý chị chắc là, dù gì cũng rảnh rỗi ở nhà, hai nhà lại gần nhau, để chị đến làm luôn, đúng không?”
Mặt chị dâu lập tức biến sắc, ấp úng mãi mới thốt được:
“Toa Toa, thật ra chị nghĩ nếu thực sự phải thuê người thì… chi bằng đưa tiền đó cho chị… Dù sao mình cũng là người một nhà, chị làm còn tốt hơn giúp việc chứ sao.”
Anh tôi cũng đứng cạnh hùa theo:
“Đúng đó ba mẹ, người ngoài sao bằng con dâu chăm sóc cho kỹ càng được, giờ thuê người ở lại trong nhà thì bảy ngàn, chứ đưa cho Tiểu Ngọc năm ngàn là ổn rồi.”
Tôi bật cười thành tiếng.
Bảy ngàn là giá cho giúp việc ở lại nhà.
Chứ nếu chỉ là đến nấu ba bữa và lau dọn, giá thị trường còn không tới bốn ngàn.
Nhưng mẹ tôi vẫn đồng ý.
Bà nói, đã là người một nhà, nếu chị dâu không làm, dù mỗi tháng há miệng lấy năm ngàn tiêu vặt, chẳng lẽ không đưa?
Vì nguyên tắc “gia hòa vạn sự hưng”, tôi không can thiệp thêm.
Nhưng về sau tôi mới phát hiện, chị dâu đến nấu ăn thì tiếc đồ ngon trong nhà.
Một ngày ba bữa chỉ có dưa chuột trộn, thịt cá gà vịt thì nhét hết vào tủ đông.
Mới có một tuần, ba tôi đã không chịu nổi, quyết định không để chị dâu nấu nữa.
Từ đó về sau, chị ta cũng lười làm vệ sinh, có khi cả tuần mới tới lau nhà một lần.
…
Thấy tôi nhắc lại chuyện cũ,
Chị dâu khựng lại.
Có vẻ mới nhớ ra chuyện mình nhận tiền giúp việc mà chẳng đụng tay vào gì.
Chị ta hậm hực xuống lầu.
Còn tôi thì đi rửa mặt, rồi đem con robot hút bụi vừa sạc xong thả xuống sàn.
Đây là thứ tôi mua về sau khi chị dâu làm biếng không lo dọn dẹp.
Chị dâu tò mò hỏi đó là cái gì.
Tôi bảo: “Dùng để quét nhà.”
Chị ta tận mắt nhìn thấy robot dọn sạch sẽ rác dưới sàn.
Đột nhiên ném giẻ lau xuống, bắt đầu rấm rứt khóc.
“Toa Toa, em ức hiếp người quá đáng, tại sao em lại giành phần quét nhà? Đổi đi, em dùng robot, chị lau bàn giặt đồ.”
Anh tôi nghe thấy liền chạy lại, hỏi rõ đầu đuôi, rồi bênh vợ:
“Toa Toa, phân công kiểu đó là không được rồi, em không tôn trọng chị dâu gì cả.”
Tôi nhìn anh mình như nhìn người ngốc:
“Xem ra hai người đúng là trời sinh một cặp, đầu óc đều có vấn đề. Vợ anh cầm tiền công giúp việc, mà không làm gì hết, em còn phải tôn trọng chị ta kiểu gì?”
Chị dâu thấy tôi lại nhắc đến vụ đó, biết mình đuối lý, vội kéo tay anh tôi.
“Chồng ơi, đừng vì em mà cãi nhau với Toa Toa, anh quên rồi à? Em sinh ra đã là mạng khổ, chỉ biết làm việc thôi…”
Anh tôi xót xa lắm:
“Vợ ơi, đừng chấp em ấy làm gì, có anh đây, anh làm cùng với em.”
Tôi liền thu luôn con robot hút bụi về.
“Thích làm việc đúng không? Vậy thì làm cho đã vào.”
6
Sau khi dọn dẹp xong, chị dâu bỗng dưng thay đổi thái độ, bắt đầu lo liệu bữa trưa.
Ngoài đống nguyên liệu tôi mang về hôm qua, chị ta còn đặc biệt sai anh tôi đến nhà hàng lấy cá hồi và tôm hùm Úc.
Còn dặn anh tôi tiện thể mua thêm hộp bánh trung thu hảo hạng.
Tôi len lén hỏi mẹ:
“Mẹ ơi, trưa nay quý khách là ai vậy?”
Mẹ tôi cũng ngơ ngác: “Mẹ cũng không biết. Trung thu ai chẳng ở nhà sum họp, ba con với mẹ có mời ai đâu?”
Ba tôi vừa thái giăm bông Jinhua vừa đẩy gọng kính:
“Hôm trước chị dâu con nói muốn đi làm, có khi nào mời người giới thiệu việc làm đến?”
Tôi ngẫm lại, thấy cũng có lý.
Dù gì chị dâu cũng keo kiệt như thế, đồ ăn trong nhà đã chuẩn bị đủ, giờ mượn cớ khoản đãi để lấy lòng người ta cũng hợp lý.
Dù trong lòng tôi cực kỳ khó chịu với chị ta, nhưng dù sao cũng là người nhà, tôi vẫn mong chị có tương lai tốt hơn.
Vậy nên tôi cùng ba mẹ xắn tay vào bếp phụ giúp.
Đến hơn mười hai giờ trưa, mọi món ăn đã dọn lên bàn.
Anh chị tôi cũng vừa kịp đón “quý khách” về.
Cửa vừa mở ra.
Tôi với ba mẹ đều chết sững.
Thì ra cái “quý khách” mà chị dâu nói…
Là ba mẹ ruột của chị ta.
Hai ông bà còn ôm theo một bé trai chưa đầy một tuổi.
Thằng bé là cháu trai bên nhà chị dâu.
Tôi không kìm được, lẩm bẩm bật ra miệng:
“Không phải nói là khách quý sao?”
Chị dâu lập tức cau có: “Toa toa, em có ý gì? Chẳng lẽ ba mẹ chị không xứng làm khách quý à?”
Tự dưng tôi buồn cười.
Thì ra trong mắt chị dâu, người nhà tôi không xứng ăn cua với bào ngư.
Phải để dành cho nhà ngoại của chị ta.
Nói đâu tiết kiệm tằn tiện gì đó?
Hóa ra chỉ là không chịu tiêu xài vì nhà chồng thôi.
Mẹ tôi là người phản ứng nhanh nhất, vội vàng kéo tay mẹ chị dâu cười thân mật:
“Ôi trời ơi, thông gia đến chơi mà không báo trước, nên Toa Toa mới ngỡ ngàng thế thôi.”
Mẹ chị dâu cười hì hì:
“Tiểu Ngọc nói là muốn tạo bất ngờ cho mọi người mà.”
Ừ, bất ngờ thật đấy.
Vì ngay khi mọi người vừa ngồi xuống bàn,
Chị dâu đã lấy con robot hút bụi ra, dúi cho mẹ ruột:
“Mẹ, cái này để quét nhà, con thấy ba mẹ chồng con không cần dùng đến, nên tặng mẹ luôn.”
Mẹ chị ta từ chối:
“Dọn nhà mà phải dùng đến cái này à, mẹ còn tự làm được.”