Cái Giá Phải Trả - Chương 3
7
Sự thật chứng minh, tôi đoán không sai.
Lâm Tự kéo dài nửa tháng cũng không chịu ly hôn, hơn nữa từ lúc tôi đề nghị ly hôn thì anh ta cũng không còn qua chỗ Tần Nhiên nữa. Kết quả chuyện tôi đòi ly hôn lại bị mẹ Lâm biết được.
Bà biết chuyện xong, lập tức gọi điện cho Lâm Tự, nói:
“Tạ Tuyết muốn ly hôn với con thì con cứ ly hôn với nó đi.”
Lúc mẹ gọi, tôi đang ở ngay cạnh anh ta.
Lâm Tự liếc nhìn tôi, vẻ mặt khó xử, nhưng hiếm hoi thay, anh lại phản bác mẹ một lần:
“Mẹ, mẹ đừng xen vào chuyện giữa con với Tạ Tuyết nữa.”
Mẹ anh bị nghẹn một lúc, rồi lạnh lùng nói một câu “Tối nay về nhà” rồi cúp máy.
Tối hôm đó, Lâm Tự thật sự về nhà.
Không biết mẹ anh nói gì, nhưng hai người giằng co suốt mười ngày.
Mười ngày đó, mỗi lần Lâm Tự về nhà đều trong tình trạng kiệt quệ. Đến tối ngày thứ mười, khi về tới nơi thì mặt còn in nguyên dấu bàn tay.
Tôi lắm mồm, buông một câu mỉa: “Ồ, cái dấu tát này cân đối đấy.”
Lâm Tự day day ấn đường: “Tạ Tuyết, em trước kia không như vậy, anh làm thế này là vì em…”
Tôi: “?”
Tôi lập tức cắt ngang: “Đừng đạo đức giả. Bị mẹ đánh xong lại định đổ lên đầu tôi? Cái nồi này, tôi không gánh hộ đâu.”
Lâm Tự: “…”
Mặt anh ta tràn đầy thất vọng, muốn nói lại thôi, cuối cùng im lặng.
Tối đó, anh ngồi hút thuốc ở phòng khách suốt nửa đêm, còn đi đi lại lại ngoài cửa phòng tôi rất lâu. Tôi đóng chặt cửa, giả vờ không thấy.
Sáng hôm sau, Lâm Tự đồng ý ly hôn.
Giữa tôi và anh ta chỉ có một tài sản chung là căn nhà cưới này.
Nhà tôi góp một nửa, nhà anh góp một nửa.
Nhưng mẹ Lâm và Lâm Tự lại mơ mộng hão huyền, muốn tôi ra đi tay trắng.
Tôi: “?”
Lừa gạt tình cảm thì tôi có thể ly hôn, nhưng muốn cướp tiền của tôi nữa thì không có cửa.
Để nhanh chóng hoàn tất thủ tục ly hôn, tôi đã đến tìm Tần Nhiên một chuyến.
Tôi phân tích với cô ta — nếu tôi không ly hôn với Lâm Tự, sau này còn sinh con với anh ta, thì đứa bé trong bụng cô ta rất khó kiếm được một người đàn ông thân thiết như Lâm Tự để làm “cha thay thế”.
Tần Nhiên nghe tôi nói xong, lặng người nhìn tôi, ánh mắt có chút áy náy, nhưng không nhiều. Một lúc sau, cô ta mới nói:
“Tạ Tuyết, tôi và Lâm Tự không có gì cả.”
Tôi gật đầu: “Có hay không cũng chẳng quan trọng nữa rồi. Mẹ bầu kèm combo mẹ chồng – tặng chị không tính phí.”
Cô ta: “…”
Cũng may, vì muốn tìm được một người cha kế như Lâm Tự cho đứa con trong bụng, cô ta đồng ý giúp tôi thuyết phục mẹ Lâm.
Cô ta nói: “Tạ Tuyết, chuyện này xem như tôi có lỗi với cậu, tôi sẽ đi nói với mẹ.”
Tôi tưởng cô ta sẽ khuyên mẹ con nhà đó rằng – thôi thì để Lâm Tự ly hôn đi, đừng vì muốn giành nửa căn nhà mà làm lỡ mất thanh xuân lần hai của cô ta.
Ai ngờ, cô ta còn tặng tôi một món quà lớn.
Ba ngày sau khi tôi đến gặp cô ta, mẹ Lâm nghiến răng nói: Chỉ cần tôi chịu ly hôn với Lâm Tự, thì căn nhà đó có thể để lại cho tôi.
Tôi: “…”
Tần Nhiên, cô mãi mãi là người chị dâu thân yêu nhất của tôi.
Ban đầu tôi không hiểu cô ta đã nói gì để thuyết phục được mẹ Lâm, khiến bà ta sẵn sàng nhường nửa căn nhà lại cho tôi.
Cho đến trước ngày tôi và Lâm Tự chính thức ly hôn, tôi cuối cùng cũng hiểu ra rồi.
8
Hóa ra, Tần Nhiên muốn sau khi sinh con, có thể trực tiếp nhập hộ khẩu của đứa bé vào tên Lâm Tự.
Sao tôi biết được chuyện này?
Là mẹ Lâm lỡ miệng nói ra lúc đến nhà tôi giúp Lâm Tự thu dọn đồ đạc vào cuối tuần trước, ngay trước ngày tôi và anh ta đến cục dân chính.
Ban đầu, tôi còn nghĩ vì bà ta đã nhường tôi nửa căn nhà, nên tôi cũng sẵn sàng nói chuyện tử tế.
Nhưng có vẻ bà ta không hề muốn nói chuyện tử tế với tôi. Vừa thu dọn đồ xong, bà đã cau có bảo:
“Tạ Tuyết, là con tự đòi ly hôn đấy nhé, sau này ly hôn rồi đừng có mà dây dưa với Lâm Tự nữa.”
Tôi: “?”
Tôi đáp: “Bà yên tâm, sau này tôi tuyệt đối không làm phiền đến cuộc sống ngọt ngào của Lâm Tự và chị dâu anh ta đâu.”
Mẹ Lâm: “…”
Tôi cũng chẳng buồn giả vờ nữa: “Bà chẳng phải muốn giữ cả con và tài sản của con trai lớn, lại không muốn bị thiên hạ nói ra nói vào rằng vì con trai lớn mà ép con trai út ly hôn để làm ‘kẻ thế chỗ’ sao?”
Mẹ Lâm: “…”
Tôi nói: “Có người mẹ như bà, làm ‘kẻ thế chỗ’ là nghiệp báo xứng đáng với Lâm Tự rồi.”
Mẹ Lâm: “…”
Bị tôi nói đến nghẹn họng, bà ta cũng chẳng giả bộ nổi nữa, chửi thẳng:
“Kẻ thế chỗ cái đầu cô! Đứa bé trong bụng Như Như cũng là cháu ruột của Lâm Tự đấy! Người một nhà cả, cho dù Lâm Dược còn sống, thì Lâm Tự chăm sóc đứa bé cũng là điều nên làm thôi!”
Bà ta lại gắt lên: “Hơn nữa, Tạ Tuyết, cô nói năng kiểu gì vậy? Đấy là giọng điệu nên dùng để nói chuyện với bậc trên à?”
Tôi cười lạnh: “Thế bà làm những chuyện đó, có phải việc người lớn nên làm không? Đã không xứng đáng được tôn trọng, lại còn đòi người ta phải kính trọng mình? Về nhà nhớ kê gối cao lên, biết đâu mơ còn thấy được mấy điều bà mong đấy.”
Mẹ Lâm: “…”
Mà lúc tôi đang cãi nhau với mẹ anh ta, thì Lâm Tự thu dọn đồ xong lại không chịu dẫn bà ta về ngay, cứ ngồi lỳ trên sofa, mặt không biểu cảm nhìn hai chúng tôi khẩu chiến.
Tôi càng nhìn càng bực, bước tới đá anh ta một cái, nói: “Dắt mẹ anh cút đi, cái nhà này giờ là của tôi một mình rồi.”
Mẹ Lâm càng nổi đóa: “Cái gì mà nhà của cô? Căn nhà này năm xưa nhà tôi bỏ một nửa tiền đấy nhé, cô nói chuyện cho lễ phép vào!”
Lễ phép cái con khỉ!
Tôi sắp thực sự phát hỏa, xắn tay áo định nhào vô choảng nhau với bà ta luôn.
Lâm Tự cuối cùng cũng đứng dậy, kéo mẹ mình ra ngoài: “Mẹ, thôi đi, giờ mẹ cãi nhau với Tạ Tuyết thì có ích gì?”
Mẹ Lâm bị anh ta nửa đẩy nửa kéo ra cửa, nhưng đến gần cửa vẫn không cam lòng, quay sang lầm bầm với Lâm Tự:
“Nếu không phải vì muốn đứa bé trong bụng Như Như được nhập hộ khẩu nhà con, mẹ có phải nhịn nó đến thế này không?”
Tôi: “…”
Biết chơi thật đấy.
Chơi bài nào cũng tính hết.
Nhưng họ có chơi thế nào, chơi khéo đến đâu, giờ đây cũng chẳng liên quan gì đến tôi nữa.
Chỉ có một điều khiến tôi thấy kinh tởm.
Đó là — Lâm Tự đã đồng ý ly hôn, đã dọn đồ ra khỏi nhà, vậy mà đêm trước ngày ly hôn vẫn muốn làm tôi phát ói thêm lần nữa.
Gọi điện hỏi tôi: Liệu chúng tôi có thể giả vờ ly hôn một thời gian, để tạm thời qua mặt mẹ anh ta, rồi đợi khi Tần Nhiên sinh con xong, chúng tôi lại tái hôn?
Tôi: “?”
Tôi nói: “Anh định ăn trong bát, ngó trong nồi? Còn muốn tôi cùng anh nuôi con của Tần Nhiên và anh trai anh nữa?”
Tôi nói: “Anh giỏi thật đấy, sao không hỏi luôn xem tôi có thể làm ‘tiểu tam’ của anh sau khi anh cưới chị dâu mình không?”
Tôi thực sự nổi điên: “Cái kiểu nói này mà anh cũng thốt ra được à, Lâm Tự, anh không sợ báo ứng à?!”
Lâm Tự cố gắng giải thích: “Không phải thế, chỉ là… Như Như bây giờ…”
Đấy, bây giờ gọi thẳng là “Như Như” rồi, từ “chị dâu” đổi thành tên gọi thân mật luôn rồi đấy.
Tôi chặn ngang lời anh ta, chửi thẳng:
“Lâm Tự, cái gương trong nhà chưa mang đi, chưa kịp mua cái mới thì tôi còn hiểu. Nhưng không có gương thì cũng biết cách đi tè ra soi lấy cái bản mặt của mình chứ? Trông như thế mà còn đòi bày trò, anh xứng chắc?”
Lâm Tự: “…”
9
Bởi vì Lâm Tự vô liêm sỉ đến thế, nên vào ngày chúng tôi chính thức ly hôn, tôi chẳng buồn nể mặt anh ta một chút nào.
Nhận xong giấy chứng nhận ly hôn, anh ta bảo mời tôi đi ăn bữa “chia tay”. Tôi chẳng thèm đi.
Nhìn vẻ mặt muốn nói lại thôi, còn ra chiều tủi thân của anh ta, tôi chỉ thấy ghê tởm. Cũng chỉ biết trách mình ngày trước mù đến mức con ngươi chắc bị người ta móc mất rồi.
Bảy năm thanh xuân, không bằng mang đi cho chó gặm.
May thay, bây giờ anh ta đã là người chồng “đã chết” của tôi rồi.
Sau khi ly hôn xong, tôi mới gọi điện báo cho ba mẹ biết, cũng giải thích qua loa lý do ly hôn.
Tôi gọi lúc sáng, đến chiều ba mẹ đã có mặt ở thành phố A.
Việc đầu tiên khi tới nơi, là kéo tôi đến nhà họ Lâm, từ trên xuống dưới mắng cho một trận.
Tình cờ Tần Nhiên cũng đang ở đó, mẹ tôi chửi luôn cả cô ta, xong còn lườm một cái: “Tích đức chút đi cho con trong bụng mày.”
Tôi cứ tưởng Tần Nhiên sẽ bật lại, nhưng không biết vì sao, cô ta chỉ lặng lẽ nhìn tôi bằng ánh mắt có chút ghen tị, rồi im lặng.
Bất chợt, tôi nhớ lại những lần tụi tôi còn chưa trở mặt, từng ngồi tán gẫu, tôi hay than mẹ mình lắm chuyện. Khi đó, ánh mắt cô ta hơi u sầu, bảo rằng từ hồi đại học, cha mẹ đều mất vì tai nạn, nên đôi khi rất nhớ những lúc bị cha mẹ cằn nhằn.
Nghĩ vậy, tôi liền kéo tay ba mẹ định rút lui.
Chuyện nhỏ như chửi nhau với phụ nữ có thai thì thôi, lỡ đâu chửi mạnh quá lại xảy ra chuyện, thì phiền. Nhưng quan trọng hơn – một người giật chồng giỏi như vậy, lỡ đâu lại giật luôn ba mẹ tôi thì chết.
Mẹ tôi không chịu, còn định xả tiếp. Tôi vội vàng nói:
“Mẹ à, người đã mất là lớn, cô ấy cũng là người nhà của người chết mà. Mình về đi, con còn chưa ăn cơm.”
Mẹ tôi lúc đó mới chịu đi theo tôi về.
Về nhà, mẹ tôi vừa nấu cơm trong bếp, vừa âm thầm lau nước mắt.
Tôi nhìn bóng lưng bà, thở dài thật dài, đột nhiên cảm thấy thành phố A này thật đáng ghét.
Thế là, trong một phút bốc đồng, tôi gửi đơn xin nghỉ việc cho sếp.
May mà nghỉ việc khá suôn sẻ. Nửa tháng sau, tôi dọn về quê với ba mẹ, nhà cửa cũng nhờ trung gian rao bán luôn.