Chết Mày Chưa? Cho Mày Chừa - Chương 2
4
Có lẽ kiếp này tôi không những không cản Vy Vy nhận lại ba mẹ ruột, mà còn ủng hộ nó hết mình, nên sau khi làm xong xét nghiệm ADN với Trần Mai, nó rất vui vẻ chấp nhận sự thật rằng Trần Mai và Lý Dũng chính là ba mẹ ruột của mình.
Trần Mai nhân cơ hội đang nóng liền nói muốn tổ chức tiệc nhận lại con.
Vy Vy đồng ý luôn.
Nghe nói buổi tiệc được làm rất hoành tráng, nhà Trần Mai bày hơn chục bàn, vừa để mừng nhận con, vừa để ăn mừng chuyện Vy Vy đậu đại học.
Dù sao, trong cái làng đó, Vy Vy cũng là một trong số ít con gái thi đậu đại học.
Trước khi về quê, Vy Vy khách sáo mời tôi cùng đi, tôi từ chối.
Tiện tay nhét luôn giấy báo trúng tuyển vào tay nó, dịu giọng nói: “Đã là tiệc nhận lại con kiêm tiệc mừng đậu đại học, thì cầm luôn cái này đi. Lỡ người ta có nghi ngờ gì thì còn có bằng chứng để đưa ra, chứng minh danh chính ngôn thuận.”
Vy Vy chẳng nghi ngờ gì, cầm luôn mang theo, thậm chí còn không thèm mở ra xem.
Trong bìa thư đó, tôi đã kẹp luôn cả sổ hộ khẩu của nó.
Tôi cười tiễn nó ra xe, còn dặn dò: “Cứ chơi thoải mái vài ngày, khó khăn lắm mới gặp lại ba mẹ ruột mà.”
Nó vừa đi, tôi lập tức hối hả đem bán tất cả tài sản có thể bán, chuẩn bị cao chạy xa bay.
Chứ còn gì nữa, mạng tôi là quan trọng nhất.
Ngay ngày đầu tiên sau khi sống lại, tôi đã đăng bán căn nhà lên mạng và gửi tới các trung tâm môi giới.
Vì nhà tôi nằm gần trường cấp ba trọng điểm, lại cần bán gấp nên tôi rao giá khá rẻ.
Đến lúc Vy Vy có kết quả xét nghiệm ADN với Trần Mai và Lý Dũng, căn nhà đã có người đặt cọc.
Cái hôm Vy Vy gọi tôi là “mẹ nuôi”, tôi đang bận lo thủ tục bán nhà.
Chỉ là Vy Vy mải chìm trong niềm vui sắp được nhận lại ba mẹ ruột, nên hoàn toàn không phát hiện.
Với lại, dạo này nó gần như chẳng ở nhà: không thì đi chơi với bạn, không thì bị Trần Mai và Lý Dũng gọi đi.
Cũng vừa hay cho tôi dễ dọn dẹp, thu xếp chuyển đi.
Và chính trong lúc xử lý tài sản, tôi lại vô tình phát hiện một bí mật kiếp trước chưa từng biết.
Khi đang dọn phòng Vy Vy, tôi tìm thấy cuốn nhật ký nó viết.
Nó có thói quen viết nhật ký.
Trước kia, tôi luôn tôn trọng quyền riêng tư của nó, gần như không bước vào phòng riêng, chứ đừng nói là lục lọi nhật ký.
Nhưng bây giờ thì xin lỗi, mọi thứ trong nhà đều do tôi bỏ tiền ra mua, tôi có quyền xử lý.
Trong nhật ký, nó viết rằng: nó đã sớm biết mình không phải con ruột của tôi.
Hồi nó còn nhỏ, có lần tôi phải đi xa, gửi nó sang nhà em trai tôi trông vài hôm, họ hàng bên tôi đã kể chuyện đó cho nó.
Còn dặn dò rằng, một đứa con gái bị bỏ rơi như nó, gặp được tôi là phước phần lớn lắm rồi, nếu không thì chắc giờ cũng không còn sống.
Bởi những năm đó, ở quê, nhà nào cũng trọng con trai, chẳng thiếu gì cảnh vứt bỏ con gái.
Họ còn kể cho nó nghe lý do chồng cũ tôi ly hôn nhưng không nhận nuôi nó.
Dặn nó phải biết ơn, sau này sống cho đàng hoàng, hiếu thuận với tôi.
Dù đúng là người nhà tôi lắm chuyện, không nên tự tiện nói với nó như vậy, nhưng điều khiến tôi lạnh lòng hơn chính là phản ứng của nó sau khi biết được mọi chuyện.
Nó viết trong nhật ký: “Biết ơn cái con khỉ. Ai biết được có phải chính Quân Duệ không đẻ được nên mới đi bắt cóc tao từ tay ba mẹ ruột hay không? Bà ta bị chồng ghét bỏ cũng đáng đời!”
Ngay cả chuyện tôi gửi nó đi học thêm vì điểm kém, thu lại máy tính bảng và điện thoại, giục nó tập trung học hành, thì trong mắt nó cũng là bằng chứng tôi ghét bỏ nó.
Nó viết, bạn bè thì nghỉ hè được đi du lịch, được ba mẹ dẫn đi nước ngoài, còn nó thì phải ở nhà cắm mặt học bài, làm việc nhà, đến cả game cũng không được chơi.
Nó kết luận: “Không phải con ruột thì mới không xót, suốt ngày chỉ biết ép tao làm những thứ tao không thích.”
Trong khi số lần nó thật sự làm việc nhà đếm trên đầu ngón tay.
Những việc tôi nhờ nó làm chỉ là tự dọn dẹp phòng của chính nó, hoặc lúc tôi quá bận thì nhờ phụ quét dọn một chút.
Còn về game, lên lớp 11 có một thời gian nó nghiện game nặng, tối nào cũng cày tới 3-4 giờ sáng với bạn bè, đến mức tôi không thể không thu hết đồ chơi điện tử lại.
Trong nhật ký, nó còn hay mơ tưởng rằng ba mẹ ruột của mình là tỷ phú.
Một ngày nào đó sẽ lái siêu xe, dẫn theo vệ sĩ, đến đón nó về sống cuộc sống hào môn.
Nói sao nhỉ.
Loại mơ mộng ngây ngô này thì đúng là tuổi nó hay tưởng tượng thật.
Nhưng tôi không cho rằng mình đã sai trong cách dạy dỗ nó.
Từ lúc nó còn nhỏ, chuyện gì tôi cũng đều bàn bạc với nó, coi nó như một cá thể độc lập, luôn tôn trọng.
Tôi chưa bao giờ dùng danh nghĩa làm mẹ để áp đặt, cưỡng ép hay ép buộc đạo đức.
Ngay cả khi nó nổi loạn tuổi dậy thì, tôi cũng chưa từng trừng phạt kinh tế, chỉ ngồi lại nói chuyện với nó một cách bình tĩnh.
Nên tôi chỉ có thể nói — gene đúng là mạnh thật.
Nó thừa hưởng nguyên vẹn sự ích kỷ và toan tính của ba mẹ ruột.
Tôi đem cuốn nhật ký đó bán như đồ phế liệu cho chỗ thu gom rác, sau đó dọn dẹp nốt mọi thứ trong nhà, rồi báo cho người mua nhà đến làm thủ tục sang tên.
Mọi thủ tục diễn ra suôn sẻ.
Ba ngày sau, tôi xách vali rời khỏi Vân Thành, đến một thị trấn nhỏ mà tôi luôn yêu thích, nhưng vì chuyện học hành của Vy Vy mà chưa từng có dịp đến.
Tôi mua một căn nhà mới ở đó, dự định sẽ sống lâu dài, an yên những năm tháng về sau.
5
Vy Vy liên lạc lại với tôi là bảy ngày sau.
Lúc đó nó sắp nhập học, cần tiền học phí và sinh hoạt.
Nhưng lúc quay về, nó mới phát hiện nhà đã có chủ mới, toàn bộ cách liên lạc với tôi đều bị tôi chặn sạch sẽ, xóa sạch sẽ.
Không còn cách nào khác, nó đành phải tìm đến mấy người bạn thân thiết của tôi để hỏi xem tôi ở đâu.
Tất nhiên, hỏi cũng vô ích.
Tôi rời đi mà chẳng nói với ai, cũng không tiết lộ sẽ đi đâu.
Bạn tôi gọi điện đến hỏi chuyện gì xảy ra.
Tôi chỉ kể sơ tình hình, rồi dặn một câu: “Đừng lo cho nó…”
Chưa kịp nói hết, bên kia điện thoại đã vang lên giọng gắt gỏng của Vy Vy: “Mẹ, ý mẹ là gì hả?”
Tôi: “…”
Hay thật, bạn tôi bật loa ngoài.
Nhưng cũng chẳng sao.
Tôi còn có một câu nữa, muốn trả lại nguyên vẹn cho Vy Vy.
Tôi lạnh nhạt nói: “Giờ con đã tìm được ba mẹ ruột, con cũng đã trưởng thành, mẹ không thể quản con như trước nữa. Từ nay, mỗi người một đường.”
Vy Vy không cam lòng: “Rõ ràng là mẹ đồng ý con nhận lại ba mẹ ruột, con nghe lời mẹ mới nhận mà!”
Tôi bật cười: “Mẹ đây đã bị gọi thành ‘mẹ nuôi’ rồi, chính con nói nếu mẹ không đồng ý thì con cũng sẽ lén nhận, mẹ còn dám không đồng ý sao? Hơn nữa, từ lúc con về với ba mẹ ruột, con có từng hỏi han mẹ lấy một câu chưa? Giờ cần tiền thì mới nhớ tới mẹ à? Muộn rồi, tìm ba mẹ ruột mà xin đi.”
Tôi ngừng một chút rồi nói tiếp: “Con đã nói là nghe lời mẹ nên mới nhận ba mẹ ruột, vậy giờ mẹ cũng mong con nghe lời — đừng bao giờ tìm mẹ nữa.”
Nói xong, tôi không để nó lên tiếng mà dứt khoát cúp máy.
Bạn tôi kể, sau khi tôi cúp máy, Vy Vy chửi rủa om sòm, từng câu đều lôi mẹ ra mà mắng.
Còn thả câu đe dọa: “Đã vậy thì bảo với bà ta luôn, sau này già rồi cũng đừng mong tôi nuôi!”
Tôi cạn lời, cái kiểu “nuôi” của nó mà còn trông mong thì đúng là muốn tìm đường chết.
Tôi nghĩ kỹ lại, sợ nó còn mò đến tìm những người thân quen khác của tôi nên lập tức gửi một tin nhắn đến toàn bộ họ hàng và bạn bè.
Nội dung rất rõ ràng: Vy Vy đã tìm được ba mẹ ruột, tôi chính thức cắt đứt quan hệ mẹ con với nó. Mong mọi người đừng cho nó mượn tiền.
Tôi nhấn mạnh: nếu ai cho vay, tôi sẽ không trả thay.
Tin nhắn này khiến em trai tôi cười nhạo tôi một trận.
Nó gọi điện đến cười cợt trước mặt: “Chị à, không nghe lời người lớn, giờ chịu thiệt thì không oan đâu ha.”
Tôi bực mình đáp: “Cảm ơn mày đã đến cười vào mặt chị.”
Sau khi biết rõ chuyện giữa tôi và Vy Vy, em trai tôi thở dài, rồi nói: “Hay chị về nhà ở tạm một thời gian đi?”
Tôi: “…”
Tôi hiểu, nó sợ tôi nghĩ quẩn.
Dù gì cũng là đứa tôi coi như con ruột mà nuôi suốt mười tám năm, bỗng chốc quay lưng, chẳng ai mà không đau lòng.
Kiếp trước, tôi chính là như vậy.
Khi biết Vy Vy đã nhận lại Trần Mai và Lý Dũng, còn lừa tiền của tôi đem đi giúp họ nuôi con trai, tôi vẫn không chịu cắt đứt với nó ngay.
Cứ như một con bạc đã thua sạch, đến cái quần cũng không còn, vẫn hy vọng vào một ván lật ngược.
Thật ra là do tôi không cam tâm.
Tôi đã bỏ ra biết bao nhiêu yêu thương, cuối cùng lại bị phản bội, tất cả trở thành một trò cười.
Tôi không chịu chấp nhận cái kết đó, không muốn buông tay.
Và rồi, tôi đã lấy cả mạng sống ra để trả giá cho sự không cam lòng ấy.
Còn kiếp này, tôi nghĩ thông rồi.
Từ lúc không còn áp lực phải nuôi Vy Vy nữa, cả người tôi như được trút gánh nặng.
Mỗi sáng tỉnh dậy, tôi không cần phải tính toán học phí, tiền học thêm, sinh hoạt phí, tiền tiêu vặt, tương lai mua nhà mua xe…
Đến nỗi muốn mua cái gì cho bản thân cũng phải cân nhắc giá cả, kem dưỡng cũng chẳng dám dùng loại đắt tiền.
Giờ thì khác, tôi có thể thoải mái mua thứ tốt nhất trong khả năng của mình mà không cần nhíu mày, mỗi ngày đều vui như Tết.
Thế nên tôi từ chối lời mời về nhà của em trai.
Nó an ủi tôi: “Chị đừng buồn, con nhỏ vô ơn đó sắp tới khổ rồi.”
Cũng đúng.
Không còn tôi chu cấp, đến chuyện lên đại học cũng còn là dấu hỏi.
Nhà Trần Mai nhận nó về, chẳng qua là để rút máu nó mà thôi.
Nó ngu, bị chút “ân tình” hời hợt của ba mẹ ruột lừa gạt, tưởng họ là người tốt lành gì.
Tôi thì chỉ ngồi đây chờ xem trò hề của nó!