Bản Kiểm Điểm Của Cha Mẹ - Chương 1
1.
Đó là tin tức từ vài năm trước.
【Ôi trời, nghe vậy tự dưng tôi lại nhớ ra chút chuyện rồi!】
【Hình như có cô gái vu cáo thầy giáo c ư.ỡ ng h i ế.p rồi bị bắt, ba mẹ ép cô ấy phải xin lỗi, kết quả là cô ấy làm loạn đòi n h.ảy l ầ.u?】
【Hả? Chuyện gì vậy?】
【Tôi nhớ ra rồi! Cô gái đó chẳng phải là thiên tài thiếu nữ nổi tiếng ở Dương Thành năm đó sao?!】
Thiên tài thiếu nữ.
Bốn chữ này lập tức đánh thức ký ức tuổi thơ của rất nhiều người Dương Thành.
Thời đó, báo giấy thường dùng rất nhiều trang để kể chuyện cá nhân một cách cảm động, xây dựng hình tượng anh hùng địa phương.
Trong số đó, ấn tượng sâu đậm nhất chính là câu chuyện về thiên tài thiếu nữ tên Trần Địch.
Cô bé nhảy ba lớp liền ở bậc tiểu học, năm mười hai tuổi đã thi đỗ vào trường trọng điểm của tỉnh – Nhất Trung Dương Thành với thành tích đứng thứ ba toàn thành phố, chấn động cả Dương Thành.
Và tôi, chính là Trần Địch.
Sau khi điểm thi cấp hai công bố, phóng viên của mấy tờ báo lớn ở Dương Thành ùn ùn kéo đến phỏng vấn ba mẹ tôi.
Năm đó, ba tôi chỉ là một công nhân nhập cư đến làm việc ở Dương Thành.
Mẹ tôi buổi sáng làm phục vụ ở quán trà sáng, buổi chiều làm nhân viên dọn phòng ở nhà nghỉ nhỏ, buổi tối còn tự làm đồ ăn vặt mang ra chợ đêm bán.
Khi đối mặt với máy quay, trên mặt bà không phải vẻ tự hào mà là nét ngơ ngác, lúng túng.
Một phóng viên gần như dí sát máy quay vào mặt mẹ tôi.
Những đốm tàn nhang trên mặt bà, vết dầu mỡ trên quần áo, và cả vẻ mệt mỏi, thẫn thờ đều bị máy quay ghi lại rõ ràng.
“Chị Trần, con gái chị giỏi như vậy, xin hỏi chị đã nuôi dạy cháu thế nào?”
Bà há hốc miệng, nhưng không biết trả lời ra sao.
Hồi nhỏ tôi được bà ngoại nuôi lớn, mãi đến khi bà ngoại mất, mẹ lại mang thai đứa em trai mới đón tôi về Dương Thành.
Bà hoàn toàn không biết gì về giáo dục con cái.
Đúng lúc này, từ căn phòng tối tăm chật hẹp vang lên tiếng trẻ sơ sinh khóc ré.
Mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm đứng dậy: “Xin lỗi, tôi phải đi cho con bú rồi.”
Vị phóng viên đó lại như phát hiện ra mỏ vàng, phấn khích đứng bật dậy, mắt sáng lên.
“Vậy chị cũng sẽ nuôi dạy con trai mình giỏi giang như chị đã nuôi dạy Trần Địch sao?”
“Đương nhiên rồi.” Ba tôi nhanh nhảu tiếp lời, dứt khoát khẳng định.
“Con gái học nhiều thì làm gì chứ. Con trai của tôi nhất định sẽ xuất sắc hơn! Tài giỏi hơn!”
2
Nhưng chẳng bao lâu sau, hiện thực đã tát thẳng vào mặt ba mẹ tôi một cú đau điếng.
Đứa con trai mà họ nâng niu như báu vật – Trần Truyền Bảo – được chẩn đoán mắc ADHD.
Hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Lần đầu tiên nghe đến căn bệnh này, mẹ tôi chỉ ngây người, trông đầy vẻ hoang mang.
“Bệnh gì cơ?”
“Ý là, Truyền Bảo ấy.” Tôi dịch lại lời bác sĩ, đồng thời chỉ vào đầu mình.
“Thằng bé có chút vấn đề, không thể tập trung, dễ kích động, thiếu kiên nhẫn và hay cáu kỉnh.”
Mẹ tôi nghe xong, vẻ mặt lập tức trở nên lo lắng, nhưng ba tôi thì khác.
“Con trai thì lơ đãng một chút cũng bình thường thôi, lớn lên sẽ ổn cả.” Ông hờ hững nheo mắt, vắt chân nằm dài trên sofa, vừa nhấm nháp lạc rang vừa uống rượu.
Báo Dương Thành tiếp tục theo dõi và đưa tin về tôi trong suốt một năm sau đó. Sau mỗi lần phỏng vấn, ba tôi đều nhận được một khoản tiền không nhỏ.
Số tiền đó đủ để ông an tâm mà bỏ hẳn công việc, chuyên tâm ở nhà “dạy dỗ thiên tài thiếu nữ”.
Dưới bàn trà, vỏ chai bia xanh và đầu mẩu thuốc lá vương vãi đầy đất.
“Tôi nhớ hồi nhỏ, hình như con bé Trần Địch cũng hay lẩm bẩm một mình thì phải?”
Ba tôi vừa khoác vai bạn đánh bài vừa cười cợt.
Mẹ tôi nghe vậy thì có phần yên tâm hơn, nhưng đêm đó, bà vẫn nắm chặt vai tôi, nhấn mạnh từng câu từng chữ.
“Truyền Bảo là em trai ruột của con.”
“Con nhất định phải đối xử tốt với em ấy.”
“Con là chị, hơn Truyền Bảo hơn mười tuổi, sau này nó chính là trách nhiệm của con.”
Khi ấy, tôi vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của câu nói đó.
Mãi đến năm Truyền Bảo lên ba tuổi, cũng là khi tôi học lớp 12, ngày hôm đó, tôi bị chặn lại trước cổng trường bởi cô chủ nhiệm.
Ánh mắt cô lộ rõ vẻ bất lực, xen lẫn một chút thất vọng, nhưng nhiều nhất vẫn là tiếc nuối và thương hại.
“Trần Địch, ba mẹ em đã làm thủ tục chuyển trường cho em rồi. Xin lỗi, nhưng em không thể tiếp tục học ở đây nữa.”
Những ánh nhìn chăm chăm từ bạn bè xung quanh khiến mặt tôi nóng bừng bừng.
Lòng tự tôn tuổi trẻ khiến tôi không dám hỏi gì thêm, chỉ biết xoay người chạy thẳng về nhà.
Vừa bước vào cửa, tôi nhìn thấy ba tôi đang ngồi trước một bàn bài mới khai cuộc.
Trong phòng, mùi khói thuốc rẻ tiền quẩn quanh đến nghẹt thở.
“Tại sao?” Giọng tôi khô khốc, nghẹn đắng nơi cổ họng, chỉ có thể bật ra ba chữ.
Ba tôi khó chịu nhặt lấy một quân bài, giọng điệu đầy bực bội.
“Phỗng!”
“Làm gì mà lắm câu hỏi thế! Em mày phải vào học mẫu giáo của trường cấp ba trọng điểm, điều kiện là mày phải chuyển sang đó để thi đại học.”
3
Không lâu sau, ba mẹ tôi nhanh chóng đăng tải một video thanh minh.
“Đúng vậy, chúng tôi có một cô con gái.”
“Sau khi vào đại học, nó không về nhà trong suốt nhiều năm. Chúng tôi nhớ nó lắm, ban đầu còn định đợi tài khoản này lớn mạnh, rồi nhờ cộng đồng mạng giúp tìm con bé về.”
“Nhưng chúng tôi đã già rồi, mẹ nó vừa được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Nguyện vọng duy nhất của bà ấy trước khi chết là được gặp lại con gái một lần.”
Trong video, người đàn ông tóc bạc một nửa trước ống kính hoàn toàn khác xa với gã trung niên lạnh lùng, hút thuốc đánh bài trong ký ức của tôi.
Ông ta trông có vẻ chân thành, vô hại, nhân hậu.
Ông ta nhìn thẳng vào camera, cất giọng đầy khẩn thiết:
“Con yêu, tha thứ cho ba mẹ được không? Về nhà thăm chúng ta một lần thôi, có được không?”
Dựa vào nền tảng hàng triệu người theo dõi, video này nhanh chóng leo lên top ba xu hướng chỉ trong vòng vài giờ.
【Haiz, con người khi sắp chết thì lời nói cũng chân thật. Ba mẹ già thế này rồi, có thù hận gì cũng nên về nhà một chuyến đi.】
【Nghe nói thiên tài thiếu nữ Trần Địch ngày xưa thi đậu vào Đại học Bắc Kinh, chắc cũng có bạn bè chứ nhỉ? Có ai quen biết cô ấy không?】
【Cô ta à, tôi biết đấy. Thiên tài thiếu nữ cái gì chứ, loại người nhân cách bại hoại như cô ta không xứng đáng gắn mác trường tôi.】
Dân mạng vừa thấy bình luận này lập tức lao vào truy hỏi, nhưng tài khoản kia đã bị xóa.
Vụ việc đang gay cấn lại bị chặn ngang, làm cư dân mạng càng bàn tán xôn xao hơn.
Đúng lúc này, blogger triệu view – người từng bóc phốt ba mẹ tôi – đã lên tiếng.
【Ba mẹ cô ấy à? Không có gì đáng nói cả. Nhưng để tôi kể cho mọi người nghe, năm lớp 12, họ đã chuyển cô ấy sang một trường tệ hại đến mức nào.】
________________________________________
Năm tôi mười lăm tuổi, vào thời điểm quan trọng nhất của lớp 12, ba tôi ép tôi chuyển trường.
Trường mới khác hoàn toàn với Nhất Trung Dương Thành danh giá mà tôi từng theo học.
Đó là một ngôi trường có tiếng là rớt hạng ở Dương Thành, chủ yếu tồn tại nhờ tuyển sinh hệ tự túc để kiếm tài trợ.
Thời ấy, một điểm tương đương với một nghìn tệ, số tiền đủ để gọi là cắt cổ.
Nhiều phụ huynh bỏ cả trăm nghìn tệ chỉ để “mua” hơn trăm điểm, giúp con họ đủ điều kiện vào một trường cấp ba chính quy.
Có thể vì thành tích, vì độ tuổi, hoặc vì cái danh “thiên tài thiếu nữ”, ngay khi bước vào trường mới, tôi lập tức bị bao vây bởi vô số ánh mắt đố kỵ.
Nhưng trong số những người xa lánh tôi, lại có một người tỏ ra đặc biệt tử tế – thầy Lý, giáo viên chủ nhiệm lớp tôi.
Thầy tốt nghiệp từ một trường đại học 985, tính cách ôn hòa nhưng không nhu nhược, đeo kính gọng vàng, gương mặt trông rất tri thức và nho nhã.
Đặc biệt, khi phát hiện tôi bị bắt nạt, thầy không giống những giáo viên khác – không hề “giảng hòa” kiểu ai cũng sai, mà ngay lập tức nghiêm khắc khiển trách nhóm học sinh gây chuyện.
“Trần Địch, nếu có khó khăn gì, nhất định phải đến tìm thầy.” Thầy đã nói với tôi như vậy.
Một giáo viên như thế, không chỉ tôi, mà rất nhiều bạn học đều quý mến.
Khi ấy, mẹ tôi bận bịu mưu sinh, chăm lo cho Truyền Bảo, hai mẹ con chẳng có gì để nói với nhau.
Ba tôi cầm tiền rồi thì chỉ lo hút thuốc, đánh bài, hở chút là vớ ngay cái thước đánh thẳng vào tay tôi.
So với họ, tôi thích ở bên thầy Lý hơn nhiều.
Vậy nên sau kỳ thi đại học, khi thầy bảo tôi đến phòng làm việc để ước lượng điểm, tôi không do dự mà đồng ý ngay.
Nhưng không biết tại sao, vừa mở sổ đáp án, cơn buồn ngủ đột ngột ập đến như sóng dữ.
Đến khi tôi tỉnh lại, tôi đang nằm trên chiếc giường sofa trong phòng làm việc của thầy.
Ánh sáng ngoài cửa sổ mờ mờ tối, tôi không xác định được giờ giấc hay ngày tháng, chỉ cảm thấy toàn thân rã rời, đầu đau như búa bổ.
Trong bóng tối lờ mờ, tôi nhìn thấy một lớp mồ hôi mỏng đọng lại trên mặt thầy Lý.
“Em tỉnh rồi à? Lúc nãy em bị tụt đường huyết ngất xỉu. Mau về nhà đi, không ba mẹ em sẽ lo lắng.”
Tôi theo phản xạ định nói họ chẳng quan tâm tôi đâu.
Nhưng cơn đau âm ỉ nơi cơ thể đã khiến tôi quên mất điều đó.
Năm ấy, tôi mới mười lăm tuổi, còn chưa từng đến kỳ kinh nguyệt, thậm chí nghe đến chuyện tình dục cũng đủ thấy ghê tởm.
Về đến nhà, tôi ngồi xổm trên bồn cầu thật lâu, dùng giấy lau hết lần này đến lần khác.
Mỗi lần lau, vẫn có những vệt máu nhàn nhạt.
Một suy nghĩ vừa hoang đường vừa đáng sợ chợt lóe lên trong đầu tôi.
Tôi gào lên gọi mẹ.
Nhưng bà vẫn là dáng vẻ uể oải, thờ ơ như mọi khi.
Chỉ khi nhìn thấy vết máu trên quần lót của tôi, bà mới hơi giật giật mí mắt, sau đó ném cho tôi một túi băng vệ sinh rẻ tiền, hàng lẻ không thương hiệu.
“Quần lót bẩn thì tự giặt đi, lúc phơi nhớ để trong phòng ngủ.”
“Đừng để em trai con nhìn thấy mấy thứ bẩn thỉu đó.”