Bề Ngoài Thanh Tao, Bên Trong Tào Lao - Chương 5
12
Khi thu sang, tôi và chị chính thức chuyển vào học tại trường tiểu học trong phố.
Trường gần nhà, mẹ nắm tay hai chị em, mỗi buổi sáng đi học đều vui như Tết.
Nhưng đúng lúc băng qua công viên giữa phố, thì ba mẹ con tôi… chạm mặt trọn bộ “nhà nội” phía bên kia.
Bành Hiểu Hồng giữ vai chính, bụng bầu vượt mặt đi đầu hàng, khí chất vênh váo như hoàng hậu xuất cung.
Bên cạnh là bố tôi khom lưng rón rén, vui mừng khôn xiết dìu đỡ cô ta.
Bà nội đi sau lưng, trên vai là cái túi đồ mẹ và bé phồng căng, mặt nở nụ cười “như hoa cúc” đầy từ ái.
Nhìn từ xa, hai mẹ con họ y như mấy tên nô tài trung thành trong phim cung đấu.
Hai bên đứng đối diện, khoảng cách không xa.
Chắc trong lòng mẹ tôi đang lầm bầm: xui gì mà xui dữ vậy trời.
Bà nội bắt đầu hô to:
“Hiểu Hồng à, trong bụng con là cháu đích tôn nhà mình đấy, là Kim Đồng trước mặt Thần Tài, phải hết sức cẩn thận đó con!”
Bố tôi cũng hùa theo:
“Mình đi đường vòng đi, tránh gặp chuyện gì xui xẻo.”
Bà nội tiếp lời ngay:
“Chẳng phải xui là gì? Có người cưới cả đời mà chỉ đẻ được hai đứa con gái, một đứa yếu ớt, một đứa ngỗ nghịch. Giờ lại còn đổi tên thành cái gì ‘Khắc’ với chả ‘Khắc’, không sợ khắc luôn cả nhà à!”
Cuộc sống đúng là một sàn đấu phi lý.
Mà bà nội tôi là kiểu “vương giả bất bại” trên sàn đấu đó – đỉnh cao chửi người mà mặt không biến sắc.
Cũng nhờ năm xưa đấu nhiều quá nên mẹ tôi luyện thành tuyệt kỹ: “chửi không cần lên giọng, nhưng một đòn chí mạng.”
“Bị khắc thật thì báo tôi một tiếng, chứng tỏ tôi đặt tên cho con gái quá chuẩn!”
Sắc mặt cả ba người bên kia thay đổi đồng loạt.
Mẹ tôi vẫn chưa dừng lại:
“Cái sự ‘khắc’ này cũng cần kỹ thuật đấy. Nếu thực sự khắc được bọn xấu bọn ác, thì tôi chắc chắn sẽ về treo đèn kết hoa ở cổng nhà ăn mừng!”
Bà nội giận tím mặt, gằn từng chữ:
“Đúng là độc miệng! Đặt tên kiểu đó, thể nào cũng khắc ngược lại chính cô!”
Mẹ tôi cười sảng khoái:
“Tôi sống đàng hoàng, không làm tiểu tam, không giấu tài sản, càng không ruồng bỏ vợ con. Nếu có khắc được người, thì chắc chắn cũng không đến lượt tôi!”
Bà nội còn định bật lại vài câu nữa, bố tôi vội cản:
“Mẹ, đừng nói nữa, giữa phố giữa xá phải giữ hình ảnh! Với lại Hiểu Hồng còn ở đây, lỡ thật sự động đến cháu trai thì sao?”
Sắc mặt Bành Hiểu Hồng cũng khó coi rõ ràng.
Nhưng dù cô ta giận, cuối cùng vẫn không dám châm thêm lửa.
Vì cái bụng kia là “á quân tài sản” của nhà họ Lưu – nên cả bà nội lẫn bố tôi đều phải “rút quân chiến thuật”.
Tôi thì suýt nữa lao lên tát vào mặt bọn họ, bị chị giữ chặt không cho nhúc nhích.
Mẹ tôi nhìn theo bóng ba người lùi dần, khẽ cười:
“Trong lòng có tật mới sợ bị khắc. Mẹ con mình sống tử tế, chẳng có gì phải sợ cả. Còn họ…”
“…chưa biết tốt đẹp được tới bao lâu đâu.”
13
Từ sau khi bà nội bán được đợt đông trùng hạ thảo đầu tiên kiếm lời, ba ngày hai bữa lại lôi cuốc đi lên núi. Bố tôi cũng thường xuyên xin nghỉ phép về quê.
Dân trong làng bắt đầu thấy hai mẹ con họ cứ lén lút đi lên rừng sau, khi xuống thì tay xách nách mang đầy túi đồ.
Có người tò mò đến sân nhà bà nội dòm ngó, thấy có cả một sân phơi thuốc nam.
Còn nghe lén được bà nội nói với bố tôi: đợi bán giá cao xong thì gom tiền lên thành phố mua nhà.
Ồ ồ.
Tin đồn “núi sau có đông trùng hạ thảo” lan nhanh như cháy rừng.
Dân làng ai nấy đổ xô lên núi.
Bà nội với bố tôi đứng hình: chuyện chỉ gia đình mình kiếm được tiền, sao giờ bị cả làng cướp sạch?
Nhưng rồi, khi dân làng mang “đông trùng hạ thảo” đào được đi liên hệ với các đầu mối thuốc, chuẩn bị hốt bạc…
Thì bị dân buôn dội một gáo nước lạnh: cái đống kia đâu phải đông trùng hạ thảo, mà là cổ nê trùng thảo.
Loại này chỉ giống về hình dáng thôi, dược tính kém xa, giá rẻ bèo, không ai mua giá cao cả.
Dân làng không phục, cãi tay đôi với lái buôn, ầm ĩ cả lên.
Tin tức bị rò rỉ, đài truyền hình địa phương cử phóng viên xuống tận làng ghi hình, phỏng vấn, quay chụp mấy ngày trời, thậm chí còn mời chuyên gia đến xác minh.
Một chương trình dân sinh bỗng chốc chuyển sang phong cách “Đi sâu vào khoa học”, chia làm ba tập thượng – trung – hạ, câu kéo sự tò mò của khán giả lên tận nóc.
Cho đến tập cuối, chuyên gia mới công bố chân tướng: dân buôn nói đúng – chỉ là cổ nê trùng thảo.
Dân làng đồng loạt nổ tung.
Người ta không bán được, sao nhà bà nội lại bán giá cao thế?
Bố tôi và bà nội không lo được chuyện khác, chỉ biết đổ hết tội lên đầu Bành Hiểu Hồng.
Bành Hiểu Hồng cũng sững người:
“Không thể nào là giả được! Nếu là giả, sao có người chịu trả tiền thật mà mua?!”
Nhưng khi mở điện thoại ra tìm “người quen chuyên thu mua” thì…
Tất cả liên lạc đều bốc hơi không dấu vết.
Năm đó, điện thoại vẫn chưa áp dụng xác minh danh tính. Một người mất hút là mất hẳn luôn, đúng kiểu “chìm giữa đại dương”.
Bành Hiểu Hồng hoảng quá, động thai.
Bị đưa vào viện.
Đứa nhỏ chào đời.
Ai nấy mong chờ là cháu đích tôn, ai dè… là một đứa bé mắc hội chứng Down.
Bố tôi và bà nội phát điên.
Họ đã đổ bao nhiêu tiền bạc vào chăm sóc thai kỳ, làm sao lại sinh ra một đứa trẻ như vậy?!
Thì ra…
Bành Hiểu Hồng từng làm việc ở quán bar, còn phá thai quá nhiều hồi còn trẻ.
Lần mang thai này, khi kiểm tra, bác sĩ đã cảnh báo nếu sảy thai nữa thì khả năng sinh nở gần như bằng không.
Nên dù kết quả sàng lọc cho thấy nguy cơ cao mắc Down, cô ta vẫn liều một phen.
Nhỡ đâu… lại sinh ra đứa trẻ khỏe mạnh thì sao?
Thế là, cô ta bỏ tiền lớn đút lót bác sĩ bệnh viện tư, yêu cầu che giấu kết quả sàng lọc Down.
Ngay tại bệnh viện, bà nội và bố tôi nổi điên, lao vào đánh luôn Bành Hiểu Hồng đang nằm trên giường bệnh.
“Đồ đàn bà lừa đảo!
Cô hại chúng tôi thảm rồi còn gì nữa!!!”
14
Chương trình truyền hình về vụ “cổ nê trùng thảo” nhầm lẫn lần trước thu được rating khá cao, nên sau đó đài tiếp tục làm luôn bản tin tiếp theo.
Phóng viên quay lại làng, phỏng vấn dân làng tại chỗ.
Những người từng bị lừa, lần này mở miệng là nói cho đã đời:
“Nhà họ Lưu muốn đào riêng, kiếm riêng. Nhưng tụi tôi cũng là dân trong làng, thấy có thể ăn theo thì ai chẳng muốn? Ai mà biết là hàng giả!”
“Đông trùng hạ thảo cái gì? Chẳng phải là cái ả tiểu tam nhà họ Lưu dựng chuyện lên để lấy tiếng trong nhà đó sao! Nếu họ không phơi đầy ra sân, tụi tôi đâu có lên núi đào?”
“Bành Hiểu Hồng cứ khoe quen đại gia, cuối cùng thì sao? Biến mất sạch sẽ! Không phải tự cô ta đóng giả ông chủ đó à?”
“Cái loại phụ nữ đó đến cả báo cáo sàng lọc hội chứng Down cũng dám giả, thì còn chuyện gì mà không dám bịa?”
…
Trong chương trình, phóng viên cũng cố tình nhấn mạnh:
Người “ông chủ thu mua” mà Bành Hiểu Hồng nhắc đến chỉ từng mua trùng thảo từ nhà họ Lưu. Trong khi thị trường địa phương không hề có bất kỳ giao dịch đông trùng nào đáng kể.
Nếu thực sự là buôn bán thật sự, sao chỉ có đúng mỗi nhà họ Lưu bán được?
Chương trình khép lại trong một không khí đầy ám chỉ và lấp lửng.
Khán giả ngồi trước màn hình cười hả hê.
Nói trắng ra, chẳng phải chỉ là tiểu tam phá rối – cố tỏ ra biết chuyện – cuối cùng làm to chuyện ra thành trò cười thiên hạ?
Lúc đầu thì có vẻ chịu chi, nhưng sau đó nắm luôn quyền chi tiêu, tiền quay vòng một hồi rồi cũng lọt lại túi mình.
Một màn lưu chuyển tài nguyên không công – không thuế – không đạo đức!
Mở mang tầm mắt thật đấy!
Vào cái thời mà Internet chưa phổ cập rộng rãi, mấy chương trình dân sinh thế này chính là nơi chuyên mổ xẻ đủ loại tình huống “cẩu huyết – ly kỳ – huyễn hoặc – đời thường thực tế” có đủ, câu được đủ lượt xem, thắng lớn cả độ nổi tiếng lẫn rating.
Lãnh đạo cơ quan sau khi xem xong bản tin, quay sang nhìn bố tôi thì…
Chỗ nào cũng thấy mất mặt đến không chịu nổi.
Kết hợp với các loại đơn thư khiếu nại khác, chỉ nhấc tay hất nhẹ là… đuổi việc bố tôi luôn.
Bà nội cũng chẳng khá khẩm gì, bị dân làng châm chọc đủ kiểu:
“Tôi bảo rồi mà, từ trên trời rớt xuống cái bánh mà lại rớt ngay vào nhà họ Lưu, sao có thể là thật được!”
“Còn bày đặt ‘người có học thức’? Còn cầu thần bái Phật? Còn giả vờ không ham danh lợi? Nếu mẹ con nhà ấy không mê tiền, sao lại dễ bị một con lừa đảo gạt đến thế?”
“Cổ nhân nói rồi mà – ‘vợ già không rời giường’. Lưu Dã phản bội vợ, theo đứa tiểu tam dỏm, rồi đẻ ra một đứa con tật nguyền… tôi thấy, chuyện của nhà họ Lưu chưa dừng lại đâu!”
15
Sau khi bị đuổi việc, không biết ăn phải thứ gì, bố tôi lại còn dám vác mặt tới tận nhà chất vấn mẹ tôi.
Mẹ tôi vừa thấy ông ta, nụ cười trên mặt là rạng rỡ từ trong lòng mà ra.
“Chúc mừng nhé, cuối cùng cũng có được thằng cu rồi đấy!”
Bố tôi giận tím mặt:
“Đường Thục Phân, vụ trùng thảo là cô giở trò phải không?!”
Mẹ tôi chỉ mỉm cười:
“Anh hỏi trùng thảo nào? Tôi còn tưởng anh đến để hỏi xem có phải đứa con trai anh là do tôi ‘khắc’ thành vậy không cơ!”
Bố tôi vẫn chưa chịu thôi, từng bước ép sát:
“Cô đừng có nhắc tới con trai tôi! Cô hận tôi vì ly hôn, nên cố ý giăng bẫy lừa Hiểu Hồng đúng không?!”
Mẹ tôi thì đâu dễ bị gài, lập tức phản đòn, mở sổ tính sổ một lượt:
“Lưu Dã, anh biết vì sao ngày đó tôi dễ dàng đồng ý ly hôn không?
“Vì anh đã đưa Khắc Chi ra ngoài trước, còn bắt con bé gọi con đàn bà đó là mẹ!
“Khắc Chi tuy nhỏ, nhưng không ngu.
“Nó chẳng lẽ không hiểu gọi người khác là mẹ có ý nghĩa gì?
“Anh biết, mà vẫn làm vậy!
“Anh muốn ly hôn nhưng không hề bàn với tôi, lại dẫn con gái tôi đi như dắt chó ra ngoài ‘nhận chủ’.
“Khi đó, tôi chỉ muốn giết anh cho rồi…
“Anh có nghĩ tới không, con bé bị bệnh tim, không chịu nổi kích động?
“Anh cố tình để con bé nói lại chuyện đó với tôi, để tôi phát điên trước, để tôi ra tay trước, để tôi bị gắn mác đàn bà đanh đá vô lý – còn anh thì đứng trên cao rao giảng đạo đức, diễn vai ‘chồng cũ bị tổn thương’!
“Những năm qua, anh tưởng tôi không biết mẹ anh nói gì về tôi à?
“Nói tôi sinh con rồi thì lên mặt, bắt đầu làm giá.
“Nói tôi vừa lười vừa tham, suốt ngày nằm nhà hưởng phúc, đổ hết áp lực kinh tế lên đầu anh.
“Còn anh thì cam chịu, cuối cùng vì không chịu nổi tính tôi mới sa vào tay ả chủ nhà hàng Bành Hiểu Hồng.
“Nhờ mẹ anh ‘gây dựng dư luận’ mà một thằng đàn ông ngoại tình như anh lại hóa thành kẻ đáng thương!
“Ly hôn rồi còn cầm cái sổ hộ khẩu rách tới lải nhải cái gì mà ‘ly hôn không rời nhà’, định để tôi tiếp tục cam tâm tình nguyện hầu hạ cả họ nhà anh!
“Nếu tôi tin thật, thì giờ tôi với hai đứa con gái đã ra nông nỗi nào?
“Từ đầu đến cuối, chính là anh với mẹ anh dựng cả một cái bẫy! Bây giờ còn dám đến đổ lên đầu tôi, nói tôi hại ả tiểu tam anh nâng như trứng đó?!
“Lưu Dã, anh đúng là đồ súc sinh! Đáng đời anh sinh ra một đứa con tật nguyền!”
Mẹ tôi mắng xong, đóng rầm cửa lại.
Rồi lập tức gọi cho ban quản lý khu chung cư, báo cáo…
và đuổi cổ bố tôi ra khỏi khu nhà.