Bề Ngoài Thanh Tao, Bên Trong Tào Lao - Chương 3
7
Nhờ chuyện bà nội thờ ơ trước cảnh cháu gái lên cơn đau tim mà không cứu, cái vỏ bọc “người có học thức” của bà coi như chính thức bị bóc trần.
Cái gì mà ly hôn nhưng không rời nhà?
Đúng là trò cười.
Hôm chúng tôi dọn đi, bà nội lại khóa mình trong phòng, không chịu ra.
Bà đứng bên cửa sổ, nhìn theo dáng chúng tôi rời khỏi, y chang một đóa cúc vua kiêu hãnh không khuất phục trước gió sương.
Ánh mắt thăm dò của mấy người hàng xóm tràn đầy khinh bỉ lẫn tiếc nuối: thì ra mẹ của Lưu Dã lại là loại người như vậy.
Mẹ tôi với chị xách hành lý, bước đi dứt khoát ra khỏi cánh cửa ngôi nhà ấy.
Không ai ngoảnh đầu lại.
Chỉ có tôi – vẫn không quên lè lưỡi làm mặt xấu với bà nội như thường lệ.
Nhưng bà chẳng có phản ứng gì.
Có điều, nhìn nét mặt là biết, trong lòng nhất định đang chửi chúng tôi: “Ra khỏi cái nhà này rồi, để xem tụi bay thảm đến cỡ nào!”
…
Chẳng hiểu sao, trong lòng tôi vẫn có chút xíu buồn buồn.
Có lẽ là vì… tôi cũng gọi bà là “bà nội” suốt mấy năm trời rồi.
Chúng tôi rời khỏi căn nhà đó vào độ xuân sang.
Mẹ tôi dắt tôi với chị lên phố bắt đầu cuộc sống mới.
Mẹ làm việc ở bệnh viện, dù chỉ là nhân viên hợp đồng, đãi ngộ so với biên chế khi xưa thì khác một trời một vực.
Nhưng lãnh đạo và đồng nghiệp trong viện đều rất quan tâm đến mẹ.
Chỗ ở trong thành phố của tôi với chị là do đồng nghiệp mẹ giới thiệu – một căn hộ giá rẻ.
Mẹ tôi rất bận, vừa đi làm, vừa chăm con bệnh yếu, con quậy phá – quả thực chẳng dễ dàng.
Thế nên, bà ngoại tôi cũng lên phố để giúp một tay.
Thoát khỏi bà mẹ chồng giả tạo và người chồng cũ trăng hoa, không còn bị mấy chuyện vặt vãnh trong nhà làm kiệt quệ tinh thần, mẹ tôi dồn toàn tâm toàn sức cho công việc ở bệnh viện.
Tuy đã xa nghề bao năm, nhưng bệnh nhân khó nhằn đến mấy, người nhà rắc rối cỡ nào, mẹ tôi cũng xử lý ổn thỏa.
Ngày nào đi làm cũng có người cau có, còn mẹ tôi thì luôn nở nụ cười trên môi.
Như mẹ nói:
“Từ khi cuộc sống thực sự thuộc về mình, mỗi sáng mở mắt đều thấy có hy vọng.”
8
Phố thị thực ra cũng chỉ là nơi nhỏ.
Trong thị trấn chỉ có hai bệnh viện.
Thế mà không hiểu đầu óc bố tôi với ả tiểu tam Bành Hiểu Hồng nghĩ gì, lại chọn đúng bệnh viện nơi mẹ tôi đang làm việc để đi khám thai.
Hôm đó, Bành Hiểu Hồng khám xong, cứ bám riết lấy bác sĩ hỏi cho bằng được: thai là trai hay gái. Mà bác sĩ sao có thể nói cho cô ta biết được chứ.
Bành Hiểu Hồng nghĩ chắc là do chưa “biết điều”, liền lén nhét cho bác sĩ một cái phong bì.
Bác sĩ tránh cô ta như tránh ôn thần.
“Đây là quy định, không được nói là không được nói!”
Bành Hiểu Hồng bị mời ra khỏi phòng khám.
Bố tôi đang đợi ngoài, thấy cô ta mặt mày ủ rũ liền hỏi dồn:
“Sao thế?”
Bành Hiểu Hồng phụng phịu nói: “Lưu Dã, bác sĩ bắt nạt em, không chịu nói cho em biết là con trai hay con gái.”
Bố tôi dù gì cũng từng làm bố hai lần, bật cười dỗ dành:
“Tưởng gì chứ, đây là quy định chung, đúng là không được nói thật mà.”
Bành Hiểu Hồng vẫn tỏ ra đáng thương:
“Nhưng em nghe nói nếu có người quen trong bệnh viện thì nhất định sẽ biết. Anh thấy có đúng không?”
Bố tôi bật cười như nghẹn họng.
Tất nhiên là không.
Nếu đúng vậy thì đời nào ông ta lại nhận được combo “con bé yếu ớt” và “con nhóc ngỗ nghịch” – là chị tôi với tôi đấy.
Đúng lúc ấy, mẹ tôi đang tan ca, vừa chào đồng nghiệp xong chuẩn bị rời đi.
Ban đầu là bố tôi nghe thấy giọng rồi quay đầu nhìn trước.
Mẹ tôi mặc chiếc áo thun xanh lá ngắn tay, bên dưới là váy dài, dáng người cao ráo mảnh mai, tóc vấn gọn phía sau, cả người toát lên vẻ dịu dàng khó tả.
Bố tôi không khỏi ngẩn người.
Một tháng không gặp, người vợ cũ chẳng những rạng rỡ hẳn lên mà còn trẻ trung xinh đẹp hơn trước.
Bành Hiểu Hồng nhìn theo ánh mắt của bố tôi, lập tức bốc lên mùi giấm chua nồng nặc.
“Ui da! Lưu Dã, con đạp em này!”
Giọng cô ta mềm nhũn đầy kiểu cách, vang to đến mức trong vòng mười mét ai cũng quay đầu nhìn.
Bố tôi hoàn hồn.
“Sao thế?”
Bành Hiểu Hồng cao giọng nũng nịu: “Chồng ơi~ con đạp em mạnh lắm, lần này chắc chắn là bé trai rồi!”
Bố tôi chỉ khẽ cười, chắc đang nhớ lại hồi tôi còn nằm trong bụng cũng nghịch không kém.
Thấy bố tôi không phản ứng gì, Bành Hiểu Hồng lại huých tay ông ta:
“Anh nói có phải không nào~”
Bố tôi đành miễn cưỡng đáp: “Phải phải phải…”
Bành Hiểu Hồng càng không hài lòng, nhíu mày chỉ về phía quầy y tá.
“Kia kìa, cô phục vụ… qua đây đỡ tôi với, tự nhiên thấy bụng khó chịu.”
Y tá trực hôm đó thoáng cứng mặt, nhưng vẫn chạy tới hỏi han tận tình.
Ai ngờ Bành Hiểu Hồng lại lườm nguýt: “Ai bảo cô tới? Tôi muốn người kia cơ!”
Lúc này mẹ tôi đang đứng ngay cạnh quầy y tá.
Có vẻ làm vợ lẽ lâu ngày nên Bành Hiểu Hồng thành ra tự mãn quên trời quên đất.
Nhưng bệnh viện này là địa bàn cũ của mẹ tôi, người xung quanh đều là đồng nghiệp thân thiết. Ai cũng biết chuyện mẹ tôi ly hôn.
Nhìn thấy bố tôi đứng bên cạnh ả đàn bà kia, chẳng cần hỏi cũng đoán ra ai là “người thứ ba”.
Sắc mặt các y tá trong quầy đều đổi ngay lập tức.
Có người khẽ khuyên mẹ tôi tránh đi, mẹ chỉ mỉm cười ra hiệu không sao.
Lúc đó mẹ chọn cách “địch động ta bất động”.
Chỉ đứng nhìn lướt qua Bành Hiểu Hồng đang làm trò và cái bụng nhô cao của cô ta.
Sau đó liếc sang bố tôi bằng ánh mắt khinh thường, kèm theo một nụ cười mỉa thấm từng tấc da.
Bố tôi khí thế lập tức xẹp xuống phân nửa.
Ông ta mang hình tượng gì?
Một “quân tử thanh cao như cúc” đấy chứ gì.
Một người có học thức, có biên chế hẳn hoi kia mà.
Giữa chốn đông người lại gọi y tá là “phục vụ bàn”.
Là thiếu hiểu biết? Hay là thiếu cả tư cách?
Hay là thiếu cả hai?
Bố tôi vội vàng kéo tay Bành Hiểu Hồng: “Thôi thôi, mình đi thôi.”
Bành Hiểu Hồng tưởng ông ta đang bênh mẹ tôi, dĩ nhiên không chịu đi, liền làm mình làm mẩy, càng nói càng lớn tiếng:
“Em mệt quá, chỉ muốn nghỉ chút, tại sao lại phải đi?
“Em đang mang thai con của anh đó, anh chẳng thương em, chẳng quan tâm em gì cả!”
…
Mặt bố tôi đỏ lựng, trông vừa xấu hổ vừa không dám phát cáu.
Chỉ còn cách dìu Bành Hiểu Hồng bụng to ra ghế ngoài hành lang ngồi xuống, cúi đầu nịnh bợ nói lời ngon ngọt đủ kiểu.
Mẹ tôi nhìn mãi rồi “phụt” cười thành tiếng.
Đây à?
Đây là “cuộc sống hạnh phúc” mà bố tôi dốc hết sức để ly hôn cho bằng được ư?
Khi ở nhà thì đến cái chai dầu đổ cũng lười dựng dậy – cái gọi là “quân tử có học thức”.
Giờ lại cúi đầu hầu hạ Bành Hiểu Hồng như con sen.
Đúng là… có thiên phú làm thê nô.
9
Bành Hiểu Hồng vừa ngồi xuống liền bắt đầu giở chiêu.
“Dù sao cũng gặp vợ cũ của anh rồi, chẳng phải chị ta làm ở bệnh viện này sao? Anh đi hỏi thử xem, có thể biết giới tính em bé không?”
“Em đừng làm loạn nữa, không có chuyện đó đâu.”
“Không! Anh đi hỏi thử đi mà!”
“Đây là quy định. Em cứ yên tâm dưỡng thai đi.”
“Không chịu! Nếu anh thật sự quan tâm đứa con trong bụng em thì phải đi hỏi chứ! Đi đi mà!”
…
Bố tôi chắc là vì muốn dỗ yên hoặc sĩ diện gì đó.
Thế là ông ta lấy hết can đảm, bước tới trước mặt mẹ tôi:
“Thục Phân à…”
“Thục cái đầu anh á!”
Mẹ tôi vung tay tát bố tôi một phát, khiến ông ta loạng choạng, kính bay thẳng ra ngoài.
Ông ta ôm má đứng chết trân tại chỗ, mặt mũi như vừa bị sét đánh.
“Cô…”
Mẹ tôi chẳng nói chẳng rằng, lại tát thêm một cái, lực còn mạnh hơn cái trước.
Bố tôi lảo đảo vài bước rồi ngồi phệt xuống sàn bệnh viện.
Mẹ tôi đứng trên cao, liếc xuống ông ta, giọng đầy cảnh cáo:
“Anh mà còn dám nói thêm một chữ, tôi sẽ vả đến mức mẹ anh cũng không nhận ra mặt anh luôn!”
Bố tôi đứng hình.
Bành Hiểu Hồng cũng đứng hình.
Cả một khu vực đều nín lặng vì quá choáng.
Hôm đó mẹ tôi đã tan ca, mặc đồ của mình – lại càng tiện để “tung hoành”.
“Y tá không phải là phục vụ bàn. Không biết tôn trọng người khác thì đừng trách người khác khinh mình!
“Theo Điều 32 của Luật Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, nghiêm cấm sử dụng kỹ thuật y tế để xác định giới tính thai nhi. Nếu mù luật thì học đi, nếu dốt chữ thì học lại, còn nếu mù cả tim thì đừng làm người nữa!
“Vào bệnh viện mà lên giọng sai khiến, coi thường nhân viên y tế, chỉ để thỏa mãn cảm giác làm ‘người trên’ – là dấu hiệu của tâm lý méo mó, đầu óc ngu ngốc và đạo đức rác rưởi!”
Bành Hiểu Hồng run rẩy môi: “Cô… cô sao dám đánh người!”
“Cô cái gì? Cô biết tôi là ai không?”
Bành Hiểu Hồng thốt ra không chút ngập ngừng: “Tôi tất nhiên biết, cô là vợ cũ của Lưu Dã…”
Mẹ tôi cười nhạt:
“Ồ, biết à? Bao nhiêu bệnh viện không chọn, lại chọn đúng nơi tôi làm việc – chẳng lẽ không cố tình?
“Bao nhiêu nhân viên không gọi, lại chỉ đúng tôi – chẳng lẽ không khiêu khích?
“Cô đã không hiểu chuyện, thì tôi phải dạy… đàn ông!”
Dứt lời, mẹ tôi túm tóc bố tôi – đang lén tiến lại định can ngăn – lại tặng thêm hai cái tát nữa.
Bố tôi hoàn toàn không ngờ, im lặng cũng ăn đòn.
Đây mà là người vợ cũ ngoan ngoãn, ngày ngày cắm mặt giặt đồ nấu cơm sao? Rõ ràng là nữ tu la đội lốt người!
Bành Hiểu Hồng bị dọa đơ người, rồi sau đó la lên the thé:
“Cô điên rồi sao? Sao cô dám đánh chồng tôi?!”
Nghe thế, bố tôi lập tức lùi nhanh như gió, lùi thẳng về phía Bành Hiểu Hồng, còn vội lấy tay bịt miệng cô ta.
“Đừng nói nữa, đừng nói nữa!”
Thêm một câu thôi, là người lãnh đòn sẽ là ông ta.
Một gã không kính, bị đánh bay tận một mét, thị lực giờ thành “chó gà không phân”, thì đấu lại gì với cơn thịnh nộ của vợ cũ đang tăng xông vùn vụt?
Đội bảo vệ bệnh viện cuối cùng cũng lò dò đến.
Bành Hiểu Hồng lập tức gào lên:
“Tôi muốn báo cảnh sát! Tôi phải kiện cô ta!
“Gọi lãnh đạo của mấy người ra đây! Còn cả báo chí nữa, tôi sẽ phơi bày chuyện bệnh viện các người ỷ thế hiếp người!”
…