Bà Nội Muốn Làm Vua - Chương 3
8
Tôi đã chủ động tham khảo ý kiến luật sư, họ khuyên tôi trước hết nên thu thập đầy đủ bằng chứng, đợi đến khi mọi thứ thật sự chắc chắn rồi mới ra tay, như vậy mới có thể giải quyết triệt để vấn đề.
Tôi tìm lại được bản tin năm xưa đưa tin về vụ kiện sau khi ba tôi qua đời, bản gốc phán quyết của tòa án, và cả các bản sao kê ngân hàng – những chứng cứ then chốt.
Bà nội bọn họ chẳng phải rất thích lên mạng tỏ ra đáng thương sao? Nói rằng giúp mẹ mở quán, rồi bị mẹ vô ơn đuổi khỏi nhà?
Tôi gom hết bằng chứng lại, sắp xếp cẩn thận, rồi trực tiếp đến công an trình báo.
Cuối cùng, tôi đăng tuyên bố của luật sư lên tài khoản mạng xã hội của mình, đồng thời công khai tất cả chứng cứ.
Phán quyết của tòa in trắng trên giấy đen rõ ràng rành mạch: yêu cầu bà nội hoàn trả hai phần ba tiền bồi thường.
Việc năm đó họ đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà, còn từng lên hot search địa phương.
Quan trọng hơn cả, tôi còn tìm thấy hồ sơ vay vốn ngân hàng của mẹ, chứng minh rằng quán này là do mẹ tự mình vay tiền mở ra, không hề liên quan gì đến bà nội hay chú thím.
Những bằng chứng đó đã tát thẳng vào mặt đám họ hàng và dân mạng từng mắng chửi mẹ con tôi.
Dư luận bắt đầu nghiêng về phía chúng tôi.
Công an triệu tập bà nội đến đồn để giáo dục răn đe, nhưng dù sao bà cũng đã ngoài bảy mươi, chỉ có thể cảnh cáo rồi thả về. Không ngờ hôm sau, bà ta lại vác ghế nhỏ ra, ngồi chễm chệ trước cửa tiệm của mẹ.
Bà ta mặc áo bông cũ, hễ thấy ai là lại lau nước mắt than thở: “Tôi khổ quá, con trai chết rồi, con dâu cũng mặc kệ…”
Người đi đường cứ thế chỉ trỏ bàn tán, có người còn lén chụp ảnh rồi đăng lên mạng, kèm caption: “Tội nghiệp cụ bà bị con dâu ruồng bỏ, phải ngồi khóc trước cửa tiệm.”
Lại thêm một đợt cư dân mạng “ăn dưa” chẳng hiểu đầu đuôi vào hùa mắng tiếp.
Mẹ giận đến run cả người, nhưng vì xung quanh có quá đông người nhìn, đành kìm nén cơn giận bước ra: “Mẹ à, đừng làm ầm lên ở đây được không?”
Bà nội lập tức gào lên: “Tôi làm ầm gì chứ? Đến cái quán con trai tôi để lại mà tôi cũng không được ghé thăm à?” Bà ta cố ý hướng về phía đám đông, giọng lanh lảnh, “Mọi người coi mà xem, đây là quán con trai tôi để lại đấy!”
Tôi không nhịn nổi nữa, bước lên phía trước: “Bà nội, bà quên bản án của tòa rồi sao? Quán này là do mẹ tôi vay vốn mở ra, chẳng liên quan gì đến ba tôi hết!”
Không biết từ đâu chú tôi cũng mò tới, lập tức túm lấy tay tôi: “Cháu ăn nói với bà kiểu gì đấy? Còn biết phép tắc không?”
Mẹ liền kéo tôi ra sau lưng, chắn trước mặt tôi: “Rốt cuộc các người muốn gì?”
Chú cười khẩy: “Đơn giản thôi, hoặc giao quán cho tôi quản lý, hoặc…”
Chú liếc nhìn đám đông càng lúc càng đông: “Chúng tôi sẽ ngồi lì ở đây mỗi ngày, xem ai dai hơn ai!”
Bà nội phối hợp ngay, bắt đầu gào lên: “Con ơi là con! Con mất rồi thì chúng tôi sống sao nổi…”
Lúc này, chú Vương – chủ tiệm kim khí bên cạnh – không chịu nổi nữa, bước ra nói: “Bà cụ ơi, tôi mở tiệm ở đây mười mấy năm rồi, quán này đúng là do mẹ Kiều Kiều dựng nên. Hồi con trai bà còn sống, chỗ này vẫn còn là tiệm cắt tóc mà!”
Vài khách quen cũng lên tiếng: “Phải đấy! Bà chủ quán là người tốt! Hôm trước chẳng phải công an vừa cảnh cáo bà xong sao, sao giờ lại đến gây chuyện nữa?”
Sắc mặt bà nội lập tức thay đổi, định giở trò thì đúng lúc đó một cảnh sát chen qua đám đông tiến tới—thì ra là có người dân gọi báo.
“Lại là mấy người?” Anh cảnh sát nhíu mày nhìn bà nội và chú tôi, “Hôm qua chúng tôi đã nói rồi mà, còn tiếp tục gây rối sẽ xử lý theo Luật an ninh trật tự.”
Bà nội tỏ vẻ không sợ: “Tôi già rồi, chẳng ngán gì hết! Giỏi thì bắt tôi đi!”
Bà nội cứ gây chuyện như vậy, ngay cả cảnh sát cũng khó xử lý được, còn quán thì ngày càng ế khách.
Họ đã bám trụ trước cửa quán suốt nửa tháng nay.
Và hôm nay… họ lại tới nữa.
9
Tôi hít một hơi thật sâu, cố gắng nặn ra nụ cười, rồi ngồi xổm xuống trước mặt bà nội:
“Bà nội, đất lạnh lắm, bà đừng ngồi đây nữa.”
Tôi đưa tay đỡ bà dậy, cố tình nghẹn ngào nói:
“Thật ra bao nhiêu năm qua, cháu vẫn luôn nhớ bà…”
Mẹ sững người, kinh ngạc nhìn tôi:
“Kiều Kiều, con sao thế…”
Mắt tôi hoe đỏ, lạnh lùng quay sang nói với mẹ:
“Mẹ, mẹ đừng cố chấp như vậy nữa. Dù sao chúng ta cũng là người một nhà, ầm ĩ thế này chẳng hay ho gì cả.”
Mẹ định kéo tay tôi, nhưng tôi hất tay mẹ ra thật mạnh:
“Con thấy nên chăm sóc bà nội. Dù sao sau này quán này cũng là của con, giờ con giao cho chú quản lý thì sao nào?”
“Chừng ấy năm mẹ chưa từng chu cấp cho bà nội, giờ mỗi tháng ít nhất cũng phải đưa bà năm vạn.”
Mẹ vừa kinh ngạc vừa giận dữ:
“Vương Kiều! Con điên rồi sao?”
Tôi lớn tiếng quát lại:
“Con không quan tâm trước kia thế nào, nhưng bà là bà nội con, máu mủ ruột rà!”
Mắt mẹ lập tức đỏ hoe:
“Kiều Kiều… con đang trách mẹ à? Con chẳng phải từng nói hiểu cho mẹ sao?”
“Hiểu? Giờ cả thiên hạ đều biết chuyện nhà mình, ngày nào con cũng bị người ta chỉ trỏ bàn tán, con không cần mặt mũi nữa chắc?”
Tôi nghiến răng nói.
Mẹ nghẹn ngào, không thốt nên lời.
Tôi im lặng một lúc, rồi quay người kéo tay bà nội:
“Đi thôi bà nội, để mẹ ở lại đây mà tự suy ngẫm.”
Bà nội thoáng ngẩn ra, rồi lập tức mừng rỡ:
“Tốt tốt tốt, vẫn là Kiều Kiều của bà là hiểu chuyện nhất!”
“Kiều Kiều! Con định đi đâu vậy?” Mẹ vừa khóc vừa hỏi.
Tôi không trả lời, chỉ quay sang hỏi chú:
“Con có thể đến nhà chú ở được không?”
Chú gật đầu lia lịa:
“Được được, đương nhiên là được rồi!”
10
“Chú à, ban ngày cháu đi làm, tối mới về ăn cơm thôi.”
Chú lập tức sa sầm mặt:
“Mẹ mày không cho mày tiền hả? Mau về đòi bà ta tiền sinh hoạt phí đi!”
Tôi cố ý thở dài:
“Cháu dọn đến đây là để ép mẹ phải cúi đầu đấy chứ. Đợi bà ấy chịu không nổi nữa, thì quán với biệt thự chẳng phải đều là của mấy người sao?”
Mắt chú tôi sáng rỡ, nhưng vẫn làm ra vẻ khó xử:
“Có điều chi tiêu trong nhà…”
“Lúc nào lãnh lương cháu sẽ đưa tiền!” Tôi đập tay vào ngực cam đoan, “Dù sao mấy thứ này sau này cũng là của Bảo Bảo, cháu xem như bây giờ bắt đầu báo hiếu trước.”
Thím lập tức cười tít mắt:
“Đấy mới đúng là người một nhà!”
“À mà này,” tôi vừa bước đến cửa lại bất ngờ quay đầu, “Cháu thích ăn sườn xào chua ngọt với tôm rim đấy, nhớ nấu tối nay nha.”
Cả hai người cười đông cứng trên mặt, còn tôi thì chẳng buồn quay đầu lại, bỏ đi thẳng.
11
Tôi cố tình lẩm bẩm trước mặt bà nội:
“Bánh mật ong mới ra ở siêu thị trông ngon quá…”
Bà nội lập tức mắc câu, đập bàn giục tôi:
“Mau đi mua cho bà! Mua nhiều vào!”
“Nhưng bác sĩ bảo bà không được ăn đồ ngọt mà…”
“Quan tâm làm gì!” Bà trừng mắt, “Cái thân này bà tự biết rõ!”
Tôi giả vờ bất đắc dĩ, rồi xách về cả túi to đồ ngọt: bánh kem, kẹo mật ong, trà sữa trân châu…
Mắt bà sáng rực, nhào đến như sói đói.
“Ăn chậm thôi ạ,” tôi dịu dàng giúp bà cắm ống hút, “Lần sau cháu lại mua tiếp cho bà.”
Dạo gần đây, mắt bà nội mờ hẳn đi.
“Kiều Kiều, con học đại học, con nói xem bệnh của bà có nặng thêm không?” Chú tôi vừa xoa tay vừa hỏi, ánh mắt lộ rõ sự toan tính.
Tôi giả bộ trầm ngâm:
“Bác sĩ bảo nếu tiểu đường không kiểm soát tốt sẽ kéo theo nhiều biến chứng, như mù mắt, suy thận, phải cắt cụt chi…”
“Xì xì xì!” Bà nội cắt ngang, chụp lấy chiếc bánh mật ong trên bàn nhét vào miệng.
“Đám bác sĩ chỉ giỏi dọa người! Bảo bà đường huyết lúc đói là 12, ăn xong lại vượt chuẩn, rồi dọa nào là mù, nào là cắt chân, càng nói càng ghê!”
Bà vừa nhai vừa lắc đầu, lại cầm lấy ly trà sữa hút một hơi:
“Ngọt quá, ngon thật!”
Tôi cúi đầu, che đi nụ cười lạnh khóe môi.
Bà đâu biết, đường huyết của bà sớm đã có vấn đề.
Sở dĩ giờ chưa phát bệnh, chẳng qua trước kia chú tôi đối xử với bà như trâu ngựa – chưa sáng đã bắt ra quét đường, nửa đêm mới cho về, ngày thường chỉ cho ăn đồ thô. Chính những ngày khổ đó lại vô tình giúp bà kiểm soát đường huyết.
“Bà nội, cái này cháu không rành đâu,” tôi giả vờ lo lắng, “Nhưng lời bác sĩ vẫn nên nghe theo. Sau này cháu không mua đồ ngọt nữa.”
“Bà muốn ăn!” Vương Bảo Bảo đột ngột từ trong phòng lao ra, gom hết đồ ăn vặt vào trước mặt, lớp mỡ trên mặt rung lên theo từng động tác.
Bà nội lập tức bênh:
“Ăn đi! Cứ ăn thoải mái! Ăn hết thì bảo chị mày mua nữa!”
“Bà không được ăn!” Vương Bảo Bảo giật phắt cái bánh trong tay bà, lườm bà một cái sắc lẹm.
Tôi nhìn cảnh đó mà trong lòng cười lạnh liên tục.
Mấy năm qua, cuộc sống của bà nội chẳng sung sướng gì.
Bà ta đem toàn bộ tiền bồi thường của ba tôi đưa cho chú, rồi đứng tên vay mua căn nhà này.
Để trả nợ, cả nhà thắt lưng buộc bụng, ngoài Bảo Bảo được ăn ngon mặc đẹp, còn lại chẳng ai có gì.
Còn thằng Bảo Bảo ấy—đứa tiểu bá vương được nuông chiều đến hư—tám tuổi rồi còn chưa biết tự lau mông, cả ngày chỉ ăn với chơi game, hễ không vừa ý là đánh đấm cả nhà.
Chú thím thì thấy con mình không chịu thiệt là được, chẳng bao giờ dạy dỗ.
12
Vương Bảo Bảo ngày càng vô pháp vô thiên, ức hiếp người yếu, trộm vặt, nói dối như cơm bữa, đúng là tai họa của cả khu dân cư.
Thế mà trong mắt bà nội, nó vẫn luôn là “đứa cháu đích tôn thông minh lanh lợi”, ai mà dám chê một câu, bà sẽ chống gậy ra chửi cho đến khi đối phương cứng họng mới thôi.
Vừa ăn, bà vừa lầm bầm:
“Cháu phải đối xử tốt với Bảo Bảo. Sau này lấy chồng rồi, trong nhà không có đàn ông là không được, Bảo Bảo chính là chỗ dựa của cháu đấy.”
Nói xong còn lườm tôi một cái:
“Có thời gian thì đi khuyên mẹ mày, sớm giao quán cho chú mày quản lý. Bảo bà ấy về quê hầu hạ tao, cũng coi như tận hiếu thay cho ba mày rồi.”
“Tối nay làm món thịt chiên giòn sốt chua ngọt, thêm sườn xào chua ngọt, rồi nấu ít bánh trôi với bánh chẻo.”
Bà ngồi chễm chệ trên sofa chỉ huy như bà hoàng.
Thím bất chợt thở dài một tiếng, lấy tạp dề chấm chấm đôi mắt chẳng có tí nước nào:
“Nhà mình điều kiện kém, ngày thường tiết kiệm lắm, cả tháng cũng chẳng dám mua thịt một lần…”
Tôi nhanh chóng nhìn ra ý đồ của bà ta, liền thuận miệng nói:
“Thím yên tâm, lãnh lương là cháu nộp tiền ngay. Dù sao quán với biệt thự sau này cũng là của Bảo Bảo, bây giờ cháu báo hiếu sớm một chút thôi mà.”
Quả nhiên câu này có hiệu quả tức thì, thím cười tít cả mắt, mấy nếp nhăn trên mặt cũng giãn ra hẳn.
Chú tôi cũng lại gần phụ họa:
“Nói vậy mới phải! Phụ nữ mà, nhà mẹ đẻ mới là chỗ dựa. Sau này Bảo Bảo là người chống lưng lớn nhất của cháu đấy!”
Nói xong còn ngân nga một giai điệu rồi thong dong ra ngoài tản bộ.
Thím mãn nguyện quay vào bếp nấu ăn, tiếng xoong nồi nghe cũng nhẹ nhàng hẳn lên.
Trên ghế sofa, Vương Bảo Bảo ngủ say như chết, khóe miệng còn dính đầy mứt đường.
Bà nội nhặt nửa miếng bánh nó ăn dở nhét vào miệng, vừa nhai vừa lẩm bẩm:
“Bánh này ngon đấy… mai mua nhiều chút… trà sữa nhớ thêm hai phần đường…”
________________________________________
13
“Kiều Kiều! Mau đến bệnh viện đi, bà nội con ngất rồi!”
Nửa tháng sau, thím gọi điện tới vào buổi chiều, giọng đầy hoảng hốt.
Tôi bình thản đứng dậy, rót cho mình một ly cà phê:
“Thím à, con đang tăng ca. Không nộp đủ chỉ tiêu thì bị trừ thưởng đó.”
“Nhưng… nhưng bác sĩ bảo là biến chứng tiểu đường rất nghiêm trọng…”
“Vậy thì càng phải chăm sóc bà nội cẩn thận nhé.”
Thím ngập ngừng:
“À… vậy tiền thuốc…”
Tôi lập tức hiểu ý, nhỏ giọng nói:
“Thím cứ ứng trước đi, con lãnh lương xong sẽ trả lại. Nhưng mà… nếu bà nội có mệnh hệ gì, con sợ mẹ con lại lật lọng, không chịu chu cấp dưỡng lão.”
Mặt thím hiện rõ vẻ khó xử:
“Nhưng… thím cũng chẳng có bao nhiêu tiền…”
Tôi liền bồi thêm một nhát:
“Mẹ con có mấy trăm triệu tiền tiết kiệm đấy, chút tiền thuốc có đáng gì đâu?”
“Kiều Kiều nói đúng! Cháu yên tâm, bà nội con để tụi thím lo!”
Cúp máy xong, tôi ngửa đầu nhìn lên trần nhà, ký ức về đêm mưa mười năm trước ùa về.
Hôm ấy, mẹ ôm tôi quỳ gối trước cửa nhà bà nội, mưa hòa lẫn với nước mắt làm ướt đẫm cả vạt áo của mẹ.
Còn bà nội thì đứng ngay trong khung cửa, cười lạnh lùng buông một câu:
“Cút đi, đừng làm mất mặt ở đây.”