Cái Giá Phải Trả - Chương 1
1
“Lâm Tự, anh nghĩ cuộc hôn nhân của chúng ta còn cần thiết không?”
Tôi hỏi khi anh vừa tắt điện thoại.
Lâm Tự vẫn đang bực bội sau khi kết thúc cuộc gọi với chị dâu, tâm trạng tồi tệ vì chị ấy vừa trút đầy cảm xúc tiêu cực lên anh.
Thấy tôi ngồi trên sofa, anh bước ra từ ban công, trong mắt lóe lên chút cảm giác tội lỗi, rồi nhanh chóng quay đi, bực bội vò đầu, nhìn tôi với giọng không vui:
“Tạ Tuyết, em lại muốn gây chuyện gì nữa?”
Tôi nói:
“Em không gây chuyện, ly hôn đi, anh đi mà sống với chị dâu.”
Anh: “…”
Anh hít sâu một hơi:
“Tạ Tuyết, anh trai anh mới mất bốn tháng, chị dâu vẫn còn mang thai, em có thể thông cảm một chút không?”
Tôi giơ điện thoại lên trước mặt anh, để anh xem giờ.
Bây giờ đã là nửa đêm, đúng mười hai giờ.
Chỉ vì chị dâu – Tần Nhiên – nói “mơ thấy ác mộng, trong lòng không thoải mái”, anh đã gọi điện nửa tiếng đồng hồ để an ủi chị ấy. Giọng nói dịu dàng, nhẹ nhàng như đang dỗ dành người tình, thậm chí còn không nhận ra tôi đã ngồi xuống ghế từ lúc nào.
Thực sự tôi rất muốn hỏi anh, tôi còn phải thông cảm đến mức nào nữa?
Có phải là phải thông cảm đến mức sau này khi hai người lăn lộn trên giường với nhau, tôi cũng phải tỏ ra rộng lượng hay không?
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, kể từ khi anh trai Lâm Tự qua đời vì tai nạn bốn tháng trước, những gì anh và Tần Nhiên làm khiến tôi thấy những câu hỏi này đều vô nghĩa.
Trái tim anh ấy không còn ở bên tôi nữa.
Dù tôi có hỏi nhiều đến đâu cũng vô ích, câu trả lời của anh chỉ là mấy câu như:
“Em có thể đừng vô lý như vậy được không?”
“Em cũng là phụ nữ, chẳng lẽ không có chút đồng cảm nào sao?”
“Chị dâu vẫn còn đau khổ, lại mang thai con của anh trai anh, là em trai chẳng lẽ anh không nên chăm sóc chị ấy một chút, còn muốn trông chờ ai khác sao?”
Vân vân.
Những câu nói này, suốt bốn tháng qua tôi đã nghe đủ, nghe đến mức phát ngán, cũng không muốn nghe thêm nữa.
Hoặc nếu tôi hỏi bây giờ, chắc sẽ nhận thêm một câu mới:
“Anh sợ em phiền lòng nên đã gọi cho chị ấy sau lưng em, thế mà em vẫn không hài lòng?”
Vì vậy, tôi và Lâm Tự chỉ còn một con đường duy nhất – ly hôn.
2
Bốn tháng trước, anh cả của Lâm Tự là Lâm Dược gặp tai nạn xe hơi trên đường đi công tác về.
Tai nạn vô cùng thảm khốc, Lâm Dược tử vong tại chỗ, ngay cả nữ đồng nghiệp đi cùng anh ấy cũng không may qua khỏi.
Khi đó, Tần Nhiên mới mang thai được hơn hai tháng, nhà họ Lâm không muốn vừa mất con trai, lại mất luôn đứa cháu chưa ra đời.
Vì vậy, ba mẹ Lâm ra sức khuyên Tần Nhiên giữ lại đứa bé.
Họ hứa chỉ cần Tần Nhiên đồng ý sinh con, toàn bộ tiền bồi thường do cái chết ngoài ý muốn của Lâm Dược sẽ giao hết cho cô ta, căn nhà hai người từng ở cũng sẽ sang tên cho cô ta, kể cả số tiền tiết kiệm bao năm qua của Lâm Dược, nhà họ Lâm một xu cũng không lấy.
Về chuyện đó, tôi không có ý kiến gì cả, vốn dĩ cũng chẳng liên quan đến tôi một xu nào.
Nhưng họ lại không hề nói với tôi rằng, tôi còn phải nhường Lâm Tự ra, để Tần Nhiên tùy ý sai bảo bất cứ lúc nào.
Thế là, suốt bốn tháng qua, tôi lần lượt trải qua những chuyện như:
Tần Nhiên nửa đêm nhìn thấy ảo giác Lâm Dược, sợ hãi đến phát khóc, Lâm Tự vì muốn cô ta vững lòng mà ngủ trên ghế sofa nhà cô ta ba đêm liền. Tôi chỉ nói một câu: “Thế này không hay lắm đâu,” thì bị Lâm Tự mắng ngược:
“Chị dâu đang mang thai đấy, Tạ Tuyết, em đang nghĩ cái gì vậy?”
Sau đó là chuyện Tần Nhiên quá đau buồn khiến động thai, phải nhập viện bảy ngày. Lâm Tự túc trực bên giường suốt bảy đêm. Lần này tôi chưa kịp nói gì, Lâm Tự đã lên tiếng giải thích trước, anh nói ba mẹ anh sức khỏe yếu, không tiện vào viện trông nom.
Lại đến chuyện vào ngày kỷ niệm ngày cưới của tôi và Lâm Tự, khi cả hai đang ăn tối thì anh bị gọi đi, vì vòi nước nhà Tần Nhiên bị hỏng. Lâm Tự trở về thì trời đã khuya, thấy tôi không vui, anh còn giận dữ hơn cả tôi:
“Anh đã nói là không muốn tổ chức kỷ niệm ngày cưới rồi mà. Anh trai anh mới mất, cả nhà đang đau buồn, còn tâm trạng đâu mà ăn mừng?”
Những chuyện khó chịu kiểu đó cứ lặp đi lặp lại như thế.
Đến giờ, mọi chuyện đã phát triển đến mức: Tần Nhiên nửa đêm gặp ác mộng, Lâm Tự dùng giọng dỗ người yêu để an ủi cô ta nửa tiếng đồng hồ rồi mới chịu gác máy.
Còn thái độ của ba mẹ Lâm, càng khiến người ta lạnh lòng hơn.
Đối với mọi hành vi giữa Lâm Tự và Tần Nhiên, họ chỉ mong tôi rộng lượng, chỉ thấy tôi nhỏ nhen.
Không, không chỉ thấy tôi nhỏ nhen, họ còn ra mặt xin người, bảo tôi để Lâm Tự sang chỗ Tần Nhiên.
Thế mà đến nước này rồi.
Tôi đề nghị ly hôn với Lâm Tự, vậy mà anh vẫn cho rằng tôi đang vô lý gây chuyện.
Tôi đã nghiêm túc tự hỏi bản thân: Rốt cuộc tôi đã làm gì, đã cho Lâm Tự cái cớ gì, để anh ta dám chắc rằng tôi sẽ không bao giờ ly hôn?
Chẳng lẽ trong mắt họ, tôi là một con người bằng đất sét, không bao giờ biết nổi giận?
3
Tôi và Lâm Tự là tình yêu thời thanh xuân.
Từ đồng phục học sinh đến váy cưới, chúng tôi đã đi cùng nhau bảy năm.
Lúc quen anh, tôi vừa đến thành phố A – một nơi hoàn toàn xa lạ – để nhập học, trong mắt vẫn ngập tràn sự ngây ngô và dại khờ, bắt đầu một chút nổi loạn muộn màng.
Kỳ nghỉ đông năm nhất, sau ba câu không hợp với mẹ qua điện thoại, tôi quyết định tự lập, đi làm thêm trong kỳ nghỉ.
Kết quả là chưa kịp ra oai đã xui xẻo gặp cướp vào một đêm tan ca muộn, bị giật mất điện thoại và ví tiền.
Số điện thoại duy nhất tôi nhớ chỉ có của mẹ, nhưng tôi không muốn gọi cho bà, không muốn nhận thua. Thế là tôi ngồi luôn bên vệ đường khóc rấm rứt.
Khi đó, Lâm Tự vừa chơi game xong trong quán net gần đó, đi ngang qua. Có lẽ thấy tôi quen mặt, anh đến hỏi vài câu, biết tôi là sinh viên cùng trường, chỉ khác khoa, liền đưa điện thoại cho tôi mượn, bảo tôi gọi cho mẹ.
Mẹ tôi biết chuyện thì hoảng loạn, đòi lập tức bắt xe từ quê lên thành phố A đón tôi về.
Không đến được vì hết vé xe, nên bà dời lại sang hôm sau.
Lâm Tự sợ tôi ở một mình không an toàn, đã đưa tôi đến đồn cảnh sát trình báo.
Sau kỳ nghỉ đông, quay lại trường học, tôi mang rất nhiều đặc sản quê lên tặng Lâm Tự để cảm ơn.
Thế là, xem như quen biết.
Sau khi quen nhau, thỉnh thoảng cũng cùng nhau ăn cơm, cùng nhau đến thư viện. Chính thức ở bên nhau là vào lễ Thất Tịch năm đó.
Lâm Tự tỏ tình với tôi: “Thật ra từ lúc em vào trường, anh đã để ý đến em rồi, đã bắt đầu thầm thích em rồi.”
Anh nói lần đầu tiên nhìn thấy tôi là khi tôi cùng bạn ăn lẩu ở cổng trường. Rõ ràng chỉ là ăn lẩu thôi, vậy mà tôi lại ăn ra cảm giác “mỹ vị nhân gian”.
Nhìn rất… đã mắt.
Tôi: “…”
Anh nói thẳng là anh thích cái tính ham ăn của em chẳng phải dễ hơn à?
Tôi nhớ lại khoảng thời gian hơn nửa năm qua chúng tôi bên nhau, phải thừa nhận là tôi cũng có cảm tình với anh. Từ lần đầu anh giúp đỡ, đến những lần sau ở bên nhau, anh quả thật đúng gu tôi từ trong ra ngoài.
Vì vậy, tôi gật đầu, đồng ý làm bạn gái anh.
Nhà anh ở thành phố A, sau khi tốt nghiệp, tôi cũng ở lại thành phố này cùng anh làm việc.
Năm thứ ba đi làm, sau khi tiết kiệm được mười vạn tệ, Lâm Tự cầu hôn tôi, và tôi đã đồng ý.
Sau đó, bắt đầu bàn chuyện cưới xin.
Ban đầu ba mẹ tôi có chút không vừa ý với Lâm Tự, họ thấy tôi lấy chồng xa đã đành, đằng này Lâm Tự lại không phải con một, sợ tương lai sống chung sẽ xảy ra mâu thuẫn vì cha mẹ chồng không thể công bằng với cả hai con trai.
Nhưng sau khi gặp ba mẹ anh, họ cũng chẳng còn gì để phản đối.
Khi đó, ba mẹ Lâm Tự nói chuyện rất dễ nghe.
Mẹ anh nói: “Tiểu Tuyết là con gái mà các anh chị nuôi lớn vất vả suốt hai mươi mấy năm trời, đã gả về nhà chúng tôi thì cũng chính là con gái ruột của nhà này, tất nhiên không thể để nó chịu thiệt.”
Ba anh nói: “Yên tâm đi, chúng tôi không thiên vị ai cả. Trước khi con cả cưới vợ, chúng tôi có hỗ trợ một khoản mua nhà. Vợ chồng Lâm Tự – Tiểu Tuyết kết hôn, chúng tôi chắc chắn cũng sẽ giúp.”
Thế nên, tôi và Lâm Tự kết hôn mà không chút do dự.
Hôn lễ cũng được tổ chức vào lễ Thất Tịch năm ấy.
4
Khi ấy, Tần Nhiên và Lâm Dược cũng chỉ mới kết hôn được một năm.
Chẳng qua một người làm việc trong bệnh viện, một người đã lên chức quản lý công ty, công việc đều rất bận rộn. Vì vậy, tôi không tiếp xúc với Tần Nhiên nhiều lắm. Suốt một năm cũng chỉ đến những dịp lễ Tết, khi về nhà ba mẹ chồng ăn cơm, tiện trò chuyện dăm ba câu.
Nhưng khi đó, ấn tượng của tôi về Tần Nhiên rất tốt, vì cô ấy nấu ăn cực kỳ ngon, đúng chuẩn khẩu vị của một đứa mê ăn nhưng vụng về như tôi.
Hơn nữa, cô ấy nói chuyện lúc nào cũng nhẹ nhàng dịu dàng, cái kiểu “nước chảy mây trôi” đó tôi – một con nhỏ tính cách như đàn ông – không bao giờ học nổi.
Tết năm ấy về nhà họ Lâm, Lâm Tự còn từng đùa: “Vợ à, bao giờ em dịu dàng được một nửa như chị dâu, anh cũng mãn nguyện rồi.”
Tôi lườm cho một cái: “Tỉnh đi, đừng nằm mơ nữa.”
Lâm Tự lúc đó cũng chỉ nói vu vơ rồi quên ngay.
Tôi tất nhiên không để bụng.
Tôi và Lâm Tự ở bên nhau quá lâu rồi, kiểu nói đùa như vậy có thiếu gì? Tôi cũng lắm mồm chẳng kém, ra đường thấy ai dáng đẹp hơn Lâm Tự, cũng tiện miệng buông câu: “Anh xem, sao anh không có vóc dáng ngon lành như người ta nhỉ?”
Còn mẹ Lâm thấy tôi lườm Lâm Tự lại tưởng tôi giận, liền xoa dịu: “Mỗi người có một điểm tốt khác nhau, Lâm Tự, con không biết ăn nói thì câm miệng giùm mẹ cái.”
Bình thường mà nói, thể nào Lâm Tự cũng sẽ cãi lại vài câu, nhưng mẹ anh vừa nói xong, anh lại thật sự im luôn.
Tôi lúc ấy còn thấy khá bất ngờ.
Sau khi kết hôn hai năm, tôi càng bất ngờ hơn nữa — Lâm Tự gần như chẳng bao giờ phản bác lại lời mẹ mình. Mẹ anh nói gì, anh gần như đều nghe theo. Chính miệng anh từng nói: “Cãi nhau với mẹ làm gì? Có phải yêu cầu gì quá đáng đâu.”
Lúc đó tôi cũng chẳng để tâm.
Dù sao thì mẹ Lâm bình thường cũng không can thiệp gì vào cuộc sống của chúng tôi, hơn nữa cũng không sống chung. Mỗi lần về nhà bà, dù là tôi và Lâm Tự có cãi vã, hay là Tần Nhiên và Lâm Dược có lời qua tiếng lại, mẹ Lâm gần như đều chỉ mắng con trai mình.
Còn nhớ cuối tuần ngay trước khi Lâm Dược gặp chuyện, đúng vào dịp Thanh Minh.
Chúng tôi cùng nhau về nhà họ Lâm ăn cơm, không biết vì lý do gì mà Lâm Dược và Tần Nhiên cãi nhau. Lâm Dược quát Tần Nhiên: “Cô càng lúc càng vô lý!”
Tần Nhiên còn chưa kịp mở miệng.
Mẹ Lâm đã vung tay tát thẳng hai cái: “Lâm Dược, đầu óc con bị úng nước à? Vợ mình mà con nói thế à? Con thử nói thêm câu nào nữa xem? Mẹ tát thêm hai cái nữa cho cái nước trong đầu con văng ra hết!”
Thế nên, khi đó tôi thật sự rất quý bà.