Bố Tôi Vỡ Nợ Bỏ Trốn - Chương 3
7
“Được.”
“Chỉ cần mày đảm bảo thi đại học nằm trong top 200, tao sẽ để mày học tiếp.”
Hoàng Bình nhìn tôi kiên định.
“Tiền bạc mày không cần lo. Nhưng… bao nhiêu năm nay, bố mày chẳng đoái hoài đến mày, cũng đến lúc để ông ta góp chút sức rồi.”
Hôm sau, bố tôi thực sự mang một xấp tiền đến nhà.
Vừa bước vào, ông ta làm ra vẻ một người cha thật sự, đưa tay xoa đầu tôi.
“Dư Diệp, bố cũng chỉ muốn con có cuộc sống tốt hơn. Ngày nào cũng dậy sớm thức khuya học hành, cực khổ biết bao.”
“Bố tìm cho con một nhà tốt lắm, có danh tiếng trong thị trấn, đảm bảo con lấy chồng rồi sẽ được ăn ngon mặc đẹp.”
Tôi run rẩy cả người, Tiểu Trình đứng bên cạnh cũng tức giận đến mức thở hổn hển.
Gia đình đó giàu có, không sai.
Nhưng đứa con trai duy nhất của họ mắc chứng bại não, không thể tự lo sinh hoạt cá nhân.
Bố tôi muốn tôi gả vào đó, chẳng khác nào đẩy tôi vào hố lửa.
Trong ký ức của tôi, hồi nhỏ, mỗi lần bố tan làm về, ông ta sẽ mua kem hình người tuyết cho tôi, sẽ mang theo bóng bay bơm khí, còn dùng râu chọc vào mặt tôi trêu đùa…
Từ khi nào, ông ta không còn yêu thương tôi nữa?
Từ khi nào, ông ta biến thành con người như bây giờ?
Hoàng Bình ngồi bên đếm tiền, rồi lạnh nhạt lên tiếng:
“Ông có thể đi rồi.”
Bố tôi gật gù, kéo tay tôi:
“Đi nào con gái, theo bố về hưởng phúc!”
Tôi không nhúc nhích, thậm chí còn lên tiếng nhắc nhở:
“Đi đâu chứ? Tôi nhận tiền cấp dưỡng của ông, còn ông thì cút đi.”
Bố tôi chưa kịp hiểu lời tôi nói, Hoàng Bình đột nhiên bắt đầu xé rách quần áo mình, vò rối tóc, rồi hét lớn:
“Có ai không! Mau đến xem đây, chuyện động trời rồi!”
“Tôi nuôi một đứa trẻ chẳng cùng huyết thống, một tay nuôi nấng khôn lớn. Vậy mà cha ruột của nó vừa về đã muốn bán con gái lấy tiền sính lễ!”
“Bao nhiêu năm không chu cấp một đồng, tất cả đều là tôi – một người đàn bà khổ mệnh này tự mình cáng đáng!”
Mùa hè sắp qua, giọng bà ta lại oang oang, khiến cả con phố đều nghe thấy.
Láng giềng ai nấy vừa tan làm, nhanh chóng vây kín sân nhà tôi.
“Bà gào cái gì thế?!” Bố tôi sốt ruột.
Những người xung quanh bắt đầu bàn tán xôn xao.
“Tôi biết hắn! Kết hôn với hai người phụ nữ rồi bỏ chạy, sau này là A Bình nuôi con gái hắn.”
“Đúng là vô liêm sỉ! Nuôi lớn bao nhiêu năm, giờ lại muốn lấy không tiền sính lễ?”
“Mọi người giữ hắn lại đi! Hắn còn nợ tiền anh em tôi, để tôi gọi họ đến đây!”
Bố tôi vốn đã nợ chồng nợ chất, lần này về quê là lén lút quay về.
Thấy càng lúc càng nhiều người vây lại, ông ta cuống quýt bỏ chạy.
Hoàng Bình nắm chặt lấy áo ông ta, nghiến răng:
“Tiền cấp dưỡng này, ông sẽ không lấy lại chứ? Ông định giải thích thế nào đây?”
Bố tôi liên tục lắc đầu, vội vã nhảy lên xe phóng đi mất.
Những người xung quanh nhìn thấy bố tôi chạy trốn, có người đuổi theo, có người ở lại an ủi mẹ con tôi.
Hoàng Bình lau nước mắt, tiễn mọi người về hết, rồi co người trên giường, tiếp tục đếm tiền.
“Dì Bình… xin lỗi.”
Tôi biết Hoàng Bình là người sĩ diện nhất.
Bao năm sống cùng nhau, bà ta luôn giống như một cây ngô không bao giờ chịu cúi đầu.
Mạnh mẽ, kiên cường.
Vậy mà giờ đây, vì tôi, bà ta phải hạ mình đến mức này.
8
Hoàng Bình ngẩng đầu lên, hùng hổ chọc vào trán tôi:
“Học phí gom đủ rồi! Nhưng nói trước, sau này mày phải đưa cho tao số tiền gấp mười lần tiền sính lễ đấy! Tao không làm ăn lỗ vốn đâu!”
“Nếu không thì cứ chờ tao đến tìm mày đi, tao bám mày cả đời luôn!”
Giọng bà ta thì hung dữ, nhưng hai mắt cả hai chúng tôi đều đỏ hoe.
Có được khoản tiền này, cộng thêm thành tích thi đỗ Nhất Trung của tôi cũng khá tốt, thị trấn đặc biệt cấp cho tôi một suất học bổng.
Chân của Tiểu Trình đã chữa khỏi, chỉ cần nghỉ ngơi hai tháng là có thể đi lại bình thường.
Đây là một điều may mắn to lớn.
Nhưng thành tích của nó không đủ để vào cấp ba, nên nó tự mình đăng ký vào một trường nghề học về kỹ thuật ô tô.
Nó nói rằng giấc mơ của nó là chế tạo ra những chiếc ô tô đẹp nhất.
Như vậy sau này tôi sẽ không phải cõng nó đi học nữa.
Nó còn muốn chở tôi và Hoàng Bình đi du lịch, ra biển chơi.
Sau khi bước vào Nhất Trung của huyện, tôi mới nhận ra lời hứa với Hoàng Bình – giữ vững vị trí top 200 toàn khối – khó khăn đến mức nào.
Trước khi vào cấp ba, tôi chưa từng đi học thêm, chưa từng tham gia kỳ thi nào, đến cả sách tham khảo cũng là góp tiền với bạn cùng bàn mua chung một quyển.
Kỳ thi tháng đầu tiên, tôi đứng hạng 489, tụt 20 bậc so với lúc mới nhập học.
Lúc đó tôi mới hiểu, chỉ có cố gắng thôi thì chưa chắc đã làm được mọi thứ.
Nỗi uất ức dâng lên nghẹn chặt cổ họng, tôi chỉ muốn bật khóc.
Nhưng khi về nhà, Hoàng Bình nhìn bảng điểm, không hề nổi giận như tôi tưởng.
Bà ta dúi vào tay tôi hai trăm tệ nhàu nhĩ:
“Chim ngốc thì phải bay sớm, hiểu không? Mày phải nỗ lực gấp mấy lần người khác!”
“Cầm lấy, mua sách mà học đi.”
“Đọc sách không phải chỉ đọc chết dí từng chữ, phải biết suy một mà hiểu ba.”
Hoàng Bình kể, con gái nhỏ của bố tôi đã chữa khỏi bệnh.
Nghe nói cuối cùng vẫn là gia đình bên ngoại của mẹ kế tôi bỏ một số tiền lớn để cứu đứa trẻ đó.
Còn bố tôi, sau khi bị Hoàng Bình moi mất một khoản lớn, đòi lại không được, lại bị người đời chê trách, rốt cuộc chỉ có thể lùi về sau.
Nhưng ông ta lại lật ngược tình thế, bắt đầu đi khoe khoang khắp nơi:
“Cũng chỉ có tôi thôi! Mấy người thử nghĩ xem có nhà nào sẵn sàng nuôi con học cao thế này không?”
Sau khi biết kết quả bài thi tháng đầu tiên của tôi không ra gì, ông ta lái xe đến tận trường tìm tôi.
Chỉ thẳng vào mũi tôi mà mắng:
“Đổ tiền ra cho mày mà uổng công! Đồ vô dụng, tao sinh mày ra làm gì chứ?”
“Thà ngoan ngoãn đi lấy chồng cho rồi!”
Tôi lạnh lùng nhìn ông ta, hất mạnh tay ông ta ra:
“Ông là gì của tôi?”
Ông ta tức giận, gào lên:
“Tao là bố mày! Mày còn dám cãi lại tao à?!”
Tôi cười nhạt, ánh mắt đầy khinh miệt:
“Ông là cái thá gì mà dám chỉ tay vào mặt tôi?”
“Ông không quản nổi nửa thân dưới của mình, từ nhỏ đến lớn, ông có từng lo cho tôi dù chỉ một ngày chưa?”
“Ông cờ bạc khắp nơi, ngoại tình khắp nơi, mẹ kế của tôi chắc cũng mù rồi mới lấy ông.”
“Tôi nói cho ông biết, thành tích của tôi tốt hay dở không liên quan gì đến ông hết! Biến xa tôi bao nhiêu thì biến!”
Tôi không có một chút sợ hãi nào.
Lần đầu tiên trong đời, tôi phản kháng lại ông ta.
9
Bố tôi tức đến mức mặt đen như đáy nồi:
“Tốt lắm! Tao muốn xem cái thứ đội sổ như mày có thể làm được cái gì! Đến lúc đó đừng có mà quỳ xuống cầu xin tao!”
Sau ngày hôm đó, tôi bắt đầu cắt giảm tối đa thời gian ăn uống và ngủ nghỉ.
Tôi muốn chứng minh rằng mình không thua kém bất kỳ ai.
Tôi cũng học cách tiết kiệm tiền.
Nhà không khá giả, tôi phải tự kiếm tiền mua sách bài tập và tài liệu ôn thi.
Ở căng-tin trường, tầng một có quầy bán rau củ.
Bữa sáng một cái màn thầu trắng năm hào, bữa trưa một cái màn thầu với rau xào hai đồng rưỡi, bữa tối ăn bánh bột còn thừa từ trưa kẹp rau, chỉ tốn một đồng rưỡi.
Tầng hai có món mì cay và lẩu xiên que, với tôi, đó là một bữa ăn xa xỉ mà tôi chưa từng dám nhìn tới.
Nhưng áp lực học tập quá lớn, tôi thường xuyên đói đến mức hoa mắt chóng mặt.
Tiền xe buýt từ trường về thị trấn là bảy đồng rưỡi, đi đi về về hết mười lăm đồng.
Để tiết kiệm khoản tiền đó, suốt cả học kỳ tôi không hề về nhà.
Tôi còn mặt dày chạy đến hỏi bài bạn cùng bàn – Từ Bằng.
Cậu ta là một học bá chính hiệu, lúc nào cũng đeo kính gọng đen, một kiểu mọt sách khoa học tự nhiên điển hình.
Mỗi lần tôi hỏi bài, cậu ta lại “tặc” một tiếng đầy khó chịu.
“Tôi thực sự không hiểu nổi, cậu tìm một lớp học thêm không tốt hơn à? Ngày nào cũng bám lấy tôi làm gì, cứ phải nhìn sắc mặt tôi sao?”
Tôi thành thật đáp:
“Tôi không có tiền, nên tôi đang cố gắng lấy lòng cậu đây.”
…
Từ Bằng nghẹn lời, rồi im lặng đánh dấu mấy phần quan trọng trong sách giúp tôi.
Chân thành chính là vũ khí lợi hại nhất.
Nhưng dù tôi có ngày đêm cật lực, kỳ thi cuối kỳ tôi chỉ nhích lên được bốn mươi hạng.
Tôi đứng trước bảng điểm lớn, muốn khóc mà không khóc nổi.
Khó quá!
Sao lại khó đến mức này chứ?!
Tôi không có mặt mũi nào để về nhà, định trốn lại ký túc xá trường suốt kỳ nghỉ đông.
Tôi không ngờ, Tiểu Trình lại đến tận trường tìm tôi.
Nó lặn lội đường xa, trông thấy tôi đang cẩn thận vớt từng miếng trứng vụn trong nồi canh miễn phí ở căng-tin, giận đến mức run cả người.
“Mẹ nói chị lâu quá không về, bảo em đến xem chị thế nào.”
“Chị ăn thế này sao? Dư Diệp, chị xem mình thành cái dạng gì rồi?” Giọng nó nghẹn lại như muốn khóc.
Nó cứng rắn kéo tôi ra quán ăn nhỏ bên ngoài trường, gọi hai món thịt.
Món thịt chiên giòn chua ngọt và món thịt kho xào.
Tôi chẳng hề thấy ngấy, bao nhiêu ngày không ăn thịt, vị ngon của nó kích thích mọi dây thần kinh vị giác của tôi.
Tôi ăn ngấu nghiến, hết liền ba bát cơm đầy.
Tiểu Trình ngồi đối diện, mắt ngày càng đỏ hoe:
“Em đến đón chị về ăn Tết.”
“Mẹ nói chị không gửi tin về, mẹ sợ chị bị người ta lừa bán mất.”
Tôi nuốt xuống miếng thịt cuối cùng, rồi thật thà hỏi:
“Có thể gói mang về không?”
Tiểu Trình nhìn tôi không nói nổi câu nào.
Lần này về nhà, trông Hoàng Bình còn tiều tụy hơn trước.
Từ khi tôi lên cấp ba, gánh nặng càng lớn, để kiếm tiền, bà ta chọn đi dọn rừng trên núi.
Dưới cái lạnh âm bốn mươi độ, bà ta vác từng bó cành bạch dương, đem đến điểm tập kết.
Dù đeo găng tay, nhưng hai bàn tay vẫn nứt nẻ đầy vết rách.
Trong thị trấn, có vài đứa trẻ cũng học Nhất Trung, bọn họ đang bàn tán về thành tích của tôi.
Thằng béo ngày xưa đã ra ngoài làm công nhân, mẹ nó hàng ngày ngồi dưới chân tường ngồi lê đôi mách.
“Học hành có ích gì đâu, có cố gắng cũng chỉ là bùn nhão chẳng đắp nổi thành tường.”
“Tao nói rồi, con gái mà học khối tự nhiên thì óc chậm lắm.”
“Còn nuôi ăn học làm gì, đúng là nực cười!”
Hoàng Bình trợn mắt:
“Con nhà bà muốn thi còn chẳng đậu nổi vào đây, cửa trường còn chẳng bước qua nổi, ở đó mà lo chuyện bao đồng!”
Trước khi tôi rời đi, Hoàng Bình gọi tôi vào phòng bà ta.