Bề Ngoài Thanh Tao, Bên Trong Tào Lao - Chương 2
4
Tôi đem toàn bộ những gì nghe lén được, kể lại với mẹ không sót chữ nào.
Mẹ tôi cũng chẳng có gì dao động về cảm xúc.
Từ lúc bà nội rút sổ hộ khẩu ra, mẹ tôi đã đoán được cái bàn tính trong bụng bà gảy tới gảy lui là mấy viên.
“Bà ta không coi mẹ ra gì thì thôi đi, ngay cả hai đứa cháu ruột là các con cũng chẳng thèm đếm xỉa.
“Chị con bị tim, con thì ngỗ ngược trời sinh, bà già đó không muốn nuôi, lại còn muốn mẹ phí cả thanh xuân để nuôi thằng con trai chó má của bà ta, vẫn chưa đủ, giờ còn muốn trói mẹ chết dí trong cái nhà này nữa cơ.
“Sổ hộ khẩu thì làm được gì? Bố mày mà báo mất trên phố, cái mẹ cầm cũng chỉ là tờ giấy vụn thôi. Nếu bà ta thật sự có tình có nghĩa, thì nên đưa sổ tiết kiệm, giấy nhà đất, tiền mặt kìa!”
Lý do mẹ tôi dứt khoát ly hôn như vậy,
Cũng là vì phần lớn tài sản trong nhà đều đứng tên bà nội và ông nội đã mất, có chia thì cũng chẳng được gì.
“Một quyển sổ hộ khẩu mà đòi trói được mẹ, rồi còn muốn con trai sống sung sướng cả đời? Mơ đi!”
Vào một ngày trời xanh mây trắng, mẹ tôi vào thành phố một chuyến.
Một là đi uống trà với lãnh đạo cơ quan của ông bố trăng hoa.
Hai là mang quà đến biếu lãnh đạo ở bệnh viện – nơi mẹ từng làm việc.
Sau đó, bố tôi bị xử phạt.
Còn mẹ tôi thì nhận được việc làm lại – là nhân viên hợp đồng tạm thời trong bệnh viện.
Mà nói cho đúng, mấy món quà mẹ tôi mang đi biếu lãnh đạo,
Đều là hàng mẹ tôi… tiện tay lấy luôn từ văn phòng làm việc của sếp bố tôi.
Tôi hỏi mẹ, mẹ làm vậy trước mặt người ta không sợ họ khó chịu à?
Mẹ tôi tỉnh bơ nói: “Mẹ quan tâm quái gì họ có vui hay không, dù sao thì nợ cứ đổ hết lên đầu thằng đàn ông khốn kiếp kia. Càng tức càng tốt chứ sao!”
Hai mẹ con “đàng hoàng” kia chẳng phải rất giỏi chiêu tay trắng bắt sói sao?
Mẹ tôi học rồi, dùng lại hết!
Khi tin bố tôi bị xử phạt truyền về đến nhà,
Bà nội – đóa cúc kiêu hãnh ấy – nổ tung luôn.
5
Mẹ tôi canh đúng giờ trên đồng hồ, ở nhà chờ bà nội từ phố về.
“Đường Thục Phân! Bà làm hại Lưu Dã thê thảm rồi đó!”
Vừa mới bước chân vào cửa, chị tôi đã nằm vật xuống đất, biểu diễn một màn đau tim bùng phát.
Tôi thì trét nước ép hành tây lên tay, chấm nhẹ vào mắt, nước mắt tuôn ra như đập thủy điện vừa bị vỡ, không sao ngăn được.
“Chị ơi!”
“Khắc Chi ơi!”
Tiếng khóc của tôi với mẹ liền áp đảo tiếng hét của bà nội.
Bà nội bị dọa cho sững cả người.
“Sao… sao vậy?”
Mẹ tôi giành thế chủ động: “Bà làm gì mà quát con nít? Khắc Chi bị tim đó, dọa một cái là nguy hiểm chết người đấy!”
Tôi thì khóc sướt mướt không thể ngừng: “Mẹ ơi, mau đưa chị con đi bệnh viện!”
Mẹ tôi quay lại túm lấy bà nội.
“Giờ là lúc cứu người đó, bà mà không chịu đưa cháu đi viện là vô lương tâm đó!”
Bà nội nhanh chóng nhận ra – tụi tôi đang muốn moi tiền bà.
Mẹ tôi vì sinh đứa thứ hai nên đã nghỉ việc nhiều năm, không có thu nhập.
Nguồn tài chính trong nhà chủ yếu dựa vào bố tôi.
Mà bố tôi là một đứa con đại hiếu, tiền lãnh được là tự động nộp hết cho mẹ mình.
Những chuyện này, bà nội suốt bao năm vẫn khoe khoang với hàng xóm như một minh chứng cho “gia đình mẫu mực mẹ hiền con hiếu”.
Giờ cửa lớn mở toang, hàng xóm cũng lục tục nhô đầu ra hóng.
Bà nội dừng lại một chút, rồi giả bộ nghiêm túc ngồi xổm xuống kiểm tra tình trạng “ngất xỉu” của chị tôi, thở dài than vãn:
“Vạn sự là mệnh, chẳng thể cưỡng cầu. Thục Phân, bệnh của Mạn Mạn là kiếp nạn số trời định, chỉ đành thuận theo tự nhiên thôi…”
Mặc dù mẹ tôi đã chuẩn bị tâm lý, nhưng khi nghe những lời này, chẳng cần diễn cũng đủ lộ hết vẻ ngạc nhiên lẫn tức giận.
Tôi thì do chấm hành quá tay, mắt sưng húp như quả cà, nước mũi nước mắt chảy hai hàng dài ngoằng.
Không để nỗi khổ bị hành tỏi hành uổng phí, tôi nhào tới ôm lấy chân bà nội, vừa khóc vừa lau mũi lên người bà.
“Bà ơi! Là bà nói với mẹ con rằng ly hôn nhưng không rời nhà, tụi con vẫn là người một nhà!
“Chị bệnh mà bà không chịu đưa đi bệnh viện!”
Tiếng khóc của tôi vang vọng trời đất.
Mẹ tôi siết chặt nắm tay, gương mặt như muốn liều mạng với bà nội.
“Đây là cái gọi là ‘ly hôn không rời nhà’ mà bà nói hả?
“Bấy nhiêu năm nay, lương của Lưu Dã đều vào tay bà.
“Bà không cho tôi đi, lại bắt tôi giữ cả hai đứa nhỏ, rốt cuộc là muốn giữ chặt cả nhà để mặc sức điều khiển và ức hiếp tụi tôi phải không?”
Bà nội rụt cổ lại.
“Lương… gì cơ? Tôi không biết. Tiền, tôi đem cúng chùa hết rồi.”
“Cúng khi nào thế?
“Của cải trong nhà đem đi cúng hết rồi à?
“Giờ cả nhà không moi nổi một đồng luôn?”
Trước những câu hỏi dồn dập, mắt bà nội không nhịn được mà cụp xuống.
“Thì… cả nhà cùng thắp đèn trường minh, sao biết được Phật tổ không phù hộ đứa nhỏ nhà cô…
“…Tôi nói thuận theo tự nhiên, cũng là ý của Phật tổ đó.”
Đúng là một mụ già ngoài miệng thanh cao, sau lưng nói xàm!
Mẹ tôi lạnh lùng cười:
“Có tiền cúng chùa, không có tiền cứu cháu!
“Tự mình tàn nhẫn, còn đổ cho Phật tổ, bà đúng là người ‘có học thức’ thật đấy!”
Bị lật tẩy, bà nội nổi điên, dằn mặt luôn:
“Muốn trách thì trách mày! Ai bảo mày sinh ra đứa con gái yếu đuối như Mạn Mạn!
“Dù sao… tao không có tiền!”
Nói rồi định chuồn, nhưng bên chân vẫn dính chặt một đứa là tôi.
Bà ta hất chân, hất mãi cũng không ra.
Mẹ tôi lập tức lao đến bế tôi lên.
“Bà đã dọa chị nó phát bệnh, giờ còn muốn đá nốt đứa em?
“Bà suốt ngày rêu rao mình là người đàng hoàng, cuối cùng lại ngược đãi cả cháu gái ruột! Phật tổ có biết bà đạo đức giả cỡ nào không?”
Hàng xóm tụ tập càng lúc càng đông, có người lên tiếng:
“Chùa chiền gì, tôi chả thấy mẹ Lưu Dã đi cúng bao giờ.”
“Con bé bị tim mà nói thuận theo tự nhiên là sao? Phải đưa đi viện chứ!”
“Mẹ của Lưu Dã đang làm gì vậy? Chuyện mạng người mà đem ra giỡn chắc?”
Một chú hàng xóm bước vào, bế phắt chị tôi lên.
“Nếu nhà họ Lưu không có tiền, nhà tôi trả trước, chứ chưa từng thấy bà nội nào keo kiệt thế này!”
“Đến Phật cũng phải nổi giận luôn ấy chứ!”
6
Chị tôi ban đầu chỉ giả bệnh, vào viện cũng tiện thể kiểm tra một lần luôn.
Tôi với mẹ ngồi chờ ngoài hành lang, thì gặp một người đồng nghiệp cũ của mẹ.
Mẹ tôi thoáng lộ vẻ ngượng ngùng xen lẫn mất mát trên gương mặt.
Đồng nghiệp ngày xưa giờ đã làm tới chức phó điều dưỡng, có sự nghiệp, có gia đình đàng hoàng.
Mẹ tôi nói chuyện với người ta, cũng chẳng có gì ngoài tôi – con nhóc ngỗ nghịch, và chị tôi – con bé yếu ớt đang nằm trong kia khám bệnh.
Hồi mẹ tôi mới tốt nghiệp trung cấp y, thành tích đứng đầu lớp.
Được phân về thực tập tại bệnh viện thị trấn, mọi chuyện đều suôn sẻ, năm nào cũng được tuyên dương.
Cho đến khi lấy phải thằng bố trăng hoa kia, cuộc sống liền trượt dốc như rơi vào địa ngục của triều đại nhà Thanh.
Bà nội với ông bố tôi đều là “người có học thức”, mà người có học thức thì sao có thể động tay động chân?
Phơi đồ mà không giũ cho thẳng, khô xong nhăn như áo mấy bà cụ.
Nấu ăn thì bữa mặn bữa nhạt. Nhà mà không quét thì bụi phải dày cỡ hai đốt tay.
…
Mẹ tôi là người thực tế, sạch sẽ ưa gọn gàng.
Thấy chuyện gì không vừa mắt là xắn tay vào làm, làm riết thành hết việc nhà.
Lúc sinh chị tôi, mẹ ở cữ, tã lót cũng do mẹ tự giặt.
Vì bà nội nói tay bố tôi là để viết văn bản, sao có thể dính vào phân với nước tiểu được?
Còn bà nội thì làm vài ngày, liền phát hiện mình mắc “chứng đau toàn thân mãn tính”.
Sau này khi chị tôi được chẩn đoán mắc bệnh tim, mẹ tôi buồn rầu đến mức ăn ngủ không yên.
Bà nội với bố tôi liền hiến kế: sinh thêm đứa nữa.
Dù sao thì bệnh của chị tôi cũng cần nhiều tiền, cho dù mổ cũng chưa chắc khỏi hẳn, lỡ sau này “mất con” thì biết làm sao?
Sau vài năm bị nhồi sọ, mẹ tôi vì muốn có chút hy vọng tương lai, đành nghỉ việc về nhà.
Ai ngờ mang thai mười tháng, lại sinh ra một đứa như tôi – đúng kiểu “tai họa giáng trần”.
“Từ lúc con biết đi, là hoặc trèo lên cây, hoặc chui xuống bùn.
“Con luôn nghĩ ra những trò không ai nghĩ tới: nhốt bà nội trong kho, gấp tài liệu của bố thành phi cơ, mài phấn viết thành viên thuốc cho chị…
“Nếu không trông chừng con, một giây trước con kết nghĩa huynh đệ với chó nhà hàng xóm, giây sau đã cắt máu ăn thề – không hiểu con coi phim gì mà học ra được cái kiểu đấy?”
“He he he…”
Bị lật tẩy hết trò quậy, tôi cười khúc khích ngượng ngùng.
Chị tôi khám xong bước ra, còn quay lại khuyên mẹ.
“Mẹ, mấy lần qua, nếu không nhờ em, mọi chuyện đã không bung bét được vậy đâu.”
“Vậy phải ghi công cho con nhóc phá làng phá xóm rồi.”
Thấy mẹ vẫn còn cau mày, tôi liền ôm lấy tay mẹ, nũng nịu đến rợn người:
“Mẹ ơi, con yêu mẹ nhất đời luôn á~”
Chị tôi cũng ôm lấy mẹ đầy yêu thương.
“Mẹ ơi, con cũng yêu mẹ.”
Khuôn mặt tiều tụy, u sầu của mẹ mới hơi nở ra được một chút nụ cười.
“Haiz…”