Bề Ngoài Thanh Tao, Bên Trong Tào Lao - Chương 6
16
Chiếc máy ghi âm mà bố tôi luôn mang theo bên mình.
Chẳng những không moi ra được tí thông tin nào có lợi, mà còn thu vào một đống chuyện xấu xa do chính ông ta làm – thứ mà ông ta không dám cho ai biết.
Đúng kiểu tự tay bưng đá đập chân mình.
Mà đen của ông ta, đâu chỉ dừng ở đó.
Cái ả tiểu tam mà ông ta hằng mơ tưởng, sau khi sinh con xong… bỏ con lại rồi biến mất khỏi bệnh viện.
Bà nội ôm đứa bé mắc hội chứng Down đang đói khóc oe oe, đấm vào người bố tôi thùm thụp:
“Đúng là anh rước sát tinh về nhà! Danh tiếng cả đời của tôi mất sạch, giờ còn phải nuôi con què hộ anh nữa!”
Bố tôi đầu to như sắp nổ.
Việc mất việc, tiểu tam bỏ chạy, vụ đông trùng giả cũng chẳng cãi lại nổi, giờ lại ôm thêm một đứa trẻ khuyết tật.
Nhà họ Lưu… nửa đời còn lại biết sống sao đây?!
Nhưng ông trời đâu dễ cảm thông cho hạng người như vậy.
Vài hôm sau, bà nội dắt đứa bé đi bệnh viện tái khám, mới phát hiện nhóm máu của đứa nhỏ không khớp với nhóm máu của bố tôi và Bành Hiểu Hồng.
Hồi đứa nhỏ mới chào đời, nhà cửa rối như mớ bòng bong, chẳng ai để ý vụ nhóm máu.
Đến khi phát hiện, bà nội vội giục bố tôi dẫn con đi làm xét nghiệm ADN.
Kết quả thì khỏi nói.
Không cùng huyết thống.
Ồ hố hố.
Bố tôi choáng váng, quỳ rạp dưới đất khóc gào như cháy nhà.
Không trách được vì sao Bành Hiểu Hồng lại bỏ trốn.
Thì ra từ đầu tới cuối, cả nhà ông ta bị một ả lừa đảo xoay như chong chóng, bị biến thành trò cười miễn phí cho thiên hạ.
Khi bệnh viện kể lại chuyện này cho mẹ tôi, ai nấy đều hớn hở như thể vừa trúng số.
Thời đại nào rồi, ai mà chẳng thích xem drama của tra nam bị nghiệp quật chứ?
Ngay cả mẹ tôi, cũng không ngờ rằng đời lại ban cho bà một món quà bất ngờ đến vậy.
Về cái “bí mật” mà mẹ từng dọa giữ giúp Bành Hiểu Hồng?
Thật ra… chỉ là bác sĩ từng phát hiện ra cô ta đã phá thai nhiều lần trong các lần khám thai.
Nhìn lại thì cũng không phải chuyện gì quá lớn.
Nhưng điểm then chốt là: Bành Hiểu Hồng vốn đã chột dạ, nên cứ nghĩ mẹ tôi còn nắm thêm nhiều bí mật khác.
Cũng nhờ cô ta chạy mất.
Nên bê bối giữa cô ta và bố tôi… đã chính thức đè bẹp toàn bộ vụ đông trùng giả.
17
Mẹ tôi nói, bà tin vào nhân quả, chứ không tin vào báo ứng.
Người mà cứ ngồi chờ ông trời giáng xuống báo ứng cho kẻ ác, chỉ tổ mệt chết mình trước.
Cho nên, có loại báo ứng… phải tự mình ra tay.
Sau khi hoàn tất thủ tục chấm dứt quyền nuôi tôi và chị từ phía bố, mẹ tôi đã hạ quyết tâm: phải khiến nhà họ Lưu thân bại danh liệt, trở thành trò cười của thiên hạ.
Ông ngoại tôi là một thầy thuốc Đông y lâu năm, cả đời cứu người, tích được không ít ân tình.
Còn cậu tôi – nói là đi chăn dê ngoài Tây Bắc, thật ra từ thời tôi mới sinh ra, ông đã gây dựng được một nhà máy dược liệu cực kỳ quy mô.
Mẹ tôi vốn là người sống giản dị, không thích khoe khoang.
Cũng vì thế, nhà họ Lưu mới tưởng mẹ tôi chỉ là một bà y tá nhỏ thất nghiệp, bình thường chẳng có chút thực lực hay chỗ dựa nào, chắc chắn sẽ bó tay khi bị ly hôn, bị chia tài sản, bị vu khống bôi nhọ.
Nhưng cái “vụ đông trùng hạ thảo” kia… chính là mẹ tôi dựng nên.
Toàn bộ ván cờ này, bắt đầu từ… Bành Hiểu Hồng.
Mẹ tôi âm thầm điều tra thân thế và mối quan hệ của cô ta, phát hiện trong vòng quan hệ đó có một tay buôn dược liệu từng làm ăn với ông ngoại tôi.
Phần còn lại, để cậu tôi ra mặt nói chuyện với người kia.
Gặp lại người cũ, bên kia cũng vui vẻ đồng ý giúp một tay – gọi là một món nợ tình xưa, trả trong âm thầm.
Bành Hiểu Hồng lúc bầu bí từng than phiền với một cô bạn thân: mẹ chồng keo kiệt, không chịu bỏ tiền mua nhân sâm hay yến sào cho cô ta bồi bổ, chỉ biết vác cuốc lên núi đào mấy loại cỏ hoang dại chẳng ai biết tên.
Nghe vậy, cô bạn kia giả vờ lướt qua loạt ảnh mấy loại cỏ, rồi… “bất ngờ nhận ra” một nhánh đông trùng hạ thảo.
Tiện thể “nửa thật nửa giả” giới thiệu cho Bành Hiểu Hồng một mối quen buôn dược.
Tất nhiên là tay buôn kia chính là người bên cậu tôi sắp xếp.
Bành Hiểu Hồng lập tức động lòng, nhờ bạn đem mớ “trùng thảo” gửi đi thử, không ngờ lại được trả về một món tiền nhỏ.
Cứ thế, qua lại vài lần, cả nhà họ Lưu bắt đầu lao vào núi, đổ hết tâm sức vào đào đông trùng hạ thảo.
18
Kỳ nghỉ đông, mẹ tôi xin nghỉ phép, dắt tôi và chị lên nhà cậu ở Yến Kinh ăn Tết.
Bố tôi thì liên tục mò đến nhà tôi và nhà bà ngoại để tìm, nhưng cả hai nơi đều công cốc.
Cậu tôi nghe nói bố tôi vẫn còn dây dưa, liền quyết định:
“Cứ để ba mẹ con ở lại Yến Kinh luôn, khỏi cần về.”
Bà ngoại cũng khuyên mẹ tôi:
“Nhà họ Lưu gặp hạn lớn rồi, sau này kiểu gì cũng sẽ nhớ đến con với hai đứa nhỏ. Chi bằng dứt điểm luôn, ở lại Yến Kinh cho sạch sẽ.”
Mẹ tôi không chần chừ gì, gật đầu cái rụp.
Bà để tôi và chị ở lại trước, tự mình quay về quê làm thủ tục nghỉ việc, trả lại nhà thuê, rồi chuyển hết hộ khẩu của hai chị em tôi lên Yến Kinh.
Hôm cuối cùng ở quê, mẹ tôi thật sự bị bố tôi chặn lại.
Chuyện của bố tôi thì dân làng ai mà chẳng biết.
Người ta thi nhau gọi ông ta là:
“Chân quân tử số một của thời đại!”
Lòng dạ bao la đến mức đội nón xanh mà vẫn không chấp.
Nhân phẩm cao đến nỗi nhận nuôi con trai của người khác mà vẫn cam tâm tình nguyện, dù thằng bé còn là trẻ mắc hội chứng Down.
Bố tôi giờ mất hết mặt mũi, đến tìm mẹ tôi chẳng qua là muốn vá lại cái danh tiếng đã rách tan tành, mong rằng “gương vỡ lại lành”, che được vết nhơ cả đời.
Mẹ tôi nghe xong mà cười đến ngả nghiêng:
“Làm dâu nhà họ Lưu, sống kiểu ‘nô tì thời phong kiến’?”
“Anh gây ra cái loại chuyện xấu hổ đó rồi, mà vẫn còn mặt dày rủ tôi quay về à?”
“Về làm gì? Để hầu hạ mẹ anh? Hầu anh? Rồi hầu luôn cái thằng bé không máu mủ thân thích kia à?”
Nói xong, bà “bốp” một tiếng, ném cái sổ hộ khẩu đã hủy thẳng vào mặt bố tôi.
“Trả lại cho mẹ anh đấy. Nói với bà ta, ai thích chung sổ hộ khẩu với nhà các người thì cứ tự nhiên. Còn tôi – Đường Thục Phân – từ nay về sau không hầu hạ ai hết!”
19
Mười mấy năm sau đó, ba mẹ con tôi… thực sự chưa từng quay lại quê lấy một lần.
Chúng tôi lớn lên ở Yến Kinh, đến tuổi trưởng thành thì vào đại học, rồi ra trường đi làm.
Chị tôi lên mười thì phẫu thuật thành công, căn bệnh tim khiến chị không thể chạy nhảy, dễ xúc động nhiều năm cuối cùng cũng khỏi hẳn.
Tôi thì từ thời cấp hai đã tham gia đội điền kinh, vô tình đạt chuẩn vận động viên cấp hai quốc gia, đạt được không ít giải thưởng.
Mẹ tôi đợi đến khi cả hai chị em đều trưởng thành rồi mới đồng ý tái hôn.
Người tái hôn với bà là một bác sĩ theo đuổi bà nhiều năm.
Vị bác sĩ này cũng không phải kết hôn lần đầu, lý do ly hôn là… ông ấy không có khả năng sinh con.
Nên khi bố mẹ ông biết mẹ tôi có hai cô con gái, họ… mừng ra mặt.
Chỉ là, vì từng trải qua gia đình nhà họ Lưu, mẹ tôi lúc đầu chẳng còn mong đợi gì vào chuyện hôn nhân nữa.
Là bà ngoại đã nhiều lần khuyên nhủ:
“Cho người ta một cơ hội… cũng là cho con một cơ hội.”
Bởi vì – mẹ tôi thực sự xứng đáng với hạnh phúc.
Khi mới đến Yến Kinh, mẹ làm trong công ty của cậu, sau đó tự mình tách ra thành lập viện thẩm mỹ.
Đến lúc ấy, bà đã có thể hoàn toàn làm chủ cuộc đời mình.
Không cần phải để bụng những đòn đánh, sự coi thường, hay sỉ nhục từ gia đình họ Lưu nữa.
Trong thời gian theo đuổi, bác sĩ ấy thường đưa tôi và chị đến chơi nhà bố mẹ ông.
Từ lúc đó, tôi và chị đã gọi họ là ông – bà.
Và đúng là ông bà ấy… rất tốt.
Ông dạy chị tôi viết thư pháp, vẽ tranh thủy mặc, lúc nào cũng khen chị thông minh, có năng khiếu.
Bà thì dẫn tôi đi nhảy quảng trường, còn mời cả huấn luyện viên thể thao về dạy riêng cho con mã lò này.
Lần đầu tiên trong đời, tôi và chị mới hiểu:
Cho dù chúng tôi là mã lò và gà yếu,
Nhưng trong một gia đình thật lòng yêu thương,
Chúng tôi vẫn là bảo vật vô giá.
Chúng tôi nhận được tin tức từ bố tôi và bà nội, là lúc mẹ tôi đang đi trăng mật với bác sĩ.
Tôi và chị nhận được cáo phó do họ hàng ở quê gửi tới, đều cau mày.
Bố tôi chết rồi.
Xơ gan.
Nghe nói là do uống rượu quá độ nhiều năm liền.
Ở quê giờ chỉ còn lại bà nội.
Thằng bé mắc Down khi đó… đã chết đuối lúc bốn tuổi.
Những năm qua, bố tôi muốn tái hôn nhưng chẳng có ai chịu lấy. Vậy nên bây giờ, chẳng còn ai chăm sóc bà nội.
Cuối cùng, trách nhiệm này vẫn đổ lên đầu chúng tôi.
Theo lời họ hàng, bà nội giờ lưng đã còng, mấy năm trước còn trượt chân té, đi lại cũng không tiện.
Khi chúng tôi trở về quê, bà nội đang ngồi ngẩn ngơ giữa sân nhà cũ.
Nhìn… đúng là cô đơn và tàn tạ thật.
Kẻ xấu cũng sẽ già đi – và đến một ngày… xấu cũng chẳng còn sức mà làm nữa.
Chúng tôi bàn với họ hàng đưa bà vào viện dưỡng lão, dù sao họ cũng không có nghĩa vụ phải chăm sóc.
Bà nội ngồi nghe chúng tôi sắp xếp, không phản đối:
“Người già là thế. Các cháu muốn thu xếp sao thì cứ thế đi.”
Bà vẫn nhận ra tôi và chị, nhưng cũng biết rằng… cái gọi là thân tình đã phai nhạt từ lâu.
Chỉ là khi nghe nói chúng tôi sẽ lo chi phí viện dưỡng lão, bà có chút vui mừng:
“Các cháu phát triển tốt nhỉ, còn có tiền lo cho người già.”
Tôi bật cười:
“Chứ sao, đều nhờ mẹ tôi dạy dỗ tốt cả.”
Bà ngượng ngùng, cũng khen tôi một câu là có hiếu.
Chị tôi tiếp lời:
“Vì tụi cháu… đều giống mẹ.”
Bà không nói thêm gì nữa.
Chúng tôi đưa bà nội nhập viện dưỡng lão, còn căn dặn nhân viên kỹ lưỡng mấy lần, đến mức người ta cũng trở nên cẩn trọng hơn hẳn.
Lúc sắp rời đi, bà nội vẫn dúi vào tay tôi một phong bao đỏ:
“Lúc đi qua chùa, nhớ mang giúp bà quyên cúng nhé… tích chút phúc.”
Tôi nghẹn họng bật cười.
Bà vẫn như một đóa cúc.
Nói chuyện vẫn toàn nhảm nhí.
Ra khỏi cổng viện dưỡng lão, tôi và chị – không ai quay đầu lại.
Bà nội để lộ tài sản, con cháu thì chẳng có ai ở bên.
Một nơi như vậy, một viện dưỡng lão nhỏ ở quê, chắc chắn sẽ “chăm sóc bà kỹ càng”…
(— Toàn văn hoàn —)