Bề Ngoài Thanh Tao, Bên Trong Tào Lao - Chương 1
1
“Đệ Đệ à, tiền lì xì của con đưa cho bà nhé, bà mang đến chùa dâng hương, cầu cho con bình an.”
Bà nội cười toe toét, trông cứ như một bông hoa cúc đang nở rộ vậy.
Tôi đưa cái bao lì xì rỗng cho bà, rồi ngay giây tiếp theo đã chạy mất hút.
Chỉ còn bà nội đứng đó tức điên hét ầm lên:
“Đệ Đệ, con còn nhỏ mà đã ham tiền như vậy à! Tiền đó là để bà đi cầu phúc mà!”
Tôi quay đầu lại, nhún nhảy mông trêu chọc:
“Lêu lêu lêu, con không đưa! Có giỏi thì bà~ lên~ đây~ mà~ bắt~ con~ đi~!”
Quả nhiên, bà đuổi theo thật.
Tôi phóng như bay, nhảy vọt qua rãnh nước, mương cạn, mương sâu, bùn lầy to nhỏ, hệt như nhập hồn game Mario, cuối cùng cũng thành công dụ bà… té xuống mương!
Bà nội ngã đau thấu trời xanh.
Bố tôi về thấy vậy liền đòi đánh tôi.
Tôi leo thẳng lên mái nhà, gỡ từng viên ngói, ném như ném đá lướt nước vào đầu ông ta.
“Đồ con nhãi! Mày là cái giống gì hả! Mau xuống đây, xem tao có đánh ch.t mày không!”
Hơ hơ.
Ông ta với bà nội có khi còn mong tôi ch.t đi cho rảnh nợ.
Tôi liền hét thật to:
“Cứu mạng với! Có ai không! Bố tôi muốn gi.t người!!!”
Một viên ngói bay thẳng vào đầu ông, ông gào một tiếng ngồi bệt xuống đất, kính văng ra ngoài luôn.
Bà nội vác thang đến, vừa trèo vừa quơ cái roi lông gà đòi bắt tôi.
Tôi chỉ cần khẽ lật tay, cái thang đổ cái rầm giữa sân.
Trong lúc tôi làm loạn khiến cả nhà gà bay chó sủa, thì mẹ tôi… dẫn theo cả họ ngoại ập đến như vũ bão.
Cả đoàn không nói không rằng, xông vào nhà là đập!
Bố tôi với bà nội bị ép ngồi thu lu ở góc sân, không được nhúc nhích.
Đến khi mẹ tôi móc trong túi quần tây mà bố tôi mặc Tết ra một chiếc… quần chip ren, nhỏ xíu, quyến rũ!
Bằng chứng ngoại tình phơi bày dưới ánh sáng!
Mẹ tôi cầm cái quần lót quăng thẳng vào mặt bố tôi, rồi đấm đá liên hoàn.
Bố tôi vừa ôm đầu vừa kêu: “Á á á…”
Bà nội – vốn tự nhận là người “có học thức” – thấy vậy liền quay xe trong một nốt nhạc.
Bà kéo bố tôi lại, tát bốp một cái lên mặt: “Đúng là nhà có nghiệp chướng! Mày sao có thể lén lút làm ra chuyện như thế này! Nếu tụi mày ly hôn, Mạn Mạn với Đệ Đệ còn nhỏ thế này, ai lo cho nó đây hả?!”
Mẹ tôi lạnh mặt, đứng nhìn màn kịch dở hơi của bà – đang vừa đấm nhẹ vào ngực bố tôi, vừa giả vờ khóc lóc.
Bố tôi lập tức quỳ gối trước mặt mẹ:
“Vợ ơi, anh biết sai rồi, vì con cái, tha cho anh đi mà…”
Tôi từ trên mái nhà hét xuống: “Mẹ! Mẹ đừng có mềm lòng! Hồi nãy bố với bà nội còn tính đánh ch.t con đó!”
Chị tôi thì đứng ngoài cổng, chỉ vào đám dân làng đang hóng hớt mà chỉ thẳng một cô gái:
“Mẹ, còn có cô kia nữa! Bố từng dẫn con đi gặp cô ta, còn nói sau Tết sẽ cho con gọi ‘mẹ mới’! Cô ta còn bắt con phải đổi cách xưng hô từ sớm đó! Mẹ tuyệt đối không được tha cho cô ta!”
Người dân đứng xem tản ra một cách đầy hiểu ý.
Chỉ còn lại một chị gái tóc xoăn, son đỏ, mặc đồ nổi bật đang ngó trái ngó phải, mặt méo xệch.
Tôi sợ cô ta chạy mất, liền túm lấy viên ngói, chọi thẳng vào đầu.
Cô nàng lùi lại mấy bước, định bỏ chạy.
Ai ngờ chạy chưa được ba bước đã bị đội quân nhà mẹ tôi bắt sống ngay tại trận.
Cô ta ôm bụng, sợ đến mức nhắm tịt mắt hét lên:
“Các người không được đánh tôi! Tôi đang mang thai! Đánh là một xác hai mạng đấy, các người gánh nổi không?!”
Mẹ tôi giận đến mức ngực phập phồng.
Bà nội không nói hai lời, quay lại tát thêm một cái nữa lên mặt cô ta:
“Câm miệng! Cô là ai hả! Cứ mang bầu là chắc chắn do con tôi làm chắc?!”
Mẹ tôi lạnh lùng đáp: “Mẹ, cô ta đâu có nói là con trai mẹ làm đâu.”
Ơ?
Không nói à?
Bà nội khựng lại một giây, lập tức quay giọng: “Dù sao thì loại đàn bà muốn trèo lên làm chính thất, đánh cũng đáng!”
Hàng xóm dắt tới hai chú công an, vừa lúc chứng kiến cảnh này.
“Các người ai là người tụ tập gây rối, cố ý gây thương tích?”
Cả họ ngoại đồng thanh đáp: “Chúng tôi chỉ qua chơi Tết thăm thân thôi mà!”
Công an nghiêm mặt: “Không phải cố ý gây thương tích thì ai lại bị đánh đến mức này?”
Bố tôi trốn sau lưng công an.
“Các anh ơi, cứu… cứu tôi với…”
Một chú công an trầm giọng hỏi: “Ai đánh anh?”
Mẹ tôi khoanh tay bước ra: “Là tôi, nhưng đây là chuyện trong nhà.”
Tôi và chị tôi hét thật to: “Chú công an ơi, là bố cháu ngoại tình, còn dắt bồ về nhà nữa, đâu phải mỗi mẹ cháu đánh ông ấy!”
“Vậy còn ai nữa?”
Cả đội quân bên nhà mẹ tôi đồng loạt chỉ vào bà nội.
“Còn bà ta!”
Bà nội ngơ ngác chớp mắt liên tục.
Cái tay vừa giơ ra, vừa hay khớp trọn với dấu tay mới toanh trên mặt bố tôi và cô bồ.
2
Chuyện bố tôi ngoại tình, ở trong đồn công an coi như đã chốt hạ.
Dù sao thì cô bồ cũng đang có thai, chẳng còn gì để cãi cọ nữa, cứ thế ly hôn thôi.
Nhưng vì ngày trước mẹ tôi nghỉ việc để sinh đứa thứ hai, không có thu nhập ổn định nên quyền nuôi tôi với chị gái tạm thời thuộc về bố.
Tôi nói: “Mẹ yên tâm, con sinh ra vốn mang số ngỗ nghịch, tính tình hoang dã chẳng ai dạy nổi, đảm bảo không ai ăn hiếp nổi con đâu.”
Chị tôi cũng nói: “Mẹ yên tâm, cả làng ai cũng biết con bị tim, ai đối xử tệ là con nằm lăn ra ăn vạ luôn cho coi!”
Mẹ tôi còn đang lưỡng lự, thì bà nội ôm sổ hộ khẩu như ôm quyển sách đỏ thiêng liêng, mặt mũi chính nghĩa bước vào.
“Thục Phân à, nhà mình là người có giáo dục, con cứ việc ly hôn, nhưng không cần rời khỏi cái nhà này!
Cả đời này mẹ chỉ nhận mình con là con dâu, tuyệt đối không nhận thằng con bất hiếu đó!”
Mẹ tôi mỉm cười: “Vậy thì tốt quá rồi…”
Nói xong liền nhận lấy sổ hộ khẩu.
Bà nội cười rạng rỡ, giống hệt một đóa cúc nở bung, vui ra mặt mà đi về.
Sáng hôm sau, mẹ tôi dắt tôi với chị đến đồn công an đổi tên.
Từ đó, chúng tôi theo họ mẹ.
Tôi tên là Đường Khắc Nhi, còn chị tôi tên là Đường Khắc Chi — chủ yếu là để “khắc chế con trai”.
Tới khi bà nội hay chuyện, thì sự đã rồi, dù có muốn giữ thể diện đến mấy cũng không thể gượng nổi nữa.
“Thục Phân à, chẳng phải đã nói rõ ràng là ly hôn nhưng không rời nhà sao? Con vẫn ở lại nhà, hai đứa nhỏ cũng do con nuôi, cớ sao đến cả tên cũng đổi luôn vậy?”
Mẹ tôi thản nhiên đáp: “Nhờ có bà gửi qua sổ hộ khẩu, con nhìn một cái là hiểu ngay ý bà rồi.
Tụi con gái chúng ta đều là người mang họ khác, đất đai chẳng đứng tên, ruộng vườn cũng không, nhà cửa càng không, một quyển sổ mà ba họ khác nhau, vậy chẳng phải nên gộp lại cho thống nhất à?”
Bà nội trố mắt cứng họng.
Đó đâu phải là ý bà?
Rõ ràng bà chỉ muốn dùng quyển sổ mỏng dính đó để đánh lừa mẹ tôi, giữ mẹ tôi lại trong nhà tiếp tục làm bảo mẫu, nuôi tôi với chị khôn lớn, tiện thể phụng dưỡng luôn cho bà.
Mấu chốt hơn, cái nhà này mà còn giữ được, thì thằng bố trăng hoa của tôi còn có đường lui.
Dù gì thì cô bồ kia cũng chỉ đang mang thai, chứ có chắc gì cái thai đó là cháu đích tôn đâu!
“Vậy tại sao lại cho con mang họ con chứ?”
Mẹ tôi chỉ cười.
“Con gái tôi không theo họ tôi, lẽ nào lại mang họ thằng cha trăng hoa đó à? Thế thì có ra thể thống gì không hả bà?
Bà ơi, nhà mình là một gia đình mà. Giờ trên sổ hộ khẩu chỉ còn mỗi bà là người mang họ khác, nhìn mà thương quá. Hay bà theo họ tụi con luôn đi?”
Bà nội trợn mắt chửi:
“Vớ vẩn! Trên đời này có ai làm chuyện vớ vẩn như vậy không?!”
Mẹ tôi vẫn cười ngọt ngào:
“Trên đời đúng là vốn không ai làm chuyện vớ vẩn vậy, nhưng có ông bố trăng hoa không biết liêm sỉ, thì mới có bà mẹ như tôi — làm gì cũng muốn dứt khoát cho sạch sẽ.
Bà ơi, nhà mình toàn người có giáo dục mà, bà thấy con làm vậy có đủ đàng hoàng không?”
Bà nội tự rước đá đập chân mình.
Chỉ đành hậm hực quay về phòng.
Vì bà đã nói: ly hôn nhưng không rời nhà.
Nên mẹ tôi ở lại.
Mẹ ở lại, dĩ nhiên không phải vì mấy cái tên nằm chung trên một quyển sổ hộ khẩu.
Mà là để lột từng lớp vỏ đạo đức giả mà bà nội và thằng bố trăng hoa đang cố đắp lên, cho thiên hạ thấy rõ bộ mặt thật của họ.
3
Cái ông bố trăng hoa của tôi cũng là kiểu người cực kỳ sĩ diện.
Bình thường ở cơ quan, có thăng chức hay phúc lợi gì, ông ta chưa bao giờ biết tranh giành.
Người ta nhìn vào thì gọi là “quân tử khiêm tốn”, sau lưng thì cười chê là “đồ ngốc lơ mơ”.
Thế mà sau vụ “đội quân nhà mẹ tôi chặn cổng, bồ bịch trần trụi hiện hình” sau Tết, bao nhiêu năm gầy dựng tiếng tốt của ông ta đều tan thành mây khói.
Giờ ở cơ quan, người ta cười ông ta không thèm kiêng dè.
Có người còn hỏi thẳng về vụ quần chip ren kia.
Ông ta tức đến phát điên.
Nghe tin tôi với chị tôi đổi họ, ông ta mới coi như nắm được cơ hội, mò về nhà thể hiện cơn điên của kẻ bất lực.
Vừa vào nhà đã đá đổ giàn phơi, hất tung sọt, đến cả con chó nhà hàng xóm đi ngang cũng bị ông ta đá một cú.
“Tôi là bố ruột của chúng nó, tôi có quyền được hỏi về hai đứa con!
“Đường Thục Phân, sao cô dám tự ý đổi tên hai đứa nhỏ mà không nói gì?!”
Mẹ tôi chẳng sợ tí nào, mở toang cửa, đứng ngay đó mà mắng.
“Không phải anh là quân tử khiêm tốn à? Không phải anh luôn ‘không tranh không giành’ à? Ly hôn rồi giờ mới nhớ ra hai đứa nhỏ cũng là của anh à?!”
Chưa đủ đã đời, mẹ còn gọi hai chị em tôi ra để chọc tức ông ta.
“Các con, mau nói cho bố các con biết tên mới là gì nào!”
Tôi làm mặt xấu rồi mới lên tiếng: “Con tên là Đường Khắc Nhi.”
Chị tôi lườm ông ta một cái: “Con tên là Đường Khắc Chi.”
“Khắc?” Ông ta đang ngẫm xem có phải là cái ‘khắc’ trong ‘khắc chết cha ruột’ không đấy…
Mẹ tôi nói ngay:
“Đúng rồi, chính là cái ‘khắc’ mà anh đang nghĩ đấy, là ‘khắc kỷ phục lễ’ đấy!
“Anh không phải suốt ngày mồm mép đạo mạo, thích làm ra vẻ quân tử sao?
“Khắc kỷ phục lễ anh làm được chưa?
“Thứ đạo đức như chó mà cũng xứng đi quản chuyện con gái tôi tên gì à?”
Ông bố “quân tử” của tôi, từ trước đến giờ cứ thích chơi chữ, nói năng hoa mỹ để thể hiện mình có học.
Giờ thì bị bắt gian ngoại tình tại trận, còn gì mặt mũi để cãi?
Ông ta bị mẹ tôi quất chổi đuổi ra khỏi cửa.
“Đây cũng là nhà tôi, Đường Thục Phân, cô lấy quyền gì mà đuổi tôi?!”
Mẹ tôi nhổ một bãi nước bọt.
“Bà già anh không bảo ly hôn chứ không rời nhà à, không báo lại cho anh biết à?
“Anh không phải đang sống sung sướng ngoài phố, có về nhà bao giờ đâu?
“Lần này mò về là tính đón mẹ anh đi à?”
Bà nội trốn trong phòng giả chết.
Tôi với chị tôi, một đứa mở cửa, một đứa mở cửa sổ, ép bà phải ra đối chất.
Cửa thì có thể khóa, nhưng cửa sổ thì không.
Mà nếu khóa cả hai, tôi leo lên mái, gỡ ngói cũng phải lôi bà ra bằng được.
Cuối cùng, bà nội cũng chịu bước ra.
Miệng thì ra vẻ tức giận: “Thằng con bất hiếu như mày còn vác mặt về làm gì?!”
Tay thì lén ra dấu bảo ông bố tôi bớt nói lại, chuồn lẹ đi.
Nhưng ông ta đâu hiểu, còn tiếp tục lải nhải, trách mẹ tôi ly hôn rồi mà vẫn dám ở lại nhà.
Mẹ tôi cười tươi: “Thế thì tôi đi.”
Bà nội hoảng, giật lấy cây chổi từ tay mẹ tôi, quay sang đuổi ông bố tôi ra khỏi nhà.
Trong con hẻm nhỏ, hai mẹ con “đàng hoàng” ấy thì thào bàn mưu tính kế.
“Con quan tâm chúng nó gọi là gì làm gì, dù sao sau này cũng là người mang họ khác, đổi sớm hay muộn thì có khác gì đâu!
“Con đúng là ngốc, đuổi Đường Thục Phân đi rồi, con quay lại nuôi hai đứa con gái à? Đợi cháu đích tôn của mẹ sinh ra, con tưởng nuôi không mất tiền chắc?
“Giờ chuyện quan trọng nhất là phải lo sinh cho được đứa cháu gốc gác họ Lưu! Đợi mẹ có cháu rồi, mẹ sẽ qua khóc vài trận trước mặt Đường Thục Phân, dân làng bàn ra tán vào vài câu, ai đời lại để vợ cũ ngăn cản bà nội với con trai đoàn tụ? Đến lúc đó, còn sợ không đuổi được mẹ con nó đi à?!”
Ông bố trăng hoa của tôi chợt tỉnh ngộ.
“Mẹ, mẹ đúng là suy tính chu toàn!”
Bà nội mặt mày rạng rỡ.
“Con à, mẹ làm người có giáo dục cả đời, không biết chiêu nào hiệu quả chắc?”
“Cứ về phố lo việc đi, đến lúc đó mẹ sẽ sắp xếp mọi chuyện ổn thỏa, để con cưới vợ hai vẫn long trọng y như cưới vợ đầu.”
Con mụ già này đúng là độc ác có thừa.