Chết Mày Chưa? Cho Mày Chừa - Chương 3
6
Phải nói là, trò cười của Vy Vy đến nhanh thật.
Chỉ mới hai ngày sau, em trai tôi lại gọi điện, lần này là để kể chuyện cười về nó.
Nó vì không lo nổi học phí, đành phải chạy đến cầu xin em trai tôi, khóc lóc nói ba mẹ ruột nghèo quá, không có tiền cho nó đi học.
Ừ thì, sau khi gọi điện cho bạn tôi mà bị tôi dập máy, nó đúng là có mạnh dạn về nhà đòi tiền ba mẹ ruột thật — nhưng không xin được, lại còn bị khóc nghèo kể khổ.
Tôi nghe mà chỉ thấy buồn cười.
Học phí một năm chưa đến mười triệu, tính cả sinh hoạt phí thì mỗi năm cũng chỉ hai, ba chục triệu.
Cái số tiền đó, ba mẹ ruột nó không thể không có.
Hôm tổ chức tiệc nhận con và mừng đậu đại học, Trần Mai và Lý Dũng đã bày cả chục bàn, riêng tiền mừng còn hơn số tiền học phí nó cần.
Chẳng qua trong nhà còn có một thằng con trai đang học cấp 3, nên không muốn chi tiền cho Vy Vy mà thôi.
Còn khoản vay hỗ trợ sinh viên thì lại cần tôi ký tên mới được duyệt, vì hộ khẩu của nó vẫn còn đứng tên tôi.
Thế là nó đành phải nhờ đến em trai tôi, mong anh ta cho mượn tiền đóng học phí trước.
Dù trước kia em tôi không thích Vy Vy lắm, nhưng vì nể tôi nên chưa từng thể hiện thái độ ra mặt, thậm chí còn đối xử khá tử tế.
Cho nên nó không biết, cái miệng em trai tôi mà đã độc thì độc như tẩm thuốc độc.
Em tôi nói với nó: “Đừng gọi tôi là cậu, tôi với cái nhà họ Lý nhà cô không bà con, không máu mủ, không gánh nổi cái tiếng ‘cậu’ đâu. Cô có cầu xin tôi cũng vô ích, tiền tôi không phải lá rụng ngoài đường. Đến ba mẹ ruột cô còn không bỏ ra nổi học phí, cũng chẳng chịu đứng ra vay hộ, cô nghĩ tôi ngu đến mức tin họ sẽ trả à?”
Vy Vy im lặng một lúc rồi nói: “Vậy… để cháu tự trả.”
Em tôi bật cười khẩy: “Thế lại càng không thể cho mượn. Một đứa có thể quay lưng với người mẹ đã nuôi dạy mình suốt mười tám năm, nói trở mặt là trở mặt, tôi mà cho mượn tiền, sau lưng cô không lẽ không chửi tôi ngu?”
Vy Vy cố cãi: “Cháu không phản bội mẹ cháu…”
Em tôi cắt ngang: “Chị tôi một tay nuôi cô lớn, kết quả, cô quay đầu nhận lại hai người đã bỏ rơi cô, còn dám gọi họ là ba mẹ. Trong lòng cô, công sức của chị tôi rẻ mạt đến vậy sao? Cô không thấy ghê tởm chính mình à?”
Anh ta ngừng một lát, rồi nói tiếp: “Cô đừng có giả vờ không biết mình bị bỏ rơi. Năm đó chị tôi nhặt được cô, còn nhờ người tìm lại ba mẹ ruột giúp, nên chuyện này bên tôi ai cũng biết. Đúng là họ hàng tôi lắm mồm, nhưng khi họ nói cho cô biết, là nói rõ ràng rành mạch, cô là đứa bị vứt bỏ! Học cấp ba rồi mà còn không hiểu ‘bị bỏ rơi’ là gì? Chị tôi đổ bao nhiêu tiền cho cô học thêm, mà não vẫn ngu như thế, gene đúng là kém cỏi!”
Chốt lại, em tôi nói chắc nịch: “Giờ nghĩ lại, năm đó ba mẹ ruột bỏ rơi cô đúng là không oan. Loại vô ơn như cô, có nuôi cả đời cũng chẳng nên người.”
Vy Vy: “…”
Cuối cùng, nó vừa khóc vừa nói hối hận, bảo không ngờ tôi lại giận đến thế.
Nếu biết trước tôi không muốn nó nhận lại ba mẹ ruột, thì dù thế nào nó cũng không nhận.
Rồi nó quỳ gối cầu xin em tôi gọi điện cho tôi, nói nó muốn xin lỗi, đảm bảo từ nay sẽ không bao giờ nhận lại bên kia nữa.
Em tôi bảo: “Nó khóc cũng thật lắm, mà cũng vội kiếm học phí lắm.”
Đúng lúc tôi đang đắp mặt nạ thư giãn, nghe đến đó liền bật dậy mắng: “Mày rảnh tiền hay sao? Hay muốn dính nợ thay tao?”
Em tôi nói: “Không có, em quý tiền lắm, biết thừa cho nó mượn thì coi như mất trắng, nên em không cho. Em chỉ chỉ cho nó một con đường: bảo nó cầm sổ hộ khẩu và giấy xét nghiệm ADN, đi chuyển hộ khẩu về với ba mẹ ruột, rồi nhờ họ đứng tên vay tiền đi học.”
Tôi: “…”
Nói chuyện mà làm ơn đừng để người ta thót tim như vậy có được không?!
Tôi thở phào một hơi dài: “Sau này đừng gọi cho chị nữa, chị cảm ơn mày.”
Em tôi: “…”
Nghe nói cuối cùng, vì sức ép từ dư luận mà ba mẹ ruột của Vy Vy đành phải móc tiền ra lo cho nó năm học đầu tiên.
Dù gì thì họ vừa mới tổ chức tiệc linh đình nhận con, nếu ngay sau đó đã lật mặt, thì chắc chắn sẽ bị hàng xóm dị nghị.
Nhưng số tiền đó, Vy Vy phải viết giấy nợ mới được cầm.
Tôi cứ tưởng sau chuyện đó, nó sẽ từ bỏ, không còn tìm đến tôi nữa.
Ai ngờ, mới chưa đầy nửa năm, nó lại liên lạc lại.
Lúc đó tôi đã đổi số điện thoại, nên nó dùng một số lạ để gửi lời mời kết bạn trên WeChat, rồi để lại tin nhắn:
【Mẹ, con sai rồi, họ không hề tốt với con chút nào cả.】
【Mẹ, xin mẹ tha thứ cho con một lần. Từ nay con sẽ không nhận lại họ nữa, con hứa sẽ nghe lời mẹ, được không?】
【Mẹ, con biết mẹ là người tốt bụng nhất. Vì tình nghĩa mẹ con bao nhiêu năm qua, mẹ cho con mượn hai triệu (ý là 2,000 tệ), có được không? Con đã một ngày chưa được ăn gì rồi.】
Thấy tôi không trả lời, nó lại hạ tiêu chuẩn xuống, nhắn tiếp:
【Mẹ, không được thì năm trăm cũng được… mẹ cho con vượt qua lúc khó khăn này đã, mấy hôm nữa con đi làm thêm có lương, con sẽ trả mẹ.】
【Mẹ, mẹ nhắn lại con một câu được không? Con thật sự sắp đói chết rồi…】
Sau đó là một loạt những lời than vãn, kể về việc nó phải cầu xin Trần Mai và Lý Dũng, ký giấy nợ mới được tiền học phí, mà hàng tháng họ chỉ cho nó đúng bốn trăm đồng tiêu vặt.
Trong khi đứa em trai chỉ học cấp ba ở thành phố thì không thiếu thứ gì, mỗi tháng tiêu xài cả hơn nghìn tệ.
Rồi kể rằng chỗ làm thêm cũng nợ lương, trừ tiền không lý do.
Cuối cùng, nó bắt đầu đổ hết trách nhiệm lên đầu Trần Mai và Lý Dũng, oán trách họ rõ ràng không muốn nuôi nó, vậy mà còn đòi nhận lại.
Nói cái gì mà tìm nó mười tám năm, thật ra chỉ là muốn có người thay họ lo cho em trai, rồi còn phải dưỡng già cho họ.
Mỗi lần nó xin tiền, họ lại giảng đạo lý, bắt nó phải biết ơn, chứ chẳng có chút yêu thương nào.
Nghe cũng thật đáng thương.
Nhưng khi tôi nhìn những dòng tin nhắn đó, ký ức về những gì nó làm ở kiếp trước lại ùa về như cơn lốc.
7
Kiếp trước, sau khi biết Vy Vy đã nhận lại Trần Mai và Lý Dũng, tôi từng chỉ ngồi xuống phân tích lý lẽ, phân tích đúng sai, nhưng nó lại nổi đóa, mắng tôi lo chuyện bao đồng rồi giận dữ bỏ đi.
Lúc ấy, tôi đã nghĩ, thôi thì cắt đứt quan hệ, từ nay coi như không quen biết nữa.
Nhưng chưa kịp thật sự dứt lòng, hôm sau nó đã quay về xin lỗi tôi.
Nó khóc sướt mướt nói: “Mẹ, con xin lỗi, không nên nói với mẹ những lời làm mẹ tổn thương như vậy. Thật ra lúc con vừa bước ra khỏi cửa là đã hối hận rồi, ra ngoài còn tự tát mình hai cái. Mẹ nuôi con bao nhiêu năm, coi con như ruột thịt, luôn nghĩ cho con, mà con chưa từng nghĩ đến cảm xúc của mẹ.”
Nó dừng một chút, giơ tay thề thốt: “Con hứa, sau này sẽ không bao giờ làm mẹ buồn nữa. Mẹ ơi, mẹ yêu quý nhất của con, mẹ đừng giận nữa, tha lỗi cho con lần này đi được không? Không thì mẹ cứ đánh con một trận cho hả giận.”
Vừa nói vừa xoá WeChat và số điện thoại của ba mẹ ruột ngay trước mặt tôi.
Thấy tôi vẫn chưa nói gì, nó ôm lấy tôi nũng nịu: “Mẹ, mẹ hết giận rồi đúng không?”
Tôi: “…”
Tôi vẫn giận, nhưng nhìn thái độ nó nhận lỗi thành khẩn như vậy, cuối cùng tôi cũng mềm lòng mà tha thứ.
Tôi nghĩ, dù gì thì nó cũng là đứa con tôi nâng như nâng trứng suốt bao nhiêu năm, không thể vì một lần sai lầm mà phủ nhận tất cả.
Từ đó về sau, nó tỏ ra rất ngoan ngoãn trước mặt tôi, tôi cũng chưa từng bắt gặp nó liên lạc lại với ba mẹ ruột.
Lúc đó nó cũng vừa ra trường, đã đi làm, nên cũng không thường xuyên về nhà.
Nhưng tôi không ngờ, tất cả những gì nó làm chỉ là để tiếp tục lừa tôi lấy tiền, tiếp tục nuôi dưỡng cho ba mẹ ruột của nó.
Ba tháng sau khi tôi tha thứ, nó nói với tôi rằng muốn mua nhà, căn hộ hơn 140 mét vuông, ba phòng ngủ hai phòng khách, nhà nó đã xem sẵn rồi.
Nhưng nó chỉ có đúng năm ngàn tệ trong tài khoản, mà dù giá nhà ở Vân Thành không quá cao, thì tiền đặt cọc cũng phải ba bốn mươi vạn – vừa đúng bằng số tiền tiết kiệm của tôi.
Ý nó rất rõ: muốn tôi trả tiền đặt cọc căn nhà đó.
Nhưng đó không phải điều quan trọng nhất.
Quan trọng là, một người chưa lập gia đình, bỗng dưng muốn mua căn nhà lớn như vậy – tôi thấy có gì đó không ổn.
Tôi hỏi khéo: “Con mua nhà to vậy làm gì? Sau này dọn dẹp chắc mệt lắm.”
Nó giải thích rất trơn tru: “Sau này con lập gia đình, có con rồi, mẹ ở cùng nữa, nhà to mới đủ mà. Mua một lần cho xong.”
Sợ tôi không tin, nó còn nhấn mạnh: “Mẹ là mẹ ruột duy nhất của con, sau này mẹ nhất định phải ở với con, con sẽ phụng dưỡng mẹ mà.”
Nếu nó không nhấn mạnh như vậy, có khi tôi còn bị lời nói của nó làm mềm lòng.
Chính vì nó càng nói, tôi lại càng thấy có vấn đề.
Tôi nghĩ, căn nhà này, đổi lại là cả nhà ba mẹ ruột nó – hai vợ chồng, cộng thêm thằng em trai – ở thì cũng hợp lý quá rồi còn gì.
Thế nên tôi không đồng ý.
Tôi nói: “Từ từ đi, mẹ giờ không dư tiền như vậy.”
Vừa nghe xong, nó lập tức phản bác: “Mẹ làm gì mà không có, lần trước con còn thấy số tiền trong sổ tiết kiệm của mẹ mà.”
Vừa dứt câu, nó mới nhận ra lỡ lời, liền chữa lại: “Con không cố ý đâu, hôm mẹ đi mua đồ, tin nhắn báo số dư hiện trên màn hình, con chỉ vô tình liếc thấy thôi.”
Tôi: “…”
Tôi thầm nghĩ, một cái liếc mà nhớ chính xác như thế, đầu óc với thị lực này, sao tôi cho đi học thêm đủ kiểu mà vẫn chỉ thi được đại học hạng hai?
Nhìn dáng vẻ sốt ruột của nó, tôi hiểu ra – căn nhà đó rất có thể là nó mua cho ba mẹ ruột.
Và sự thật đã chứng minh, tôi đoán không sai.
Tối hôm đó, nó lén lén lút lút ra khỏi nhà.
Tôi thấy lạ, bèn âm thầm đi theo sau.
Tôi nghe thấy nó đứng bên ngoài gọi điện cho ba mẹ ruột, oán trách tôi: “Quân Duệ còn nói yêu con, luôn coi con như con ruột. Kết quả là đến cả tiền đặt cọc mua nhà cũng không chịu bỏ ra, mà con đâu có bắt mẹ trả nợ thay đâu.”
Bên kia nói gì đó, nó lại tiếp lời: “Mẹ yên tâm, con nhất định sẽ mua nhà cho ba mẹ. Bao nhiêu năm nay ba mẹ vất vả ở quê tìm con, giờ con lớn rồi, nhất định sẽ không để ba mẹ khổ nữa. Tiền này, con tự nghĩ cách.”
Tôi: “?”
Nó không muốn để ba mẹ ruột khổ, vậy là bắt tôi phải chịu khổ, phải bỏ tiền ra nuôi cả nhà họ?
Quả là “hiếu thảo” đến mức khiến người ta chết vì tức.
Tới đó, tôi cũng hoàn toàn chết tâm.
Nhưng đã muộn.
Từ lúc tôi từ chối bỏ tiền mua nhà cho nó, nó bắt đầu nảy sinh ý định giết người.
Chẳng bao lâu sau, tôi chết.
Nếu không phải Vy Vy sau khi tôi chết, cúi sát tai tôi thì thầm nói ra sự thật, tôi thật sự đã mang theo tất cả nỗi oan khuất xuống mồ, nghĩ rằng đó chỉ là một tai nạn – rằng xe tôi bỗng dưng bị mất phanh.